BA MẸ ƠI, HÃY CHO CON LÊN TIẾNG!

Thứ sáu - 25/02/2005 01:19

(NCTG) Xã hội phát triển, kéo theo nó là rất nhiều sự thay đổi. Và mỗi gia đình - những tế bào nhỏ bé của xã hội cũng không thoát khỏi sự tác động của nó. Khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình - giữa cha mẹ và con cái đang ngày một giãn ra theo mức đáng báo động. Vậy nguyên nhân do đâu?

Tình trạng học quá tải ở Việt Nam: số lượng sách vở mà một học sinh lớp Sáu phải mang đi học theo thời khóa biểu cho một ngày là... 17 quyển! - Ảnh: N.Q. ("Tuổi Trẻ")

1. XIN ĐỪNG TẠO SỨC ÉP CHO CHÚNG CON!

Tiếp xúc với các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, hầu như tôi thấy các bạn có tâm trạng như nhau. Ai cũng cho rằng mình đang bị cha mẹ gây áp lực quá lớn về chuyện học tập.

Như T. Dương (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) là một ví dụ. Cô kể rằng ngay từ nhỏ, việc học hành của cô đã bị cha mẹ quản thúc rất chặt chẽ. Kể cả những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, trong khi các bạn cùng tuổi thì hết được ba mẹ đưa đi chơi chỗ này lại đưa đi chơi chỗ kia. Tuổi thơ của cô chỉ biết có học và học. Không học ở lớp thì học thêm, không môn chính thì môn phụ, những ô trống còn lại thì được "lèn chặt" bởi các môn năng khiếu ở cung thiếu nhi, nhà văn hóa. Kết quả học tập của cô các năm đều rất cao nhưng dường như cô lúc nào cũng có vẻ thiếu ngủ vì luôn phải thức đến 2-3 giờ sáng, mắt thâm quầng, mệt mỏi. Cô nói rằng có một đêm, vì quá kiệt sức nên cô ngủ gục luôn trên bàn học. Kết quả là hôm sau, khi cô giáo kiểm tra thì cô không làm được bài. Vì sợ bị la mắng nên cô không dám về nhà, làm cả nhà thốc tháo, chạy đôn chạy đáo đi tìm. Kể xong cho tôi, cô buồn bã kết luận: "Mình không có tuổi thơ!"

Phải, rõ ràng với những bậc làm cha làm mẹ, ai chẳng mong muốn con cái mình học hành giỏi giang, để trước hết là ấm vào thân chúng, thứ hai là cha mẹ cũng có dịp nở mặt nở mày với bà con lối xóm. Nhưng liệu có phải là đúng không khi phần đông cha mẹ luôn đòi hỏi con cái phải đạt được thành tích nọ, thành tích kia lớn hơn khả năng thật sự mà chúng có thể làm. Rất nhiều các bậc cha mẹ, thầy con cái ông A., ông B. giỏi hơn, thế là về trút cả vào đầu con mình, bắt con cái è cổ ra mà học vì "thua chúng nó thì nhục lắm". Kết quả là con cái tiến bộ hay không chưa thấy, chỉ thấy chúng càng ngày càng lầm lì ít nói, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Thực trạng đáng báo động là báo chí thường đưa tin về số học sinh có triệu chứng bệnh tâm thần và số học sinh tự tử vì thi rớt đại học không ngừng giảm đi trong những năm qua. Trong khi mọi người còn chưa ngã ngũ về việc "chấn hưng giáo dục" hay giảm tải cho học sinh thì hiện nay, chính các bậc cha mẹ mới trở thành người gây áp lực mạnh nhất cho con cái mình. Điều đó có nên không?

2. HÃY CHO CON MỘT GÓC RIÊNG TƯ!

Chuyện này không phải là hiếm, có nhiều bậc cha mẹ hiện nay vì quá lo lắng cho con cái mình, nhất là những cô ấm, cậu ấm quen được bọc trong nhung lụa thì sự quản giáo của cha mẹ lại càng khắt khe hơn.

Hỏi chuyện M. Hoàng (THPT Năng khiếu), tôi nhận thấy cậu khá bức xúc. Cậu kể rằng cậu hoàn toàn không có một góc riêng nào cho mình cả. Tất cả những cuộc điện thoại của cậu, mẹ cậu luôn là người nhấc máy trước, hay khi bạn bè đến chơi cũng vậy, ba hoặc mẹ cậu luôn xuất hiện với câu nói: "Có việc gì quan trọng không? Hoàng đang ngủ cháu ạ. Có gì quan trọng thì cô gọi cho, không thì cháu để lúc khác". Rồi sau đó là một màn phỏng vấn dài lê thê, bao gồm những câu hỏi như trong một bản kê khai lý lịch. Nào là: tên là gì, là bạn kiểu gì với Hoàng, nhà ở đâu, ba mẹ làm gì, v.v... và v.v... Thậm chí khi thấy bạn của Hoàng đến mượn sách vở thì thế nào mẹ cậu cũng nói: "Sách thì Hoàng nó dùng cả ngày, con mượn lỡ lại quên không đem trả ngay, nó thế nào cũng hạch sách xin tiền cô để mua. Mà sách tham khảo mắc lắm cháu ạ..." Còn riêng nghe điện thoại thấy giọng con gái hay có bạn gái đến nhà chơi thì thế nào cũng được mẹ cậu "mời" về bằng một câu nói đôi khi mang tính xúc phạm: "Cháu để cho thằng Hoàng nhà cô nó học, dính vào con gái tuổi này rách việc lắm". Sự việc còn trầm trọng hơn khi mẹ Hoàng, vì muốn "răn đe" con trai, đã gọi điện thẳng đến nhà cô bạn thân nhất của cậu, nói chuyện với ba mẹ cô rằng "con gái anh chị suốt ngày qua lại với thằng Hoàng, tụi nó bày đặt mới tí tuổi đầu đã yêu với đương, thế thì học hành gì được nữa". Dĩ nhiên cô bạn của Hoàng bị ba mẹ cho một trận te tua. Và rốt cuộc là cuối cùng chẳng còn ai dám bén mảng gọi điện hay ghé nhà cậu chơi nữa. Số bạn bè chơi thân với cậu cũng dần dần tránh mặt vì không muốn gặp rắc rối với ba mẹ cậu.

Tôn trọng sự riêng tư của con cái là một điểm căn bản của văn hóa gia đình - Ảnh minh họa

Còn chuyện của cô bạn thân của tôi tên N. Vân thì khác, năm lớp 11, cô có chút xúc cảm với cậu bạn lớp bên. Tuy nhiên đó chỉ là tình cảm đơn phương của một cô gái mới lớn. Vậy là có bao nhiêu tâm sự, cô trút hết vào cuốn nhật ký của mình. Một hôm, vửa đi học về, cô sững sờ khi nhìn thấy mẹ cô với khuôn mặt giận giữ, bên cạnh là cuốn sổ nhật ký có khóa đã bị mở tanh bành chỉ bằng một chiếc kẹp ghim. Cô thảng thốt: "Sao mẹ lại đọc nhật ký của con? Sao mẹ lại xâm phạm đời tư của con?" Mẹ cô lập tức "bắt nọn" và nói: "A, thế ra bây giờ chị giỏi rồi. Chị có quyền tự quyết hết phải không? Tôi nói cho chị biết, tôi là mẹ chị thì tôi có quyền. Không một chuyện lớn nhỏ gì của chị mà tôi không được quyền biết cả, nếu muốn tự do thì chỉ có cách chị đi ra khỏi cái nhà này. Đấy, học thì không lo học, thi đại học đến nơi mà lo yêu đương, rồi đến lúc mang cái bụng ễnh về nhà là xong chứ gì?" Nghe đến đây thì cô bật khóc tức tưởi, cô nói: "Vậy nếu mẹ muốn biết thì tại sao mẹ không hỏi con? Sao lại phải đọc nhật ký của con? Con cũng muốn được nói với mẹ, được chia sẻ với mẹ nhưng có bao giờ mẹ chịu lắng nghe con đâu?" Mẹ cô lại đay nghiến: "Con với cái, nói không nghe, mà cứ động đến là lý sự, tao lo cho mày ăn học đàng hoàng rồi bây giờ mày quay lại lên án tao phải không?"

3. BA MẸ ƠI, CHÚNG CON ĐÃ LỚN!

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con cái họ luôn luôn là một đứa trẻ dù chúng có cao lênh khênh hay lớn tồng ngồng đi chăng nữa. Các phụ huynh dường như quên mất rằng con cái mình đang trưởng thành lên từng ngày. Và nói gì thì nói, chính tuổi tác cũng chính là nguyên nhân tạo ra khoảng cách ngày một xa giữa các thế hệ trong gia đình.

Ngay cả chuyện quần áo, trang phục hay giải trí của con cái thôi cũng là cả một vấn đề. T. Nam (24 tuổi, kỹ sư tin học, đang làm tại một công ty phần mềm máy tính) cho ý kiến: "Tôi muốn ba mẹ hiểu tôi hơn nữa. Xin đừng mang những tư tưởng của hôm qua ra để áp dụng lên hiện tại. Chúng tôi không có ý nói ba mẹ lạc hậu, càng không có ý phủ nhận sự quan tâm của ba mẹ dành cho mình, nhưng chỉ mong ba mẹ có cái nhìn thoáng hơn một chút, xin hãy đặt vào địa vị chúng tôi để đánh giá mọi việc cho khách quan. Ví dụ như em gái tôi, nhỏ đang học năm thứ hai Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ cần nhỏ mặc vài kiểu quần áo hơi thời trang, hơi hiện đại một chút thôi thì thế nào cũng bị la tơi bời. Mà khổ nỗi nó đi chơi, đi picnic chứ có phải đi chùa đâu mà lúc nào cũng kín cổng cao tường. Đặt ở địa vị tôi, lứa tuổi của tôi, tôi thấy như thế là đẹp, chẳng có gì đáng bị cấm đoán cả. Còn tôi, tôi đã đi làm. Vậy mà mỗi khi đi đâu về hơi trễ một chút thì sẽ bị ba hoặc mẹ gọi điện thoại la lối bắt về. Đôi khi công việc mệt mỏi, tôi muốn dancing cho thoải mái một chút thì lại bị nói là nhăng nhít. Trong mắt ba mẹ tôi thì dường như vũ trường luôn là một nơi xấu xa, bẩn thỉu lắm, và bất kì ai khi đến đó cũng sẽ bị kéo xuống thành thứ cặn bã, rác rưởi hết lượt".

Khi tôi hỏi vì sao các bạn không thử nói chuyện với ba mẹ một cách thẳng thắn, bởi đó là cách để giải quyết mâu thuẫn tốt nhất thì thật bất ngờ. Hầu như tấ cả đều nói rằng đã thử, nhưng không được. T. Chương (sinh viên năm 3 trường Đại học An ninh) tâm sự: "Mỗi khi thấy ba mẹ nói sai, tôi thường nói lại với mục đích giải thích và đính chính lại, nhưng luôn bị quy vào tội cãi và hỗn láo. Nói chung, trong mắt ba mẹ, tôi luôn luôn sai và ba mẹ luôn luôn đúng. Ba mẹ tôi luôn áp đặt mọi ý kiến lên và bắt chúng tôi làm theo mà không có quyền thắc mắc hay thay đổi gì. Không khí gia đình thật nặng nề và tôi nhiều khi không muốn về nhà. Từ khi học đại học, xa nhà, cả năm có khi mới về một lần, tình hình có vẻ bớt căng thẳng hơn chút ít".

*

Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng giãn ra, và theo tôi, khoảng cách ấy sẽ còn lớn hơn nữa nếu như hai bên không chịu hiểu và thông cảm cho nhau. Xuyên suốt bài viết này, tôi vẫn cố ý nhấn mạnh rằng tất cả là vì cha mẹ quá lo lắng cho con cái, nhưng rõ ràng trong những trường hợp như đã nói ở trên, điều đó là chưa phải đã là tốt. Thậm chí còn phản tác dụng! Vậy điều cần làm ngay hiện nay chính là tự bản thân mỗi người trong gia đình, hãy vứt bỏ đi những rào cản, hãy tự lấp đầy hố sau ngăn cách ấy. Hãy đặt mình vào địa vị của nhau để thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm. Cha mẹ hãy đến bên con cái bằng cả sự bao dung. Còn con cái,ngoài việc trách móc cha mẹ không hiểu mình, cũng cần phải biết tự khẳng định bản thân để mỗi lời nói ra với cha mẹ đều có trọng lượng. Không ai là không hạnh phúc khi thấy con cái giỏi giang, thành đạt, vì "con hơn cha là nhà có phúc" mà. Quan trọng là hai bên hãy học cách lắng nghe nhau, chắc chắn mọi chuyện sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt.

Trúc Quỳnh, Sài Gòn 31-1-2005


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn