Thư Sài Gòn: CHỢ DI ĐỘNG GIỮA SÀI GÒN

Thứ sáu - 10/11/2006 23:44

(NCTG) Tôi từng gặp nhiều khách du lịch Quốc tế, trò chuyện với họ, tôi được biết bên cạnh “phở” và “áo dài” thì còn có hai thứ khác “không kém phần long trọng” khiến họ luôn nhớ đến. Đó chính là “quán cóc” của Hà Nội và những “chợ di động” của TP HCM.

Gánh hàng rong

“CHỢ ĐẾN TẬN NHÀ...”

Không cần mất thời gian dậy sớm đi chợ mua hàng để... rẻ được vài trăm đồng, các bà nội trợ Sài Gòn chỉ cần ở nhà là sẽ có chợ đến tận nhà. Khác với các địa phương khác, để thích hợp với nhịp sống công nghiệp hối hả của Sài Gòn (và cũng để tăng thêm tính thẩm mỹ), các “chợ di động” không được bày biện trên quang gánh mà lúc nào cũng chở bằng xe ba gác. Mỗi xe thường phục vụ một chủng loại hàng hóa riêng, nhưng đôi khi cũng... tạp pí lù tất tần tật các thứ liên quan đến mâm cơm và cả... cái bếp nhà bạn. Bạn cần mua, thịt, cá, khoai lang, khoai tây, rau, củ, quả... ư? Cứ việc ngồi chờ, không bao lâu sẽ có một xe ba gác đi qua với tiếng rao to... hết hồn: “Cà chua, cà pháo, khoai lang. Mua ngay hết hàng chẳng có mà mua”. Nhiều người nghe lần đầu tiên... giật mình trước tài... thi phú của các “chủ chợ”, thế nhưng đa phần đều nhận ra đó là điều hết sức... phình phường sau khi được nghe những “tiệm tạp hóa di động” đi qua cất tiếng rao quảng cáo thuốc... diệt chuột: “Chuột đồng, chuột cống, chuột chù. Ăn vào gật gù một cái chết ngay”(!) Thật là một câu quảng cáo đáng sợ cho... lũ chuột!

“CHỢ RA NGOÀI NGÕ...”

Ra ngoài ngõ thì... khỏi bàn. Các cụ xưa từng khuyên: “Muốn ăn thì lăn vào bếp”, nhưng theo tôi ở Sài Gòn, câu ấy phải đổi thành: “Muốn ăn thì lăn... ra ngõ”. Quả thực là không thiếu bất kỳ thứ gì. Đúng như phương châm: “You can do, if you want”, không có thứ gì ở Sài Gòn không thể... di động. Nhan nhản, nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, những “chợ” kiểu này quan tâm đến cộng đồng “vùng sâu vùng xa” và “vùng trung tâm” không một chút so bì . Tất cả cũng đều được dùng bằng xe đẩy, liệt kê “mặt hàng” có lẽ không thể kể xiết. Thông thường mỗi “xe” là một “chợ” bán hàng “chuyên biệt”. Họ thường chỉ bán một “mặt hàng” nào đó, chứ không mấy khi “lấn sân” sang lĩnh vực khác. Nào bột chiên, hủ tiếu, cháo lòng, nào sâm bí đao, sâm bổ lượng, nước hoa cúc, đậu hũ chiên, cá viên chiên, khoai lang nướng, bắp luộc, bắp xào, phá lấu, sương sáo, bánh mì pa-te... ôi thôi đủ cả. Thậm chí còn rất nhiều xe bán... thịt cóc, bán cây kiểng, bán... chó, mèo di động cũng thản nhiên... tuần hành khắp phố.

Tuy nhiên, dân dã và thú vị nhất vẫn là những... gánh hàng rong. Vì lý do rất đơn giản, đặc tính của nó là... ngồi xổm. Thay vì những xe đẩy tôi kể trên thường mang theo ghế cho khách ngồi thì với gánh hàng rong, bạn được thử độ dẻo dai của đôi chân cho đến khi bạn... ăn hết món mình gọi. Những gánh hàng rong này thường bán các “mặt hàng” đa dạng hơn một chút. Với hai chiếc thúng hai bên, kèm theo một chiếc... đòn gánh ở giữa, vậy là quá đủ chỗ để “treo lủng lẳng” các mặt hàng cần “tiếp thị”.

Trong số những mặt hàng mà các gánh hàng rong cung cấp thì món... bánh tráng được các “xổm khách” ưu tiên số 1. Vốn có xuất xứ từ Tây Ninh, chẳng hiểu từ bao giờ, bánh tráng đã đi vào lòng Sài Gòn một cách thật tự nhiên. Với giá 500 đồng/ bịch mỏng dính, bạn sẽ có thể “hô biến” chúng thành món ăn không chê vào đâu được. Tùy khả năng... giãn nở của dạ dầy, bạn có thể mua số lượng ít hay nhiều bánh tráng. Xé bánh càng nhỏ càng tốt, thêm chút rau răm, khô bò, mực xé, trứng cút, đậu phộng, xoài xanh, cóc xanh, muối tôm, sa-tế hành, nước cốt trái tắc... trộn đều tay, đến khi tất cả thấm vào nhau thành dạng hỗn hợp là... a-lê-hấp... một món ăn hấp dẫn đã “chào đời”. Lúc này thì... ực ực, không ai có thể bỏ qua. Đó là lý do vì sao dù trước cổng trường hay ngay trung tâm thành phố, những chợ bánh tráng di động này luôn đông khách kinh khủng. Tuy nhiên, điều này bỗng dưng trở nên khá... phản cảm khi nhiều cô nhân viên xinh đẹp bận váy ngắn tung tăng từ trong những trung tâm thương mại lớn như Diamond Plaza, tòa nhà HSBC... thản nhiên khoác vai nhau ngồi xổm... ăn hàng. Chiều tối nào cũng vậy, chỉ cần ra trung tâm thành phố, bạn sẽ bắt gặp hàng... trăm những “gương mặt quen” (bận váy ngắn - xin nhấn mạnh) xếp hàng dài... ăn hàng. Trước cửa Bưu điện Trung tâm, trong khuôn viên Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn,... hay ở đâu cũng vậy, tất cả các cô đều thản nhiên ăn uống với một cái bịch dính đầy dầu mỡ và đôi đũa nhỏ trên tay trước dòng khách du lịch ào ạt đi qua đi lại.

VUI BUỒN CÙNG... “CHỢ DI ĐỘNG”

Theo lời của mỗi vị “chủ chợ”, tôi biết được số lời mỗi ngày của họ thường dao động khoảng 20.000 đến 50.000 đồng. Chỉ thế thôi mà trăm ngàn thứ phải chi. Sáng chỉ mới 2 – 3 giờ đã phải ra chợ lấy hàng, không đến sớm thì sẽ không có hàng bán. Hỏi một chị bán bánh tráng ở Quận 1, được biết quê chị ở Bình Định - vậy mà ba năm rồi chưa dám về nhà. Nhắc đến chuyện về quê, chị sụt sùi: “Chồng là thợ phụ hồ, túc tắc có ai gọi thì làm. Mấy đứa con còn đi học. Vé xe có vài chục ngàn mà chị cũng chẳng dám về. Nhớ con thắt ruột. Một tháng dư được đồng nào chị lại cố gắng chắt chiu gửi cho chồng con. Tội nghiệp lắm, chắc lâu rồi mấy đứa nhỏ chẳng được bữa cơm ngon”. Được biết, chị thuê nhà mãi ở Quận 4 (đi bộ hết gần 3 tiếng), một tháng giá 200.000 - một nơi mà theo chị: “Vừa đủ ngả lưng, gần 20 người/ phòng. Đi về mệt là lăn ra ngủ, có biết gì đâu mà rộng với chật”. Tiền ăn uống, vặt vãnh... vị chi cũng thêm ít nhất 500.000 ngàn nữa. Vậy là mỗi tháng may ra chị gửi về nhà được 300.000. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, mặt chị lại càng rầu: “Có chừng đó gửi về là may lắm rồi. Như chị tối qua, lúc 23 giờ, mấy đứa bụi đời 15 - 16 tuổi đến lấy hết bánh, lấy hết trái cây mà chị đâu có dám la to. Nhưng chị vẫn may mắn vì chỉ bị một lần, chứ như mấy người khác, gặp hoài. Có cụ già 84 tuổi ngồi kế chị nè, có hôm nửa đường gánh về Quận 4, bị lũ bụi đời lấy hết gần 400.000 dành dụm. Ác chi mà ác... Rồi lại còn công an nữa chứ, giữa trung tâm thành phố, cánh bán hàng rong tụi chị bị bắt thường xuyên.Thế nhưng, kế sinh nhai mà, lại vay mượn rồi sắm sửa đi bán lại. Quay đi quay lại, chị đã bám cái nghề này ngót nghét cả chục năm...

Mẹ già tần tảo gió sương...

Lang thang ra gần Bưu điện TP HCM, tôi thấy có nữ du khách giơ máy ảnh lên chụp một gánh hàng rong, chắc cô muốn lưu lại chút gì đó dân dã nhất của Sài Gòn. Giơ lên chụp, cô gánh hàng rong cười vui vẻ. Nhưng đến khi cô gái chụp xong thì... “Mua hàng cho chị đi em”. Cô gái ngại ngần: “Dạ không, xe của em sắp chạy rồi...”. “Thì mua rồi lên xe ăn?”. “Dạ thôi, em vội quá...”. Thế là ngay tập tức, cô chủ hàng lườm nguýt: “Cái gì? Chụp hình người ta mà không chịu mua hàng à? Rõ là... lần sau thì đừng có mà chụp với chiếc gì nữa nhé...” Vâng, lúc này thì không chỉ cô gái mà tất cả những người xung quanh đều sửng sốt.

KẾT

Ôi, đôi gánh hàng rong, nuôi lớn đời tôi từng ngày...” - một nhạc sĩ nào đó đã viết thật xúc động như thế. Còn ở Sài Gòn, “chợ di động” hôm nay dường như đã trở thành một nét văn hóa thật gần gũi. Bên cạnh những siêu thị, những trung tâm thương mại sầm uất, “chợ di động” chắc chắn sẽ mãi mãi còn tồn tại, ít nhất là trong kí ức của mỗi người con xa phương...

Bài và ảnh: Trúc Quỳnh - Sài Gòn tháng 11-2006


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn