Những ngày Tết thời tiết ở Đà Lạt thường rất lạnh dù trời vẫn nắng gắt, ngoài đường buổi sáng mồng một Tết có lẽ là ngày yên tĩnh nhất trong cả một năm vì hầu hết các gia đình phải tất bật làm cơm cúng tổ tiên ông bà.
Song riêng tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và tại các hồ nước của thành phố thì không khí lại rất nhộn nhịp đông vui. Mọi người vào chùa ngày đầu năm là để lễ Phật, cầu phước lộc, bình an và mang theo cá, chim để phóng sanh giải thoát.
Thiền Viện Trúc Lâm là một cơ sở Phật giáo nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khá xa (trên 5 km), thế nhưng tờ mờ sáng mồng một Tết đã có hàng trăm người chen nhau mang hương hoa bánh quả vào lễ phật, cầu cho một năm mới được nhiều tài lộc. Chùa nằm sát hồ Tuyền Lâm nên người đến đây mang theo rất nhiều chim, cá, cua, ghẹ… để phóng sanh.
Cũng tọa lạc cách trung tâm thành phố gần 10 km nhưng chỉ mới 6 giờ sáng mồng một, sân chùa Linh Phước, phường 11, Đà Lạt đã chật kín người đến đây lễ Phật và thả chim phóng sang.
Theo đại đức Thích Giải Hiền, phó trụ trì chùa Linh Phước thì phóng sanh ngày tết có nguồn gốc từ kinh Phật Ðại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên và vào Việt Nam từ rất sớm. Hoạt động phóng sanh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh, và quan niệm nhân quả của sinh tử luân hồi. Ở Đà Lạt, phóng sanh giải thoát từ lâu đã trở thành một tục lệ của rất nhiều bà con phật tử.
Nắm bắt được thói quen phóng sanh của bà con phật tử dịp tết Nguyên Đán nên tại chợ Đà Lạt vào những ngày cận tết, chim chóc, cá sống các loại được bày bán rất nhiều. Chim ở đây thường là loại chim sắt hoặc chim én sống nhiều tại những cánh đồng lúa miền xuôi như Ninh Thuận, Phú Yên; còn cá thì thường là các loại cá nước ngọt được người dân địa phương nuôi thả... Chỉ cần bỏ ra vài ba chục nghìn đồng mọi người có thể sở hữu được 5-7 chú chim nhỏ, hoặc một chục cá chép, cá rô... , sau khi gửi cho chim, cá những điều mong ước của mình chúng sẽ được thả về với cuộc sống tự do.
Thói quen mang các loài vật đi giải thoát ngày đầu năm này cũng thu hút sự quan tâm hiếu kỳ của rất nhiều người dân, du khách, không chỉ riêng những phật tử mà còn cả những tín hữu tôn giáo khác. Chị Nguyễn Mai Thi (quê ở Tiền Giang) là một người theo Thiên Chúa giáo nhưng khi lên Đà Lạt du lịch dịp tết Canh Dần thấy nhiều người mang cá đến hồ Tuyền Lâm phóng sanh chị cũng bắt chước làm theo. Chị bộc bạch: “Mình nghĩ phóng sanh là một việc làm tốt, đây không phải là một sinh hoạt tôn giáo mà đó là một hành động mang nhiều ý nghĩa đạo đức”.
Cùng có chung suy nghĩ “giải thoát cho loài vật cũng giống như giải thoát cho chính mình” nên người tìm đến chùa chiền và các ao, hồ, sông, suối vào ngày mồng 1 Tết ở Đà Lạt thường có ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên ở đây chiếm ưu thế tuyệt đối vẫn là các cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ. Không chỉ ở những ngôi chùa lớn như Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Linh Sơn, Linh Phước, Vạn Hạnh.. mà ngay ở những nơi thờ tự nhỏ tại các vùng ven thành phố cũng có rất đông bà con đến viếng thăm, thắp nhang cầu phúc và phóng sanh.
Gần đây, tục phóng sanh ở một số địa phương nước ta đã bị kẻ xấu lợi dụng làm phương tiện trục lợi như cho chim, cá ăn thức ăn có chất nghiện để sau khi chúng thả đi sẽ được bắt lại theo ý muốn của chủ nó. Tuy nhiên ở Đà Lạt thì có lẽ tình trạng này không bị biến hoá như vậy mà dường như nó được diễn ra một cách tự nhiên như cuộc sống bình yên vốn dĩ của người dân nơi đây.
Ngày xuân, ngoài việc đi chùa lễ Phật, cầu cho một năm mới an lành thì phóng sanh với ước mong cho cuộc sống được giải thoát đã trở thành một nét văn hoá không thể thiếu của người dân Đà Lạt. Vì phóng sanh với bà con ở đây không có gì cao siêu mà chính là một hành động của lòng từ bi, của tinh thần cứu tế. Dù không ai biết số phận của những loại động vật sau khi mình phóng sanh họa phúc ra sao, nhưng dường như cứ được tận tay thả chúng về với thiên nhiên thì ai cũng thấy vui trong lòng. Thiết nghĩ đây cũng là một hành động có ích.
Minh Đức, từ Đà Lạt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn