VẪN CÒN ĐÓ, ĐÂU ĐÂY, MỘT ÔNG ĐỒ…

Thứ sáu - 16/02/2007 10:12

(NCTG) Thế là “Ông Đồ” đã rời bỏ chúng ta ra đi được 11 năm nay!

VẪN CÒN ĐÓ, ĐÂU ĐÂY, MỘT ÔNG ĐỒ…

Dạo ấy, tôi được biết tin này vài ngày sau khi nhận được thư nhà, kể về cái Tết Bính Tý buồn tẻ không cờ không trống, chìm trong tiết trời rét đậm. Cha tôi viết: “Bố cũng đi chọn một cành đào…” và bất thần tôi lại nghĩ đến cảnh “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua…” rồi chợt thấy lòng đau như xé.

Những vần thơ giản dị mà thăm thẳm đi vào lòng người ấy là của Vũ Đình Liên, người thày giáo mẫu mực, người nghệ sĩ lãng mạn, đã quy tiên vào ngày mùng Hai Tết con chuột nọ. Sinh năm 1913 tại Hà Nội, đậu cử nhân Luật khoa dưới thời Pháp, ông làm nghề dạy học từ năm 1932. Nhưng văn thơ đã gắn bó với ông suốt cuộc đời.

Là một thi sĩ thuộc làn sóng thứ nhất của Thơ Mới (cùng Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp…), ông từng đăng đàn diễn thuyết năm 1935 tại Nam Định để cổ súy cho phong trào này. Khác với đại đa số các nhà Thơ Mới đương thời, lấy tình ái và “cái tôi” cá nhân, nhiều khi cực đoan, làm đích chính cho cuộc đời và thi phẩm của mình, Vũ Đình Liên nổi bật với lòng nhân hậu và tình người cao cả.

Nói đến Vũ Đình Liên, không ai không nhớ đến bài “Ông đồ” nổi tiếng, được sáng tác cách đây đúng 70 năm. Biết bao thế hệ, trong đó có tôi, đã rưng rưng trước “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (lời ông), được tác giả thuật lại dưới lời thơ giản dị mà chứa chất bao nỗi cảm xúc:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…

Để đánh giá bài thơ ấy, không gì bằng nghe lại lời Hoài Thanh cách đây già nửa thế kỷ, trong “Thi nhân Việt Nam”: “… hai nguồn thi cảm chính của người (tức Vũ Đình Liên) là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: “Ông đồ”…

Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết… Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời“.

Với “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã trở thành thi sĩ lớn ở tuổi hai mươi ba. Đọc lại bài thơ, ta cảm tấm lòng của tác giả, ta thấu nỗi hoài niệm man mác về một thời vang bóng. Dù chẳng đựng đến tình ái, bài thơ còn mang tính lãng mạn sâu xa hơn cả biết bao nhiêu vần thơ vinh danh ái tình. Cách chúng ta bảy thập kỷ, Vũ Đình Liên đã cất lời than khóc một thời lụi tàn, dù biết dường như đó là một tiến trình, một định mệnh không thể cứu vãn, đảo ngược. Nhưng chính bản thân ông, cũng ít nhiều đại diện cho một thế hệ, đang giã từ chúng ta từng giờ, từng phút. “Vật đổi sao dời”, thương tiếc ông, chúng ta thương tiếc một nỗi niềm, từng ám ảnh, day dứt và xác định cuộc đời không ít kẻ hậu sinh, tự thuở ấu thời.

Ít ai biết rằng Vũ Đình Liên sáng tác từ rất sớm, năm 13 tuổi, và năm 14 tuổi, ông đã hoàn thành bài thơ ưng ý đầu tiên, mà suốt đời ông trân trọng – và giữ cho riêng ông - còn hơn cả bài “Ông đồ”. Đó là “Hồn xưa”, cũng là một áng thi ca đượm tính hoài cổ nhưng không hiều sao lại ít được phổ biến:

Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ mà nay biết tìm đâu

Những cảnh xưa rực rỡ đến trăm màu
Mà êm ả, mà tưng bừng, mà bé nhỏ
Đẹp như bức tranh, hay như bài thơ cổ
Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng

Có những điều ước vọng mơ màng
Mà bây giờ chúng ta không còn nữa
Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ
Lặng lẽ bên đường lá rụng mưa bay

Ý thơ “cảnh cũ người xưa” trong bài thơ “Hoài cổ” đã được Vũ Đình Liên làm cho thăng hoa trong “Ông đồ”, một kiệt tác trữ tình mà ông đã bỏ ra ròng rã một năm, từ Tết năm 1935 đến Tết năm 1936 mới hoàn thành và đăng lần đầu trên báo “Tinh hoa”. Vũ Đình Liên nhận rằng với “Ông đồ”, ông đã tìm được con đường riêng, là tình thương của mọi người, là truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ.

Kể lại xuất xứ bài thơ, chính nhà thơ cho hay: Khi ấy ở phố Hàng Bồ của Hà Nội có một ông đồ ngồi viết thuê chữ, câu đối cho khách. Hàng Bồ là phố bán hàng xén, có giấy, bút mực. Ông đồ nghèo không có sẵn giấy, chờ lúc khách đến mua chữ, mua câu đối, ông mới vào trong mua giấy. Mẹ vợ của nhà thơ Vũ Đình Liên có một cửa hàng tạp hóa ở đó và chính vợ ông từng trực tiếp bán giấy cho ông đồ nghèo.

Vũ Đình Liên cũng hồn nhiên nói rằng nhiều lúc ông nghĩ, nếu ông không “tán tỉnh” và yêu cô hàng xén - về sau trở thành vợ ông - thì chắc gì ông đã để lại cho hậu thế thi phẩm “Ông đồ” bất hủ!

Năm tháng trôi qua, Vũ Đình Liên cần mẫn với công việc dịch thuật và dạy dỗ nhiều thế hệ tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Một nhà giáo tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã kể lại về Vũ Đình Liên, những năm của tuổi già, rất cảm động: “Trong tiềm thức của chúng tôi, thầy Liên là một ông tiên trong chuyện cổ tích thì đúng hơn. Người Hà Nội thường thấy một cụ già đi bộ hàng ngày giữa đường phố huyên náo.

Gặp một cháu nhỏ lạc đường đứng khóc, cụ dừng lại dỗ dành, mua kẹo cho cháu ăn và dẫn cháu về nhà. Sáng mồng 1 Tết, cụ mang bánh chưng chia ăn cùng những người ăn mày. Cụ nhận một bà ăn mày làm chị. Con trai đi nước ngoài về biếu cụ một chiếc áo lông chống rét, cụ mang biếu một người bạn vì người bạn đó cần mặc hơn cụ. Đồng lương ít ỏi, cụ vẫn dành ra một chút, cùng với tiền nhuận bút, tiền thưởng gom lại đem giúp đỡ học trò nghèo…

Một tài thơ, một hồn thơ của đất Việt đã sống lặng lẽ như thế, giũa dòng đời xuôi ngược của một đô thị lớn, trong những năm tháng xô bồ của xã hội Việt Nam thời hậu chiến!

Cuối năm 1995, nhà thơ Gia Ninh, đồng sự Thơ Mới của Vũ Đình Liên, đã tức cảnh mấy câu thơ nhân dịp ông lọ mọ đến thăm bạn già:

Có ai đi qua
Con đường Bà Triệu
Biết chăng chiều tà
Có hai thi hữu
Trọn đời lẽo đẽo
Trên đường thơ ca?

(”Có hai thi hữu”)

Thế mà chỉ đôi ngày sau đó, Vũ Đình Liên đã không còn “lẽo đẽo trên đường thơ ca” tại cõi dương gian này. Thì có sao? Ông về bầu bạn với những Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Victor Hugo…, những đại thi hào mà ông đã từng dịch ra Việt ngữ và tâm đắc về tình thương trong văn nghiệp của họ. Và chúng ta, những kẻ hậu sinh ngơ ngẩn, chỉ còn biết sững sờ tự hỏi mình:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Đối với riêng kẻ viết bài này, vẫn còn đó, đâu đây, phảng phất hình bóng một “Ông Đồ”!

Nguyễn Hoàng Linh

ÔNG ĐỒ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu …

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Vũ Đình Liên)

LÃO TÚ TÀI

Mỗi niên đào hoa khai
Tổng kiến lão tú tài
Truy nghiễn hồng tiên bãi
Thông cù nhân vãng lai

Đa thiểu thị tự dã
Trách trách tiễn chu kì
“Xảo bút nhất huy tựu
Như phụng vũ long phi”

Lãnh lạc niên phục niên
Có khách hà mang nhiên
Hồng tiên bi sắc thân;
Truy nghiễn sầu mặc kiên…

Tú tài do tại ty
Quá lộ hữu thùy tri
Tiên thượng hoàng diệp lạc
Thiên biến tế vũ phi

Kim niên đào hựu tân
Bất kiến cựu thời nhân
Trù tướng không hàng vọng
Cổ hồn hà qui vân?

(Lý Việt Dũng dịch)


 
 Từ khóa: Vũ Đình Liên, Ông Đồ
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn