6 năm sau ngày “hội nhập”: ĐÔNG ÂU VẪN BỊ THƯƠNG HẠI

Thứ ba - 12/01/2010 20:42

(NCTG) Kể từ khi Đông Âu có những biến chuyển năm 1989 và Liên hiệp Châu Âu được mở rộng về phía Đông năm 2004, nhiều sự khác biệt và đối lập giữa Đông và Tây Âu vẫn không giảm. Thậm chí, sự “chụp mũ” cho Đông Âu còn khiến các quốc gia trong vùng Đông Trung Âu luôn bị nhìn nhận với con mắt thương hại.

Đặc biệt, cách nhìn nhận này càng gia tăng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, và được nhằm vào các quốc gia Đông Âu mà thực ra, còn chịu đựng cơn khủng hoảng khá hơn những “ông anh” Phương Tây của họ trong EU.

Theo tờ “Economist” (Kinh tế) số ra ngày thứ Năm, “Đông Âu” chỉ có thể hy vọng rằng, trước sau họ cũng sẽ được đánh giá theo những gì họ thực hiện được, chứ không đơn thuần theo kiểu “dán nhãn”.

Ngay cả về mặt địa lý, sự phân biệt Đông – Tây cũng có những mâu thuẫn, nếu chúng ta xem kỹ rằng theo cách đánh giá của Châu Âu, đâu là “Đông” và “Tây”. Chẳng hạn, Cộng hòa Czech (nằm giữa lòng Châu Âu) thì bị coi là “Đông”, trong khi đảo Síp (Cộng hòa Cyprus) hay Hy Lạp, thực tế là nằm ở phía Đông Nam, thì lại được liệt vào “Tây”.

Sự tổng quát hóa vô nghĩa

Khái niệm Đông Âu - liệt tất cả các quốc gia XHCN cũ vào “một rọ” – đã thực sự trở nên vô nghĩa từ sau biến cố 1989 vì từ mốc thời gian đó, mỗi nước có một vận may và một số phận riêng.

Tuy nhiên, trong báo chí Phương Tây, “cái nhãn” Đông Âu không chỉ được hiểu trong “hạng mục” chính trị mà còn đồng nghĩa với những chính quyền tệ hại và trạng thái kinh tế tồi tệ. Có điều, từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, có thể nhận ra rằng việc đánh đồng các quốc gia trong khu vực này là rất sai lầm.

Chẳng hạn, theo “Economist”, những giả thuyết cho rằng mọi “sự cố” trong nền kinh tế và tài chính của Latvia lại có ảnh hưởng đến kinh tế (khá bền vững) của Cộng hòa Czech hoặc Ba Lan, là ngu xuẩn. Theo tờ báo, không phải các quốc gia Đông Âu mà chính các nước “Tây Âu” như Island, Vương quốc Anh và Hy Lạp mới có mức thâm hụt lớn nhất.

Phương Tây tham nhũng có kém ai!

Thậm chí, tại một số nước Đông Âu, mức sống còn cao hơn so với một vài quốc gia được coi là “Tây Âu”. Tờ “Economist” chỉ nêu một ví dụ: mức sống của cư dân Slovenia và Cộng hòa Czech đã vượt Bồ Đào Nha (nước bị coi là nghèo nhất trong khối “Tây Âu”).

Đa số các quốc gia Đông Âu đều cố gắng để gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone), chẳng hạn, Slovakia và Slovenia đã chi tiêu bằng Euro, trong khi Thụy Điển, Anh, Đan Mạch không phải thành viên của khối này.

Trong số các nước Đông Âu, một vài quốc gia như Estonia đã đẩy lùi tệ tham nhũng, trong khi tại Ý, một thành viên sáng lập Liên hiệp Châu Âu, tham nhũng hoành hành ở mức độ tồi tệ nhất

Người dân cũng khổ sở  vì bị “dán nhãn”

Giữa các nước trong khu vực Đông Âu cũng có rất nhiều sự khác biệt. Chẳng hạn, Estonia có thể coi là tương tự Phương Tây, nhưng ở thái cực ngược lại, Bulgaria và Romania thì quá tệ, vì nạn tham nhhũng và tội phạm có tổ chức bùng phát ở các xứ này.

Cái “nhãn” Đông Âu cũng ảnh hưởng tệ hại đến đời sống của các cá nhân: tờ “Economist” cho rằng công dân các nước khu vực này khó kiếm được chức vụ cao tại các tổ chức quốc tế.

Như diễn đạt của tờ báo, với thời gian, có lẽ cái “nhãn hiệu” “thành viên mới của EU” - được dùng để chỉ các quốc gia Đông Âu, gia nhập Liên hiệp Châu Âu trong hai năm 2004 và 2007 - sẽ dần dần bị mờ nhạt đi và chỉ có thể hy vọng rằng, điều này sẽ diễn ra càng nhanh càng tốt.

Để Đông Âu được đánh giá trên trường quốc tế chỉ căn cứ giá trị và hiệu quả công việc của chính họ, chứ không vì bất cứ cái “nhãn” nào khác!

Trần Lê, theo portfolio.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn