NHỚ TẾT XƯA

Thứ năm - 19/01/2012 08:35

(NCTG) “Tết là lúc ta quên đi một năm cũ có những điều không may, những điều buồn phiền, những gì chưa ưng ý, là lúc ta hi vọng cho một năm mới nhiều may mắn hơn, làm được nhiều việc hơn.”


Bách hóa Tổng hợp, Tết 1974 - Trích từ cuốn sách “Mùa xuân trên phố Hàng Đào” (Tavasz a Selyem utcában, Kékesdi Gyula, NXB Kossuth, Budapest 1977)


Sống xa nhà đã 19 năm nhưng Tết nào tôi cũng cố gắng thu xếp về thăm nhà, thăm ông bà, bố mẹ, anh chị, cô dì, chú bác, bất kể tàu xe chật chội, đi lại khá vất vả. Dù cho Tết có mệt thật, tốn kém thật, nhưng ai cũng náo nức. Như mẹ tôi vẫn nói, cả năm làm ăn vất vả, có dịp này để tiêu tiền, mua sắm mà không cảm thấy tội lỗi, cứ đổ hết tại Tết cho có lý do chính đáng.

Tết bây giờ sướng hơn, đời sống tốt lên, hàng hóa ê hề, thích mua gì cũng có, nhà nào khá giả sắm kiểu khá giả, nhà nào bình dân sắm kiểu bình dân. Kiểu gì cũng phải có hoa đào, quất cảnh, bánh chưng, thịt thà, bia rượu…

Tôi nhớ những cái Tết năm xưa. Mẹ đi mua hàng mậu dịch, có thịt cả mỡ cả nạc để gói bánh chưng, mấy hộp mứt, bánh kẹo phân phối. Hoa thì có hoa ở vườn nhà, năm nào đến Tết là mấy đứa con gái ở xóm hì hụi cắm hoa bằng bàn chông, các loại hoa như đồng tiền, thược dược đỏ tươi, làm thành bát hoa trang trí bàn uống nước mấy ngày này. Chiều 27, 28 Tết, tôi và anh trai được giao nhiệm vụ rửa lá dong cho mẹ gói bánh, lúc này thường trời rất lạnh, việc rửa lá thật là ngại, xong còn phải lau khô nữa, thành ra hai đứa chí chóe đùn việc cho nhau.

Bố vội vã chuyến xe cuối năm, chở về cho mấy mẹ con một cành đào gốc từ Sapa, cành đào phai, gốc mốc meo, xù xì. Bố cặm cụi đốt gốc đào, cho đầy cát vào cái bình, tưới nước, thế là hoa nở bung ra, mùa xuân đã thực sự về nhà.

Mấy ngày trước đó, bọn con trai hì hục ngồi quấn pháo, sách vở cũ được cắt ra, cùng với giấy báo, quấn thành các loại pháo đủ cỡ to nhỏ khác nhau, quả to nhất cũng to như bắp chân, nổ rất ác. Tôi rất sợ pháo, nhưng lại thích được đốt và thích cảm giác đợi cái ngòi xì xì ra rồi nổ đoàng. Cậu tôi rất chiều cháu, bế lưng tôi, cho cầm cái que củi thật dài, châm ngòi pháo rồi bế thốc tôi chạy, dù chạy mãi pháo cũng chưa nổ, nhưng vẫn bắt cậu bế để châm pháo cho đỡ sợ.

Thích nhất ngồi quanh mâm gói bánh chưng, mắt nhìn mẹ làm, nhưng tay thì bốc trộm nhân đậu xanh. Năm nào mẹ cũng gói cho hai anh em mấy cái bánh nhỏ, buộc lạt vào làm dấu cái nào nhiều thịt hơn, ngon hơn. Mẹ tôi gói bánh bằng khuôn lá, dù gói tay nhưng rất đẹp, cái nào cũng vuông vắn, đều tăm tắp.

Đêm giao thừa tôi thường đi ngủ trước, khi có tiếng pháo thì bật dậy, mùi pháo thơm bay khắp nhà, xác pháo hồng phủ kín sân hè. Anh trai hay được mẹ giao nhiệm vụ đốt pháo. Pháo mẹ mua ở cửa hàng mậu dịch, treo ở bếp lâu lâu cho nó khô thì nổ mới giòn. Anh trai buộc băng pháo vào cái que dài, cầm chĩa ra sân, năm nào pháo nổ vang, nổ hết không xịt quả nào thì cả nhà phấn khởi, cứ như điềm may đầu năm vậy.

Mẹ tôi cúng giao thừa, bà không thạo cúng bái, chỉ thành tâm, tay còn cầm cuốn dạy khấn nôm, mắt cứ liếc liếc vào sách là bọn tôi lại phì cười. Đêm giao thừa, mùi hương thơm quyện vào mùi pháo gợi không khí đầm ấm và linh thiêng vô cùng.

Sáng mùng một, cả nhà dậy muộn, sửa sang ăn diện trang phục đẹp nhất đã để dành hoặc mới mua, đi vào chúc Tết ông bà. Ông bà cười móm mém khi các con các cháu mừng tuổi, chúc Tết, chúc khỏe mạnh sống lâu. Đám trẻ con thì thích nhất được tiền mừng tuổi, được ăn bánh kẹo, mứt Tết thoải mái vì ngày thường không có.

Sang mùng hai, mùng ba thì bạn bè cưỡi xe đạp đi thành từng đoàn đi chúc Tết thầy cô, chúc Tết nhà các bạn ở lớp. Tiền được mừng tuổi, đứa nào tiết kiệm thì để dành mua sách vở, đồ dùng, đứa nào ham chơi thì nướng hết cho mấy trò chơi có thưởng như ném vòng vào cổ chai hay phi tiêu. Tết đến cũng hay có các gánh xiếc rong như người bay, xe đạp bay, mô-tô bay đến biểu diễn, tiền mừng tuổi cũng để mua vé vào xem. Xem người bay, mô-tô bay vù vù trong cái lồng gỗ, cũng đáng tiền.

Tết bây giờ đã khác, cái gì cũng đi mua được, không phải làm gì vất vả, thức đêm hôm mà vẫn có đủ món. Mùi pháo, tiếng pháo đã trở thành dĩ vãng. Con người cũng vội vã, căng thẳng hơn vì những chuyện liên quan đến Tết. Nhưng đối với tôi, Tết vẫn là dịp thiêng liêng cho gia đình đoàn tụ. Tết là lúc ta quên đi một năm cũ có những điều không may, những điều buồn phiền, những gì chưa ưng ý, là lúc ta hi vọng cho một năm mới nhiều may mắn hơn, làm được nhiều việc hơn.

Cầu chúc một năm mới bình an cho tất cả!

Mai Quỳnh Anh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn