Tản văn của Mai Lê: THƯƠNG LẮM, THÁNG BA TÂY NGUYÊN

Thứ ba - 29/03/2016 23:47

(NCTG) “Tây Nguyên có cái nắng, có cái gió se lạnh của sáng mùa khô, khiến bước chân lữ khách lao đao. Nhưng sau cái nắng cái gió ấy là những cánh đồi thưa cây, trụi lá trơ những mảng đất nâu khô cằn. Thác nước vốn bạt ngàn nước giờ chỉ thảng thốt với đôi dòng mạch nhỏ nhoi. Thiếu nước, thiếu rừng, thiếu cả tình đồng loại, chú voi lẻ loi ẩn mình trong đám thân cây nâu nép mình bên sườn núi”.

Tản văn của Mai Lê: THƯƠNG LẮM, THÁNG BA TÂY NGUYÊN

Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông”.

Tôi đến Tây Nguyên vào những ngày cuối tháng Ba, chỉ là lướt qua nhau vì bận bịu đời thường. Không biết có phải chỉ vì lướt qua nhau mà sao thấy lòng nặng trĩu. Tây Nguyên có cái nắng, có cái gió se lạnh của sáng mùa khô, khiến bước chân lữ khách lao đao. Nhưng sau cái nắng cái gió ấy là những cánh đồi thưa cây, trụi lá trơ những mảng đất nâu khô cằn. Thác nước vốn bạt ngàn nước giờ chỉ thảng thốt với đôi dòng mạch nhỏ nhoi. Thiếu nước, thiếu rừng, thiếu cả tình đồng loại, chú voi lẻ loi ẩn mình trong đám thân cây nâu nép mình bên sườn núi.

Tháng Ba mùa hoa vông đang nảy nở cho con công múa, cho con cá bơi, bông không rụng xuống lòng suối nhỏ, tung lên trờI vạn cánh sao rơi. Hoa lách bay để lại nụ cười”.

Tháng Ba đấy, dòng suối uể oải len lỏi chút nước qua các tảng đá phơi mình trong nắng gắt. Cánh đồng cạn khô nứt nẻ cả tháng rồi, chẳng thể lấy đâu hơi ẩm cho hoa sinh sôi nảy nở và khoe sắc. Những chú cá mải mê tìm mạch nước nhỏ qua khe đá để có chút sinh khí, chẳng thể lấy đâu ra hứng cảm lượn vòng. Nhớ bài sinh học trên ghế nhà trường phổ thông, nguồn nước dồi dào là nhờ có rễ cây rừng thẩm thấu và giữ nhịp. Cây bật rễ hay rễ thiếu nhựa sống sao tích nước cho đại ngàn Tây Nguyên.

Chợt nhớ cái ngày tự đi sắm chiếc giường đầu tiên, tôi bỏ qua giường Mỹ, Hồng Kong bóng loáng inox, chỉ mải mê ngắm những chiếc giường chắc nịch từ đinh, lim, sến táu, pơmu... mà thèm thuồng, mà ước ao. Cuối cùng, vì không đủ tài chính, mà phải tự bằng lòng với gỗ ép công nghiệp nhập ngoại. Khi ấy, cứ suýt xoa, cái giường gỗ sao đắt vậy. Và bây giờ chợt ngộ, giá trị cái giường lúc đó không đáng gì so với cái giá Tây Nguyên phải trả trong những ngày tháng Ba này. Tự an ủi, mình đã không tiếp tay tạo ra cái giá đó.
 
02

Tháng Ba người Tây Nguyên chan chứa tình, con tim xao xuyến đôi môi hé cười”.

Thời tiết dù khắc nghiệt vậy, nhưng tình con người tháng Ba vẫn nồng ấm lắm. Từ Bắc, qua Trung, rồi Nam Bộ, họ đến vùng đất Tây Nguyên này tự gieo cho mình những hạt giống. Dù mang dấu ấn giọng nói vùng miền của bốn mươi bảy dân tộc khác nhau, họ cũng đã cùng nhau tạo nên bản sắc chung của một Tây Nguyên ôn hòa, trật tự và hiếu khách. Họ nồng hậu đón khách kể từ khi bước chân tới đến khi rời gót đi, một sự nhiệt tình mà chưa chắc người thành phố lớn có được.

Tháng Ba đã sắp qua rồi, cầu mong cho trời thương người Tây Nguyên cho đổ chút nước mát lành dịu nhẹ, để cây đâm chồi nảy lộc nở hoa kết trái, để cho ong có chỗ hút mật và cá có chỗ bơi lội, để “Tháng Ba trời trong xanh như suối ngàn, cho em múa hát cho anh đánh chiêng, chiêng anh rộn núi rừng buôn làng, em ca giọng vọng vút mây xanh, chim hót theo nghe sao ngọt lành”.

Thương lắm, tháng Ba Tây Nguyên!

(*) Những đoạn in nghiêng trong bài trích từ ca khúc “Tháng Ba Tây Nguyên”, nhạc Văn Thắng, phổ thơ Thân Như Thơ.

Bài và ảnh: Mai Lê, từ Tây Nguyên - Tháng 3-2016


 
 Từ khóa: Tây Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn