GIÁO SƯ Y KHOA NHẬN GIẢI THƯỞNG PHAN CHÂU TRINH

Thứ sáu - 25/03/2016 00:38

(NCTG) Giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ IX, thuộc hạng mục Nghiên cứu, vừa được trao cho nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh vào tối 24-3 tại Sài Gòn, đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày mất của nhà ái quốc, nhà cách mạng vĩ đại, chí sĩ Phan Chu Trinh. Lễ trao giải được tổ chức long trọng tại khách sạn Rex với sự có mặt của những người có liên quan, các nhà báo và khoảng 500 khách mời.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh đọc diễn từ tại buổi lễ trao giải. Ảnh: L.Điền (“Tuổi Trẻ”)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh đọc diễn từ tại buổi lễ trao giải. Ảnh: L.Điền (“Tuổi Trẻ”)

Công trình nhận giải Nghiên cứu năm nay của GS. Nguyễn Ngọc Lanh là loạt bài về lịch sử và văn hóa Việt Nam được nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh viết và đăng tải dần trên trang nghiencuulichsu.com trong suốt năm 2015, bắt đầu từ tháng Ba. Loạt bài này đã được giới thiệu đến Hội đồng Khoa học của Quỹ Phan Chu Trinh để thẩm định, phản biện và bỏ phiếu bằng một quy trình hết sức chặt chẽ và khoa học. 

Trong loạt bài về sử Việt, GS. Lanh đề cập đến các chủ đề nội chiến, chống ngoại xâm, khoa cử, và sự hình thành và phát triển của các luồng tư tưởng - văn hóa từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Trên nền sử liệu không hẳn là mới nhưng khả tín, tác giả đã đưa ra cách lý giải, nhìn nhận mới lạ về những sự kiện văn hóa - tư tưởng và con người tiêu biểu có liên quan ở giai đoạn này, đôi khi lật ngược cả cách nhìn nhận vốn đã trở nên kinh điển từ lâu.

Các khái niệm về Việt gian, bán nước - yêu nước của các nhân vật như Gia Long, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh....vv được ông mổ sẻ, phân tích bằng con mắt khách quan, bất chấp lối tư duy, mô tả áp đặt xưa nay. Lịch sử tư tưởng - văn hóa Việt Nam cận và hiện đại được ông điểm lại bằng loạt bài viết dài hơi “Từ Nguyễn Trường Tộ đến bộ ngũ Quỳnh - Vĩnh - Tốn - Tố - Khôi”.

Đây là căn cứ chính để Hội đồng trao giải Nghiên cứu vì có nhiều điểm mới trong công trình này.

Tư tưởng Phan Chu Trinh

Cụ Phan đã ra đi được 90 năm và công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc mà cụ phát động đã diễn ra được ngót một thế kỷ. Trong thế kỷ qua, Việt Nam đã đổi khác rất nhiều, nhưng tư tưởng duy tân theo phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ khởi xướng, cùng những phương thức mà cụ đề ra làm tiền đề cho những biến đổi dân quyền ôn hòa, hiện vẫn còn nguyên thời sự tính và giá trị thực tiễn.

Cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia độc lập về mọi mặt, và vẫn còn một khoảng cách rất lớn về mức sống, về tầm văn hóa - tư tưởng, cần được san lấp để có thể hội nhập thành công vào thế giới phát triển, văn minh với tư cách là một quốc gia mạnh giàu. Đồng thời, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã không những không được giữ gìn, phát triển để đóng góp với thế giới mà còn bị mai một, kìm hãm.

Nền giáo dục nước nhà và thực trạng đạo đức xã hội đang trong chiều hướng xa sút, bế tắc, khí dân hao kiệt. Nhiều vấn đề về văn hóa - tư tưởng, trong đó có cách nhìn nhận và phiên giải lịch sử, cần được nhận thức lại một cách thích đáng. Hoàn cảnh lịch sử đã khiến xứ sở chúng ta không có một nhà vận động cách mạng nào có được thành công theo cách như Nelson Mandela, Mahatma Gandhi hay Aung San Suu Kyi đã làm.
 
Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926), người chủ trương tư tưởng đấu tranh ôn hòa theo phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nhưng từng bị Toàn quyền Đông Dương Louis Bonhoure đánh giá là “nguy hiểm hơn (so với Phan Bội Châu theo đường lối bạo động) cho sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam” - Ảnh tư liệu
Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926), người chủ trương tư tưởng đấu tranh ôn hòa theo phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nhưng từng bị Toàn quyền Đông Dương Louis Bonhoure đánh giá là “nguy hiểm hơn (so với Phan Bội Châu theo đường lối bạo động) cho sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam” - Ảnh tư liệu

Lịch sử Việt Nam hiện đại là lịch sử của chiến tranh và bạo động triền miên, hết chống ngoại xâm, hay xen kẽ với chống ngoại xâm, lại đến các cuộc vật lộn, đấu tranh giai cấp dai dẳng. Sự du nhập những chủ thuyết ngoại lai, đặt căn bản trên đấu tranh bạo lực mang tính ý thức hệ đã khiến cuộc cải biến dân tộc trên nền tảng văn hóa, trên tinh thần dân sự bất bạo động mà cụ Phan chủ chương chưa hề được diễn ra theo ý cụ.

Về người nhận giải

GS. Nguyễn Ngọc Lanh là một nhà giáo ngành Y, chào đời 9 năm sau khi cụ Phan qua đời. Vì ông làm trong ngành Y, các thành viên Hội đồng xét giải hầu như chưa từng biết ông cho tới khi đọc những gì ông viết trong năm 2015. Ông cũng vậy, chỉ là thấy có việc cần phải viết thì viết chứ không hẳn làm như một thú vui. Về hưu từ lâu, ông có thời gian chiêm nghiệm, phân tích, lý giải những vấn đề văn hóa - giáo dục - lịch sử mà ông gặp trên truyền thông, sách báo và thực tiễn đời sống.

Nguồn cơn khiến ông phải viết loạt bài thuộc lĩnh vực trái nghề này rất đơn giản. Đọc một bài viết ca ngợi một nhân vật thuộc dòng họ mình sống ở đầu thế kỷ XVI, thời Lê - Mạc, gọi nhân vật đó là người “yêu nước”, ông đi đến quyết định viết loạt bài về chủ đề nội chiến, nhằm “cãi” lại tác giả kia rằng trong nội chiến thì không có khái niệm yêu nước. Khi nghe các nhà sử học phân trần lý do tại sao học sinh bây giờ chán môn sử thì ông thực sự “tức” với các “nhà” ấy. Vì “tức” thế mà viết thành cả loạt bài. 

GS. Lanh là một con người dung dị, khiêm nhường nhưng thông minh, dí dỏm và rất... bướng. Những điều ông từng quan sát hay đọc được, nếu thấy không đúng, ông đều ghi nhận, trình bày lại một cách trung thực theo đúng cách mà ông đã từng làm trong giảng dạy y sinh học. Với ông dường như không có ranh giới ngành nghề, tất cả những gì trong xã hội mà ông được can dự đều được ông quan sát, xét đoán thấu đáo và có lý.

Làm nghề giáo, ông không ngừng học hỏi, tra cứu để tự trang bị cho mình những kiến thức mà ông quan tâm và truyền bá những gì mà ông thấy cần. Quan trọng nhất, ông dám nói những điều khó nói. Chính vì thế, người ta thấy ông viết về rất nhiều chủ đề, khi về giáo dục, khi về luật và hiến pháp; khi luận về trí thức và có khi dành cả năm trời cho sử.

Với hàng trăm bài viết thuộc lĩnh vực xã hội học, GS. Lanh thực sự đã dấn thân vào nơi cần đến phẩm chất căn bản nhất của người trí thức: tinh thần phản biện xã hội. Trong lĩnh vực tay trái này, ai đọc ông sẽ thấy ông chẳng giống ai, từ giọng điệu đến lý sự, có thể nói là rất “bướng”. Tuy ngoại đạo với xã hội học nhưng vì có ngôn ngữ chung - tư tưởng Phan Chu Trinh - nên những kiến giải của ông vẫn được đánh giá trân trọng, và nhận được sự đồng cảm của bên trao giải và nhà nước.

Là bậc trí giả và cây viết phản biện sắc sảo, GS. Lanh có đời thường rất giản dị, hòa đồng vào đời sống gia đình, dòng họ, làng xã và cộng đồng với những đóng góp thiết thực. Hơn hai mươi năm trước, ông giáo nghèo ấy đứng ra vận động lập quỹ khuyến học cho trường làng, dành số tiền thù lao dạy học có được mua đất dựng từ đường họ. Gần đây, ông lại đứng ra vận động để phục dựng thành công văn chỉ làng.
 
GS. Nguyễn Ngọc Lan - Ảnh: cpd.vn
GS. Nguyễn Ngọc Lan - Ảnh: cpd.vn

GS. Nguyễn Ngọc Lanh đến với sử có lẽ cũng còn xuất phát từ nhu cầu phải tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của tổ họ ông, Tả thị lang Lại bộ Nguyễn Doãn Cung thời Lê Thánh Tông, và về làng ông, làng Dòng - đất học. Với ông, cá nhân, dòng tộc, làng xã và đất nước hòa quyện chặt chẽ trong hành trình tư tưởng. Năm 11 tuổi, cậu bé Lanh đã đem cái chữ giúp cử tri mù chữ trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1946.

Từ ấy cho tới 70 năm sau, khi được vinh danh bằng giải thưởng mang tên nhà cách mạng vĩ đại họ Phan, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lanh luôn tự khẳng định mình như một viên ngọc quý luôn lấp lánh ánh sáng của tri thức. Ông rất xứng đáng là môn đệ của tinh thần - tư tưởng Phan Chu Trinh vì qua công trình khảo cứu lịch sử độc đáo và khoa học, ông đã góp phần gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa - tư tưởng của nhiều thế hệ.

Huy Nguyên, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn