KHI AN TOÀN THỰC PHẨM TRỞ THÀNH “VẤN NẠN”

Thứ ba - 29/12/2009 08:50

Vệ sinh và an toàn thực phẩm (ATTP), một “vấn nạn” của Việt Nam hiện nay, cũng là vấn đề được Liên hiệp Châu Âu đặt trọng tâm vì EU đặc biệt coi trọng vai trò của thực phẩm trong đời sống con người hàng ngày.

Mứt Tết có dòi bị phát hiện tại TP HCM trong dịp cuối năm 2009

Chính sách ATTP của Liên hiệp Châu Âu coi việc đảm bảo chất lượng thực phẩm – trong đó, bao hàm ba yếu tố: đảm bảo sự hữu ích, giá trị “tận hưởng” và sự an toàn của thực phẩm - là một trong những quyền cơ bản của con người. Hơn nữa, trong ba yếu tố kể trên, thì ANTP thu hút sự quan tâm lớn nhất.

Trước hết là ý thức người dân

Để làm được điều đó, EU quan niệm rằng, trước hết, người tiêu dùng phải ý thức được về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe và lợi ích của mình, khi mua bán và sử dụng thực phẩm. Những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp xoay quanh chủ đề dùng loại thực phẩm nào, bằng cách nào, cho đảm bảo, hợp vệ sinh và có tác dụng tối ưu cho sức khỏe con người, đều được truyền bá một cách rộng rãi bởi các cơ quan ATTP và bảo vệ người tiêu dùng.

Đáng chú ý là cứ gần tới những dịp lễ lạt, khi nhu cầu ẩm thực của người dân tăng vọt, những vấn đề này lại được đặt ra và mổ xẻ một cách cặn kẽ, tỉ mỉ, ngõ hầu giúp người dân có được thông tin và cái nhìn cần thiết khi mua bán thực phẩm.

Song song với việc tăng cường ý thức và hiểu biết của người tiêu dùng, EU chủ trương phải kiểm tra và giám sát thực phẩm trên mọi chặng di chuyển của nó, từ khâu sản xuất các nguyên liệu chính hoặc chăn nuôi gia súc đến khi sản phẩm được tới tay người dân.

Quan điểm này được thể hiện ngay từ cái tên của bản “kế hoạch hành động”, hàm chứa những quy định và yêu cầu nghiêm ngặt của ATTP trong cái nhìn của EU: “From farm to table” (tạm dịch: Từ trang trại đến bàn ăn).

Quy định và giám sát ngặt nghèo

Bằng cách ấy, nguy cơ mất vệ sinh và an toàn trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực phẩm được giảm thiểu. Đặc biệt, Liên hiệp Châu Âu rất quan tâm đến cái gốc của vấn đề, là việc giám sát chặt chẽ những cơ sở chế biến và tiêu thụ thực phẩm chính yếu: các lò mổ, tiệm ăn và hệ cửa hàng thực phẩm.

Trước khi được phép mở và hoạt động, các cơ sở này phải thỏa mãn những yêu cầu và chuẩn mực hết sức nghiêm ngặt được đặt chung cho toàn khối EU, từ những điều kiện vệ sinh dịch tễ, kỹ thuật, an toàn sức khỏe, môi sinh, an toàn lao động, phòng hỏa hoạn, đến việc xử lý chất thải, sử dụng điện, nước, khí đốt… và sự tuyển dụng các nhân viên lành nghề, có chuyên môn thích hợp.

Bên cạnh đó, nhiều khi, chỉ một yêu cầu tối thiểu là việc mở những cơ sở như thế phải được sự chấp thuận của các hộ cư dân lân cận cũng đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp phải đau đầu, thậm chí bó tay!

Được mở đã khó, nhưng trong quá trình hoạt động, những cơ sở đó còn luôn bị đặt dưới sự giám sát và kiểm tra thường xuyên và gắt gao, khiến không lúc nào họ có thể “ngơi tay” và nghĩ rằng “đã có thể làm bậy”. Chỉ cần một thông báo nhỏ của người tiêu dùng lên các cơ quan chức năng về việc họ phát hiện ra điều gì sa sẩy trong ATTP là một doanh nghiệp có thể “lãnh đủ”, thậm chí sạt nghiệp! Mà người tiêu dùng Châu Âu, vì ý thức được về quyền lợi của họ, thường rất khắt khe và ít “cả nể”, “chín bỏ làm mười” như Việt Nam chúng ta!

“Ăn bẩn sống lâu” (!?)

Trông người lại nghĩ đến ta”, thử xem nan đề ATTP mà báo chí Việt Nam đã đề cập tới thường xuyên trong những năm gần đây có thể giải quyết được theo mô hình EU?

Dễ nhận thấy là “ta” và “họ” còn những khoảng cách rất xa, về điều kiện kỹ thuật, tài chính, nhưng cái chính có lẽ vẫn là trong quan niệm.

Tạm bỏ qua những sự khác biệt về hoàn cảnh, thì quan niệm xuề xòa – có phần do kém hiểu biết - kiểu “ăn bẩn sống lâu”, “mất vệ sinh chút, vẫn ngon, chả sao, không chết” của chính người tiêu dùng, đã khiến dân ta có thể điềm nhiên đổ xô tranh cướp gà tiêu hủy, hoặc nhắm mắt xơi những món cua, ốc đông lạnh nấu xương thối trong ngày tết, như báo chí đã đưa tin.

Bát bún ốc nếu bằng ốc đóng đá, thiu thối, có vị tanh lạ, dai, khó nuốt

Với “tâm thế” ít quan tâm đến sức khỏe và quyền lợi của mình như thế, phải chăng, người tiêu dùng cũng góp phần để những sản phẩm kiểu hãi hùng lòng lợn, tiết canh, dòi bò lúc nhúc trong mứt Tết vẫn công nhiên hoành hành, bên cạnh sự “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí có phần dung túng của các cơ quan chức năng?

“Lợn chuẩn EU”

Một câu chuyện nhỏ sau đây có thể nói lên phần nào sự khác biệt trong quan niệm “ta”, “người” như thế. Người viết những dòng này có dịp được đến thăm một cơ sở chế biến thịt cỡ trung bình của Hungary ở một tỉnh nọ (ban lãnh đạo ở đây có ý định hợp tác với Việt Nam).

Đi một lượt “thị sát”, cảm giác đầu tiên là sao nó sạch thế! Mỗi ngày “hóa kiếp” cho 2-300 con lợn cỡ 100-110kg, xử lý mọi thứ ngay “tại trận”, để chế biến chừng 150 thành phẩm, mà đâu đâu cũng thấy thoáng mát, sạch như ly như lau! Tất nhiên là ở vài chỗ thì mùi thịt không hết hoàn toàn, nhưng nhìn chung là ở đại đa số các phân xưởng, có thể… mắc võng ngủ, không sao cả!

Tranh thủ trao đổi nhanh vài câu với ông giám đốc người Hungary, được biết nhà máy của ông rất quan tâm đến vấn đề chất lượng của lợn: phải là lợn hảo hạng (chuẩn EU), có “nhân thân” rõ ràng, qua kiểm dịch khắt khe, khối lượng đảm bảo (không to không nhỏ, chỉ được từ 110 đến 120 kg thôi), thì cơ sở của ông mới xử lý.

Các khâu chế biết thịt tại Châu Âu đều được thực hiện hết sức hợp vệ sinh, theo “chuẩn” EU

Ngoài ra, các khâu trong nhà máy - kể cả khâu giết, mổ lợn - đều được vận hành bằng máy tính, lịch sự, sạch sẽ, không gây đau đớn quá mức cho gia súc…, tóm lại là… chuẩn EU hết. Và khi chuyến tham quan xong xuôi, trà dư tửu hậu, ông giám đốc cho biết vì rất muốn hợp tác với Việt Nam, ông đã qua nước ta hai lần, chưa đạt kết quả gì cụ thể, nhưng ấn tượng về việc thịt cá bày bán và giết, mổ nhếch nhác ngay ngoài đường phố, vỉa hè khiến ông hơi ớn!

Phải cố gắng lắm, tôi mới kìm được một nhận xét là nếu ông cứ bảo thủ mà mang cái quan niệm về sự sạch sẽ và văn minh trong việc... giết lợn (chuẩn EU) của ông sang Việt Nam, chắc chắn ông sẽ bị phá sản tắp lự.

Nhưng khả năng cao hơn là sẽ chẳng có đối tác nào làm ăn với ông...

(*) Bài viết đã đăng trên “Khoa học & Đời sống”.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn