BÁNH CHƯNG CỦA BÀ

Thứ sáu - 20/01/2012 09:40

(NCTG) “Tôi ở xa, rưng rưng nhớ về người bà tần tảo, nhớ về những ngày tháng tuy khó khăn chật vật nhưng có những ngày Tết sum họp đại gia đình với những món ăn bà nấu, đối với tôi là những món ngon nhất, đặc biệt là bánh chưng của bà.”


Bà Hồ Thị Hoa, phu nhân nhà thơ Hoàng Trung Thông


Sống xa Việt Nam đã hơn hai mươi năm, mỗi bận Tết đến tôi lại thấy nao nao nhớ về những cái Tết năm xưa: Tết đối với tôi là Tết của những năm bao cấp nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc của tuổi thơ. Vẩn như gần đâu đây mùi pháo, những nụ đào hồng, bó hoa violet tím, các loại mứt dừa, gừng, quất… và bánh chưng.

Ngày bé, tôi chờ mong đến ngày 27, 28 Tết để được cùng bà gói bánh chưng. Bà luôn đảm nhiệm việc này cho gia đình các con. Các gia đình trước Tết đều được mua gạo nếp, đậu xanh, thịt, lá dong bằng tem phiếu, mọi người mang tới tập trung ở nhà bà và sau đó đến nhận bánh. Bà gói bằng khuôn, rất nhanh, vuông vắn. Tôi lăng xăng quanh bà phụ những việc vặt như xúc đỗ, đưa lá dong, dõi mắt theo từng động tác dàn gạo, xếp thịt, đỗ, gấp lá, buộc lạt. Thường bà làm cho mỗi cháu một cái bánh chưng con, nhân đỗ trộn đường, chúng tôi rất thích những chiếc bánh đặc biệt đó. Tôi không thấy các gia đình khác làm bánh chưng ngọt như bà.

Nhà bà ngoại là một căn hộ trên gác một biệt thự Pháp cổ. Cả tòa nhà có sáu gia đình, chung nhau một bếp nhỏ trong sân sau. Các gia đình phải bàn bạc, phân chia thời gian luộc bánh. Để phục vụ cho việc luộc bánh chưng, bà tôi đã phải lo tích trữ củi từ trong năm. Bình thường bà nấu bếp dầu, nhưng luộc mấy chục chiếc bánh thời đó phải dùng củi thì mới đủ lửa đốt và tiết kiệm.

Bà có một cái nồi to như thùng phuy con, cả năm chỉ dùng một lấn vào việc này. Bánh chưng được luộc suốt đêm, mấy đứa trẻ chúng tôi sung sướng với việc tiếp củi, sao cho lửa luôn đều, thấy việc “canh giữ” nồi bánh chưng thật thiêng liêng cao cả, đứa nào đứa nấy hạnh phúc nghe tiếng củi cháy lách tách, tiếng nước sôi lục bục, hồi hộp nghĩ tới mấy chiếc bánh chưng con.

Trong căn bếp nhỏ đen sì bồ hóng, bên bếp lửa hồng bập bùng, những ánh mắt trẻ thơ long lanh chờ đợi. Nhưng thường đến sau nửa đêm thì bọn trẻ mệt quá, lên nhà ngủ, sáng ra bà gọi dậy chứng kiến “sự kiện” bánh được vớt ra. Bà lấy bánh bé cho các cháu trước, những chiếc bánh gói bằng cạnh lá, xinh xinh vuông gọn, buộc thêm một sợi lạt để xách. Bánh của bà rất xanh, dền, không bao giờ bị lại gạo.

Bà vốn là con quan, thuở nhỏ sống trong cố đô Huế nên được học nữ công gia chánh rất bài bản. Chỉ tiếc là bà không truyền được cho con cháu. Lúc còn trẻ khỏe, bà luôn làm các bữa cỗ rất nhiều món cầu kỳ, là cháu gái đầu nhưng tôi chỉ biết vô tư thưởng thức, chưa học hỏi gì thì đã đi học xa nhà.

Mấy năm sau ông ngoại tôi mất, dịch vụ gói bánh chưng, làm cỗ Tết phát triển, bà cũng thôi gói bánh chưng dần. Các cháu lớn lên, không còn là những đứa trẻ háo hức quanh nồi bánh chưng năm nào nữa, người lớn già đi, bảo chẳng còn bụng để ăn bánh chưng, nhà nào cũng chỉ mua sẵn một hai cái bánh để cúng cho có không khí Tết. Các gia đình trong tòa nhà ai cũng đã có bếp riêng, bếp chung sau sân biến thành nhà kho, thời gian sau có nhà mua lại xây thành nhà ở.

Bà đi xa đã hơn một năm. Ngày giỗ bà gia đình các con cháu mỗi nhà mang góp một số món, nhưng không có món nào giống như bà đã từng làm. Tôi ở xa, rưng rưng nhớ về người bà tần tảo, nhớ về những ngày tháng tuy khó khăn chật vật nhưng có những ngày Tết sum họp đại gia đình với những món ăn bà nấu, đối với tôi là những món ngon nhất, đặc biệt là bánh chưng của bà.

Sương Thu, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn