DUDINTSEV VÀ MỘT MẨU CHUYỆN NỰC CƯỜI TRONG VĂN GIỚI XÔ-VIẾT

Thứ tư - 28/02/2007 10:20

(NCTG) Ở các nước XHCN (cũ), mỗi thời kỳ lịch sử đều đẻ ra những nhà văn, những nghệ sĩ đặc thù của nó. Đó là những con người mang nặng dấu ấn của thời cuộc, các tác phẩm của họ, cho dù có thể không vượt qua nổi cán cân và thử thách khắc nghiệt của thời gian, nhưng đã là những tấm gương trung thực phản ánh thực tế thời đại họ sống.

Ở Liên Xô, vào thời kỳ “cởi mở” sau bài phát biểu nổi tiếng của Khrushchev vạch trần những tội ác của Stalin (tháng 2-1956), đã xuất hiện hàng loạt những nhà văn như thế. Đáng kể nhất, phải nhắc tới Yevtushenko với những vần thơ chính luận nóng bỏng như “Những kẻ thừa kế Stalin”, Aksyonov với nhiều truyện ngắn gây khuấy động, Voznesensky với những thi phẩm cách tân về “ý” và “tứ”, Rybakov với hai cuốn tiểu thuyết lớn “Cát nặng” và “Những đứa trẻ phố Arbat”, Grossman với “Cuộc đời và số phận”, Rasputin với “Đám cháy”, Garnin với “Bò rừng”…

Cùng những kiệt tác được sáng tác cùng thời kỳ đó như “Bác sĩ Zhivago” (Pasternak), “Kinh nguyện cầu” (Akhmatova), “Trái tim chó” (Bulgakov), “Đoạn đầu đài” (Aitmatov)…, các tác giả và tác phẩm đa dạng kể trên đã tạo nên một sức sống mới trên văn đàn Xô-viết, khiến nhiều nhà phê bình bất giác liên tưởng đến thời kỳ “vàng kim” của nền văn học Nga vào đầu thập niên 20.

Vladimir Dudintsev (1918-1998) là một trong những tên tuổi đã góp phần vào sự hứng khởi trong văn học Liên Xô cuối thập niên 50.

Ra đời năm 1918, Dudintsev bước vào con đường văn chương một cách suôn sẻ. Viết từ năm 15 tuổi, 16 tuổi đã được giải thưởng truyện của báo thiếu niên; báo chí thanh niên cũng thường xuyên đăng truyện ngắn của ông. Tốt nghiệp khoa Luật năm 1940, Dudintsev nhập ngũ, tham gia Thế chiến thứ hai, bị thương rồi phục viên, làm việc tại Viện Kiểm sát quân sự Siberia. Trong thời gian 1946-1951, ông làm phóng viên cho tờ “Komsomolskaya Pravda” (Sự thực Đoàn Thanh niên Cộng sản).

Năm 1952, Dudintsev in tập truyện đầu mang tựa đề “Bảy nhà lực sĩ”. Hai năm sau, ông ra tiếp tập “Trên vị trí của mình”. Dudintsev viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Không chỉ sống bằng bánh mì” năm 1956, gây tiếng vang lớn trong làng văn và giới độc giả, đặc biệt vì vụ tai tiếng lớn, mang màu sắc chính trị, diễn ra xung quanh tác phẩm. Có thể coi sự thăng giáng của “Không chỉ sống bằng bánh mì” như hình tượng của thứ chủ nghĩa cải lương đầy mâu thuẫn thời kỳ Brezhnev.

“Trang phục màu trắng”, bộ tiểu thuyết thứ hai của Dudintsev, phải chờ đợi hai chục năm trong ngăn kéo và chỉ được ra mắt độc giả Nga vào năm 1987 (cuốn sách được trao Giải thưởng Quốc gia năm 1988). Nghe đâu, khi bắt tay viết “Trang phục màu trắng”, Dudintsev đã tự tay đào một cái hầm sau nhà mình để khi “có động” thì còn có cơ tẩu tán bản thảo (tấm gương Grossman còn đó!) Trong một chừng mực nào đó, tác phẩm này cũng mang ý nghĩa tượng trưng: cùng một lúc, nó chỉ ra mối liên hệ và sự khác biệt giữa hai thời kỳ cải lương & cải cách.

Cả hai tác phẩm nói trên đều đã được chuyển ngữ ở Việt Nam thời “cởi trói”, bởi Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Tác phẩm mới; dịch giả Phan Hồng Giang đã có một bài giới thiệu rất nhiệt thành và đầy đủ về “Không chỉ sống bằng bánh mì”, đăng trên tuần báo “Văn nghệ” thời “cải tổ”. Ở miền Nam trước 1975, tên tuổi Dudintsev và cuốn tiểu thuyết “Không chỉ sống bằng bánh mì” đã được biết đến qua một số bài viết của Nguyễn Nam Châu, Chế Vũ… cuối thập niên 50.

*

Nhìn trên vẻ bề ngoài, cốt truyện “Không chỉ sống bằng bánh mì” khá đơn giản. Một thày giáo vật lý tự mày mò thiết kế ra chiếc máy đúc ống gang ly tâm. Anh xin thôi giảng dạy (nghĩa là từ bỏ lương bổng và tem phiếu lương thực!), sống vạ vật, khổ hạnh để thực hiện ước mơ chế tạo chiếc máy. Tuy nhiên, sau sáu năm trời, mặc dù đã bôn ba mọi công sở, nhà máy, học viện…, đâu đâu anh cũng gặp phải cơ chế quan liêu tập trung và sự đố kỵ của những nhà “khoa học” giả hiệu. Thật nực cười, đến khi được phép chủ trì một nhóm thiết kế chiếc máy thì anh lại bị kiện cáo, rồi tù đày ở Siberia vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia”! Cuốn tiểu thuyết có một kết thúc “có hậu”: người thày giáo được minh oan, anh thực hiện được ước mơ của mình; tuy nhiên, các quan chức hành chính và giới “khoa học” giả hiệu vẫn ngự trị trên cương vị lãnh đạo.

Mặc dù được văn giới và độc giả hoan nghênh nhiệt liệt (dám nêu lên một đề tài như thế khi cơ chế quan liêu và độc đoán ở Liên Xô còn rất mạnh, là một hành động dũng cảm của nhà văn, và rất phù hợp với nguyện vọng của đại đa số dân chúng Liên Xô, đang trong tâm trạng phấn khởi sau Đại hội XX), tác phẩm “Không chỉ sống bằng bánh mì” bị gán cái mũ “bôi đen chế độ” và tác giả Dudintsev trở thành nạn nhân của một trận “đánh hội đồng” ồ ạt.

Trong cuộc nói chuyện sau đây, được thực hiện năm 1988, Dudintsev cho chúng ta biết một chi tiết nực cười về nguyên nhân dẫn đến việc “Không chỉ sống bằng bánh mì” bị vùi dập.

*

Hỏi: Không phải đến bây giờ tên tuổi ông mới được nhắc đến lần đầu. Tiểu thuyết “Không chỉ sống bằng bánh mì” ông viết vào giữa thập niên 50 đã gây ra một cơn giông tố - cũng có thể nói, một vụ bê bối - khổng lồ, và sau đó, cho đến tận năm 1979, khi rốt cục cuốn tiểu thuyết được ấn hành dưới dạng một cuốn sách, chúng ta không được biết chút gì về Vladimir Dudintsev. Điều gì đã xảy ra?

Đáp: Tiểu thuyết được đăng trên các số 8-9-10 năm 1956 của tạp chí “Novy Mir” (Thế giới mới). Các nhà phê bình đủ loại và đủ cấp bậc của nhiều báo chí lớn nhỏ đã nhiệt tình lên tiếng khen ngợi nó. Sau đó…

Hỏi: Rồi cuốn tiểu thuyết trở thành một sự kiện bê bối. Sách kể về một nhà phát minh, một con người “khó bảo”, anh chiến đấu đơn độc để bảo vệ sáng chế của mình, nhưng thể chế quan liêu đã không cho anh thực hiện phát minh đó. Anh bị xua đuổi, bị bắt bớ, sáng chế của anh bị đánh cắp. Cuối cùng, nhà phát minh chiến thắng và chiếc máy được chế tạo sau tám năm chậm trễ. Chính những kẻ từng gắng sức giày đạp anh, nay lại ăn mừng anh. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu tại sao cuốn sách lại chịu một số phận hẩm hiu như vậy…

Đáp: Mùa đông năm 1956, Hội Nhà văn tổ chức một cuộc tranh luận. Hội trường lớn trong tòa nhà của Hội chật cứng những người là người, giới thanh niên trẻ chiếm chỗ ngoài hành lang. Các nhà văn xuất sắc thay nhau phát biểu: Vsevolod Ivanov, Tendryakov, Sergei Mikhalkov và nhiều người khác. Ai đấy đều bảo: tác phẩm được ra đời trong tinh thần của Đại hội XX. Sau đó Paustovsky (1) xin phát biểu. Đó là một người có trí tuệ sáng lạn và trong sạch. Ông nói: “Cuối cùng, chúng ta cũng có một tác phẩm chỉ rõ cơ quan hành chính quan liêu đã giết chết tư duy sáng tạo như thế nào…” Những thanh niên ngồi ngoài hành lang vỗ tay và dậm chân… Và Simonov, người cho đăng cuốn tiểu thuyết trên cương vị tổng biên tập tờ “Novy Mir”, lúc đó ngồi cạnh tôi trong đoàn chủ tịch danh dự, thúc đầu gối ra hiệu và thì thầm vào tai tôi: “Vladimir, chúng ta đi đời rồi, thế là toi tất cả…” Những vị khách ăn vận sang trọng và lịch sự ngồi ở hàng đầu, cho đến lúc ấy vẫn im lặng theo dõi và không ghi chép gì cả, nay đột ngột rút giấy bút và những cây bút máy ngòi mạ vàng cày soàn soạt trên mặt giấy.

Hỏi: Nhưng Paustovsky có ngụ ý tốt kia mà…

Đáp: Cố nhiên. Chỉ phải tội ông không rành về chính trị. Anh biết “tình bạn gấu” là gì không? Krylov có một truyện cổ tích về thú vật: chú gấu con nhận ra người bạn của nó, một ẩn sĩ đang ngủ, bị muỗi đốt. Chàng ẩn sĩ là người bạn tốt của chú gấu lông xù, thành thử chú muốn bảo vệ anh khỏi kẻ hút máu. Vậy là chú giáng một đòn chí tử lên con muỗi và chàng ẩn sĩ đi đời. Người Nga chúng tôi gọi đó là “tình bạn gấu”. Paustovsky đã cho tôi một tình bạn như thế đấy. Điều ông nói hồi đó, bất cứ ai cũng có thể nhắc lại trong thời “cải tổ” hiện nay. Thời ấy, nói như thế là thiếu suy nghĩ một cách ngu xuẩn. Bài phát biểu đem lại những hậu quả kinh khủng.

Hỏi: Những hậu quả ra sao?

Đáp: Tiểu thuyết “Không chỉ sống bằng bánh mì” đã được in xong với lượng ấn bản là hai triệu rưởi. Nhưng chúng bị nghiền sạch. Tôi bị khai trừ khỏi tất cả mọi tổ chức có thể. Những tờ báo lúc trước khen ngợi cuốn tiểu thuyết, nay lên án nó là hành vi phá hoại. Simonov bị cách chức tổng biên tập vì tội đăng tải tiểu thuyết, người ta “khuyên” ông nên tự nguyện đi đày ở Tashkent. Ông đã không thể làm khác được.

Hỏi: Ông trải qua những năm tháng khó khăn đó như thế nào? Tôi được nghe ông “làm đen”, nói cách khác, ông hiệu đính sách bằng tên khác để sống.

Đáp: Chúng tôi nghèo khó dễ sợ! Tôi phải nuôi dạy bốn đứa con và không mấy khi có việc làm. Nhưng tôi lại có được những kinh nghiệm tuyệt vời, về tình đoàn kết con người, về cả tình cảm gắn bó của các độc giả lẫn về hoạt động của bộ máy quan liêu.

Hỏi: Trong ngần ấy năm trời, độc giả vẫn không quên ông?

Đáp: Tôi nhận được những món quà bất ngờ. Một lần, vào dịp năm mới, người ta chuyển cho tôi một bọc quà nặng mười cân từ cửa hàng GUM [Bách hóa Tổng hợp], đến nay tôi vẫn không biết ai gửi. Hoặc, tôi nâng chiếc khăn trải bàn và dưới đó có một cuốn sổ tiết kiệm. Tôi không đoán nổi vị khách nào đã để lại. Nhưng những năm tháng đó cũng có một cái “lợi” khác. Tôi thu nhận được những kinh nghiệm mới về sự vận hành của bộ máy kinh khủng mà tôi mới phân tích một cách hiền lành trong cuốn tiểu thuyết đầu tay. Tôi để ý và ghi chép những thuật ngữ, những cách dùng từ điển hình của giới quan liêu, tôi có thể nghiên cứu qua chính bản thân tôi cái cơ chế phán quyết khủng khiếp, mai đây sẽ phải được đặt dưới quá trình “cải tổ”.

(1) Nhà văn lớn, tác giả “Bình minh mưa”, “Bông hồng vàng”… rất được độc giả Việt Nam ưa thích.

Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn