NỤ HÔN - BÀI THUỐC KÉO DÀI TUỔI THỌ

Thứ sáu - 05/11/2004 09:10

(NCTG) Nụ hôn là chuyện riêng tư của mỗi người, ấy nhưng nó cũng là vấn đề chung của xã hội. Trải qua hàng chục thế kỷ, chuyện tôn trọng hoặc lên án nụ hôn phản ánh sự phát triển của nền văn minh xã hội đó. Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn, diễn viên... miêu tả về nụ hôn. Tất nhiên như thế vẫn chưa đủ, nhưng có lẽ ít người biết rõ về lịch sử, nguồn gốc, tác dụng sinh học của nụ hôn.

* Nụ hôn có từ bao giờ?

Hiện nay đã có một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về nụ hôn, tiếng La Tinh gọi là "philematológia". Theo một số nhà nghiên cứu nhân chủng học thì nụ hôn là một bằng chứng của quá trình tiến hóa. Chuyện dùng miệng để làm quen, nhận biết nhau chúng ta đã thường thấy ở một số loài động vật. Thường bố mẹ nhai sẵn thức ăn rồi rồi đưa thức ăn từ miệng mình sang miệng con cái. Ở loài khỉ, ngoài chuyện dùng miệng để làm quen nhận biết nhau, chạm mõm vào nhau là một hình thức chào hoặc là một biểu tượng của tình bạn. Ở người, theo nhà nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng Freud, ông tổ của học thuyết Phân tâm học, trẻ em bú mẹ là một hình thức cảm nhận hưng phấn giới tính đầu tiên. Đến tuổi thanh niên, một trong những biểu hiện phát triển của giới tính là vùng cảm hứng ở môi mỗi khi hôn.

Đáng ngạc nhiên là một số dân tộc trên thế giới lại hoàn toàn không biết đến nụ hôn, chứng tỏ nụ hôn không phải là bản năng của con người mà là thành quả của một nền văn hóa. Những người dân ở đảo Mangria hoàn toàn không biết đến thói quen giao tiếp này cho đến mãi thế kỷ thứ XVIII, khi những người châu Âu đến định cư ở đây. Trong khi đó, theo cuốn sách "Kama Sutra" (*) - cẩm nang về tình dục của người Ấn Độ - thì nụ hôn là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày, cả về mặt sinh học và tâm lý học.

* Nụ hôn dưới con mắt các nhà sinh học

Không phải ở đâu người ta cũng chỉ dùng môi để hôn. Hôn bằng mũi, "ông tổ" của nụ hôn bàng miệng, đã có từ 1.500 năm trước Công nguyên. Cho đến nay, người ta thường gọi hôn bằng mũi là hôn kiểu Eskimo và vẫn có những dân tộc trên thế giới dùng lối hôn "cổ truyền "này. Dùng mũi cọ vào nhau không hẳn chỉ là một trò chơi của trẻ nhỏ mà còn là một cách trao đổi thông tin rất hiệu quả. Những tế bào khứu giác trong mũi, sau khi nhận được mùi mồ hôi của người mình tiếp xúc qua tuyến mồ hôi tiết trên mặt, sẽ truyền ngay những thông tin đó về trung tâm khứu giác ở não và qua đó hình thành một nhận xét về người đối diện mình. Mức độ trao đổi thông tin tăng lên hàng nghìn lần nếu ta sử dụng môi. Môi và miệng là một trong những nơi chứ đựng nhiều dây thần kinh nhất, đồng thời, cũng là một trong những bộ phận cảm nhận nhạy bén nhất của cơ thể. Những thông tin được truyền qua vị giác và đơn thuần là qua động chạm, kích thích sự bài tiết của tuyến nước bọt, trong đó có những thành phần hóa học tạo cảm giác hưng phấn tình dục của cơ thể. Thậm chí, người ta còn tìm thấy trong nước bọt những peptid có thành phần hóa học và tác dụng gây nghiện gần giống như thuốc phiện. Vô vàn những chuyển biến sinh học của cơ thể diễn ra trong khi hôn: môi mọng lên, lưu thông máu tăng, mạch đập nhanh lên đến gấp đôi, đồng tử giãn rộng, phản ứng về mùi vị của cơ thể nhạy bén hơn. Vào thời điểm cao trào của nụ hôn, chất endorphin - hay còn gọi là hoóc-môn hưng phấn - tràn ngập toàn bộ cơ thể. Chính hoóc-môn này tạo cảm giác thật khó diễn tả bằng lời của nụ hôn.

Khi hôn nhau, con người "chỉ" sử sụng 30 cơ nhỏ ở vùng mắt. Người ta tính được rằng mỗi lần hôn có thể "tiêu hao" 12 Kcal năng lượng và hơn thế nữa, hôn thường xuyên giúp kéo dài được 5 năm tuổi thọ!

* Nụ hôn và xã hội

Thời Trung cổ, một phụ nữ Babylone chỉ vì hôn công khai mà đã bị trừng phạt bằng cách... xẻo 2 tai. "Tấm gương" rùng rợn đó cho đến tận thế kỷ XXI này vẫn còn tồn tại: theo luật của Hồi giáo (Sharia), phụ nữ nào mà hôn ngoài giá thú, nhất là hôn công khai thì sẽ bị phạt 99 roi. Ở những xã hội bớt nghiêm khắc hơn thì chuyện hôn nhau chỉ bị coi là một hành vi khiếm nhã. Chẳng hạn, ở những nước yêu cầu cách xử sự trang nghiêm và giấu kín tình cảm (như Nhật Bản hoặc Trung Quốc) thì chuyện hôn nhau công khai vẫn là một đề tài tránh đề cập. Ngược lại, tại các xứ sở theo đường lối "tự do chủ nghĩa" một cách "quá trớn" như ở Bắc Âu, thậm chí đến trước cửa bệnh viện còn có một khu riêng chuyên để nhân viên được thoải mái... hôn chia tay với người thân. Dầu sau, một nụ hôn nhẹ nhàng mang tính chia tay thường được chấp nhận ở mọi nơi, mọi chỗ.

Ở châu Âu, giá trị của nụ hôn cũng thay đổi khá nhiều. Nếu như đầu thế kỷ trước, nụ hôn còn là biểu tượng của sự gắn bó tuyệt đối giữa hai người thì dần dần, nó chỉ mang lại thông tin rằng hai người đó đang có quan hệ với nhau. Cho đến nay, mặc dù nụ hôn vẫn gắn liền với quan hệ tình dục, một nụ hôn "ngoài giá thú" cũng chẳng bị liệt vào khái niệm "ngoại tình". Nhưng theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, sự thiếu vắng của nụ hôn là một biểu hiện rạn nứt trong mối quan hệ, dễ dẫn đến thờ ơ về tình dục và cuối cùng là không quan tâm đến nhau.

*Hôn nhau - nên hay không nên?

Không thể bỏ qua vấn đề vệ sinh của nụ hôn. Thời La Mã cổ đại, có đạo luật cấm hôn để tránh bệnh truyền nhiễm. Khỏi phải nói rằng đạo luật đó - ngoài việc tạo ra bức tường nghiêm khắc về đạo đức - không thu được kết quả trong việc phòng chống bệnh tật. Hiện nay, chúng ta đã biết chính xác rằng trong miệng có 278 loại vi khuẩn khác nhau và 1 mill nước bọt chứa... 40 triệu con vi khuẩn. Thế nhưng, tất cả những điều đó chẳng phải lý do để khước từ nụ hôn và coi nụ hôn là không hợp vệ sinh hay nguy hiểm. Chỉ có ai quá ngu xuẩn mới từ chối nụ hôn, nhưng hãy cẩn thận khi dùng "vị thuốc" này: đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều. Muốn biết thêm về những tác dụng phụ hoặc những diễn biến có thể xảy ra của "thuốc", xin hỏi... chính vợ hoặc chồng mình!

(*) Kiệt tác "Kama Sutra" được nhắc tới trong bài viết, một tác phẩm về khoa học tình dục, là một ví dụ cổ xưa nhất còn sót lại trong kho tàng cẩm nang làm tình của người Hindu. Sách được biên soạn bởi nhà hiền triết Ấn Độ Vatsyayana vào khoảng giữa thế kỷ Hai và Ba trước Công nguyên. Công trình này dựa trên tác phẩm "Kama Shastras" (Những nguyên tắc làm tình) xuất hiện trước đó vào thế kỷ thứ Bảy trước Công nguyên, mô tả nghệ thuật (tư thế) làm tình của người Ấn Độ từ thời cổ xưa. Trong "Kama Sutra", ngoài những kỹ thuật và tư thế làm tình (nhiều khi kỳ quái và rất khó thực hiện, dưới con mắt người thời nay), nụ hôn và cách thực hiện nó cũng được nâng lên tầm nghệ thuật (NCTG).

Đặng Phương Lan tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn