2010, KINH TẾ VIỆT NAM KHÔNG HỨA HẸN KHỞI SẮC

Thứ ba - 09/02/2010 09:42

(NCTG) Hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam hiện nay, ông Trần Đình Thiên và ông Vũ Thành Tự Anh, đều có những nhận định không mấy lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2010, mặc dù theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% và 7% trong hai năm 2010 và 2011.

Minh họa: “Người đại biểu Nhân dân”

Tại cuộc tọa đàm “Kinh tế vĩ mô năm 2009 và thách thức trong năm 2010”, tổ chức tại Hà Nội ngày 8-2, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Fulbright Harvard, cho rằng dư địa của gói kích cầu 8 tỷ USD năm 2009 không còn nhiều, trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung không tăng lên.

Ông dẫn một ví dụ: sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến vốn được xem là một “chỉ số” đo lường sức mạnh của khối doanh nghiệp, thì tăng trưởng ở khu vực chế biến của Việt Nam đã giảm từ 9,9% năm 2008 xuống còn 2,8% năm 2009; đóng góp vào GDP của khu vực này giảm tương ứng từ 40% xuống còn 13,5%. Trong khi đó, công nghiệp khai thác tài nguyên lại tăng mạnh, từ -3,8% lên 7,6%. Điều này chứng tỏ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng là rất đáng lo ngại; nền kinh tế dựa rất nhiều vào hoạt động “xúc tài nguyên đem bán”.

Ông Vũ Thành Tự Anh cũng đưa ra thêm một vài nhận định khác, như: VND đã và đang chịu sức ép giảm giá rất lớn, và rủi ro về tỷ giá sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm tới. Thâm hụt cán cân thanh toán suy giảm mạnh: từ thặngdư hơn 10 tỷ USD (năm 2007) xuống còn 473 triệu USD (năm 2008) và dự báo là sẽ ở mức dưới -8 tỷ USD năm 2009 vừa qua.

Đáng chú ý là trong thâm hụt đó, hạng mục “các khoản sai số và không chính xác” lên tới -4 tỷ USD trong quý I, -1,9 tỷ USD quý II và -3 tỷ USD trong quý III (quý IV chưa có số liệu). Điều này, theo ông Vũ Thành Tự Anh, có thể xuất phát từ việc người dân chuyển sang lưu trữ bằng USD và vàng thay vì tiền đồng. “Như thế chứng tỏ sự mất tín nhiệm đối với VND. Đó là cái nguy hiểm còn hơn cả việc nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về” – TS. Vũ Thành Tự Anh nói.

Nhà kinh tế thuộc “thế hệ đi trước”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, còn bày tỏ sự bi quan hơn thế khi ông phát biểu: “Trong dài hạn, tôi chưa thấy có triển vọng gì. Chúng ta rất khó thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình (5.000-6.000 USD/người/năm), nhưng cũng còn rất xa nữa mới tới được cái bẫy đó vì hiện GDP đầu người của ta chỉ đạt 1000 USD/năm. Tôi cũng nghĩ cần xem xét kỹ hiệu quả của gói kích cầu, khi mà trong 8 tỷ USD chỉ có khoảng 0,4 tỷ USD dành cho nông thôn, mà cũng rất khó đến được tay người nông dân”.

Cả hai nhà kinh tế đều nhấn mạnh một số khuyến nghị chính sách như: ổn định kinh tế vĩ mô, giám sát chặt chẽ hiệu quả chi tiêu ngân sách, kích thích nhu cầu trong nước, và đặc biệt, về trung và dài hạn, phải tích cực cải cách cơ cấu kinh tế. Đây là việc tối quan trọng, đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo nhiều lần, chẳng hạn cho rằng thời kỳ khủng hoảng 2007-2008 là cơ hội để Việt Nam nhận diện lại chính mình và tiến hành tái cấu trúc.

Tại hội thảo, một lần nữa, ông Trần Đình Thiên lại nhắc tới vấn đề này và “than”: “Cải cách cơ cấu kinh tế Việt Nam thật sự là cực kỳ khó, nhất là từ khi có các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Hoàng Thư


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn