STALIN LẠI HIỆN DIỆN TRONG NGÀY CHIẾN THẮNG TẠI LIÊN BANG NGA

Thứ sáu - 19/02/2010 00:53

(NCTG) Ảnh Stalin và cờ đỏ cũng sẽ xuất hiện trong những buổi lễ được tổ chức tại Moscow nhân kỷ niệm 65 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến – đó là thông báo của ông Vladimir Makarov, chủ tịch Ủy ban Quảng cáo thuộc Chính quyền Tự quản thủ đô Moscow.

Stalin vẫn được những người cộng sản và thế hệ đứng tuổi ở Nga sùng bái

Ông Makarov cho hay: theo đề nghị của các cựu chiến binh, những bích chương về Stalin chủ yếu sẽ được đặt tại những địa điểm mà họ thường gặp gỡ, hội ngộ trong ngày hôm đó, chẳng hạn, Công viên Gorky và Đồi Chim sẻ (*).

Còn cờ đỏ thì sẽ được giăng mắc ở nhiều nơi, kể cả trên những biểu ngữ lớn phủ kín phía chính diện những tòa nhà.

Ngoài ra, ở một số bích chương treo trên các trục đường chính, những dòng chữ sẽ được viết bằng cả Anh ngữ để nhấn mạnh vai trò của các quốc gia Đồng minh trong chiến thắng phe phát-xít. Được biết, lần đầu tiên, các đơn vị của Đồng minh Phương Tây cũng sẽ có mặt trong cuộc diễu binh chính tại Hồng trường, Moscow.

Những nhà bảo vệ nhân quyền đã lập tức lên tiếng phản đối sự tái hiện diện của Stalin trên phố phường Moscow. Ông Boris Gryzlov, chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất (hiện đang nắm hơn hai phần ba số ghế trong Hạ viện Nga) - đồng thời giữ cương vị phát ngôn viên của Duma Quốc gia Nga - cho rằng, quyết định đưa ảnh Stalin trong ngày lễ là sai trái vì không phải Stalin, mà nhân dân mới là những người đã giành chiến thắng.

Trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn Interfax, Mikhail Gorbachev - chủ tịch cuối cùng của Liên Xô - cũng nhận định: cho dù Stalin có vai trò trong cuộc chiến, nhưng ông cũng đã phạm phải nhiều sai lầm, khiến rất nhiều người trở thành nạn nhân; đấy là chưa nói đến những tội lỗi khác của ông. Do đó, cần phải nhắc tới vai trò của Stalin trong các công trình khoa học chứ không có lý gì phải trương ảnh ông ngoài phố!

Chỉ mình ông Gennady Zyuganov, chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (chính đảng đối lập mạnh nhất trong Hạ viện Nga) tỏ ra vui mừng trước quyết định trên, và cho rằng việc quy những thiệt hại khủng khiếp trong Đệ nhị Thế chiến (theo một số nguồn, tổn thất của Liên Xô lên tới 27 triệu người) cho Stalin là nhầm lẫn.

Thời gian gần đây, Stalin được tái ưa chuộng tại Liên bang Nga và theo kết quả một thăm dò vừa được công bố trong tháng Hai, “Nhà độc tài đỏ” đã đứng thứ 5 trong số những “tấm gương sáng” của dân Nga.

Mới đây, trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Oleg Orlov, chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền và nghiên cứu lịch sử Nga Memorial (năm nay vừa được trao Giải thưởng Nhân quyền Sakharov) đã khẳng định: “Đầu thập niên 90, đã tưởng rằng mọi thứ đã được gọi bằng chính tên của nó và một giai đoạn đã chấm dứt. Nhưng sau đó, sự phục hồi Stalin lại được diễn ra một cách thầm lặng...

Thật nguy hiểm là không chỉ trong mắt những người cộng sản, mà một phần giới trẻ cũng coi Stalin là anh hùng. Sự hồi sinh huyền thoại Stalin ngày nay diễn ra trên cơ sở hội chứng hậu cường quốc. Một đế chế lớn đã sụp đổ. Bộ máy tuyên truyền nhắc nhớ rằng nước Nga đã bị hạ nhục và đây là cơ sở cho sự hồi sinh huyền thoại ấy”.

(*) Một quả đồi cao chừng 80 mét, ngay trước tòa nhà Đại học Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, từng mang tên Lenin trong thời gian 1935-1999.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn