TRẦN VÀNG SAO, NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH XÓT XA

Thứ ba - 06/03/2007 12:28

(NCTG) Trong bài giới thiệu các poster (cây thơ) của 15 tác giả được coi là “từng là nhà thơ trẻ” dưới sự nhìn nhận của giới trẻ ngày nay - tại sân của Nhà Thái học, Văn Miếu, trong Ngày Thơ ở Hà Nội (3-3-2007, tức Rằm Tháng Giêng Đinh Hợi) -, talawas đã nhận xét: khá nhiều bất ngờ ở vẻ “ít chính thống” của những gương mặt này.

Lê Vĩnh Tài giới thiệu Trần Vàng Sao trên “cây thơ”

Lê Vĩnh Tài giới thiệu Trần Vàng Sao trên “cây thơ”

Nếu có thể đồng tình với nhận định trên thì Trần Vàng Sao hẳn là một trong những cái tên “ít chính thống” ấy.

Tên thật là Nguyễn Đính, Trần Vàng Sao điển hình cho số phận đắng cay của người cầm bút trong một đất nước tao loạn vì chiến chinh và ý thức hệ. Thân phụ ông tham gia Việt Minh, bị Pháp bắn chết ngay tại thôn Vỹ Dạ năm 1947; thân mẫu ông ở vậy nuôi con ròng rã mười mấy năm: “Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần - Nước sông gạo chợ - Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ - Sống qua ngày nên phải nghiến răng“.

Sau những năm tháng tuổi thơ cô độc và cực nhọc, Trần Vàng Sao vào Đại học Huế; tham gia phong trào sinh viên, phản đối sự hiện diện của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Thuộc thế hệ trí thức “dấn thân”, ông hoạt động bí mật, viết báo, rải truyền đơn, vận động sinh viên xuống đường…

Vào chiến khu khi bị lộ, tại đây, cuối năm 1967, Trần Vàng Sao đã có thi phẩm “để đời” “Bài thơ của một người yêu nước mình”, kể chuyện cuộc đời ông, nhưng đồng thời cũng là tâm trạng, tình cảnh của rất nhiều người đồng lứa. Đây cũng là lần đầu tiên, cái tên Trần Vàng Sao được ký dưới những tác phẩm của Nguyễn Đính, đánh dấu một giọng thơ, điệu thơ đặc biệt, đa tầng và u ám, không thể lẫn với ai khác!

Một người yêu đất nước mình đến mức “xót xa”, “cay đắng”, vậy mà trong phần còn lại của cuộc đời chỉ gặp toàn những điều xót xa, cay đắng!

Năm 1970, Trần Vàng Sao được đưa ra Bắc chữa bệnh và an dưỡng ở miền Bắc, nhưng tại đây - cũng như đối với nhiều người trong giới trí thức hoạt động tại miền Nam -, ông luôn bị đối xử một cách nghi kỵ và thô bạo. Nhất là, khi cuốn sổ ghi nhật ký và những bài thơ ông mới viết bị lấy cắp và báo cáo lên “cấp trên”, ông đã bị kiểm thảo, đấu tố và cô lập tàn tệ; toàn bộ mấy chục bài thơ tâm huyết trong nhật ký cũng bị thu. (Những sự việc đau buồn này đã được Trần Vàng Sao thuật lại trong hồi ký “Tôi bị bắt”).

Sau 1975, Trần Vàng Sao lập tức đăng ký về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng ông bị gạt khỏi danh sách như một kẻ “có vấn đề”. Tự trở về quê hương, ông không có công ăn việc làm vì lý do “không có giấy chuyển”. Nhà văn Ngô Minh kể lại: “Mãi sau [Trần Vàng Sao] mới được bố trí về làm liên lạc ở xã. […] Lương hưu trí của anh sau khi đã tăng lên 10% vào tháng 10-2004 là 500.000 đồng, vừa đủ cơm rau qua ngày. Nhiều buổi hai vợ chồng anh phải trốn vào sân Tự Do để bán thuốc lá cho người xem bóng đá. Trần Vàng Sao cũng đã từng ba-lô cuốc thuổng đi đào vàng trên núi, nhưng mấy tháng ròng không kiếm được chỉ vàng nào cả. Chị Hay, vợ nhà thơ, lúc thì chạy chợ, lúc đi bán bánh canh cá lóc. Hết vốn lại về chăm sóc vườn nhà, kiếm ngày dăm bảy ngàn tiền rau dưa“. (”Chuyện “Một người yêu nước mình”, “Tuổi Trẻ Chủ Nhật” ngày 31-7-2005)

Tháng 9-1984, khi Trần Vàng Sao ngậm ngùi viết bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” nhân sinh nhật tuổi Tỵ, một lần nữa, nhà thơ lại bị quy chụp, bị gán “mác” “phản động” bởi đài báo địa phương. Vẫn theo lời Ngô Minh: “Hình ảnh một người đàn ông 43 tuổi thường không có một đồng dính túi; một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa… là hình ảnh buồn của một thời kỳ còn đầy rẫy khó khăn, nhưng sâu đậm chất người, chất nhân văn. Từ vụ “Người đàn ông 43 tuổi…” đó, tôi không thấy anh đăng thơ ở đâu nữa. […] Có lần tôi tặng anh tập thơ mới in của mình, nhìn Trần Vàng Sao mở cuốn thơ hít hít: “Giấy thơm hè, thơm hè!” mà xốn xang trong lòng“.

Năm nay 66 tuổi, Trần Vàng Sao chưa hề được in sách tại quê hương mình. An ủi phần nào cho nhà thơ, phải chăng là một nghĩa cử đẹp từ những bạn hữu chưa một lần gặp mặt tại Hoa Kỳ, khi họ in được cho ông một tập thơ mang tựa đề ám ảnh của chính thi phẩm lớn “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Cũng bài thơ ấy, mới đây, đã được bình chọn là một trong 100 thi phẩm hay nhất của Việt Nam thế kỷ 20.

BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
                                   ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
            vẫn ăn
                  vẫn thở
                           như mọi người
 
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
                                                        như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.

Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.

Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.

Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

(19-12-1967)

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Trần Vàng Sao
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn