HÃY ĐỂ CHO TRẺ EM ĐƯỢC CHƠI!

Thứ sáu - 02/04/2004 19:30

(NCTG) Nhiều khi, chúng ta, những bậc cha mẹ, mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ em và khi đó, chúng ta chớ ngạc nhiên khi bọn trẻ... không biết chơi thứ gì!

Những trò chơi mới kích thích trí tưởng tượng và lòng ham hiểu biết của đứa trẻ

Cảnh tượng này rất quen thuộc với những gia đình đã có con: trong phòng của đứa trẻ, đâu đâu cũng bừa bộn đồ chơi, không theo một trật tự nào cả. Vậy mà cháu bé vẫn không biết chọn thứ đồ nào để chơi. Nhưng nếu chúng ta thử nói với chúng rằng "thôi con không chơi, thì để mẹ cho bé khác nhé?", hoặc giả vờ... quẳng đi, thì thế nào đứa bé cũng đòi và chơi thứ đồ đó. Đôi khi, chúng ta cũng cố gắng sắp xếp lại tủ đồ chơi của con sao cho gọn ghẽ, nhưng mọi thứ sẽ vô hiệu: đến một dịp lễ lạt gần nhất (ngày sinh nhật, Lễ Giáng sinh hay Phục sinh...) mọi thứ đâu lại vào đấy!

Câu hỏi được đặt ra là tại sao trẻ em lại cần (nhiều) đồ chơi? Đối với chúng, những vật dụng thường ngày không đủ ư? Ví dụ: một vỏ hộp rỗng, có thể cắt thành những hình thù như cửa sổ, cửa ra vào, có thể tô màu, có thể thò tay, thậm chí... thò đầu vào đó? Cố nhiên, những thứ đó, dù không ai đi tặng trẻ em, nhưng cũng sẵn...

Theo các chuyên gia về nuôi dạy trẻ, sở dĩ trẻ em cần đồ chơi vì một thứ đồ chơi mới lạ sẽ khiến chúng gợi trí tò mò và quan tâm, khi chơi, chúng có thể biểu lộ những khà năng về thể chất và tinh thần. Trí tưởng tượng của trẻ em cũng rất được vận động khi chơi một trò mới. Và, để làm được điều ấy, thì một đồ vật đơn giản - như một vỏ hộp rỗng - là không đủ.

Thoạt tiên, các bé gái bằng lòng nếu được chui vào áo ngủ của mẹ, hay xỏ chân vào đôi giày của mẹ. Nhưng về sau, chúng thích... đánh phấn và bôi son nữa! Cũng như vậy, đầu tiên, một bé trai thỏa mãn nếu được cho một chiếc xe con (mô hình Matchbox), nhưng về sau, hẳn chúng sẽ đòi cả xe cấp cứu, xe cứu hỏa hay cảnh sát, phải có còi rú và đèn xanh nháy hẳn hoi, cỡ càng to càng tốt!

Trẻ em luôn cần đồ chơi mới, nhưng chúng ta cũng cần xác định một giới hạn cho chúng. Vì nếu có quá nhiều đồ chơi thì chúng sẽ chẳng biết chơi cái gì nữa, và cũng sẽ... chóng chán. Các bậc cha mẹ có thể tránh được tình trạng hỗn loạn này bằng cách cùng lũ trẻ chọn lựa và xếp theo từng "chủng loại" những đồ chơi mà chúng có.

Và, chúng ta hãy nhớ một nguyên tắc cơ bản: trẻ em cần nhất là người lớn hãy để chúng chơi thoải mái. Các bậc phụ huynh chớ đặt ra những nguyên tắc cho chúng khi chơi: đừng "ra chỉ thị" liên hồi rằng "con phải chơi thế này, với thứ đồ chơi kia"...

Tuấn Hùng, theo tạp chí "Fanny", Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn