NHƯ CÓ GIÓ THỔI VỀ NAM

Thứ hai - 25/04/2016 04:26

(NCTG) “Mỗi lúc con nhìn con mình lớn lên, con lại tiếc những khoảnh khắc ấy ta không chia chung với nhau được trong đại gia đình. Để lại tự hỏi, giây phút này ở nơi xa kia, con đã bỏ lỡ điều gì khi không được đi cùng tuổi già cha mẹ? Còn bao tháng, bao năm con sẽ bỏ đi cơ hội ấy? Để một ngày, sẽ không còn hơi ấm để trở về?”.

Minh họa: miradionk.hu

Minh họa: miradionk.hu

Nhiều năm xa nhà, câu hỏi chúng tôi hay gặp là: “Có nhớ nhà không? Có về nhà hàng năm không?”. Lúc nào chúng tôi cũng cười xòa: “Giờ có mạng lúc nào cũng nói chuyện được, nên cũng không thấy thiếu, cũng không phải về thường xuyên”. Trả lời xong, tâm trí vẫn vất vưởng ở câu hỏi ấy. Khó nói với bất kỳ ai rằng cái vé 700-800 Euro nhiều khi cũng là đắt, nhiều khi bố mẹ dặn con “thôi đừng về tốn kém”. Hay an ủi bằng lời cảnh báo của bạn bè “về Tết mệt lắm”, “về hè nóng lắm”, “về mùa này trẻ con dễ ốm, về mùa kia hay bệnh”... để mỗi Tết lại lặng nghe chồng chơi bản “xuân này con không về”... Vậy thôi, còn ngày thường, nhiều khi giật mình, hình như mình không còn nhớ nhà?

Người Pháp hay nói “passer un bon moment ensemble”, dịch thô là “cùng trải qua một quãng thời gian vui cùng nhau”. Ừ mạng có đấy, nhắn tin gọi điện hàng tuần, nhưng không thể có cảm giác “bon moment ensemble”. Cái cảm giác “bên nhau” một cách hiện hữu truyền một năng lượng khác lắm. Những giây phút “không lời” lại hằn sâu vào trí não hơn vạn cuộc chuyện trò. Ngắm mẹ vẫn tất tả chạy ra chạy vào chuẩn bị bữa cơm, dáng mẹ vẫn tất tả thế, dù chỉ luộc mớ rau và cắm cái nồi cơm điện! Lưng lấm tấm mồ hôi, như ngày xưa thồ hàng trên cái xe đạp mini kiếm thêm ngoài giờ dạy. Chị lại càu nhàu, vẫn vì không tìm thấy cái gì đó để sai chỗ, gần bốn chục tuổi đầu, cái mặt xị ra vẫn chả khác cái ảnh chụp lúc 5 tuổi đang dỗi bố mẹ, rồi lại cười tít mắt ngay đấy. Bố vẫn lơ đãng, xuýt xoa vì lại quên đóng cửa lồng chim, để mấy con vàng anh sáo sậu gì đó bay mất. Vài tháng bố lại “phóng sinh” bất đắc dĩ một lần. Lưng bố còng hơn rồi, nhưng cái bước đi sải dài mà thong dong lơ đãng vẫn giống thời con lẽo đẽo bám chân bố di dạy bổ túc ban đêm.

Ngồi yên giữa ngôi nhà mới nhưng giữa những con người “cũ”, ngắm những dáng dấp có đi giữa chợ đông cũng không lạc, nghe những câu đối thoại, càu nhàu hay đùa trêu nhau, biết bao là thân quen! Dù có đi bao xa, bao lâu, trở thành ai, về ngồi bên nhau, con vẫn là con út bé bỏng, tồ tẹt, làm cái gì cũng hậu đậu, được che chở, tha thứ, bao bọc. Giữa mùa hè nóng gắt, gần bố vẫn thấy hơi ấm ngày xưa con hay chui vào chăn bố, ngủ nướng hưởng ké cái ấm sực còn đọng lại. Không chạm vào mẹ cũng thấy cái êm ái mỗi đêm xưa được ngủ gác chân lên eo mẹ. Ngồi bên chị trước hồ sen, dõi mắt về xa, nói với nhau những câu chuyện cuộc đời hôm nay, có nhiều nỗi niềm cất giấu nghẹn lời. Như ngày xưa, ngủ chung giường, chị em mình kẻ nói nửa câu người kia đoán ra lời tiếp, nhưng đối lập đủ đường, em ngây ngô thô vụng, chị lại vững vàng mà duyên ngầm. Luôn là người thân thiết nhất, mà vẫn là hai khoảng trời riêng tách biệt, để không cần nói một lời, nhật ký người này có để mở, kẻ kia cũng không ghé mắt nhìn.

Những giây phút đầy yêu thương và ký ức ấy, lan tỏa khi chúng ta bên nhau, bao lời nói qua điện thoại, bao hình ảnh nhìn qua màn hình, cũng không đánh đổi được. Nhưng để có thể yên lòng nhau, ta vẫn nói với nhau: “Có thiếu gì đâu”.

Bên nhà anh, chúng ta chưa thức một đêm bên gường bệnh của phụ huynh, mẹ dồn những lời không nói được vào những mũi đan, bố giấu đi những hộp thuốc ngày con cháu quây quần hiếm hoi. Cuộc nói chuyện trước màn hình không truyền được cái rét mướt mùa đông luồn qua khe cửa buốt xương mẹ, không dẫn con về cùng bố chặn cái sân mưa nước trào vào bếp. Con không ngồi tiếp chuyện mẹ được sau mỗi bữa trưa, gật gù nghe bình phẩm mấy bộ phim Hàn Quốc, chưa vâng dạ xong đã nhận ra chỉ còn mình mình đang thức ngồi xem, ấy vậy mà chớ dại tắt đi, ông bà sẽ choàng tỉnh dậy, như đứa trẻ giật mình vì thiếu tiếng ru! Con ngồi ăn hết những món mẹ nấu, ông sửa cho cháu cái đồ chơi nhấp nháy đủ màu, là niềm vui ánh lên ngập đôi mắt.

Xa nhau, giả vờ chẳng nhớ những thứ vụn vặt, để chân bước đi bớt nặng. Nghe câu trả lời “ổn cả”, “vẫn bình thường”, để dối lòng dẹp đi mong nhớ. Nhưng những mưa nắng đời thường , những khóc cười bên nhau, pha cho nhau cốc chanh đào, xức cho nhau chút dầu gió, là những thứ “bình thường” ta chia nhau cùng gia vị của bao thương yêu, mà xa nhau, không giá nào đổi lại được.

Không phải vì lại sắp những sinh nhật nữa ta không bên nhau, không phải vì những đêm không bên giường bệnh cùng cha mẹ qua những khoảnh khắc nguy nan. Mỗi lúc con nhìn con mình lớn lên, con lại tiếc những khoảnh khắc ấy ta không chia chung với nhau được trong đại gia đình. Để lại tự hỏi, giây phút này ở nơi xa kia, con đã bỏ lỡ điều gì khi không được đi cùng tuổi già cha mẹ? Còn bao tháng, bao năm con sẽ bỏ đi cơ hội ấy? Để một ngày, sẽ không còn hơi ấm để trở về?

Mai này, biết rằng sẽ nói với con mình: “Hãy tung bay thật xa, con ổn là cha mẹ yên lòng rồi”, mà có nhiều khi, cánh chim bay xa vẫn rối bời, bay về phương Bắc mà như thấy gió vẫn thổi về Nam...

Bùi Uyên, từ Paris (Pháp)


 
 Từ khóa: trở về
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn