VỀ CUỐN SÁCH “LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG TRONG NỀN VĂN HỌC MỸ”

Thứ tư - 20/04/2016 00:07

(NCTG) “Ngay cả những người chỉ huy cũng phải thừa nhận rằng những thành quả thắng lợi đã bị mục ruỗng, và người thuật truyện cũng đến hồi phải nhận ra “trò đùa này, về việc làm sao mà một cuộc cách mạng chiến đấu cho độc lập tự do lại có thể biến những thứ đó thành ra thấp kém chẳng bằng con số không”.

Minh họa: Yuko Shimizu

Minh họa: Yuko Shimizu

Lời Tòa soạn: Một người Mỹ gốc Việt, ông Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt), hôm 18-4 vừa qua đã được nhận Giải thưởng Pulitzer danh giá dành cho tiểu thuyết đầu tay của ông nhan đề “The Sympathizer” (tạm dịch là “Gã cảm tình”, NXB Grove, 2015).

Tác giả Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1972, di tản và tỵ nạn cùng gia đình tại Hoa Kỳ sau biến cố tháng 4-1975. Sống ở Los Angeles, nghiên cứu về ngôn ngữ, văn chương Anh, Hoa Kỳ học và Dân tộc học, ông có bằng Tiến sĩ và hiện là Giáo sư tại Đại học Nam California.

Xuất bản năm 2015, “The Sympathizer” được “The New York Times” (Thời báo New York) liệt vào hàng 100 tác phẩm đáng chú ý nhất của năm. Bên cạnh đó, sách cũng được đề cử cho các giải thưởng Los Angeles Times Book Prize 2015 và PEN/Faulkner Award 2016.

Giải thưởng Pulitzer được trao cho các tác phẩm xuất sắc của tác giả Mỹ trong các hạng mục văn chương, báo chí, kịch nghệ và âm nhạc. Sau khi đoạt giải, Giáo sư Nguyễn Thanh Việt hôm 19-4 đã có lời chia sẻ bằng tiếng Anh trên trang nhà thuộc mạng xã hội Facebook:

“Đoạt giải Pulitzer dĩ nhiên là một điều tuyệt vời cho bản thân tôi. Nhưng chỉ vài phút sau khi hay tin, tôi nghiệm ra rằng mình mang ơn bao nhiêu người đi trước trong cuộc đấu tranh vẫn chưa dứt cho một xã hội công bằng, cho hoà bình và công lý đối với mọi thành phần xã hội khắp mọi nơi.

Tôi mắc nợ những người đã từng chiến đấu cho quyền công dân, cho phong trào cấp tiến và quyền bình đẳng kinh tế, bởi vì những điều ấy liên quan trực tiếp đến công lý trong thế giới văn chương. Không thể có một nhà văn da màu, thuộc bất cứ thành phần thiểu số nào, dám vỗ ngực tự hào rằng sự thành công của mình là hoàn toàn do mình tạo nên.

Chúng ta phải đội ơn những tiền nhân đã trải bao gian nan khổ cực xây nền dựng móng để kẻ hậu sinh có thể vươn lên và đạt được những thành tựu cá nhân. Không phải ai trong số đó cũng may mắn được người đời nhớ đến, phần lớn đã trôi vào lãng quên. Nhưng bổn phận của chúng ta là phải biết ơn tất cả” (*).

Bài điểm sách sau đây của tác giả Philip Caputo đăng trên “The New York Times” số ra ngày 2-4-2015. Bản tiếng Việt do Leonvu Quant chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh. Nhan đề Việt ngữ do NCTG tạm đặt. Trân trọng giới thiệu. (NCTG)

(*) Nghĩa Bùi chuyển ngữ.
 
Tác giả Nguyễn Thanh Việt - Ảnh: lithub.com
Tác giả Nguyễn Thanh Việt - Ảnh: lithub.com

Một đất nước càng hùng cường, thì người dân của nó sẽ càng dễ xuôi theo hướng coi nó là nhân vật chính trong cái hoạt cảnh đôi khi lố bịch, và thường là bi thảm, của lịch sử. Vâng đó chính là trường hợp chúng ta, những công dân của một siêu cường, vẫn thường coi Chiến tranh Việt Nam là một tấn kịch đơn thuần của Mỹ, ở đó mảnh đất hổ voi sốt vó này thuần túy là hậu cảnh và người Việt thuần túy giữ vai quần chúng.

Cách nhìn đó được phản ánh trong văn học [Mỹ] - và Việt Nam đã là một cuộc chiến đầy chất văn học, đẻ ra cả một tàng thư các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Trong cả khối các tác phẩm ấy, bạn sẽ thấy chỉ có lẻ loi vài tác phẩm (kể như “A Good Scent From a Strange Mountain” - “Hương thơm từ núi lạ” của Robert Olen Butler) với các nhân vật người Việt có tiếng nói theo cách của riêng họ.

Hollywood còn đặt nặng trọng-tâm-Mỹ hơn nữa. Trong các phim như “Apocalypse Now” (Giờ Tận diệt) và “Platoon” (Trung đội), người Việt (thường là dân Châu Á khác diễn vai người Việt) chả bao giờ hơn các cái bóng di động mà vai trò chính yếu dường như chỉ để chết hoặc than khóc trên đống tro tàn của các ngôi làng bị tàn phá.

Điều đó đưa tôi đến với cuốn tiểu thuyết đầu tay nổi bật của Nguyễn Thanh Việt, “The Sympathizer” (Gã cảm tình) - Nguyễn, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên tại Hoa Kỳ, đem đến một góc nhìn độc đáo về cuộc chiến tranh này và hậu quả của nó. Cuốn sách của anh lấp đầy khoảng trống trong nền văn học [Mỹ], vừa đem lại tiếng nói cho người trước đây chưa có tiếng nói vừa thúc giục những người còn lại trong chúng ta nhìn lại các sự kiện của bốn mươi năm về trước dưới luồng sáng mới.

Nhưng cuốn tiểu thuyết bi hài này còn vươn qua cả bối cảnh lịch sử của nó để soi tỏ các chủ đề phổ quát hơn: các quan niệm lầm lẫn và các hiểu lầm bất tận giữa Tây và Đông, cùng các nan đề đạo đức mà con người ta phải đối mặt khi buộc phải lựa chọn không phải giữa đúng sai phải trái, mà là giữa đúng và phải. Người thuật truyện - nhân vật chính không tên - một nhân vật đáng nhớ dù ẩn danh, là một người Việt kiểu Mỹ với tâm hồn chia cắt, tài nghệ của Nguyễn khi lột tả kiểu tính cách lưỡng phân này đáng để so sánh với các bậc thầy như Conrad, Greene và le Carré.

Đặc tính kép theo đúng nghĩa đen nằm ngay trong máu nhân vật chính, vì anh là một đứa-con-lai, gã con ngoài giá thú của người mẹ là một cô bé người Việt mới lớn (người anh ta yêu thương) và một linh mục Công giáo người Pháp (người anh ta căm ghét). Sự chia tách trong bản chất con người anh càng căng rộng khi anh được giáo dục tại Hoa Kỳ, nơi anh học nói tiếng Anh không mắc giọng và hình thành một mối quan hệ yêu-ghét khác, mối quan hệ với đất nước mà anh ta cảm thấy đã đặt ra quá nhiều chữ “siêu” (siêu thị, siêu cao tốc, giải Siêu Bô-ling, vân vân) “từ cái ngân hàng liên bang đầy vẻ huyễn-ái chính nó”.

Khả năng nhào lộn để cân bằng giữa hai thế giới vừa là điểm mạnh và là điểm yếu của người thuật truyện, như anh ta vạch rõ trong những dòng mở đầu:

Tôi là một điệp viên, một kẻ nằm vùng, một ma rết, một kẻ hai bộ mặt. Hẳn chẳng có gì lạ khi tôi cũng là một kẻ hai trí óc,... có thể nhìn bất kỳ vấn đề gì từ cả hai phía. Đôi lúc tôi tự tâng bốc mình rằng đó là một cái tài”, anh tiếp tục, nhưng “tôi băn khoăn liệu tôi có gì đáng được gọi là tài. Rốt cục thì tài là cái mà bạn sử dụng, chứ không phải là cái sử dụng bạn. Tài mà bạn không thể sử dụng, thì cái tài đó nuốt chửng bạn - thành ra là một mối họa”.

Và cái họa thành hình.

Thuật truyện của nhân vật chính, dưới dạng lời thú tội viết cho một người bí ẩn được gọi là “chỉ huy”, bắt đầu vào những ngày cuối của cuộc chiến, khi các lực lượng Cộng sản áp sát Sài Gòn. Người thuật truyện là cánh-tay-mặt của “vị tướng” (một trong vài nhân vật không tên giống như người thuật truyện), là Giám đốc Nha Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, cùng với nó, có Sở Mật vụ, tức cảnh sát mật.

Nhưng người thuật truyện cũng là một gián điệp, một đặc vụ Cộng sản chìm được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của vị tướng và Sở Mật vụ. Bạn thân nhất của anh là Bổn, một tay ám sát trong Chiến dịch Phụng Hoàng của C.I.A., “một gã yêu nước đích thực” tình nguyện tham chiến sau khi cha anh ta bị Cộng sản sát hại vì tội là lý trưởng. Đầu mối với Bắc Việt của người thuật truyện, Mẫn, cũng là một mối thân tình cũ. Sự thực, người thuật truyện, Bổn và Mẫn là bạn cùng lớp PTTH, những người bạn thời trẻ trâu nông nổi đã thề gắn bó với nhau bằng cách trở thành anh em kết nghĩa. Mối quan hệ phức tạp này, với người thuật truyện nằm giữa cuộc xoay vần, bị giằng xé bởi các mối trung nghĩa đối chọi, là công thức dẫn đến các bội bạc bi thảm, lần hồi, hết lần này đến lần khác.

Móc nối qua một chân rết C.I.A. tên Claude, người thuật truyện rộng tay phân phát các khoản hối lộ để thiết lập một cuộc di tản không vận tới Hoa Kỳ cho vợ chồng vị tướng và đại gia đình họ. Bổn cũng được nhấc đi di tản cùng cả vợ và con. Người thuật truyện muốn ở lại để giữ vị trí của mình trong một nước Việt Nam thống nhất, nhưng Mẫn, đã thuyết phục là vị tướng và nhóm theo chân sẽ âm mưu cuộc phản cách mạng từ hải ngoại, nên giao cho anh nhiệm vụ mới kéo dài thêm từ nhiệm vụ cũ: “Vị tướng không phải là đối tượng duy nhất dự định tiếp tục chiến đấu”, Mẫn giải thích. “Cuộc chiến đã kéo dài quá lâu để địch có thể đơn giản dừng lại. Nên ta cần có ai đó để mắt đến chúng”.
 
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách

Nguyễn đưa ra một bức tranh dồn dập về sự sụp đổ của Sài Gòn, trong rối bời, hỗn loạn và hoảng sợ, khi người thuật truyện trốn chạy cùng những người khác dưới bão tố lửa đạn của Việt Cộng và các đồng chí Bắc Việt. Vợ con Bổn bị giết trước khi máy bay của họ cất cánh, khiến anh ta có thêm hai mạng phải báo thù.

Lối dẫn chuyện sục sôi giàu hình ảnh này được sắp đặt trong 50 trang đầu của cuốn tiểu thuyết, sau đó chuyển sang mức dịu lửa. Từ lược đồ đó, cùng khởi đầu dữ dội, người đọc đi tới một đoạn đượm chất giang hồ thuật lại các trải nghiệm của người thuật truyện trong vai một người-tỵ-nạn-kiêm-gián-điệp ở Los Angeles. Anh kiếm được một công việc văn phòng với vị giáo sư cũ của mình, cặp kè với một phụ nữ hơn tuổi người Mỹ gốc Nhật và gửi tin tức cho Mẫn (viết bằng mực tàng hình) thông qua một trung gian ở Paris. Đến đây cuốn tiểu thuyết trở nên vừa rùng rợn kèm châm chích xã hội. Nếu bạn thích thú kiểu khôi hài quẹt nhọ, thì đây sẽ là phần vui nhộn nhất của cuốn sách, dù có đôi lúc đứng hình bởi các pha chọc cười thuộc dạng “The Daily Show” hơn là xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết nghiêm túc.

Hoạt động gián điệp của người thuật truyện dẫn anh ta tạt qua nghề làm phim. Anh được một đạo diễn, “cai phim” (người có nét gì đó hao hao Francis Ford Coppola), thuê làm công việc tập hợp người Việt trong một trại tị nạn ở Philippines để đóng vai quần chúng trong bộ phim của ông (bộ phim có nét gì đó tựa như “Apocalypse Now”). Nguyễn khéo léo xử lý nhịp chuyển của các trường đoạn này, thoắt nhộn, thoắt buồn, khi người thuật truyện gắng làm những gì mà Nguyễn đã làm: giải-Mỹ-hóa cách lột tả cuộc chiến. Nhưng, khác với Nguyễn, anh ta thất bại.

Từ đó, tâm trạng cuốn sách tối dần. Người thuật truyện lao vào một mớ giăng mắc lừa dối và bội phản được chăng bởi vị thế hai mang và các góc chia rẽ trong tâm hồn anh. Sự nghi ngờ của Mẫn tỏ ra chính xác: vị tướng và các kẻ ngoan cố khác, bị mặc cảm vì đã không chiến đấu tới chết, buồn chán với cuộc sống xoàng xĩnh của họ nơi đất Mỹ (giờ vị tướng thành chủ một cửa hàng rượu), âm mưu một cuộc xâm nhập phản cách mạng với sự trợ giúp của một nghị sĩ cánh hữu.

Người tường thuật hỗ trợ việc lập kế hoạch, đồng thời gửi báo cáo cho Mẫn. Tuy nhiên, để tránh lộ vỏ bọc, anh ta buộc phải tham gia vào hai vụ ám sát. Một nạn nhân là cựu sĩ quan Sở Mật vụ cũ, “vị thiếu tá nát rượu” nạn nhân khác là một nhà báo gốc Việt ở một tờ báo thuộc bang California. Đoạn tả các cuộc sát hại rất hồi hộp, lâm ly tâm lý và đầy mê hoặc. Lương tâm của người thuật truyện trở nên toang hoác như các phần khác trong con người anh. “Ân hận bao trùm cái chết của vị thiếu tá nát rượu thúc giá tôi vài lần một ngày, dai dẳng như gã thâu nợ”, anh nghĩ.

(Mở ngoặc cho một chút phàn nàn. Lẽ ra có thể tốt hơn, “The Sympathizer” đôi khi gợn chút tì vết do viết quá tay. Những dòng kiểu như thế này - “Các bồi bàn đi đến vào lúc đó với vẻ long trọng của các đầy tớ Ai Cập sẵn sàng được chôn sống cùng với vị pha-ra-ô của họ, với những đĩa lớn chứa các món chính trụ vững trên vai” - xuất hiện hơi quá liều.)

Vị tướng cuối cùng tập hợp một đội quân ô hợp các cựu binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, được người Mỹ trang bị và tài trợ. Mẫn, đã bám sát kế hoạch, và lệnh cho người thuật truyện ở lại Hoa Kỳ kể cả khi đội quân này đâm đầu lại Châu Á, nhưng anh lại một lần nữa bị cuốn theo tình nghĩa ngổn ngang. Anh thấy mình phải đi để giải cứu Bổn, người anh em kết nghĩa, khỏi chết trong kế hoạch mà anh biết chắc sẽ là một nhiệm vụ tự sát. Anh thấy mình mắc vào một nan đề quen thuộc, “không biết xoay xở thế nào để cùng lúc vừa phản bội và vừa giữ mạng cho Bổn”.

Giọt máu thề kết nghĩa đậm hơn nước lã ý thức hệ. Người thuật truyện gia nhập đội quân của vị tướng. Có thể đoán định điều gì xảy đến với đội quân này; còn chuyện xảy ra với Bổn và người thuật truyện có thể là bất cứ chữ nhưng nào. Tôi không muốn lộ chuyện, ngoài việc nói rằng ở chương cuối cuốn tiểu thuyết, “The Sympathizer” trở thành một đỉnh-cao phong cách vô-nghĩa-lý lẽ ra đã phải được viết bởi một Kafka hay Genet.

Khi cốt truyện mở ra, nhân vật chính đi đến các khám phá sửng sốt, trong số đó có danh tính vị chính ủy, cấp trên riêng của vị chỉ huy. Bị thẩm vấn, người thuật truyện tức thời hóa điên loạn; nhưng trong sự điên loạn đó anh tìm được sự sáng suốt mới trong tinh thần. Anh thấy rằng cuộc cách mạng, vì nó mà anh đã hy sinh thật nhiều, đã phản bội lại anh và tất cả mọi người đã chiến đấu vì nó - bởi cách mạng là thiên theo hướng đó.

Ngay cả những người chỉ huy cũng phải thừa nhận rằng những thành quả thắng lợi đã bị mục ruỗng, và người thuật truyện cũng đến hồi phải nhận ra “trò đùa này, về việc làm sao mà một cuộc cách mạng chiến đấu cho độc lập tự do lại có thể biến những thứ đó thành ra thấp kém chẳng bằng con số không”.

Nhưng phát giác đó đem đến một cái nhìn sâu giải thoát anh khỏi nỗi tuyệt vọng hoàn toàn: “Dù cho tất cả - vâng, dù cho mọi thứ, mang bộ mặt số không”, anh viết ở đoạn cuối lời “thú nhận” là cuốn sách này. “Ta vẫn còn tự coi mình là cách mạng. Ta vẫn là các tạo vật đầy hy vọng, một nhà cách mạng đi tìm cuộc cách mạng, dù ta sẽ chẳng cãi lại khi bị gọi là kẻ mộng mơ xơi liều ảo tưởng… Ta chẳng thể nào đơn độc! Còn đâu đó cả ngàn người buộc phải nhập vai chìm trong bóng tối như ta, bị cuốn theo các tư tưởng ầm ĩ, các hy vọng hão huyền và các âm mưu khuất tất. Ta nằm đợi cho đúng thời khắc và lý do chính đáng, mà ngay lúc này đây, chỉ đơn giản là mong muốn sống sót”.

Philip Caputo


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn