TRUNG QUỐC: NHỮNG BẤT AN VỀ KINH TẾ VÀ CẢI TỔ

Thứ hai - 12/03/2012 20:37

(NCTG) Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã hạ mục tiêu tăng trưởng quốc gia trong năm 2012 xuống đến 7,5%, mức thấp nhất từ 8 năm nay, và đưa việc làm tăng vọt nhu cầu tiêu thụ thành ưu tiên hàng đầu trong năm. Bắc Kinh đang tìm cách cai nền kinh tế của mình khỏi sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài và vốn nước ngoài.


Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào - Ảnh: Jason Lee (Reuters)


Các nhà đầu tư dự đoán việc thủ tướng hạ mục tiêu dài hạn hàng năm trước đây (8%) là một nước cờ để Bắc Kinh có được một độ linh động kinh tế để cân bằng lại nền kinh tế và làm giảm áp lực giá cả trong cuộc chạy đua thay ghế lãnh đạo vào cuối năm nay.

Làm giảm mức tăng trưởng sẽ cho phép Bắc Kinh cải tổ việc kiểm soát giá cả mà không khiến lạm phát nhảy vọt, và để chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được lan rộng, nhằm đảm bảo một lưu lượng cho vay ổn định đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chính phủ muốn khuyến khích.

 “Chúng tôi nhắm tới việc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế ổn định và vững chắc, giữ ổn định giá cả và đề phòng những nguy cơ tài chính bằng cách giữ toàn bộ nguồn cung ứng tiền tệ và các khoản cho vay ở mức thích hợp, và đi theo một đường hướng cẩn trọng và linh động” - Ôn Gia Bảo phát biểu trong báo cáo hàng năm cho Đại hội Ðại biểu Nhân dân Toàn quốc, tại phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc.

Thủ tướng gọi “việc mở rộng nhu cầu tiêu thụ” là ưu tiên hàng đầu của mình cho năm 2012, trong năm nay Đảng Cộng sản cầm quyền cũng phải lèo lái việc bàn giao quyền lực khi Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về hưu vào năm 2013.

 “Chúng tôi sẽ cải tiến các chính sách khuyến khích tiêu thụ”, thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trước gần 3000 đại biểu của cơ quan lập pháp do Đảng Cộng sản kiểm soát, tại cuộc họp trong ánh đèn sáng chói dưới mái vòm cao vút của Đại lễ đường Nhân dân.

Chúng tôi sẽ nỗ lực điều chỉnh sự phân bố thu nhập, làm tăng thu nhập của các nhóm có thu nhập thấp và trung bình, và nâng cao khả năng tiêu thụ của nhân dân” - họ Ôn nói.

Bản báo cáo thường niên của Chính phủ Nhân dân do ông ta viết nhấn sâu vào những rào cản về cơ chế và thu nhập mà Quốc vụ viện phải phá vỡ để xây dựng một nền kinh tế cân bằng hơn, ít dựa vào xuất khẩu hơn và san sẻ tài sản với hàng trăm triệu nông dân và người lao động nhập cư nghèo nhiều hơn, đây là những tầng lớp còn ngần ngại chi tiêu.

Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào hứa sẽ cai nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu, vào các ngành công nghiệp chế tạo và cơ sở hạ tầng do chính phủ hỗ trợ, và khuyến khích một sự tăng trưởng hài hòa làm tăng thu nhập và tiêu thụ của các tầng lớp công nông dân.

Các nguồn tin trước đó đã chỉ cho Reuters thấy rằng mục tiêu tăng trưởng sẽ có thể bị giảm xuống 7,5% - đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

Trên thực tế, mục tiêu này có tác dụng như một giới hạn để vượt qua. Cái đích 8% đặt ra trong 8 năm trước đều được vượt một cách dễ dàng hàng năm – kể cả sau những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Trong những năm gần đây, mục tiêu về tổng sản phẩm nội địa (GDP) hiển nhiên luôn là giới hạn thấp nhất chấp nhận được, chứ không phải là mức cao nhất, do đó tôi cho rằng có vẻ sâu trong tâm tư của chính phủ, họ nghiêng về một mức tăng trưởng cao hơn 8% một chút” - nhà kinh tế học Paul Cavey đang làm việc cho Ngân hàng Macquarie ở Hong Kong phát biểu.

Với việc bàn giao chính trị, dường như sẽ khó có tiến bộ lớn về việc cải tổ cơ chế”, Cavey nói tiếp. “Những con số tăng trưởng chậm hơn chỉ phản ánh một thực tế là sự tăng trưởng sẽ chậm đi bởi vì toàn bộ thế giới bên ngoài cũng sẽ yếu đi”.

*

Những lĩnh vực có chỉ số tăng trưởng cao nhất của Trung Quốc và gần một phần tư số 800 triệu nhân lực đang phụ thuộc vào nhu cầu bấp bênh và vốn từ các nền kinh tế phát triển.

Làm dịch chuyển thế cân bằng đó là mục đích cốt yếu được đặt ra cho Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào (cả hai đều đã 69 tuổi), khi họ đang tiến đến điểm cuối của một thập kỷ nắm quyền lực; thập kỷ này đã chứng kiến Trung Quốc trở thành nước có nền kinh tế mạnh thứ hai trên thế giới sau Mỹ, và đóng góp cho sự tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn mọi quốc gia khác. Nhưng đồng thời, thời kỳ vừa qua cũng chứng kiến hố sâu ngày càng lớn hơn giữa người giàu và người nghèo ở đất nước này. Theo Forbes, so với năm 2010, vào năm 2011 số các nhà tỷ phú Trung Quốc gần như tăng gấp đôi, đạt đến con số 146.

Sự ổn định, sự tăng trưởng đều đặn và việc phân bố tài sản là những biện hộ chủ chốt cho hơn 60 năm thống trị độc đảng bởi Đảng Cộng sản, và Đảng này sẽ lập ra một ê-kíp lãnh đạo mới vào cuối năm 2012. Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức thôi chức thủ tướng và chủ tịch vào cuối nhiệm kỳ của Quốc hội vào đầu năm sau.

Năm nắm quyền cuối cùng của Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào bị rung chuyển bởi những bất an về lạm phát, về một thị trường bất động sản nóng bỏng, về nợ của các chính quyền địa phương, về sự bất bình đẳng dai dẳng và những sức ép bên trong xã hội, từ sự phản kháng ở các làng quê cho đến những căng thẳng sắc tộc ở các vùng phía Tây.

Đại hội Ðại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ chú tâm vào nỗi lo lắng ngày càng tăng về việc Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào đã bỏ lỡ các cơ hội cải tổ do lo sợ sự bất ổn định trước kỳ chuyển giao quyền lực sắp tới.

Khi điều đó diễn ra vào cuối mùa thu tới, Trung Quốc có thể được xếp đầu về độ tăng trưởng cả năm thấp nhất kể từ khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền một thập kỷ trước đây. Quý cuối cùng của nền kinh tế năm 2011 là 3 tháng trì trệ nhất từ hai năm rưỡi nay, với mức tăng trưởng 8,9%, do bị cơn khủng hoảng về nợ của khu vực Euro và giai đoạn kinh tế lờ đờ của Mỹ dội cho gáo nước lạnh.

Triển vọng cho nền kinh tế thực vẫn còn mờ mịt, theo những khảo sát mới nhất về các ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc và các công nghiệp dịch vụ mới đâm chồi, những lĩnh vực quan trọng khiến sự tăng trưởng có thể cân bằng lại và tạo ra nhiều hơn những nhu cầu ổn định xuất phát từ nội địa.

Một khảo sát của HSBC được thực hiện với những nhà quản trị cung ứng trong công nghiệp dịch vụ của Trung Quốc cho thấy lĩnh vực này hoạt động mạnh nhất trong 4 tháng, cho dù thấp hơn hẳn xu hướng dài hạn. Theo một khảo sát tương tự từ Cục Thống kê Quốc gia, hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đang ở nhịp độ thấp nhất từ một năm.

Trong khi đó, những khảo sát cách đây ít ngày nêu lên rằng vào tháng Hai, hoạt động của các doanh nghiệp lớn cho các đơn hàng mới để xuất khẩu giá trị lớn tăng trở lại, trong khi đó các công ty nhỏ hơn thì tụt sau sự tăng trở lại đó.

Tín dụng là cốt yếu cho việc giữ nền kinh tế hoạt động. Ôn Gia Bảo đề ra mức tăng trưởng về cung ứng tiền tệ ở 14%, và đồng thời mức tăng lạm phát ở 4% cho năm nay, tương ứng với mục tiêu đề ra vào năm 2011.

Ông ta nói rằng chính phủ sẽ tìm cách phòng ngừa giá cả tăng vọt lần nữa vào năm 2012. Năm ngoái, tháng nào lạm phát cũng ngoan cố ở mức cao hơn các mục tiêu chính thức.

Ôn Gia Bảo cũng cam kết sẽ kiềm chế các nhu cầu đầu cơ trên thị trường bất động sản, và nói rằng đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ được giữ “cơ bản ổn định” và có sự linh hoạt hai chiều được tăng cường đối với tỷ giá hối đoái được kiểm soát chặt chẽ.

Họ Ôn cũng khẳng định rằng chính phủ sẽ làm giảm nợ đang tăng của các chính quyền địa phương, chính các khoản nợ này bị các nhà đầu tư coi là mối nguy cơ chính cho sự bền vững về tài chính. Các số liệu của chính phủ cho thấy vào cuối năm 2010, nợ của các chính quyền địa phương vào khoảng 70,7 ngàn tỷ NDT (1,7 ngàn tỷ đô-la).

Mức thâm hụt tài chính được nhắm giữ ở 1,5% GDP, tức là được nâng lên từ 1,1% GDP vào năm 2011. Việc chi tiêu cho an ninh nội địa sẽ có thể tăng 11,5% lên đến 111 tỷ đô-la.

Những người chỉ trích, bao gồm cả các cố vấn về chính sách nổi tiếng nhất, phát biểu rằng chỉ bằng cách áp dụng những cải tổ mạnh bạo hơn để kiềm chế các tập đoàn do nhà nước sở hữu và các lợi ích cố hữu – những cải tổ mà cuối cùng có thể động đến các vấn đề nhạy cảm về việc hạn chế các quyền lực của riêng Đảng -, chính phủ Trung Quốc mới có thể ấp ủ được một sự tăng trưởng lành mạnh dài hạn.

Ôn Gia Bảo nổi lên trong số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc như một người kiên quyết ủng hộ việc nới lỏng chính trị một cách chừng mực, và tự coi bản thân như một nhà bảo hộ nhiệt tình cho các nông dân đang vật lộn với sự bấp bênh kinh tế và với đất đai bị mất cho các công ty xây dựng. “Chúng ta cần quan tâm sâu sắc hơn đến những người lao động di trú và cung cấp cho họ nhiều dịch vụ hơn” - ông ta phát biểu.

BH chuyển ngữ, theo Reuters


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn