CUỘC CHIẾN QUỐC TỊCH CỦA MỘT NHÀ GIÁO 100 TUỔI

Thứ bảy - 03/03/2012 00:22

(NCTG) Trung tuần tháng 2 vừa qua, một phụ nữ cao niên gốc Slovakia đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (có trụ sở tại Strasbourg) để xin Tòa ra phán quyết về việc bà bị tước quốc tịch Slovakia sau khi nhận quốc tịch Hungary.


Nhà giáo cao niên Tamás Aladárné (thứ hai từ phải sang)

Bà Tamás Aladárné, năm nay 100 tuổi, cùng con gái là Tamás Anikó (66 tuổi) là hai trong số nhiều công dân Slovakia gốc Hung, đã bị mất quốc tịch gốc một cách tự động, theo các điều luật hiện hành của Slovakia, vì đã nhận quốc tịch Hungary và công khai điều này trước chính quyền sở tại.

Trường hợp của bà Tamás Aladárné thu hút sự chú ý của công luận và truyền thông hai nước không chỉ vì bà đã cao tuổi, mà còn bởi bà là một nhà giáo được xã hội Slovakia coi trọng: vào năm 2006, bà từng được tưởng thưởng Kỷ niệm chương Vàng của Cộng hòa Slovakia cho sự nghiệp giáo dục.

Tự động bị mất quốc tịch

Sinh năm 1912 tại vùng Rimaszombat (Rimavská Sobota theo tiếng Slovakia) thuộc Ðế chế Áo - Hungary, tháng 4-2011, bà Tamás Aladárné tuyên thệ để nhận quốc tịch Hung và vì tuổi tác đã rất cao, bà được chính quyền Hungary giải quyết khá nhanh. Bà cũng thông báo điều này cho cơ quan hữu quan của Slovakia vì biết rằng nếu giấu giếm, có thể bị phạt 3.000 Euro, chiểu theo Luật Quốc tịch nước này. Viện dẫn Hiến pháp Slovakia, trong dịp đó, bà cũng tuyên bố muốn giữ quốc tịch của đất nước mà bà đã là công dân trong hơn 90 năm của cuộc đời mình.

Trong vòng 8 tháng, bà Tamás Aladárné nghĩ rằng mình được giữ song tịch vì không thấy chính quyền Slovakia phản ứng gì. Tuy nhiên, đầu tháng 12 năm ngoái, bà đã nhận được thư yêu cầu trao trả lại giấy tờ Slovakia, lá thư khiến bà bị trầm cảm nặng. Con gái bà, cũng bị tước quốc tịch Slovakia như mẹ, vì quá lo lắng nên sức khỏe suy giảm, lên cơn nhồi máu cơ tim và phải vào viện cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh đầu tháng Giêng năm nay. Một người con gái khác của bà, hiện đang sinh sống tại Hungary, cuối năm ngoái đã phải đưa bà và em gái sang Hung nghỉ ngơi.

Việc mất quốc tịch gây nhiều khó khăn thực tế cho gia đình bà Tamás Aladárné. Con gái bà, Tamás Anikó, khi nằm viện, nhận được thông báo rằng phải trả tiền vì Hãng Bảo hiểm Y tế Quốc gia đã chấm dứt hợp đồng với họ. Muốn có lại hợp đồng bảo hiểm, phải đăng ký lại hộ khẩu trên tư cách người ngoại quốc tại chính căn hộ của họ, và sẽ nhận được giấy phép cư trú dành cho công dân ngoại quốc tại Slovakia, có thời hạn 5 năm.

Còn bà Tamás Aladárné thì vì không muốn xin thẻ định cư tạm thời nên trên nguyên tắc, bỗng nhiên bà trở thành người... không tồn tại ở chính Tổ quốc mình. Ngoài ra, bà cũng không có đăng ký hộ khẩu thường trú và bảo hiểm y tế tại bất cứ quốc gia thành viên nào khác của EU!

Ngay sau khi sự kiện được báo chí đăng tải, Hungary đã ra tuyên bố phản đối gay gắt quyết định của Slovakia. Phó Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề dân tộc của nước này, bà Répás Zsuzsanna khẳng định: Hungary cương quyết bác bỏ cách hành xử của Bratislava, sẵn sàng đưa vụ việc ra các diễn đàn quốc tế và cố nhiên, sẽ hỗ trợ đương sự - hiện đã là một công dân Hungary - về mặt luật pháp trong phạm vi có thể.

Theo một mạng tin Slovakia, cho đến tháng 12 năm ngoái, đã có ít nhất 7 công dân Slovakia bị cảnh sát triệu lên để thu hồi giấy tờ sau khi nhận được quốc tịch Hungary. Ngoài mẹ con bà Tamás Aladárné, 4 người còn lại là một sinh viên đại học, một diễn viên, một mục sư Tin Lành, một chính khách và một nhà giáo.

Trianon, điểm nhạy cảm trong quan hệ Hungary - Slovakia

Ðể hiểu được câu chuyện này, được coi là một điểm hết sức nhạy cảm và nhiều khi căng thẳng trong mối quan hệ Hungary - Slovakia những năm gần đây, cần trở lại những năm cuối của thập niên thứ hai thế kỷ trước. Ðứng về phe thua cuộc trong Ðệ nhất Thế chiến, theo các điều khoản của bản Hiệp ước Hòa bình Trianon ký ngày 4-6-1920, Nền quân chủ Áo - Hungary bị giải thể và do đó, một phần rất đáng kể của lãnh thổ nước này bị chuyển giao cho các nước lân cận như Tiệp Khắc, Romania, Ba Lan, Áo và Vương quốc Serbia - Croatia - Slovenia.

Cụ thể, Hungary đánh mất 72%, hơn 84% dân số, 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia. Chỉ bằng một nét bút ký, một phần ba người Hungary trở thành những kẻ bơ vơ trên xứ lạ! Không phải ngẫu nhiên là cái tên Trianon được ghi vào sử Hungary như biến cố bi thương nhất của đất nước và đa số cư dân Hungary không bao giờ hết cảm giác thương đau. Ðó là lý do khiến trong hai thập niên giữa hai cuộc Thế chiến, mục đích căn bản của nền ngoại giao Hungary là yêu cầu “xét lại” Hiệp ước Trianon.

Thời kỳ 1938-1941, Hungary được trao lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc, nhưng cái giá phải trả là nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã. Rốt cục, sau Đệ nhị Thế chiến, Hiệp định Hòa bình chấm dứt chiến tranh tại Hungary đã tái lập các biên giới cũ và Hungary còn mất thêm một phần đất cho Tiệp Khắc. Vết thương Trianon không lành sau nhiều thập niên, đã đi vào lịch sử Châu Âu và khó có thể thay đổi, nhưng Trianon có thể là một biểu tượng để người Hung đồng lòng gỡ bỏ những oan khiên của lịch sử, hướng tới sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc.

Ðối với liên minh cầm quyền cánh hữu hiện tại, sự kiện Trianon và vấn đề người Hung kiều đã là những lời hứa tranh cử của họ. Cuối tháng 5-2010, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary đã thông qua Đạo luật Đoàn kết Dân tộc, tuyên bố mùng 4-6 - thời điểm ký kết Hiệp ước Trianon - là Ngày Kỷ niệm Đoàn kết Dân tộc của Hungary. Luật lên án Hiệp ước Hòa bình Trianon, cho rằng Hiệp ước đã “để lại dấu vết không thể xóa mờ (...) trong tâm thức các dân tộc Đông Âu”, đã “ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới lịch sử và các sự kiện chính trị trong vùng từ nhiều thế hệ nay”.

Quan niệm rằng “Trianon, đối với dân tộc Hungary, là tấn thảm kịch lớn nhất trong thế kỷ XX” nên cùng một lúc với đạo luật này, Hungary còn thông qua đạo luật về quốc tịch kép, cho phép những người gốc Hungary, nhưng hiện là công dân các quốc gia lân cận vì những biến cố lịch sử trong hai cuộc Thế chiến, được dễ dàng nhận quốc tịch Hungary. Ðây là điểm nhạy cảm đối với Slovakia, một quốc gia có nhiều vùng từng là đất của Hungary là lượng người gốc Hung sinh sống tại đây chiếm tới tỉ lệ 10% dân số nước này.
 
Ngay sau khi Hungary tuyên bố đồng ý trao quốc tịch Hungary cho các Hung kiều ở những nước lân cận, những người bị tách khỏi quê hương bởi sự kiện Trianon, Slovakia lập tức ra tuyên bố cho rằng Hungary đã cản trở “sự chung sống thân thiện và hòa bình giữa các dân tộc, các quốc gia”, và đã “thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các hệ thống hòa bình quốc tế và nền chính trị Châu Âu hiện đại thế kỷ XXI”. Budapest đã phải cho triệu đại sứ Slovakia, ông Peter Weiss, để phản đối quan điểm của phía Bratislava.

Cuộc chiến giữ quốc tịch

Trở lại câu chuyện nói trên, sau khi sức khỏe hơi được hồi phục, bà Tamás Aladárné trở về Slovakia và bắt đầu cuộc chiến với chính quyền nước này để giữ quyền công dân vì bà không thể hình dung được rằng, một người đã từng là công dân Ðế chế Áo - Hungary, sau đó cả đời giữ quốc tịch Tiệp Khắc, rồi Slovakia, và có rất nhiêu cống hiến cho đất nước này, thì sao lại bị tước quốc tịch chỉ vì nhận lại quốc tịch Hungary. Ước muốn của bà được các bạn hữu, người quen ủng hộ và họ mừng rỡ khi thấy bà trở về.

Trước hết, trong các đơn và thư gửi chính quyền Slovakia, bà cho biết bà sẽ ở cho đến cuối đời tại căn nhà của mình ở Slovakia, bất chấp việc bà bị coi là người lạ tại chính Tổ quốc mình và chính nhà mình. Bà nhấn mạnh rằng một khi, theo Hiến pháp Slovakia, bà đã không muốn từ bỏ quốc tịch thì không đạo luật nào có thể đi ngược lại Hiến pháp khi cho phép tước quốc tịch của bà. Nói về Ðạo luật Quốc tịch của Slovakia, bà cũng cho rằng đây là một đạo luật vi phạm những quyền cơ bản của con người, được đảm bảo bởi các hiệp ước và tuyên ngôn quốc tế mà Cộng hòa Slovakia cũng phê chuẩn.

Tuy nhiên, đơn thư của gia đình bà Tamás Aladár đã bị chính quyền địa phương bác bỏ với lý do, họ không thể xem xét lại Ðạo luật Quốc tịch và chỉ có Tòa án Hiến pháp làm được việc đó. Muốn giữ cả hai quốc tịch Slovakia và Hungary, bà Tamás Aladár cho biết bà cần sự hỗ trợ về tư pháp, nhưng tại Slovakia không luật sư nào muốn dính líu và đại diện cho bà. Do đó, bà đã tìm đến một tổ chức dân sự Hungary mang tên Hội đồng Phẩm giá Con người mà chủ tịch là ông Lomnici Zoltán, cựu Chánh án Tòa án Tối cao Hungary.

Ðược sự hỗ trợ của tổ chức này, mới đây, bà Tamás Aladárné đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg với nhiều mục đích: nhận lại quốc tịch và hộ khẩu tại Slovakia, đòi bồi thường vì sự cố vừa rồi và yêu cầu Slovakia phải giải quyết những vấn đề mang tính “cơ cấu” trong hệ thống luật pháp nước này. Nhà giáo 100 tuổi này còn đề xuất rằng Tòa án Nhân quyền hãy ra một phán quyết có hiệu lực đối với tất cả những công dân Slovakia bị mất quốc tịch gốc do nhận quốc tịch Hungary.

Trong cuộc họp báo tại Budapest, ông Lomnici Zoltán, chủ tịch tổ chức dân sự kể trên bày tỏ hy vọng càng ngày sẽ càng nhiều người nhận biết được khả năng luật pháp này, và đệ đơn lên Tòa án Strasbourg. Nếu được như vậy, ngoài tiếng vang quốc tế, Nhà nước Slovakia còn phải đối mặt với khả năng phải bồi thường cho các cựu công dân nước này, mà trong số đó, đã có thêm 4 người đang nhờ đến sự tư vấn và đại diện của Hội đồng Phẩm giá Con người, trụ sở tại Budapest.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn