Trích “Hồi ký “Tâm si-đa”: BÁN THÂN NUÔI CHỒNG

Thứ tư - 28/03/2012 13:59

(NCTG) “Hồi ký “Tâm si-đa” - câu chuyện về một người phụ nữ không có tuổi thơ, trưởng thành trong đói khát và rét mướt, phải chịu sự bạo hành liên miên về thể xác và tinh thần, bị gạt ra bên lề xã hội, sa vào cảnh nghiện hút, bệnh tật, phải bán dâm để kiếm sống, chịu bao lần tù tội, nay trở thành người giúp đỡ nhiều phụ nữ và trẻ em sa cơ - đang là cuốn sách làm nóng công luận và thị trường sách Việt Nam trong mấy tuần qua.


Chị Trương Thị Hồng Tâm ký tặng bạn đọc cuốn hồi ký

Ðược phát hành bởi First News - Trí Việt, hồi ký là kết quả 8 năm làm việc kiên trì của chị Trương Thị Hồng Tâm (được nhiều người gọi bằng cái tên “Tâm si-đa”), người phụ nữ đã vượt qua bao cảnh đời đầy tủi nhục, đớn đau, đã có lúc bị đẩy xuống hố sâu và tưởng chừng mất tất cả. Hai mươi năm trước, ở tuổi 37, nhờ những tấm lòng nhân ái và những cánh tay luôn sẵn sàng sẻ chia, “Tâm si-đa” dần dần làm lại cuộc đời, chiến thắng số phận và chính bản thân mình để giành lại nhân phẩm, trở thành con người có ích cho cộng đồng và xã hội.

Hiện tại, chị là một giáo dục viên đường phố, miệt mài với công việc tuyên truyền phòng tránh những căn bệnh lây lan qua đường tình dục cho phụ nữ mại dâm, người nghiện hút và trẻ em sống vất vưởng ngoài hè phố. Những trải nghiệm của mấy chục năm bần cùng sống dưới đáy xã hội của “Tâm si-đa” đã được chị chia sẻ cho người cùng cảnh, và tạo cho chị quyết tâm theo đuổi một cuộc sống, một công việc có ý nghĩa, cho dù tới nay chị vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó, chưa hề có được tấm CMTND và mang trong mình căn bệnh nan y.

Xin giới thiệu tới độc giả NCTG một trích đoạn trong cuốn sách đã mang lại rất nhiều giọt nước mắt cảm thương cho độc giả Việt Nam thời gian vừa qua.


Đêm giao lưu 24-3 do Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News phối hợp tổ chức cùng Truyền hình An ninh và O2 TV với sự tham gia của các vị khách mời: ca sĩ Đức Tuấn, nghệ sĩ Đức Hải, nhà phê bình - dịch giả Phạm Xuân Nguyên, chị Trương Thị Hồng Tâm và diễn viên Trương Ngọc Ánh


Năm 1987, tôi gặp Lê Thanh Hòa. Anh là khách ngủ đêm thường xuyên của tôi. Tôi thường tâm sự với anh về hoàn cảnh gia đình và những ước mơ được làm người phụ nữ bình thường như bao người phụ khác trong xã hội. Anh cũng kể cho tôi nghe về anh với những mặc cảm mà anh đang mang. Anh có tật ở chân. Anh nói anh cũng mơ ước một mái ấm gia đình. Anh là thợ, cũng làm ra đồng tiền để nuôi vợ con, nhưng vì anh đi đứng không bình thường nên khó có người con gái nào chịu lấy anh. Anh nói, từ lúc gặp tôi đến nay, anh rất muốn tôi về làm vợ anh, nhưng vì còn mặc cảm nên chưa dám nói. Bây giờ có thể nói rồi…

Anh đề nghị tôi về làm vợ anh với một điều kiện: Tôi phải bỏ nghề làm gái mại dâm (anh không biết tôi nghiện ma túy). Anh còn nói, sở dĩ anh thường xuyên đi gặp tôi không phải anh là dân ăn chơi đâu. Vì anh muốn tìm một người vợ đúng nghĩa để dựa nhau mà sống. Anh còn nói, anh cũng từng có một đời vợ với một đứa con trai. Vợ anh đã bỏ đi theo người đàn ông khác. Con của anh thì được người chị thứ hai đứng tên làm mẹ. Con anh gọi anh là cậu chứ không gọi là ba. Và chị của anh đã bỏ đi vượt biên mấy năm nay chưa có tin tức gì. Cho nên gặp tôi, anh muốn lấy tôi về làm vợ để có thể săn sóc con trai của anh. Thấy anh chân tình tâm sự, tôi cũng mủi lòng. Từ khi quen biết, anh thường xuyên quan tâm đến gia đình tôi. Hồi đó là năm 1987.

Cũng thời điểm này, ba tôi được trả tự do sau mười hai năm cải tạo, trở về sum họp với gia đình. Ba tôi đi bán bong bóng trước cửa chợ Bà Chiểu. Tôi không muốn để ông đau lòng nếu như ông biết tôi đang làm cái nghề đáng xấu hổ ấy. Cho nên, tôi không suy nghĩ gì nữa, đồng ý lấy anh ngay. Tôi mơ ước cuộc sống bình thường này lâu lắm rồi!

Anh đưa tôi về thăm gia đình. Nhà anh rất đông anh chị em cùng ở chung với mẹ, còn ba và chị Hai đã vượt biên. Mẹ anh đồng ý nhận tôi làm con dâu. Gia đình hai bên gặp nhau. Nhà tôi nghèo, còn nhà anh thuộc vào hàng khá giả. Tuy vậy, gia đình anh không ai chê tôi khiến tôi càng yên tâm khi về làm vợ anh. Những người bạn cùng sống bằng nghề “bán trôn nuôi miệng” biết tôi lấy anh, đều khuyên tôi không nên lấy chồng vì trước sau gì cũng bị bỏ rơi hoặc bị lợi dụng để làm người ở không công. Tôi không tin anh tệ như vậy.

Về làm vợ anh không bao lâu, tôi phát hiện ra anh còn có người vợ thứ hai tên Thủy, sau khi người vợ đầu tiên bỏ anh đi. Anh với vợ sau luôn luôn bất hòa vì Thủy có con riêng. Thủy là đào hát cải lương. Tuy lấy anh nhưng Thủy thường xuyên vắng nhà nên mẹ anh không đồng ý, song cũng chẳng có ý kiến gì. Bà cũng không nói gì với tôi, chỉ khi Thủy về tôi mới vỡ lẽ. Tôi dở khóc dở cười cho số phận bẽ bàng. Hết làm gái mại dâm, hết nghiện ma túy, tưởng đâu cuộc đời hết đau khổ, nào ngờ lại phải làm vợ lẽ người ta. Anh và Thủy lấy nhau cũng chưa có con chung nên Thủy cũng vui vẻ chấp nhận tôi lấy chung chồng. Hai người phụ nữ cùng phục vụ một người đàn ông. Lỡ rồi, tôi đành chấp nhận vì tôi đã quá sợ cảnh đêm đêm đứng đường đón khách.

Làm vợ anh quả thật không đơn giản chút nào, khi vừa phục vụ gia đình chồng vừa phục vụ vợ lớn của chồng. Tôi cắn răng chịu cực, thức khuya dậy sớm, đi bán vé số rồi đi chợ nấu cơm phục vụ mọi người. Tóm lại, tôi làm việc thay cho con ở. Bù lại, tôi không còn lo bị công an bắt bớ vì cái tội làm gái hay chích ma túy nữa. Ở với anh, tôi bỏ ma túy được bốn năm. Những tưởng cuộc đời sẽ bình yên. Dù làm vợ bé, dù cực khổ đến đâu tôi cũng chịu được, chỉ mong có sự yêu thương chân thành của người chồng.

Nhưng tôi không thể học được chữ ngờ ở những con người mà xã hội cho là đàng hoàng, lương thiện. Thủy, vợ anh, bỏ ra Phan Thiết bán bia ôm, được vài tháng thì có tiền, khấm khá. Thủy bàn với anh lúc nào tôi không hay, chỉ nghe anh biểu tôi theo ra ngoài đó bán bia ôm chung với Thủy. Tôi không đồng ý, nhưng anh nói tôi nên đi để có tiền làm vốn về sau. Tôi đã quá sợ cảnh “bán trôn nuôi miệng” nên mới chấp nhận lấy anh, dù gia đình và anh đã gạt tôi, bây giờ anh lại muốn tôi trở về đường cũ là sao? Không bao giờ! Tôi không chấp nhận chuyện bán bia ôm trá hình. Hơn nữa, tôi đang đi bán vé số kia mà?

Bộ mặt thật của anh bắt đầu lộ ra. Một trận cãi vã dẫn đến chửi bới nhau, ầm ĩ cả nhà. “Đ.M, vợ tao phải đi bán bia ôm. Còn mày là cái thá gì mà ở nhà để tụi tao nuôi hả? Mày nhớ lại đi. Trước khi mày lấy tao mày là cái thứ gì?”. Như bị gáo nước lạnh tạt vào mặt, tôi ngỡ ngàng. Có phải anh đó không, người đàn ông từng ra điều kiện “em phải bỏ nghề mại dâm khi về làm vợ anh”? Anh tiếp tục lải nhải: “Vợ tao là con gái của soạn giả nổi tiếng, là con của soạn giả Thanh Cao đó mày biết không? Vậy mà nó còn đi bán bia ôm để phụ với tao. Còn mày, mày là cái gì hả?”. Tôi ghê tởm con người đã có một thời tôi tin tưởng là người tốt! Không làm căng nữa, tôi chấp nhận. Tôi dịu dàng với anh: “Bộ anh tưởng muốn đi bán bia ôm là bán sao? Phải có quần này áo nọ. Phải có bề ngoài một chút khách mới thích, mới dễ lấy tiền thiên hạ. Anh nhìn tôi đi. Ở với anh, tôi ăn mặc như ăn mày, ai mà thèm ngồi gần? Phấn son không có, cái gì cũng không. Không lẽ tôi ở truồng ngồi tiếp khách à?”.

Vậy là anh lập tức đi sắm cho tôi đủ thứ, từ trang sức đến quần áo, để tôi theo vợ anh ra Phan Thiết bán bia ôm. Lần đi này tôi làm ra rất nhiều tiền, nhưng tôi không gửi về cho anh như lời vợ anh dặn. Tôi gửi tiền về nhà cho dì ghẻ phụ lo với ba tôi nuôi các em. Quan niệm sống của tôi là làm đĩ thì không lấy chồng, mà lấy chồng thì không làm đĩ. Còn Thủy vợ của anh làm ra bao nhiêu tiền đều gửi về cho anh. Anh không chịu làm gì ngoài việc lêu lổng, chơi bời.

Thấy bốn năm tháng rồi tôi không gửi tiền về, anh tìm ra Phan Thiết. Tôi tỉnh bơ không đả động gì đến tiền bạc. Anh hỏi: “Làm mấy tháng nay sao mày không có đồng nào gửi về để tao trả nợ?”. Tôi không thèm trả lời. Anh kể lể, chửi bới ngay tại nhà hàng nơi tôi và Thủy đang làm. Quản lý nhà hàng sợ bị bể vụ bán bia ôm nên buộc tôi nghỉ việc. Tôi đành theo anh về Sài Gòn. Về tới nhà anh, chúng tôi ra quán kem Đại La Thiên ngồi nói chuyện. Anh bảo: “Nếu mày còn muốn ở với tao, mày phải gửi tiền về phụ tao trả nợ. Còn mày không muốn ở với tao nữa thì mày lột vòng vàng đang đeo trên người trả lại tao. Tao lấy tiền của vợ sắm sửa cho mày, để mày đi làm phụ vợ tao gửi tiền về cho tao, chứ không phải sắm sửa cho mày để mày đi làm kiếm tiền gửi về cho gia đình của mày”. Tôi giận run lên khi nghe anh nói những câu nói bạc tình bạc nghĩa ấy. Tôi trả đũa ngay: “Nè ông, nghe cho rõ nha. Bắc thang lên hỏi ông Trời, có tiền cho gái có đòi được không. Ông cứ bắc thang hỏi đi, chừng nào ông Trời trả lời được thì tôi trả cho ông. Và tôi cũng nhắc lại lời của tôi cho ông nhớ: Vì tôi không muốn làm đĩ nữa, tôi mới chịu lấy ông. Ông nhìn lại thân thể ông đi? Tôi lấy ông để làm vợ chứ không phải lấy ông để về tiếp tục làm đĩ nuôi ông đâu, ông đừng có hòng…”.

Một trận đánh nhau tại quán kem. Anh chụp ly kem ném thẳng về phía tôi, cũng may tôi né kịp. Ly kem văng vô tường. Vài mảnh vỡ ghim vào mặt tôi chảy máu. Nghe ran rát, tôi nổi cơn điên chụp ghế đánh trả. Tôi đánh điên cuồng. Anh đánh không lại tôi. Anh bỏ chạy qua phường 13 quận 5, thưa với công an tôi là gái mại dâm, anh rước tôi về ngủ đêm với anh rồi tôi còn ăn cắp tiền của anh, bị phát hiện nên tôi đánh anh để chạy! Công an bắt tôi về phường và mời anh đi theo để làm việc. Trong lúc lấy cung, tôi khai tôi là vợ anh. Công an đánh tôi mấy bạt tai và nói tôi già mồm. Bị công an đánh, tôi không thấy đau mà tôi chỉ đau khi thấy được bộ mặt thật của anh. Tôi nói với công an, tôi có tạm trú tại nhà cha mẹ anh ở phường 10 quận 6. Nếu không tin, công an cứ gọi về nơi tôi vừa khai để xác minh sự thật, nếu không phải tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, còn nếu như đúng sự thật thì công an phải đưa tôi về nhà tôi ở tận chợ Bà Chiểu, chứ thả tôi ra tại đây anh sẽ giết chết tôi. Công an gọi điện về phường 10 và được xác nhận tôi là vợ của anh, tôi có tạm trú trên đường Lý Chiêu Hoàng, nhà cha mẹ anh. Sau khi xác minh, công an lại mắng tôi: “Vợ gì mà hung dữ, cầm ghế đánh chồng!”. Tôi phải nói rõ lý do tại sao tôi đánh anh. Công an quay ra chửi anh và thả cho tôi về.

Chia tay anh, tôi không cần mang theo bất cứ thứ gì. Tôi trở lại nghề cũ. Anh lại tìm đến những con đường nơi tôi thường làm. Không muốn gặp anh, tôi bỏ trốn về Phú Quốc với hy vọng nương nhờ các anh chị cùng cha khác mẹ. Nhưng… Về tá túc với anh chị, tôi lại bị má lớn không cho ở. Vừa đánh vừa chửi, bà nhất quyết không cho chị tôi chứa tôi trong nhà và cũng không cho các anh trai nuôi tôi. Buồn, tôi quay về thành phố, tiếp tục nghề “bán trôn nuôi miệng”.

Tôi đi tìm má ruột, nhưng má ruột cũng không còn nhà cửa. Sau bao nhiêu lần lấy chồng, cuối cùng bà sống cô đơn dưới chân cầu thang chung cư Chợ Quán. Hai mẹ con đùm bọc nhau mà sống. Ban đêm tôi đi làm, ban ngày ngủ vùi lấy sức. Chiến dịch liên miên, tôi có kinh nghiệm hơn nên không để bị bắt. Ế ẩm, lại mượn nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con. Nợ chồng nợ chất. Tôi kêu trời, trời không thấu; kêu đất, đất không nghe. Tôi lại tìm đến “cô Ba Phù Dung”, lại chích cho quên đời. Cuộc đời chó má. Chích… Chích cho nhiều. Cho mau chết để thoát khỏi cuộc đời đau khổ này. Nhưng không thể nào chết được.

Trương Thị Hồng Tâm


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn