THỦ TƯỚNG GYURCSÁNY FERENC VÀ LỜI XIN LỖI QUỐC DÂN

Thứ sáu - 11/11/2005 23:12

(NCTG) Xin lỗi vốn không phải là một hành vi quá hiếm trong đời các chính khách thượng đỉnh. Tuy nhiên, nếu có những lời xin lỗi được đưa ra một cách vớt vát, đầu lưõi, không chân thật và chỉ được đưa ra vào thời điểm chót, với mục đích duy nhất để "chủ nhân" của chúng giữ được cái ghế đang ngự, thì cũng có những lời xin lỗi đi vào lịch sử bởi tính trách nhiệm và và sự chính trực của người đưa ra nó.

"Những anh hùng của cách mạng 1956 thật dũng cảm, vì họ dám mơ ước tới một thế giới công bằng hơn và tự do hơn! Thay mặt chính phủ Hung, tổ quốc và dân tộc chung của người Hung, tôi xin cúi đầu mặc niệm thủ tướng Nagy Imre và các liệt sĩ, đồng chí của ông!" (thủ tướng Gyurcsány Ferenc)

Một lời xin lỗi như thế, có thể là của thủ tướng đương nhiệm Hungary Gyurcsány Ferenc, trước quốc dân Hung bởi trách nhiệm của chính phủ Hung trước biến cố 1956.

Cuối tháng Mười qua, nước Hung vừa kỷ niệm trọng thể 49 năm ngày cách mạng dân chủ Hungary. Đầu tháng Mười một, nhân tưởng niệm các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956, và cũng nhân kỳ phát thứ 500 của chương trình Kontra (thuộc đài Klubrádió Hungary), thủ tướng Hungary Gyurcsány Ferenc đã có một tuyên bố bất ngờ, trong đó ông xin lỗi các nạn nhân của cách mạng 1956, như sau: "Cho dù tôi chưa ra đời vào năm 1956, nhưng tôi biết rằng những kẻ đã thực hiện hành vi bẩn thỉu thời đó không bao giờ  cất lời xin lỗi, nên trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary, cho tôi được nói lời xin lỗi tất cả những ai bị đày ải, xua đuổi trong cuộc cách mạng ấy và những năm tháng sau đó".

Cần nói thêm là trong chương trình phát thanh kể trên, thủ tướng Hung đóng vai trò người dẫn trước các khách mời là các nhà văn, nhà báo, xã hội học nổi tiếng của Hung; đặc biệt, có hai nhân vật có liên quan trực tiếp đến sự kiện 1956: sử gia lão thành Fejtő Ferenc (hiện sống ở Pháp) và nghệ sĩ kịch nói Darvas Iván, từng bị tù đày vì tham gia cách mạng 1956, được thủ tướng Hung vinh danh là "huyền thoại đích thực và sống động của cách mạng Hung".

*

Để thấu hiểu ý nghĩa của lời xin lỗi quốc dân này, tưởng cũng nên điểm lại một số sự kiện mùa Mùa thu Budapest 1956, đã dẫn đến cuộc cách mạng Hung chấn động hoàn cầu thời ấy.

1956 là một năm diễn ra nhiều biến cố trọng đại tại các quốc gia thuộc hệ thống XHCN thời bấy giờ, mở đầu là sự kiện bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev đọc bản báo cáo mật trong phiên họp kín của Đại hội lần thứ XX (cuối tháng 2-1956), vạch trần những tội ác của Stalin và những tệ hại của nạn sùng bái cá nhân. Tiếp đó là việc thợ thuyền Ba Lan ở Poznan đứng lên đòi quyền tự do và đưa chính khách có tư tưởng quốc gia Gomulka lên vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản. Tại Hungary, từ mùa hè 1956, phong trào đối lập Hung ngày càng lớn mạnh, sự phản kháng của giới sinh viên, trí thức và các đảng viên cấp tiến trước mô hình nhà nước độc đoán kiểu Stalinist ngày một gia tăng, dẫn đến cuộc cách mạng Hung ngày 23-10-1956. Trong vòng hơn 10 ngày ngắn ngủi, thủ tướng Nagy Imre theo xu hướng cải cách đã tuyên bố xóa bỏ thể chế độc đảng, thành lập chính phủ liên hiệp với sự tham gia của nhiều đảng phái. Cuối tháng 10-1956, khi Liên Xô can thiệp quân sự vào Hung, Nagy Imre tuyên bố nước Hung rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa, trở thành một nước trung lập và đòi hỏi quân đội Liên Xô phải đưa quân khỏi Hung. Cuộc cách mạng 1956 thất bại sau khi Hồng quân tràn vào Hungary, thủ tướng Nagy Imre bị kết án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo năm1958, được tổ chức theo chỉ thị của Moscow; nhiều người tham gia cách mạng bị bắt bớ, tù đày, xua đuổi.

Chiến xa trên cầu Margit (1956) - Ảnh tư liệu (MTI)

Lời xin lỗi vừa qua của thủ tướng Gyurcsány Ferenc, có thể đặt trong bối cảnh những đánh giá về cuộc cách mạng 1956, cũng như trách nhiệm của mỗi chính phủ Hung trước biến cố đó.

Sau 1956, trong vòng hơn 30 năm, sự kiện 1956 được coi một cách chính thức là "bạo loạn phản cách mạng" (erőszakos ellenforradalom). Tuy nhiên, dưới những năm tháng của thể chế "độc tài mềm dẻo" của lãnh tụ Kádár János, 1956 dần dà được công luận Hung ngầm đánh giá như "tấn thảm kịch của dân tộc" (nemzeti tragédia). Để đến đầu năm 1989, lãnh tụ Đảng Công nhân Xã hội Hung (MSZMP) theo khuynh hướng cởi mở Pozsgay Imre tuyên bố 1956 là cuộc "khởi nghĩa nhân dân" (népfelkelés) và sau đó, năm 1990, Quốc hội tự do đầu tiên của Cộng hòa Hungary dân chủ đã thông qua đạo luật chính thức coi 1956 là "cuộc cách mạng và đấu tranh đòi độc lập dân tộc" (forradalom és szabadságharc).

Gyurcsány Ferenc là một chính khách thuộc thế hệ "hậu 1956", ông cũng không có những liên quan đặc biệt đến các biến cố lớn nhất của nước Hung thế kỷ thứ XX. Đầu năm nay, trong cuộc công du tại Moscow, để nhận được lời xin lỗi của thủ tướng Nga Putin trước việc Liên Xô can thiệp vào Hung năm 1956, ông Gyurcsány Ferenc đã phải nhún mình, gọi sự kiện Hồng quân Nga đưa quân vào Hung năm 1945 là "giải phóng" nước Hung (felszabadítás), trong khi các sách giáo khoa lịch sử của Hung đều đồng nhất coi đó là sự chiếm đóng (megszállás, và các văn kiện chính thức của Liên Xô thời đó cũng dùng từ "vùng bị chiếm đóng" khi nhắc đến Hung). Động thái này của thủ tướng Hung đã bị phe đối lập hoặc các phần tử cánh hữu phản đối dữ dội!

Hình ảnh nhân đạo của cuộc cách mạng: khách bộ hành Hungary cứu chữa một người lính Liên Xô, bị thương đầu tháng 11-1956 khi Hồng quân tấn công Budapest

Do đó, việc ông Gyurcsány - trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary - cất lời xin lỗi các nạn nhân của cách mạng 1956, lại càng có ý nghĩa và giá trị lớn lao: nó cho thấy các chính phủ, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phải có bổn phận và trách nhiệm - ít nhất là về mặt chính trị và tinh thần - với những gì mà những người tiền nhiệm của họ đã làm. Lời xin lỗi này cũng được công luận của Hung đánh giá cao, trước mốc kỷ niệm 50 năm cuộc cách mạng Hung, sẽ được Cộng hòa Hungary tổ chức rất trọng thể trong năm sau (2006), dự tính có sự hiện diện của tổng thống Mỹ và nguyên thủ quốc gia các cường quốc khác!

Hoàng Tuấn


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn