VẤN NẠN BẰNG CẤP “RỞM” CỦA QUAN CHỨC HUNGARY VÀ CZECH

Thứ sáu - 06/04/2012 20:43

Nhân vụ đạo văn của cựu Tổng thống Hungary, báo chí Cộng hòa Czech cũng rộ lên trong đề tài nay khi họ phanh phui ra rằng, cho dù ở Czech chưa ai phải từ chức vì đạo văn, nhưng nhiều quan chức cấp cao và chính khách nước này đã có được bằng cấp một cách hết sức đáng ngờ.


Cựu thủ tướng Stanislav Gross, người bị cho là có dính dáng đến bằng cấp giả

Mạng tin trực tuyến iHned của nhật báo kinh tế và chính trị “Tin Kinh tế” (Hospodárské Noviny) cho rằng, các luận văn “bị coi là không phù hợp những yêu cầu truyền thống” đa phần ra đời tại các đại học tư nhân. Vài năm trước, sau khi công luận Czech bắt đầu để tâm đến điều này, một số lớn luận án đã “không cánh mà bay” một cách bí ẩn khỏi các kho lưu trữ đại học và cao đẳng.

Một ví dụ được mạng tin này đưa ra: luận án của cựu thủ tướng phe Xã hội Dân chủ Stanislav Gross đã biến mất khỏi kho thư khố Khoa Luật Ðại học Pilsen (Plzeň, miền Tây Czech).

Trường đại học “có vấn đề”

Một cuộc điều tra được thực hiện từ năm 2009 cho hay, trong 10 năm qua, có tới khoảng 500 người đã có bằng cấp một cách đáng ngờ tại Khoa Luật của trường đại học này. Những vụ việc mờ ám của Khoa được tờ nhật báo bảo thủ “Tin tức Nhân dân” (Lidové Noviny) “bạch hóa” lần đầu tiên, khi tờ này loan tin một trong những Phó khoa, ông Ivan Tomazic, năm 2006 đã bảo vệ luận án tiến sĩ và luận án của ông có vài chục trang hoàn toàn giống hệt một công trình trước đó.

Về sau, công luận được biết thêm rằng rất nhiều luận văn tốt nghiệp đã biến khỏi thư viện, một số luận văn khác ngắn hơn nhiều so với mức quy định, vài trăm sinh viên thì hoàn tất được chương trình học trong khoảng thời gian ngắn hơn quy định. Báo chí ghi nhận rằng một số quan chức có tầm ảnh hưởng lớn đã lấy bằng Luật tại đại học này, như cựu Bộ trưởng Nội vụ Jan Ruml thuộc đảng cầm quyền Ðảng Dân chủ Dân sự (ODS) hoặc cựu Thủ tướng Stanislav Gross đã nhắc đến ở trên.

Cũng có bằng Luật ở đại học này, dân biểu đảng ODS Marek Benda - người trong nhiều năm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Luật Hiến pháp của Quốc hội Czech - đã nộp một luận văn có độ dài chỉ bằng nửa mức quy định. Còn luận văn của Ivana Rápková - Thị trưởng TP vùng Bắc Czech Chomutov, khét tiếng với những chiến dịch bài xích sắc dân Tzigane - thì không thể tìm thấy trong thư viện. Một vài vị thày được coi là đã hỏi thi ông thị trưởng cho hay: họ chưa bao giờ thấy ông!

Kết quả của những bê bối, tranh luận, những cuộc điều tra kéo dài nhiều năm là chính quyền muốn đóng cửa Khoa Luật Ðại học Pilsen cho những lạm dụng và vi phạm đã được chứng tỏ diễn ra tại đó. Tuy nhiên, chưa có quyết định dứt khoát trong vấn đề này.

Czech cũng có bê bối đạo văn

Là một trong số nhiều chỉ huy cảnh sát ở Prague và Pilsen đã lấy bằng Luật ở Ðại học Pilsen. Cảnh sát trưởng TP Pilsen, ông Ludek Hosman thú nhận: ông chỉ đơn thuần sao chép lại một công trình trước đó và có được bằng Luật. Tuy nhiên, đa số phủ nhận những cáo buộc. Ông phó khoa từng có bản luận án luận án tiến sĩ bị coi là đạo văn thì biện bạch: ông đã thỏa thuận với một Phó khoa khác, ông Milan Kindl, là thử sao chép vài chục trang “lạ” vào công trình của mình xem Hội đồng Chấm thi có nhận ra không.

Gần đây nhất, vào tháng 2, báo chí Czech cáo buộc bà Jana Nagyová – Chánh Văn phòng Thủ tướng Chính phủ nước này - đã đạo văn trong luận văn tốt nghiệp năm 2011 tại Ðại học Komensky, một đại học tư nhân ở Prague. Tuần báo xã hội và chính trị “Reflex”, cũng như nhật báo “Mặt trận Tuổi trẻ Ngày nay” (Mladá Fronta Dnes) cho hay, họ đã có trong tay bản luận văn, và những trích dẫn kéo dài nhiều trang trong đó được sao lại từ những phân tích của Bộ Lao động và Phúc lợi mà không hề đề nguồn gốc.


Bà Jana Nagyová và Thủ tướng Petr Nečas

Trước đây, bà Nagyová làm việc tại Bộ Lao động và Phúc lợi và khi đó, Bộ trưởng là ông Petr Nečas. Sau khi ông này lên giữ chức thủ tướng thì bà Nagyová được cất nhắc làm Chánh Văn phòng cho ông. Báo chí Prague cho rằng Nagyová là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến những quyết định của người đứng đầu nội các. Tuy nhiên, bà Nagyová - cũng như thày hướng dẫn làm luận văn của bà, ông Radek Mezulánek - đã không bình luận gì về khẳng định của báo giới.

Trả lời phỏng vấn nhật báo “Mặt trận Tuổi trẻ Ngày nay”, một giảng viên Ðại học Palacky là Vladimír Polách khẳng định: không thể chấp nhận được những trích dẫn kéo dài trong nhiều trang của một luận văn tốt nghiệp. Tuần báo “Reflex” thì cho hay, trường đại học này đã bị phê phán, chỉ trích từ lâu nay vì một số luận văn tốt nghiệp có dấu hiệu sao chép.

Theo báo chí Prague, không thể loại trừ được khả năng những trường đại học khác ở Cộng hòa Czech cũng có tệ nạn trên, mà lý do là sự đút lót, dùng tiền mua bằng cấp. Ðể làm dịu tình hình, Bộ Giáo dục nước này đã ra chỉ thị kiểm tra tất cả các trường đại học và cao đẳng ở Czech. Tuy nhiên, trước mắt, kết quả chưa được công bố...

Hungary: sẽ có phản ứng dây chuyền?

Trở lại Hungary, ngay từ khi “nghi án đạo văn” của ông Schmitt Pál được khơi ra vào tháng 1 năm nay thì trên các mạng xã hội, các diễn đàn, không ít ý kiến dị nghị, cho rằng chuyện của tổng thống không phải là dị biệt. Thậm chí, trong những ngày, những giờ cuối cùng trước khi ông Schmitt Pál từ chức, báo giới đã đặt giả thiết, nếu hàng loạt vụ việc tương tự được phanh phui - và chắc chắn liên minh cầm quyền sẽ đứng sau những động thái này - thì “tội trạng” của tổng thống Hungary sẽ giảm đi hẳn.

Chỉ 6 giờ sau khi ông Schmitt Pál từ chức, một tờ báo của TP Pécs (miền Nam nước Hung) đã đặt câu hỏi phải chăng cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc, hiện vẫn là một lãnh tụ đối lập đáng chú ý, đã không làm luận văn tốt nghiệp khi ông còn theo học ở thành phố này vào thập niên 80 thế kỷ trước. Nghi vấn này được lan truyền trên mạng và lập tức, được tờ “Báo Pécs” (Pécsi Újság) tìm cách kiểm tra, nhưng Ðại học Tổng hợp Pécs cho hay họ không thể cung cấp các dữ liệu cá nhân cho người thứ ba.

Thay mặt cựu thủ tướng, tập hợp Liên minh Dân chủ mà ông là một yếu nhân sáng lập đã xác nhận rằng quả thực ông Gyurcsány Ferenc đã làm luận văn về nghề trồng nho, làm rượu vùng Balatonfelvidék tại Khoa Cao đẳng Sư phạm năm 1984. Sau đó, ông tiếp tục luận văn về hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tại Khoa Kinh tế Ðại học Tổng hợp Pécs năm 1990. Phát ngôn viên Liên minh Dân chủ cho hay, ông Gyurcsány đã chuẩn bị tinh thần là sẽ bị vặn hỏi, nên đã cung cấp mọi thông tin cần thiết cho đảng của ông.


Học bạ cùng điểm số của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc được công bố trên trang FB của ông

Ðể chứng tỏ thực sự đã theo học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, ông Gyurcsány cũng đã công bố trên mạng xã hội Facebook bản sao học bạ của ông, với điểm số không thật cao. Ông cho biết ông còn giữ những luận văn này, nhưng kể từ khi tốt nghiệp ông đã chuyển nhà 6 lần và trong số vài ngàn cuốn sách thuộc tủ sách cá nhân, còn nhiều cuốn ông vẫn để trong thùng từ hơn 20 năm nay. Nghĩa là nếu cần có thể tìm ra được, nhưng mất thời gian, có thể vài tháng. Nguồn tin mới nhất cho hay, Ðại học Tổng hợp không tìm được luận án năm 1984 trong thư viện của khoa, không rõ vì sao, và mất từ bao giờ.

Cũng trong một diễn biến tương tự, nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) đề nghị Khoa Luật Ðại học Tổng hợp Budapest công bố luận văn tốt nghiệp của Thủ tướng đương nhiệm Orbán Viktor, thực hiện năm 1987. Tuy trường Tổng hợp cũng viện dẫn lý do dự liệu cá nhân để không đáp ứng yêu cầu của tờ báo, nhưng Thủ tướng Hungary đã tự đưa lên trang chủ của mình 92 trang của bài tốt nghiệp về đề tài phong trào Công đoàn Ðoàn Kết của Ba Lan, được coi là rất nhạy cảm và thậm chí, khiêu khích trong thời gian đó.

Công luận Hungary cho rằng, sau hai vị thủ tướng, sẽ có thêm nhiều “nghi can” khác phải công bố, hoặc thừa nhận bằng cấp không hợp thức. Ðặc biệt, Ðại học Thể dục Thể thao ngày trước - sau này được sáp nhập và trở thành Khoa Thể dục và Thể thao trực thuộc Ðại học Y khoa Budapest - được coi là nơi mà nhiều chính khách, quan chức có thể lấy bằng dễ dàng mà không cần chứng tỏ thực lực. Do đó, rất có thể chính quyền sẽ mở cuộc tổng kiểm tra tại trường Y khoa để chứng tỏ sự đạo văn của cựu thồng thống cũng không quá trầm trọng...

Hệ lụy của quá khứ

Những phát hiện mới đây tại Hungary và Cộng hòa Czech cho thấy một vấn đề từ quá khứ: trong nhiều năm, đặc biệt là dưới thể chế cộng sản, không ít quan chức và những người có thể lực ở các quốc gia thuộc khối XHCN (cũ) ở Ðông Âu đã có được bằng cấp không do thực lực của họ, mà bởi áp lực, chỉ thị từ “trên”, hoặc rất có thể theo các “đơn đặt hàng” do người khác làm hộ.

Trở lại “nghi án” bằng cấp của cựu Thủ tướng Hungary Gyurcsány Ferenc đã nói ở trên, một giáo sư Ðại học Kinh tế TP Pécs, ông Mellár Tamás khẳng định rằng, cứ mỗi khi ông hỏi thi người Bí thư Ðoàn Thanh niên đó, thì trước đó ông lại nhận được một cú điện thoại từ Thành ủy: “Ðề nghị đồng chí lưu ý nhé, hôm nay đồng chí Gyurcsány sẽ đi thi!”.

Công luận Hungary cho rằng, cần đặt dấu hỏi lớn đối với chất lượng và nguồn gốc của tất cả mọi bằng cấp mà các cán bộ đảng, nhà nước đã có được tại các Trường Ðảng, hoặc trong bộ môn Kinh tế Chính trị học Marx - Lenin. Nhưng ngay cả trong các ngành kỹ thuật, cũng đã có trường hợp một Bí thư chị bộ một học viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary bệ y nguyên những kết quả nghiên cứu trước đó của một nhà khoa học người Anh.

Giáo sư, Viện sĩ, nhà hóa học nổi tiếng Solymosi Frigyes kể lại câu chuyện chính ông là người phản biện luận án tiến sĩ này và sức ép rất lớn khiến ông không thể trực tiếp nói ra từ “đạo văn”. Tuy nhiên, vị giáo sư đã diễn đạt một cách ngoại giao rằng, ông không biết vô tình hay cố ý mà đã có sự sao chép những kết quả giá trị từ công trình một nhà khoa học khác, mà ông chỉ biết là nội dung các trang ấy giống hệt nhau.

Kết quả là vị Bí thư chi bộ phải rút lại luận án, ít lâu sau ông này bị cách chức về mặt đảng, không bao giờ làm nổi luận án tiến sĩ và được một thời gian ngắn thì cũng từ bỏ con đường nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải vị giáo sư nào cũng có dũng khí như ông Solymosi Frigyes và chắc chắn là đã có rất nhiều bằng cấp được ra đời mà chủ nhân của chúng, những cán bộ cao cấp, không có nhiều khái niệm về những gì được viết ra dưới tên mình.


Tổng thống Schmitt Pál phát biểu từ chức trước Quốc hội Hungary sau khi bị tước học vị vì đạo văn

Vụ đạo văn của cựu Tổng thống Schmitt Pál cho thấy, những bằng cấp, học vị có được một cách bất xứng, bất chính trong quá khứ có thể gây nhiều phiễu và hệ lụy cho bất cứ nhân vật nào thuộc hệ thống quyền lực hiện tại. Tuy nhiên, xét trên một góc độ khác, cần trực diện, trong sạch hóa những vấn đề của quá khứ, trong đó, có hệ lụy về bằng cấp...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn