- “La Pléiade” vừa trân trọng giới thiệu tiểu thuyết hư cấu của ông trong hai số liền. Điều đó có ý nghĩa gì với ông?
Đó là một đặc quyền lớn lao mà NXB Gallimard dành cho tôi. Tôi ý thức được điều đó và rất vui. Hàng năm vào sinh nhật tôi vẫn mua một tập của “La Pléiade”. Tôi phải tiết kiệm tiền cả năm mới tự tặng mình một món quà như vậy hàng năm.
- Ông có nhớ tập đầu tiên mà ông đã mua không?
Đó là tác phẩm của Rimbaud. Tôi mê tác giả này từ lúc còn trẻ.
- Ông đã có được tất cả vinh dự trên thế giới, ông sang tác nhiều thể loại văn học, nhận nhiều giải thưởng. Vậy những thách thức tiếp theo của ông là gì? Còn gì để ông thử nghiệm nữa đây?
Còn biết bao điều tôi chưa làm mà. Tôi biết rằng tôi không có thời gian để thực hiện tất cả. Nhưng khi tôi còn sống, tôi sẽ cố gắng không ngừng làm mới mình. Các kế hoạch của tôi hiện nay đặc biệt dành cho văn học: tôi còn biết bao câu chuyện muốn kể!
Tôi có một dự án rất tham lam mà chắc sẽ chả có đủ thời gian để hoàn thành, đó là chủ đề về tự do. Tôi muốn kể câu chuyện làm thế nào mà một ông, sống trong một làng nhỏ xứ Scotland, đã bắt đầu tự đặt câu hỏi: tự do là gì. Nó tạo ra một dòng chảy lịch sử, xã hội, văn hóa, kinh tế; điều mà cuối cùng cho phép xã hội biến chuyển.
Tôi muốn kết thúc cuộc đời mình bằng cách ít nhất là bắt tay viết cuốn sách này.
- Phải chăng nước Pháp và nền văn học Pháp đã làm nên ông? Liệu ông có thể trở thành nhà văn không, nếu vẫn ở Peru?
Nếu vẫn ở Peru, tôi sẽ trở thành một nhà văn rất khác. Các trải nghiệm ở Châu Âu của tôi đã khiến tôi thay đổi sâu sắc. Nó góp phần tạo nên tôi, làm nên con người tôi như hôm nay. Nếu không có kinh nghiệm sống ở nước ngoài, tôi sẽ không trở thành nhà văn như tôi hôm nay.
Ảnh hưởng lớn nhất đánh dấu nơi tôi là ảnh hưởng của nước Pháp. Hồi trẻ, tôi ngốn ngấu đọc các tác phẩm cổ điển Pháp. Ngay khi bắt đầu học tiếng Pháp ở trường đại học, tôi đã đọc bằng tiếng Pháp và tôi đọc chủ yếu các tác giả Pháp. Rồi 8 năm sống ở Pháp vào đầu thập niên 60 là những năm quan trọng nhất trong sự học hành của tôi.
Chính ở Paris tôi đã thực sự trở thành nhà văn. Cũng chính ở Paris tôi đã khám phá Châu Mỹ - La Tinh có góc nhìn văn hóa và văn học, cái mà trước đó tôi hoàn toàn mù mờ. Thời đó, người ta sống trong sự chia cắt nào đó của đất nước. Tôi còn chưa có ý thức về sự tồn tại của một thực thể văn hóa.
Nước Pháp đã mang đến cho tôi ý tưởng về tính phổ quát: anh không chỉ viết về một nơi nho nhỏ nào đó quanh anh. Tầm nhìn của người sáng tạo văn học nghệ thuật phải là tầm nhìn của thế giới. Ngoài tính phổ quát này, là tiếng gọi tự nhiên của văn hóa Pháp. Và tính phê bình, một đặc tính cơ bản khác của văn hóa Pháp, nó rất hiện hữu trong cách viết của tôi.
- Là người Peru trở thành người Tây Ban Nha, rồi ông đã sống ở Bolivia, Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Ông có cảm thấy mình như một nhà văn Nam Mỹ không? Hay là một nhà văn toà
n cầu?
Nếu anh là một nhà sáng tạo thực thụ, anh ở khắp nơi. Ngay cả khi gốc rễ của anh gắn với một nơi nào đó. Tôi nói tiếng Tây Ban Nha - Peru. Trong những cuốn sách thực hiện ở Peru, tôi đặc biệt sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha - Peru này, nhưng nếu nó được thực hiện ở Brazil hay Cộng hòa Dominica, tôi sẽ viết bằng tiếng Tây Ban Nha phổ thông.
Tính tư duy, tầm nhìn mà tôi có với tư cách nhà văn không bị đóng dấu bởi một xã hội đặc thù nào. Kinh nghiệm của tôi là luôn toàn cầu hơn. Vả lại, văn chương thực thụ thì luôn luôn phổ quát. Tôi cảm thấy vững vàng ở khắp nơi, tôi biết tôi sống ở đâu. Hiện tôi sống ở Tây Ban Nha, nơi tôi tham dự vào đời sống văn hóa Tây Ban Nha.
Cũng vậy khi tôi sống ở Anh, Pháp hay Mỹ. Tôi hòa nhập ngay lập tức với nơi tôi sống. Ngay cả những nơi có thể có vẻ kỳ lạ với tôi, thì tôi cũng cảm thấy như nhà mình. Tôi trở thành một công dân thế giới như thế đấy. Đó là đặc quyền của các văn sĩ, các nghệ sĩ. Ngay cả khi anh không ra khỏi nước mình, thế giới của một người sáng tạo cũng không bị giới hạn bởi các biên giới.
- Thời trẻ ông đã ngốn ngấu các tác phẩm cổ điển. Trong khi đó, cha ông đã từng tìm cách để tránh cho ông khỏi ảnh hưởng của văn chương. Điều gì trong ông đã quyết định cái nhu cầu viết lôi cuốn này?
Đó là một sự lựa chọn. Người ta thường có một khuynh hướng nào đó, và vào một lúc nào đó, ta chọn trở thành nhà văn. Vậy thì như Flaubert nói, viết đã trở thành một cách sống. Và ta tổ chức toàn bộ đời sống của ta theo sự lựa chọn đó. Tất cả đều dẫn tới viết và viết.
Năm 1958 tôi ở Madrid và lấy bằng Tiến sĩ Văn học. Tôi đã hiểu rằng nếu tôi muốn trở thành một nhà văn, tôi phải cấu trúc cuộc sống của tôi hòan toàn theo tiếng gọi đó. Tôi đã biết từ lúc đó rằng viết phải trở thành mối bận tâm đầu tiên của tôi và tôi phải tự điều chỉnh các năng lượng của mình để viết, ngay cả nếu tôi phải làm việc ở đâu đó để kiếm sống.
Tôi đã rất may mắn bởi vì ở Paris tôi đã tìm được những công việc cho tôi có thời gian rảnh. Tôi làm những việc này chỉ với lý do duy nhất là nó cho phép tôi viết hàng ngày một cách có kỷ luật.
- “Tiểu thuyết là câu chuyện riêng tư của các dân tộc” là một câu dẫn của Balzac được nhấn mạnh trong cuốn “Trò chuyện trong quán La Cathedral”. Ông theo đuổi mục tiêu nào qua tác phẩm hư cấu của ông?
Tiểu thuyết diễn tả đời sống xã hội của một viễn cảnh mà không phải viễn cảnh của lịch sử, của xã hội học, hay của báo chí. Nó không chỉ phản ánh hành động của con người, mà còn cả đời sống nội tại họ. Văn học có thể trăn trở về những giấc mơ, những ảo tưởng. Cái không gian bí mật này thoát khỏi lịch sử. Nó cho chúng ta cái nhìn tổng thể về cuộc sống.
- Ông có cảm thấy vừa bất lực với việc nhà văn sống trong thế giới thực, vừa cảm thấy mạnh mẽ để tạo ra một thế giới khác nhờ sức mạnh của trí tưởng tượng? Ông có sống cuộc sống của các nhân vật anh hùng của ông?
Người ta xây dựng các nhân vật. Nhưng điều rất thú vị ở chỗ vào một lúc nào đó, các nhân vật giải phóng khỏi tác giả và trở thành những người tự do, có những tính cách riêng của họ mà ta phải tôn trọng. Ta không thể áp đặt cho họ một cách ứng xử nào đó. Khi ta phát hiện ra rằng có một sự bắt chước cuộc sống thực sự, đó là lúc thích thú nhất và cũng cảm động nhất trong công việc viết văn.
- Ông đôi khi đã lấn sân sang chính trị, khi ông ra ứng cử tổng thống Peru, hay bây giờ trong việc bảo vệ thể chế dân chủ ở Venezuela. Ông làm thế nào để duy trì sự cân bằng tế nhị này?
Văn học mãi luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi tham dự vào các cuộc tranh luận chính trị với tư cách nhà văn, đặc biệt bằng cách viết. Thời gian ra ứng cử tổng thống chỉ là một giai đọan rất ngắn trong cuộc đời tôi.
Chính bằng những bài tôi viết trên báo, tôi tham dự vào các cuộc bàn luận công cộng. Tôi tin đó là một trách nhiệm, không chỉ đối với các nhà văn mà đối với tất cả mọi người. Nếu anh không tham gia vào đời sống chính trị, anh không có quyền than phiền. Đó là một trách nhiệm công dân và đạo đức. Nhưng chính trị không phải là tiếng gọi của tôi.
- Theo ông, đâu là tương lai của văn học khi đối diện với cơn bão về hình ảnh và giải trí?
Văn học sẽ sống tiếp. Nhưng sẽ là rất buồn nếu văn học chỉ sống trong các hầm mộ, một cách ngoài lề. Cũng có thể rằng phần lớn xã hội có thể từ chối văn học và chọn hình ảnh để giao tiếp, để thông tin hoặc để giải trí. Nó sẽ là một sự bào mòn khủng khiếp trong đời sống nếu điều đó xảy ra. Đó sẽ là do xã hội lựa chọn chứ không phải một định mệnh.
Ngôn ngữ và văn học không thể bị thay thế bởi các hình ảnh nhân tạo. Những hình ảnh không có khả năng ý thức về thực tế một cách phức hợp. Khi công chúng nhận hình ảnh, họ trở nên thụ động. Tư duy phê bình sẽ biến mất cùng với văn học. Tất cả những điều đó, thật may, vẫn còn khá xa. Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại.
- Từ nào là từ yêu thích của ông?
- Tự do! Bởi
tự do cho phép con người và xã hội phát triển. Nó hỗ trợ giao tiếp và sự gắn kết hòa bình giữa con người. Đó là một cơ bản về quyền con người. Tóm lại, tự do đã tạo nên tất cả các tiến bộ của nhân loại.