ĐẰNG SAU MỘT CÂU CHUYỆN ĐỔI TÊN TRƯỜNG…

Thứ bảy - 06/02/2010 00:26

(NCTG) Thay đổi tên địa danh, đường phố, công sở một cách tùy tiện, võ đoán, vì những lợi ích nhất thời, thiển cận, bỏ mặc những phản ứng của xã hội, có lẽ là điều tối kỵ đối với chính quyền.

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trên phố Nam Cao, quận Ba Đình, một thương hiệu nổi tiếng của giáo dục trung học Việt Nam

Dường như đó là trường hợp “thay tên đổi họ” của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, một ngôi trường mới có lịch sử một phần tư thế kỷ, nhưng đến nay đã sở hữu rất nhiều thành tích của các học sinh và cựu học sinh, trong học tập và cuộc sống.

Để tới nay, với cái tên thân thương “trường Ams”, Hà Nội – Amsterdam đã trở thành ngôi trường trung học hàng đầu của thủ đô, thành một “thương hiệu” mà các “Amser” luôn tự hào một cách có cơ sở với bè bạn.

Một sự “lựa chọn” cưỡng bức

Trong thực tế, tên một địa danh, một con đường hoặc một trường sở không phải là bất biến và việc thay đổi chúng một cách hợp lý không phải là điều quá hiếm hoi hay bất thường.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 1 vừa qua, khi báo chí rộ lên những thông tin về việc Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ “mất tên”, đi kèm với nhiều thảo luận sôi nổi của giới học sinh cũng như của những người có sự quan tâm đến trường trên các diễn đàn Internet, thì sự bất bình của công luận có cái lý của họ.

Sự việc khởi đầu từ năm 2007, khi Hà Nội chuẩn bị khởi công xây dựng một trường THPT mới tại quận Cầu Giấy với tổng giá trị đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong khuôn khổ các hạng mục công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Dự kiến, trường sẽ hoàn tất vào đầu tháng 5 năm nay và sẽ được phục vụ cho năm học mới. Đồng thời, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đưa ra hai sự “lựa chọn” cho thày trò trường Ams:

Thứ nhất, nếu muốn giữ nguyên tên cũ thì phải lại địa điểm cũ, nhưng có thể trực diện với nguy cơ bị “xé lẻ” vì một bộ phận sẽ chuyển sang cơ sở mới.

Thứ nhì, nếu chấp nhận “mất tên” thì được “thụ hưởng” một cơ sở mới khang trang, rộng rãi và có điều kiện kỹ thuật tốt hơn.

Sau nhiều phát biểu vòng vo, không rõ ràng của các cơ quan chức năng, cuối tháng 1, Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyên bố chấp nhận đề xuất đổi tên trường, để đổi lại việc thày trò Ams sẽ chuyển về địa điểm mới.

Phản ứng của công luận

Không phải chờ đến khi Ban giám hiệu trường Ams tuyên bố “hạ cờ” thì những học sinh, cựu học sinh và những người yêu mến Hà Nội – Amsterdam mới nhận ra rằng, thực ra hai “lựa chọn” trên không chỉ không hề là lựa chọn theo đúng nghĩa của từ này, mà còn là một “tối hậu thư” mang tính hành chính, thô bạo và cưỡng bức.

Báo chí cũng vào cuộc với những diễn đàn, những thảo luận và đại đa số đều tỏ ra bức xúc trước tư duy nông cạn, chạy theo thành tích của các quan chức giáo dục, những người - như tựa đề một bài báo, sẵn sàng - “hy sinh” tên trường Ams để… ghi dấu ấn cho Hà Nội.

Quan niệm áp đặt ấy thể hiện ngay trong phát biểu với báo giới của ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, khi ông cho rằng “với khu đất 5ha trên mặt đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) thì trong lịch sử ngành giáo dục chưa có miếng đất nào “đẹp” như vậy dành cho trường học. Hơn nữa, toàn bộ phần thiết kế, thi công, xây dựng cũng đều do công sức trí tuệ của người Hà Nội thực hiện”, nên “nhất định ngôi trường này phải mang tên Hà Nội”.

Nhận xét về tư duy này, một giảng viên cho rằng nó nặng màu sắc thị trường (nói thẳng ra là mang tính “con buôn”, mặc cả, đổi chác). Nhiều người tỏ ý đáng tiếc cho sự khai tử của thương hiệu “Hà Nội-Amsterdam” trong giáo dục, đã được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước. Một tiến sĩ thẳng thắn kêu gọi trên báo chí: “Nên dừng lại khi chưa muộn”.

25 năm trước, ai còn nhớ?

Một điều đáng để tâm là ý kiến và ước nguyện của thày và trò trường Ams, những người có vai trò quyết định để Hà Nội – Amsterdam trở thành một thương hiệu trong giáo dục Việt Nam như hiện tại, đã hoàn toàn bị bỏ qua!

Theo bà Lê Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng trường, người đã gắn bó với Hà Nội – Amsterdam từ những ngày đầu thành lập, thì vào tháng 7-2007, trường nhận được thông tin để bàn về vấn đề chuyển đổi tên. Ngay sau đó, gần 100 cán bộ công nhân viên của trường, trong một cuộc họp, đã khẳng định và chính thức trả lời bằng công văn, rằng họ muốn giữ lại tên trường vì đó là vấn đề của lịch sử.

Đây cũng là ý kiến của tuyệt đại đa số những thành viên diễn đàn HAO của Hiệp hội Học sinh Hà Nội – Amsterdam, những người, mới đây, đã chính thức khởi xướng cuộc vận động “Chung tay giữ tên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam”.

Cựu Amser nghĩ gì?

Một số cựu học sinh trường Ams, nay đã tốt nghiệp và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới, cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trước quyết định của giới chức giáo dục.

TS. Nguyễn Thủy Minh (Amser khóa 87-90, hiện giảng dạy tại Đại học Công nghệ Nanyang NTU - Singapore) đặt hàng loạt câu hỏi: “Không biết đổi tên như thế được lợi cái gì? Cái mất lớn nhất mà ai cũng nhìn thấy là mất đi một “thương hiệu” đã khẳng định được mình 25 năm qua.

Mà cũng không hiểu đã có ai trưng cầu ý kiến của các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh học sinh, cũng như các học sinh cũ - những người bị ảnh hưởng nhất bởi sự “thay tên đổi họ” này hay chưa? Đã có nhiều bài báo nêu lên ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối của các bậc phụ huynh học sinh, các học sinh đang theo học ở trường cũng như các học sinh cũ, không hiểu sao những ý kiến này không được quan tâm khi cân nhắc việc đổi tên trường?

Nếu một quyết định quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người mà lại chỉ được “ấn định” xuống từ cấp trên, thì như vậy đã dân chủ chưa? Việc thay tên một ngôi trường có bề dày truyền thống và thành tích không dựa trên một lý do gì “đáng kể” hơn ngoài việc “lập thành tích chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, và bất chấp những điều “bất cập” mà mọi người đã nói thì có “duy ý chí” quá không?

Nhà báo Đoan Trang (Amser 93-96) thì “phản đối kịch liệt chuyện đổi tên trường” với hai lý do.

Thứ nhất, nó “vi phạm nguyên tắc xây dựng thương hiệu (duy trì sự nhất quán): Phá vỡ một thương hiệu đã tồn tại từ lâu; chọn một tên mới không ra gì về mặt marketing; chọn tên mới xong cũng không thấy công bố chiến lược gì phát triển nó (rebrand – tái định vị thương hiệu).

Chuyện rebrand cũng là bình thường, ví dụ đổi tên, thay logo (như Viettel từng đổi thành Vietel) nhưng vấn đề là phải có các hoạt động đi kèm thật rầm rộ để đưa được hình ảnh mới vào tâm trí người tiêu dùng; chưa kể điều quan trọng là đổi sang tên mới thì tên mới dứt khoát phải hay hơn, ngắn gọn súc tích hơn tên cũ, phải được số đông thích hơn”.

Thứ hai, việc đổi tên “vi phạm nguyên tắc “dân chủ cơ sở”: “Đổi tên một thực thể thì dĩ nhiên phải trưng cầu ý kiến những người liên quan đến nó, càng trực tiếp càng tốt. Kể cả nhà đầu tư cũng không có quyền can thiệp trắng trợn và thô bạo thế”. Và Đoan Trang đặt câu hỏi: “Nhắc đến một ngôi trường, người ta nhắc tới những giáo viên và học sinh nổi tiếng của nó, chương trình học hấp dẫn của nó, hay tới nhà đầu tư của nó?

Nguyễn Mỹ Hạnh (Amser 02-05, đang là kỹ sư phần mềm của hãng Microsoft tại thành phố Redmond, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ) thì chia sẻ: “Là một cựu học sinh của trường, tôi không tán thành việc đổi tên vì lợi ít hại nhiều. Cái hại thì đa số đã chỉ ra: Hà Nội – Amsterdam qua bao năm mới xây dựng được tên tuổi, giờ nếu đổi tên thì phải làm lại từ đầu, chưa kể các kinh phí phát sinh đi kèm với việc đổi tên.

Cạnh đó, các cựu Amser khi đi đâu, làm gì lại phải thêm phiền phức giải thích ngôi trường mình đã học từng là một trong những trường THPT tốt nhất của Việt Nam. Sơ qua những cái hại là như vậy, còn lợi thì thực sự tôi không thấy. Việt Nam đã đầu tư vào rất nhiều công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, bản thân tên ngôi trường Hà Nội – Amsterdam, cũng đã có Hà Nội rồi…

Nếu nói phải đổi tên vì trường là “quà” của Hà Nội thì thử hỏi, người dân Hà Nội nói chung có tiếng nói gì trong vấn đề này? Ngày xưa, người dân Amsterdam tình nguyện góp tiền để xây dựng trường, thật đáng quý vì họ quyên góp cho một trường học ở xa nửa vòng trái đất, không hề có tư lợi gì riêng cho họ cả.

Còn trường mới, do kinh phí nhà nước, từ tiền thuế người dân Hà Nội nộp, để đào tạo ra lớp người Hà Nội mới, như vậy thực ra cũng không khác gì nhiều so với các trường THPT khác ở Hà Nội. Không lẽ như vậy thì bất cứ trường THPT nào ở Hà Nội đều phải mang tên Hà Nội? Hà Nội 1, Hà Nội 2, Hà Nội 3?

“Hà Nội – Amsterdam, bây giờ và mãi mãi”

Mới đây, Hiệp hội Học sinh Hà Nội – Amsterdam (HAO) đã gửi thông điệp tới các thầy cô giáo, các phụ huynh, các bạn học sinh, cựu học sinh, và những người tâm huyết với trường Ams, để bày tỏ tâm nguyện và vận động “giữ tên cho em”.

Nói về các giải pháp khả dĩ, nhà văn Trang Hạ, tuy không phải cựu Amser nhưng cho rằng đây là vấn đề mà bất cứ ai cũng nên suy nghĩ và đưa ra chính kiến, cũng đề xuất những câu hỏi ngỏ cho ngành giáo dục:

1. Thành lập một trường mới toanh ở Mỹ Đình: Hà Nội đã mở rộng diện tích và dân số lên bao nhiêu phần trăm, thêm một trường THPT mới cho thủ đô là quá xa xỉ hay sao? Tại sao xây xong một ngôi trường mới mà không nghĩ ra nổi một cớ cho nó tồn tại, phải chơi trò “ốc mượn hồn” để giữ nguyên số lượng trường THPT tại Hà Nội?
 
2. Cho Ams giữ nguyên là Ams: Tại sao chuyển cá giống từ “Ao cá Bác Hồ” đi khắp đất nước này vẫn giữ tên “Ao cá Bác Hồ” ở đó, mặc dù ao nào cũng là do nhân dân địa phương xây cả? Mà hạt giống trí thức thì phải đổi tên theo tên... người xây ao?
 
3. Xây lại cơ sở vật chất cho Ams trên đất cũ, nếu Ams chỉ cần phòng học mà thôi.

Và chị mạnh bạo đưa ra một giải pháp thứ 4: “Cho phép Trang Hạ kêu gọi đầu tư để xây Ams trên đất cũ, sau đó thành lập Hội đồng Quản trị để bảo vệ quyền lợi của nhà trường, mà Trang Hạ và các nhà đầu tư đảm bảo sẽ không đòi trường Ams đổi tên thành trường THPT Trang Hạ. Đã kêu gọi xã hội hóa giáo dục, tại sao không dám sòng phẳng với thầy trò và các nhà đầu tư?

Nhà báo Đoan Trang thì cho rằng, cần sự vào cuộc hơn nữa của báo chí, cũng như, có những tiếng nói chính thức lên Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT của Hiệp hội HAO, vì “các học sinh đang học trong trường chắc chắn chả có quyền gì, giáo viên thì ai cũng lo yên phận cho rồi”. Tuy nhiên, chị thổ lộ: “Tôi bi quan lắm, có lẽ báo chí sẽ lắng dần, không ai khiếu nại gì cả, và cơ quan quản lý giáo dục sẽ cứ làm gì mà họ thích”.

Dễ hiểu là do những đặc thù của quản lý, rất nhiều quyết định ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và đời sống của người dân được quyết định không thông qua tiếng nói trực tiếp của họ. Điều đó đòi hỏi giới quan chức phải có sự suy xét chừng mực, sáng suốt, phải tính đến những hiệu ứng xã hội trong mỗi quyết định của họ.

Đây cũng là điều mà một bộ phận không nhỏ của công luận đang chờ đợi, và đòi hỏi, trong trường hợp đổi tên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Để nguyện vọng “Hà Nội – Amsterdam, bây giờ và mãi mãi - tưởng chừng rất khiêm nhường - của nhiều thế hệ thày và trò trường Ams có cơ hội trở thành hiện thực…

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn