NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT” CỦA SOLZHENITSYN (2)

Thứ ba - 20/02/2007 22:17

"Gulag - Quần đảo ngục tù", bản án chế độc tài kiểu Stalin ở Liên Xô, cuốn sách khiến Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi quê hương

NẮM TRO TÀN CỦA NHÀ THƠ

Nơi mà bây giờ có một làng tên là Lgovo, một thời từng là thành phố cổ xưa của Olgov, nằm trên con đê cao bên bờ sông Oka. Thời xưa, dân Nga đã trụ lại ở đó không chỉ vì nước ngọt của con sông cuộn sóng, mà còn vì vẻ đẹp thiên nhiên trong vùng. Để tạ ơn Chúa Trời đã khiến người anh trai thoát hiểm một cách kỳ diệu khỏi bàn tay tên sát thủ cùng một dòng máu, Ingvar Igorevich đã xây nên ở đây tu viện Đức Mẹ Maria Thăng thiên. Những lúc trời quang, từ đây có thể phóng tầm mắt rất xa, bao quát cả vùng ngập trong con lũ, và cách đó chừng 35 dặm (1), trên một con đê tương tự, là tháp chuông rất cao của tu viện Thánh John Miệng vàng.

Đại hãn của quân Mông Cổ, vốn là kẻ mê tín, đã tha cho cả hai tu viện đó.

Yakov Petrovich Polonsky cũng coi vùng đất này như máu thịt của ông: ông để lại di chúc muốn được yên nghỉ tại đây. Nhà thơ tin rằng hồn ông sẽ vẩn vơ trên mộ phần và ông sẽ phù hộ cho miền quê hiền hòa này.

Nhưng giờ đây, không còn những mái tròn và không còn nhà thờ, bức tường đá cũng chỉ trơ lại phân nửa, người ta dùng hàng rào gỗ có chằng dây thép gai thế vào đó, và cả vùng quê cổ sơ bị trấn ngự bởi những tháp canh, những con bù nhìn đuổi chim xấu xa rất quen thuộc, quen thuộc vô ngần! Tại cửa ra vào tu viện, có một chòi canh, trên dán một áp-phích với dòng chữ “Hòa bình giữa các dân tộc muôn năm!”, kèm ảnh một công nhân Nga ẵm một đứa bé da đen.

Chúng tôi giả bộ như thể không biết gì cả. Giữa những ngôi nhà gỗ của toán lính canh, một cảnh sát trong giờ nghỉ, vận may-ô, cất lời giảng giải:

- Hồi xưa, ở đây có một tu viện, đó là tu viện lớn thứ nhì trên thế giới. Cái lớn nhất là ở Roma, tớ cho là như thế, cái ở Moscow chỉ xếp thứ ba. Dạo trước có một trại trẻ ở đây, cố nhiên lũ trẻ chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, chúng phá phách những bức tường và đập vỡ các tranh Thánh. Về sau, nông trang tập thể mua cả hai tu viện với giá 40 ngàn rúp, chỉ để lấy gạch thôi, người ta muốn xây một chuồng bò dày 6 hàng gạch. Tớ cũng tham gia việc dỡ gạch: mỗi viên nguyên vẹn được trả 50 cô-pếch, viên vỡ được 20. Có điều rất khó gỡ được gạch, lớp vữa dính chặt vào từng viên. Dưới lòng tu viện, bọn tớ phát hiện ra một mộ phần, bên trong có thi thể một giám mục, tất nhiên đã trơ xương, nhưng áo choàng của ổng còn nguyên vẹn. Hai đứa chúng tớ cố tháo ra, nhưng vô hiệu…

- Cậu à, theo bản đồ thì một nhà thơ tên là Polonsky được an táng ở đây. Mộ ông ta đâu nhỉ?

- Các cậu không được vào đó đâu. Mộ ông ấy ở trong khu cấm, chẳng ai được vào. Mà có cái quái gì đáng xem ở đó kia chứ? Tấm bia đã rữa của ổng ư? À, mà chờ tí chút… - anh cảnh sát quay sang hỏi vợ. - Mình đã quật mồ cái ông Polonsky ấy chưa nhỉ?

- Ừ. Người ta mang về Ryazan rồi - người phụ nữ gật đầu, cô ta đang đứng ngoài bậc thềm, miệng tí tách cắn hạt hướng dương.

Tay cảnh sát cũng bật cười và nói:

- Thế là ông ấy được thả tự do rồi!

(1) Dặm Nga (verst) bằng khoảng 1,067km.

*

ẢNH PHẢN CHIẾU TRÊN LÀN NƯỚC

Trên mặt sông chảy xiết, khó thấy được ảnh phản chiếu, dù xa hay gần, ngay cả khi làn nước trong và không có bọt; sóng gợn liên hồi theo từng tia và lấp loáng không ngừng khiến những hình ảnh phản chiếu trở nên mập mờ, nhòa nhoẹt và khó nắm bắt.

Chỉ đến khi dòng nước đến ngã ba hiền hòa và rộng lớn, bỏ lại đằng sau con sông, nó chậm lại ở đoạn uốn khúc hoặc dừng lại để tạo thành hồ nhỏ, và chẳng buồn rung động, chỉ ở đó mới có thể thấy rõ, trên mặt nước phẳng như gương, từng chiếc lá nhỏ của hàng cây ven bờ, những mảnh vụn còn lông tơ của áng mây và bầu trời xanh thắm, thăm thẳm.

Đời ta cũng vậy. Nếu đến giờ chúng ta vẫn chưa thể nhận ra - hay chưa diễn tả rõ ràng - sự thật bất diệt và đặc thù, thì phải chăng là vì chúng ta còn gắng bươn chải đâu đó - vì chúng ta còn tồn tại?

*

LỬA TRẠI VÀ BẦY KIẾN

Tôi quẳng vào lửa một khúc gỗ mục, không để ý đến đàn kiến ngụ trong đó.

Khúc gỗ tức thì kêu đôm đốp, bầy kiến tỏa ra và tháo chạy quyết liệt, chúng nhào lên đỉnh khúc gỗ rồi quay cuồng và bị thiêu cháy trong ngọn lửa. Tôi treo khúc gỗ lên và lăn nó ra rìa đống lửa. Như thế, nhiều con kiến thoát nạn, chúng ùa ra bãi cát hoặc đám lá thông. Nhưng lạ nhất là bầy kiến không chạy khỏi đống lửa. Vừa qua cơn hoảng hốt, lũ kiến quay lại và chạy vòng quanh đống lửa, có một ma lực nào đó khiến chúng trở về với ngôi nhà bị bỏ rơi! - trong số chúng, nhiều con trèo lại lên khúc gỗ đang cháy dở, lăng xăng ngang dọc rồi chết cháy tại đó.

*

CHÚNG TA CHẲNG BAO GIỜ CHẾT, THẾ ĐẤY!

Ngày nay, chúng ta sợ người quá cố và cái chết vào bậc nhất.

Nếu ai đó trong gia đình qua đời, chúng ta cố tránh thư từ và thăm hỏi - chúng ta chẳng biết có thể nói điều gì về cái chết…

Mà chúng ta còn phải ngượng ngập khi coi nghĩa trang là một cái gì đó nghiêm trang. Ở nơi làm việc, con người ta không thể nói “tớ không đi làm ca chủ nhật vì tớ còn phải đến thăm người đã khuất ngoài nghĩa địa”. Thử hỏi vậy là sao, đi thăm những kẻ không còn biết ăn ư?

Bạn muốn chuyển một tử thi từ thành phố này sang thành phố khác? Nhảm nhí đến thế là cùng! Chẳng ai cho xe chở đâu. Và hiện tại, những kẻ thấp cổ bé họng chẳng được ai đưa tiễn trong thành phố cùng phường bát âm: người quá cố sẽ bị chở đi ngay bằng xe tải.

Có một thời, vào chủ nhật, ai nấy đều đến nghĩa trang, đi dạo giữa những hàng mộ, cất tiếng hát và đốt trầm hương. Trái tim đã hòa dịu, vết thương bởi cái chết không thể tránh khỏi cũng chẳng còn đè nặng quá đau đớn lên người sống. Như thể những người đã khuất hơi mỉm cười với chúng ta từ nấm mồ đã xanh cỏ: “Bình tĩnh nào! Có gì đâu!”

Giờ đây, ngược lại, nếu có nghĩa trang đi nữa thì ở đó, cũng chỉ lơ láo một tấm bảng: “Chủ mộ! Để khỏi bị phạt, hãy dọn sạch rác rưởi năm ngoái!” Nhưng người ta còn hay giải tán các nghĩa trang, san bằng chúng bằng xe ủi để xây sân thể thao hoặc công viên ở đó.

Và cũng có những người đã hi sinh vì tổ quốc, một điều có thể xảy ra với bạn hay với tôi. Đã có thời Giáo hội qui định một ngày tưởng niệm những ai đã ngã xuống nơi chiến trường. Tại Anh, mọi người nhớ đến họ trong ngày Hoa anh túc. Mọi dân tộc đều dành một ngày cho những kẻ đã bỏ mình vì tất cả chúng ta.

Ở ta, hơn bất cứ một dân tộc nào, đã có biết bao người hi sinh cho chúng ta, vậy mà chúng ta không hề có một ngày kỷ niệm dành cho họ. Nếu bạn dừng chân và mơ tưởng đến người đã khuất, ai sẽ là kẻ đặt viên gạch đầu? Trong ba cuộc chiến tranh, chúng ta đã mất bao nhiêu người chồng, bao nhiêu chàng trai và bao nhiêu vị hôn phu - các người, lũ khốn khổ, cứ ở đó, dưới những cây thánh giá, chớ quấy rầy đời chúng tôi. Vì chúng tôi sẽ không bao giờ chết, thế đấy!

*

THỂ DỤC BUỔI SÁNG

Bình minh vừa rạng, ba mươi chàng trai chạy ra bìa rừng thưa và xếp thành hàng lối, mặt hướng về mặt trời. Rồi họ bắt đầu uốn người, ngồi xổm, vặn thân, hít đất, tập động tác tay, uốn tay, uốn đầu gối trong một phần tư giờ đồng hồ.

Nhìn từ xa, bạn có thể tưởng họ đang cầu nguyện.

Ngày nay, chẳng ai ngạc nhiên khi hàng ngày, con người kiên nhẫn quan tâm đến cơ thể mình.

Nhưng ai nấy sẽ tức giận đến mức nào nếu họ thấy bạn cũng quan tâm như thế đến tâm hồn bạn.

Không, đó không phải là một buổi cầu kinh. Đó là thể dục buổi sáng (*).

(*) Một số đoản khúc "Vụn vặt" đã được đăng trên tạp chí "Tia Sáng" (Việt Nam).

Xem Phần 1.

H.Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Hung


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn