Họa sĩ/ Nhà thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên: TÀI HOA LẠC BƯỚC CÕI NÀO?

Thứ tư - 23/03/2016 23:42

(NCTG) Mỗi sáng thức dậy, nghìn lượt người lại vào facebook của Đinh Vũ Hoàng Nguyên (Lão thầy bói già), như một thói quen, để cười ngặt nghẽo trước mỗi status dí dỏm và rất mực thông minh của anh, để like, để “bóc tem” comment, mà không hề biết chủ nhân của Facebook đang đối mặt với căn bệnh ung thư…

Đinh Vũ Hoàng Nguyên và tác giả trong Ngày thơ Việt Nam 2011 - Ảnh do tác giả cung cấp

Đinh Vũ Hoàng Nguyên và tác giả trong Ngày thơ Việt Nam 2011 - Ảnh do tác giả cung cấp

Cho đến những ngày cuối cùng, anh vẫn mang tặng đời muôn nụ cười thư thái, để rồi trút hơi thở cuối đi về cõi nào không còn đau đớn, đột ngột từ giã gia đình, bạn bè vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 37.

Trên blog http://laothayboigia.multiply.com không còn nữa những entry của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, thay vào đó là Thông báo của Trịnh Hòa, vợ anh:

Thưa các anh chị, và các bạn yêu quý của anh Nguyên và Hòa,

Gia đình vô cùng đau đớn và xót xa trước sự ra đi của anh Nguyên vì bạo bệnh. (…). Anh có nội lực rất lớn, và luôn lạc quan trong suốt thời gian bệnh. Anh đi rất thanh thản. Tình yêu và sự chia sẻ của bạn bè, các anh chị đã động viên cả gia đình. Anh Nguyên xúc động lắm, luôn bảo mình phải sống tốt hơn để có thể đáp lại tình cảm yêu thương của bao người dành cho anh, nếu trời thương cho anh vượt qua được bệnh tật
”.

Cho đi nụ cười, loãng tan đau đớn

Tôi “biết” Nguyên cách đây bảy năm, bắt đầu từ blog Lão thầy bói già trên yahoo360. Khi lòng nhiều ẩn ức và đau đớn, khi trời giăng nhiều sương mù, mưa mỏng, lòng người giăng đầy ghét oán phẫn căm, không có gì bằng mở blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên ra, đọc truyện hài, đọc chuyện đời thường kể ra cũng thành hài, anh viết. Nguyên viết truyện hài quá duyên, hư thực đan xen cùng những cơn kích thích cho tiếng cười quặn ruột, lắm khi đọc xong, tôi gửi message cho anh, thắc mắc vì sao không in tuyển tập. Nguyên chỉ cười, bảo, em thích, là anh vui rồi!

Tôi ơ hờ bước qua đời này, không thích lắm gặp những khuôn mặt người ngoài đời, nói gì đến trò chuyện với một ai đó “ảo” trên mạng. Vậy mà Nguyên “giữ” tôi lại, với tiếng cười trong vắt hồn nhiên của anh, với muôn vàn ý tưởng mỗi ngày “quái lạ”, với chuyện tiếu lâm từ đời, từ người sang đến cả “bố vợ”, “vợ”, nhất là cu Bũm, bé trai của tình yêu với một đám cưới muộn bất ngờ. Và cả lúc nào đó là thơ… thơ buồn da diết như ánh nhìn khó thể giấu giếm của anh, và tranh, khối màu tuôn sắc sống, tình yêu đời thầm lặng.

Không có gì ngắn gọn hơn để nói về “sự nghiệp” nghệ thuật của Nguyên như nhà báo Thu Hà (“Tuổi Trẻ”) đã viết: “Chàng nhà thơ này chưa có thơ xuất bản, nhà văn này không có truyện ngắn đăng báo, họa sĩ này chưa có triển lãm cá nhân”. Nhưng những giá trị tinh thần mà anh đến cho hàng ngàn người, mỗi giờ, mỗi ngày qua blog, qua facebook… thì ít nghệ sĩ nào làm được.

Trên facebook của anh lúc này, không còn nữa những status châm biếm hài hước sâu cay, chỉ còn những ngọn nến lung linh, cánh hoa sen trắng muốt đang độ nở rộ rạng rỡ, ken đặc lời tiếc thương nghẹn ngào cho một tài hoa mệnh bạc. Lời cuối cùng trước khi ra đi, anh gửi lời chào đến các anh em thân hữu bạn bè, và niệm trong tâm là một người tử tế.

Buổi sáng cuối cùng nơi thành phố, để một người từ phố đi qua phố rời phố, bạn bè từ khắp nơi đến với anh cùng muôn nén tâm hương. Ai đó ở xa không thể có mặt, họ gửi tới nhau những lời nhờ mong: “Thắp giùm tôi một nén, trước Nguyên, nhé”. 

Ai đó đi qua nhà tang lễ, bàng hoàng nhận ra bạn mình - với cái tên quen mà chưa từng biết mặt - đang nằm trong đó, cô lặng lẽ bước vào trong, theo dòng người đi bên linh cữu anh, mặc nước mắt cứ thế hồn nhiên rơi.

Vẫn thói quen không ngừng được của cư dân mạng, hình ảnh qua câu chuyện người người vào viếng anh cứ cập nhật đều đều hàng từng phút trên facebook và blog. Ngày hôm đó, mạng xã hội không còn những sôi nổi nhộn nhịp, cả không khí đượm mùi buồn nhớ, bao người lặng lẽ trong những góc riêng thầm để tang anh. 

Nếu sử dụng thành thạo ngữ ngôn thuần Việt, khó ai bì kịp tay thầy bói xem bói… tù mù này. Từ những truyện anh viết, câu anh dùng, bản sắc văn hóa người Việt cùng những câu từ Việt hiện lên vừa duyên dáng vừa xù xì, vừa thông tuệ vừa ngây ngô. Phác họa cái tâm “tham sân si” bên trong mỗi mặt người, Đinh Vũ Hoàng Nguyên quả là tay “vẽ” bằng ngôn từ điêu luyện. 

Anh kiên nhẫn bên trang mạng, cánh cửa mở thông anh với thế giới bạn bè, luôn nhấn nút like (lắm khi ngay tức khắc) cho từng comment, rồi trả lời (cũng ngay tức khắc) để thể hiện tri tình của anh với người. Cũng một vô tâm, tôi lại viết message hỏi anh, “ồ, không có việc gì khác là hàng giờ ngồi lỳ trên mạng sao?”, anh bảo “” rồi gửi tiếng cười “hì hì” và hình biểu tượng. 

Nước mắt đọng trong câu văn hài

Một ngày đẹp trời, khi vừa ngày hôm qua còn than thở nỗi ế ẩm không cô nào đoái hoài, tôi thấy anh post loạt ảnh cưới trong vắt tình, lãng mạn bởi sắc vàng của nắng, sắc trắng áo cô dâu, nụ cười chú rể trong ảnh chưa từng bao giờ hồn nhiên như thế. Qua góc máy của nhiếp ảnh Loan BB.

Choáng ngợp trước khuôn mặt ngập tràn hạnh phúc của anh, mừng cho mối tình đôi lứa (bị anh giấu kín) đã đi tới cái đích cuối, hôn nhân, dù tôi vẫn thói quen để hỏi anh gọn lỏn: “Ơ, xấu trai thế mà cũng có người thèm lấy à?”. Anh lại cười hì hì, rồi lần đầu kêu với tôi với cái giọng rất tự tin: “Anh xấu hồi nào?”. “Thì xấu đến nỗi không dám chình mặt ra ngoài cái hình vẽ “Lão thầy bói già” trán vừa hói vừa dô, tóc đen ruồi đậu trượt chân, mắt ti hí, tai vểnh xỏ khuyên, với cái môi trề to bè đến là ghét đấy thôi…”. Anh lại cười. 

Lần đầu tiên tôi gặp anh thực sự là vào Ngày Thơ Việt Nam 2011, trên sân thơ Trẻ, Quốc Tử Giám, khi đó chị Trịnh Hòa vợ anh đang mang bầu. Chúng tôi gặp nhau cười cười nói nói ôm chầm vỗ vai thân mật như thể thân quen từ kiếp nào. Tôi hỏi anh đủ thứ như đứa trẻ chất chứa lắm thắc mắc đời, anh kiên nhẫn giải đáp như ông anh từng trải hiểu thấu nhân sinh thế giới. Tôi cầm lấy tay anh, tay chị hẹn ngày gặp lại. Không ngờ đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi được chạm vào con người thực (mà vẫn là ảo hay không còn ảo) của anh?

Khi biết tin anh có con trai, cùng những hình từ khi bé sơ sinh đến hơn một tuổi chụp đều đặn bởi bố mẹ, tôi rủ anh làm… thông gia vì tưởng mình đang mang thai con gái. Anh gật đầu luôn, và từ đó gọi tôi là… bà thông gia. Chúng tôi cứ comment, gửi message cho nhau liên tục, và anh hỏi thăm tôi thường xuyên với sự quan tâm trìu mến, đến khi tôi sinh con trai, anh thò mặt sang facebook của tôi hỏi gọn lỏn: “Vậy là hết làm xui gia… hả”, rồi lại cười hì hì.

Cười có lẽ là một phần quá gắn bó trong con người anh. Thay vì lên gân, ngôn từ khoa trương, trịnh trọng nghệ sĩ (anh hoàn toàn có thể lựa kiểu thể hiện ấy, vì anh tài hoa hiếm hoi ở cả thơ, cả truyện, cả vẽ…), anh chọn cái nhìn nghiêm ngắn, buộc người đọc phải nghĩ, phải gai người, phải nuốt nước mắt, bên trong những câu văn tếu, hài…

Tôi khâm phục tài của anh, với tư cách người viết, khâm phục cái đức của anh, với tư cách đồng người tử tế, khâm phục sự dũng cảm của anh không chỉ đối diện với thói hư tật xấu của người, của đời, mà cả với chính “bệnh, tử” đang mở rộng trống ruỗng, cồn đau, hư hoại ở từng tế bào, ở mạch máu, trong xương, thịt, da… anh, với tư cách cùng là một thân người.

Một sáng thức dậy, vào facebook, blog của anh để biết anh đã ra đi vào cõi nào không còn đau đớn, cũng không còn những tiếng cười. Tôi lặng lẽ viết về anh, chút cảm nhận dù là thoáng qua, với cái nhìn của một người hâm mộ blog và facebook của Lão thầy bói già, trong nghẹn ngào và cay nồng nước mắt thương tiếc.

Linh hồn Đinh Vũ Hoàng Nguyên lúc này đã rời khỏi xác thân vĩnh viễn nhưng tôi tin ắt hẳn sinh khí anh mãi còn và đang trong bình an.

Nguyễn Quỳnh Trang, từ Hà Nội - Ngày 23-3-2012


 
 Từ khóa: Đinh Vũ Hoàng Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn