Nhân 50 năm ngày ra mắt “Bác sĩ Zhivago” (2): MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ BORIS PASTERNAK (1890-1960)

Thứ sáu - 12/10/2007 23:44

(NCTG) Đoạn trích sau đây được lấy từ cuốn hồi ký “Trong vòng kiềm tỏa của thời gian - Những năm tháng sống cùng Boris Pasternak” (V plenu Vremeni - godi s Borisom Pasternakom) của Olga Ivinskaya, được Nhà xuất bản Fayard ấn hành năm 1978, kể về một trong số những phiên họp khét tiếng thời 1958, được tổ chức để "sát phạt" Pasternak.

Pasternak trên tem thư Liên Xô (năm 1990)

"CON NGƯỜI NHỎ BÉ "

Tôi xin trở về một trong những ngày thứ sáu của tháng Mười năm 1958, ngày 31, khi cuốn tiểu thuyết của tiểu thuyết lên đến tột đình. Các sự kiện xảy ra đồng thời ở nhiều "bục diễn đàn": trong Câu lạc bộ Điện ảnh (Dom Kino), trong Ban Trung ương, ở Peredelkino, trong xe hơi... Không thể theo dõi tất cả cùng một lúc... Đầu tiên, chúng ta hãy coi Câu lạc bộ Điện ảnh.

Vào ngày hôm ấy, tại Câu lạc bộ Điện ảnh ở phố Vorovsky, người ta tổ chức phiên họp toàn thể các nhà văn Moscow. Mục đích: chuẩn y nghị quyết ra ngày 27 nhằm khai trừ Boris Leonidovich (B.L. - tức Pasternak) khỏi Hội Nhà văn, với chữ ký của tất cả các nhà văn Moscow.

Ngoài ra (và đây là điều quan trọng nhất), đâu đó ở những cấp cao nhất, người ta nhận thấy đối với B.L., việc rời bỏ quê hương là chuyện không thể tưởng tượng nổi, thành thử họ quyết định "vặn chặt thêm một vòng chiếc đinh vít": tước bỏ quốc tịch Xô-viết của ông. Do đó, người ta thúc giã om sòm dân chúng để vận hành bộ máy bầu bán luân phiên.

Vì lý do dễ hiểu, cả B.L. lẫn tôi đều không đến phiên họp này. Nhưng một số người có mặt ở đó đã ghi chép tiến trình phiên họp và gửi cho chúng tôi những ghi chép của họ (1).

Sergei Sergeyevich Smirnov làm chủ tọa: người ta bảo ông ta là người lương thiện, có nghĩa là ông ta không tự mình vùi đầu vào một trò đểu giả được bài trí sẵn; tuy nhiên nếu có chỉ thị từ trên xuống thì ông sẽ chấp hành. Ông ta mở đầu bằng việc đưa ra trước công chúng lá thư của một nhóm các nhà văn đồng tình khai trừ Pasternak khỏi Hội Nhà văn Xô-viết và nhóm này còn đòi hỏi một hình phạt tiếp tới, nghiêm khắc hơn nữa.

S.S. Smirnov:... Số là một nhóm các nhà văn Moscow, công phẫn trước cách cư xử của Pasternak, đã dự thảo một lá thư và có ý định đăng tải trên báo chí; lá thư đó đã được rất nhiều nhà văn Moscow ký (ông ta đọc danh sách)... Tuy nhiên, một suy nghĩa được đặt ra: thử hỏi tại sao chỉ có một nhóm những người làm văn học ở Moscow ký lá thư đó? Chẳng lẽ toàn thể tổ chức Moscow lại không muốn bày tỏ ý kiến của mình? (...)

Thứ Bảy, các sinh viên Học viện Văn học kéo nhau diễu hành trước Hội Nhà văn, tay cầm những tấm biểu ngữ “Yudas, cút khỏi Liên Xô!” Thứ Hai ngày 27-10, một phiên họp của Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nhà văn Xô-viết, Văn phòng Ủy ban Tổ chức của Hội Nhà văn nước Cộng hòa Liên bang Nga, đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Chi hội Moscow của Hội Nhà văn được triệu tập. Pasternak cũng được mời dự họp, song y không đến dù y có lên Moscow từ Peredelkino. Thay việc đi họp, y gửi một lá thư. (...)

Trong vòng bốn chục năm, chứa chất trong lòng nỗi hận thù và thịnh nộ, kẻ thù tiềm ẩn sống cạnh chúng ta và chúng ta chia sẻ cho y bánh mì của chúng ta (2). Theo tôi, tốt hơn cả nếu y đứng hẳn vào hàng ngũ những kẻ thù công khai của chúng ta, và chỉ sau đó y hãy tỏ ra khác người.

K.L. Zelinsky (không cần giấy):Cầm bút chì trong tay, tôi đã đọc “Bác sĩ Zhivago” rất tỉ mỉ. Và tôi cảm thấy mình như một kẻ bị nhổ vào mặt. Đó là một đống lùng nhùng những trang viết vô giá trị. Tôi từng đánh giá Pasternak như một nghệ sĩ, một nhà thơ... Ở phương Tây, tên tuổi Pasternak đồng nghĩa với chiến tranh lạnh. Ảnh Pasternak được đăng trên trang nhất cùng ảnh một tên phản bội khác: Tưởng Giới Thạch. Việc trao giải Nobel Văn chương cho Pasternak là một trái bom nguyên tử trong văn học. Là một cái tát vào mặt chính phủ Xô-viết.

Một cuộc gặp mặt 400 nhà văn từ 23 nước được tổ chức ở Naples. Không ai nhắc đến tên Pasternak vì làm điều này cũng như nói lên một lời bất lịch sự trong một cuộc hội họp... Môi trường xung quanh y có lỗi. Nó đã tạo nên sự sùng bái cá nhân y. Thời xưa, vì tôi đã viết bài phê bình Pasternak (“Thi ca - cảm giác hiện đại hóa”) mà V.V. Ivanov đã không bao giờ bắt tay tôi nữa.

Chúng ta cần nói thẳng cho Pasternak biết: cút đi mà nhận ba chục đồng bạc của anh ớ đó! Chúng ta không còn cần anh ở đây và chúng ta sẽ xây dựng một thế giới mới mà chúng ta hiến dâng cuộc đời mình.

V. Gerasimova:Như một đoàn viên Komsomol, tôi không thể tha thứ cho bác sĩ Zhivago cái cảnh tượng anh ta bắn vào cây thay cho kẻ thù. Đây không phải là Zhivago mà là Myortvago (3). Tinh hoa của giới trí thức không phải là ông ta, mà là Makarenko, Timiryazev...

V. Percov:Làn sóng bất bình không dịu đi dù một tuần đã trôi qua. Trong bài viết Những luận đề, Pasternak khiến tôi sững sờ vì một điểm. Ông ta coi việc viết “Bác sĩ Zhivago” cùng một thời điểm với cuốn tiểu thuyết của Dudintsev (4) là một tình tiết giảm tội. Nhưng đây là hai việc khác nhau hoàn toàn!

Cùng với Mayakovsky, tôi đã gặp Pasternak và tôi không tán dương ông ta, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng ông ta có thể sa đà vào những việc khốn nạn như thế...

Không ai đọc Pasternak ngoài đám thanh niên đặc biệt sành sỏi. Pasternak là một kẻ cá nhân chủ nghĩa. Có thể biểu thị đặc tính về nguyên lý chủ đạo trong thi ca của Pasternak như "80 ngàn cây số quanh cái rốn của chính mình..." Thời còn trẻ, tôi từng được đăng một bài viết về Pasternak (“Một hình tượng bịa đặt”), tôi đã bị Aseyev, Shklovsky... giận dữ vì bài báo đó.

Một hình tượng hạ đẳng. Pasternak cho in tiểu sử mình ở Paris. Tôi không biết một thứ gì vô liêm sỉ hơn những gì ông ta viết về Mayakovsky (5).

Pasternak viết thư cho Stalin, trong đó ông ta cám ơn cái danh hiệu mà Stalin đã tặng cho Mayakovsky: "Nhà thơ tuyệt vời nhất, tài năng nhất của thời đại chúng ta..."

Làm gì với ngài Pasternak bây giờ? Tôi cho rằng đồng chí Semichastniy có lý. Ông ta độc lập với xã hội chúng ta, nhưng không độc lập với cái "thứ khác" ấy. Vậy ông ta hãy biến đến đó! Tôi và nhiều đồng chí của tôi khó hình dung nổi trong làng văn [tức ở Peredelkino] vẫn còn có những kẻ như thế. Tôi không thể tưởng tượng nổi việc tôi có thể tiếp tục ở bên cạnh Pasternak. Không thể để ông ta có mặt trong những bản kê khai dân số tiếp tới của Liên Xô.

Chúng ta công bố muộn màng lá thư của tòa soạn báo “Novy Mir” gửi Pasternak. Bằng không, chúng ta đã có thể đàm phán với thế giới tư bản, xuất phát từ một hoàn cảnh thuận lợi hơn đối với chúng ta. Cần phải ghi nhớ sơ suất này. Hãy làm việc thật tốt...

A. Bezimensky:Cuộc tranh luận dai dẳng với Pasternak đến hôm nay kết thúc. Ngay từ năm 1934, một nhóm các nhà văn vô sản đã va chạm với Buharin vì ông ta bảo họ cần phải theo xu hướng Pasternak. Giờ đây, Pasternak, bằng cuốn tiểu thuyết và bằng tư cách ô nhục của ông ta, đã đặt mình ra ngoài nền văn học Xô-viết và xã hội Xô-viết. (Rồi ông ta tiếp tục phùng mồm trợn má, tung hô tận chân mây lời phát biểu của Semichastniy (6))

Pasternak là một kẻ ly khai nội địa và nếu quả thực y đã trở thành một kẻ ly khai, tốt nhất là y hãy cút đến cái thiên đường tư bản của y. Tôi tin tưởng rằng xã hội chúng ta và chính phủ chúng ta đều sẽ không ngăn cản gì y, trái lại, tôi cho rằng việc y rời khỏi tập thể chúng ta sẽ làm thoáng mát bầu không khí. Phải diệt trừ cỏ dại khỏi cánh đồng!

S. Antonov:Khoản tiền kèm theo giải thưởng chừng 40-50 ngàn đô-la. Nobel hẳn sẽ trăn trở dưới mồ nếu ông biết được tiền bạc của ông đã được chuyển đi đâu... Và một điều thật buồn bã: trong năm 1958 này, người ta đã chọn cá nhân Pasternak làm vai hề chống nhà nước Xô-viết. Nghị quyết khai trừ Pasternak khỏi Hội Nhà văn do chúng ta đưa ra, đã quá muộn màng... Lẽ ra phải làm điều đó trước đây một năm...

B. Slutsky:Nhà thơ phải cố gắng ca ngợi nhân dân mình, chứ không phải kẻ thù. Nhà thơ phải tìm vinh quang ở mảnh đất quê hương, chứ không phải nơi ông bác bên kia bờ đại dương. Hàn lâm viện Thụy Điển chỉ biết chúng ta thông qua trận chiến Poltava đáng căm thù và cuộc cách mạng tháng Mười còn đáng căm thù hơn nữa [đối với họ]. Bị chi phối bởi lòng hận thù, họ đã trao giải cho Pasternak. Pasternak được nhận giải Nobel vì [hành động] chống phá chủ nghĩa cộng sản.

G. Nikolayeva:Tôi thuộc vào số những người dễ nhạy cảm và từng yêu thích một số mặt nhất định trong các tác phẩm của Pasternak như về thiên nhiên, về Lenin. Tôi đã nghĩ rằng Pasternak sẽ tìm thấy một con đường mới. Nhưng câu chuyện của Pasternak là câu chuyện một sự phản bội... “Bác sĩ Zhivago” là sự sỉ nhục nhân dân... Tôi còn ôm ấp trong thâm tâm cái hy vọng ông ta sẽ đủ can đảm thú nhận những sai lầm của mình... Lá thư của các đồng chí ở tòa soạn báo “Novy Mir” quá hiền hậu... Tôi ủng hộ ý kiến, theo đó con người này không có chỗ đứng trên mảnh đất Xô-viết...

V. Soloukhin (viện dẫn như cháo chảy nhiều lời lẽ của Pasternak, phân tích thơ ông và rút ra kết luận): Nếu nhìn sâu vào những dòng này, chúng ta sẽ vỡ ra rằng người thi sĩ đích thực phải đối lập với xã hội nơi anh sống! Đây là điểm khiến “Bác sĩ Zhivago” cũng không thuộc ngoại lệ trong thứ tiểu sử sáng tạo của Pasternak. Ở đây mọi thứ đều theo quy luật... mọi thứ đều tuyên truyền một cách có ý thức cho chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa xứng đáng với một kẻ ly khai nội địa... Toàn bộ cuốn sách đó là công cụ của cuộc chiến tranh lạnh chống chủ nghĩa cộng sản.

Khi đảng ta phê phán đường lối chính trị xét lại của Nam Tư, đồng chí Mao Trạch Đông sáng suốt (7) đã nói rằng người Mỹ chỉ cần đến họ khi họ còn ở trong phe [xã hội chủ nghĩa] chúng ta. Người ta chỉ cần đến Pasternak "tại đó", chừng nào ông ta còn ở ta. Nhưng đến lúc ông ta trở thành một kẻ lưu vong thực sự, người ta sẽ không cần đến ông ta ở đó và ông ta sẽ bị quên lãng nhanh chóng. Ông ta sẽ chẳng còn nói được điều gì đặc biệt với họ và sau một tháng, họ sẽ quẳng ông ta như quẳng một cái vỏ trứng rỗng, như một quả chanh đã bị vắt kiệt. Đây sẽ là hình phạt nặng nề nhất bởi sự phản bội mà ông ta đã phạm phải.

S. Baruzdin:Thưa các đồng chí, cách đây sáu ngày, nhân dân ta được biết về vụ Pasternak... Nhân dân không biết đến Pasternak như một nhà văn, nhân dân biết đến y như một kẻ phản bội... Đây, hãy nghe điều nhục nhã nhất trong con người Pasternak (ông ta trích lá thư của Pasternak: "Tôi được cái vinh dự là một nhà văn sống ở Nga, nghĩa là một nhà văn Xô-viết..."). Thử hỏi còn cần gì nữa sau những sự việc này? Có một câu ngạn ngữ đặc sắc hay của người Nga: không thể làm thịt muối từ chó! Tôi cho rằng tốt nhất là Pasternak hãy cút khỏi nước ta, càng nhanh càng tốt (vỗ tay).

S. Smirnov:Tôi nhận được đề nghị chúng ta hãy bế mạc cuộc họp. Các đồng chí sau còn muốn phát biểu: Ye. Dolmatovsky, S. Vasiliyev, M. Lukonin, G. Serebraykova, P. Bogdanov, P. Arsky, P. Luknitsky, S. Sorin, V. Inber, N. Amegova, V. Dudintsev, R. Azarkh, D. Kugultyinov (thay mặt những học viên các lớp trên).

V. Soloukhin:Đề nghị hãy để Dudintsev phát biểu vì trong lá thư của mình, Pasternak đặt dấu bằng giữa cuốn tiểu thuyết của ông ta với tác phẩm của Dudintsev.

S. Smirnov (không coi đề nghị đó là dân chủ và đem ra biểu quyết. Đa số biểu quyết chấm dứt hẳn cuộc tranh luận).

(Đọc bản dự thảo nghị quyết)

Nữ công dân thứ nhất (nữ thi sĩ Vera Inber):Đề nghị các đồng chí hãy đệ đơn lên chính phủ Xô-viết, đề nghị tước quốc tịch Xô-viết của Pasternak.

Nữ công dân thứ hai:Để thay thế từ "đi đày" (trong dự thảo nghị quyết), tôi đề nghị dùng chữ "lưu vong", bởi từ "đi đày" khiến ta thương hại và Pasternak không xứng được thương hại.

Nữ công dân thứ nhất:Không thể gọi Pasternak là kẻ theo chủ nghĩa thế giới. Bảo y là kẻ đồi bại, chỉ làm ra vẻ sống vì nghệ thuật và coi thường cuộc đời, thì chưa đủ, còn yếu và xã giao.

(Bản nghị quyết được nhất trí thông qua)

Trong tờ “Literraturnaya Gazeta” (Báo Văn học), bản nghị quyết do phiên họp chuẩn y được đăng với tiêu đề “Tiếng nói của những nhà văn Moscow”:

"... Tư cách của B. Pasternak, một kẻ làm văn học (tôi nhấn mạnh - O.I.)... Y là kẻ say mê bản thân, chỉ làm ra vẻ sống vì nghệ thuật và coi thường cuộc đời, đồi bại... Là kẻ thù của sự nghiệp thiêng liêng với hết thảy chúng ta... Cuốn tiểu thuyết chống chính quyền Xô-viết, vu cáo... Phản bội nền văn học Xô-viết, tổ quốc Xô-viết và mọi người dân Xô-viết... Bản văn nhạo báng nhỏ mọn, bẩn thỉu... Y đã chìa tay lấy ba chục đồng bạc... Phiên họp toàn thể đề nghị chính phủ tước quốc tịch Xô-viết của tên phản bội B. Pasternak... không người nào yêu tổ quốc và lý tưởng hòa bình lại chìa tay cho y bắt, cho một kẻ đã phản bội Tổ quốc và dân tộc của mình!"

Nói về sự "nhất trí", thực ra ở đây không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Tôi có thể nhắc tên nhiều nhà văn, mặc dầu không đủ can đảm bảo vệ B.L., nhưng tự tìm thấy ở mình lòng dũng cảm để ra khỏi phòng họp trong thời gian biểu quyết, đến căng-tin, vào nhà vệ sinh, xuống địa ngục, nghĩa là đi bất kỳ đâu, miễn là khỏi phải tham gia thứ hành động ô nhục của những kẻ làm văn chương ít học này.

Trong thời kỳ đó, Yevtushenko là bí thư cơ sở đoàn Komsomol của Hội Nhà văn. Trước cuộc họp, Sityin triệu tập anh cùng tổ tưởng tổ đảng đến gặp bí thư thứ nhất thành đoàn Moscow, và họ thuyết phục anh hồi lâu, đòi anh phải phát biểu. Nhưng anh đã từ chối.

Như nữ thư ký của Ilya Ehrenburg kể cho B.L. và tôi biết, trong những ngày [Pasternak bị] đấu tố, ông đã không cho phép người khác nhấc máy điện thoại, ông tự đi nghe và trả lời (bằng chính giọng của ông) những lời mời tham dự các phiên họp đủ loại như sau: "Ilya Grigoryevich đi vắng, chắc còn lâu mới về". Trong thời gian đó, hành động này của ông hoàn toàn không kém phần nguy hiểm.

Tôi muốn trích dẫn nhật ký của Yury Zhivago, có tên là “Con người bé nhỏ”, và "gồm các truyện ngắn, thơ ca và mọi thứ khác, được gợi ra bởi cái ý thức một nửa nhân loại đã không còn là mình và không thể biết họ sẽ đóng vai trò gì".

Ghi chú:

(1) Người ta kể cho tôi hay rằng biên bản cuộc họp đã được ấn hành ở nước ngoài. Tôi không biết nguồn gốc biên bản đó và không biết nó có phù hợp với những trích dẫn ở đây không. (O.I.)

(2) Trong thời gian chiến dịch lùng sục này được tổ chức, khi người ta quở mắng về bánh mì và thịt nguội mà ông ăn, một lần Borya nói với tôi: chẳng lẽ những kẻ này không nhớ câu tục ngữ "Hãy ăn bánh mì và muối, nhưng đừng quên sự thật" ư? (O.I.)

(3) Trong tiếng Nga, Zhivago là một cái tên có ý nghĩa, xuất phát từ chữ zhivoy (sống). Gerasimova chơi chữ: Myortvago xuất phát từ chữ myortviy (chết).

(4) Tức cuốn “Không chỉ sống bằng bánh mì” (xem thêm bài về Dudintsev).

(5) Chẳng đặc biệt ư khi chín năm sau, tờ “Novy Mir” (số 1 năm 1961) đã đăng những thứ "vô liêm sỉ" ấy? (O.I.)

(6) Đứng đầu KGB (Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô) trong thời gian 1961-1966, sau này đóng vai trò lớn trong việc lật đổ Khrushchev.

(7) Nên hỏi Vladimir Alekseyevich xem từ dạo đó, ông ta có thay đổi ý kiến về Mao hay không? (O.I.)

Trần Lê dịch và giới thiệu - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn