VÀI KỶ NIỆM VỚI PHẠM TIẾN DUẬT, THI SĨ CỦA NHỮNG CUNG ĐƯỜNG

Thứ hai - 19/11/2007 08:30

(NCTG) Năm ấy chiến tranh mới qua đi được mươi năm, tên tuổi Phạm Tiến Duật - nhà thơ của những cung đường Trường Sơn bom đạn ác liệt một thời - đang nổi như cồn.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ - Ảnh: Blog Trần Nhương

Ngẫu nhiên tôi được nghe một buổi nói chuyện thơ của anh, cứ tưởng tác giả của những "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Gửi em, cô thanh niên xung phong", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây"... phải to cao, oai vệ lắm, không ngờ anh gầy mảnh khảnh, dáng rất thư sinh, ăn mặc chải chuốt và có phần ẻo lả. Chỉ khi anh bắt đầu cất tiếng nói, hình như con người thi sĩ của Phạm Tiến Duật mới thực sự bộc lộ hết mình, giọng anh trầm bổng, lên xuống theo nhịp cảm xúc, cách dẫn chuyện hóm hỉnh, thông minh, dí dỏm, người nghe như bị hút hồn.

Hôm ấy anh đọc và bình nhiều thơ, thơ mình và thơ người khác, nói đến nhiều chuyện của làng văn nghệ. Anh bảo ở nước người ta, có khi chỉ một nhà văn tên tuổi đã có cả một bảo tàng riêng, trưng bày từ cái tẩu thuốc đến những di cảo của nhà văn, còn ở xứ ta cả làng văn cổ kim không có nổi một nhà trưng bày. Rồi anh đọc bài thơ "Thăm mộ cụ Nguyễn Du" của Vương Trọng, kể chuyện một hợp tác xã gạch ngói nào đó ở Tràng Kênh (Hải Phòng), sau khi bài thơ được đăng đã chở gạch ngói vào tận quê đại thi hào xây mộ, nghe rất bi hài.

Sau buổi nói chuyện, tôi đánh liều tới gặp anh, có ý muốn mời anh về nói chuyện thơ cho sinh viên trường tôi. „Ông ở trường nào thế?”- anh hỏi. „Thưa anh, Đại học Giao thông vận tải”. „Giao thông à, thế thì tớ đồng ý, mình có nhiều duyên nợ với cánh Giao thông. Nhưng hôm nào ông phải đến đón tôi”.

Mấy hôm sau, theo hẹn, tôi mò đến nhà anh, một căn hộ bé tẹo mãi tận tầng năm khu tập thể Trung Tự. Căn hộ nhỏ trống hơ trống huếch, chẳng thấy có một thứ đồ đạc gì gọi là có giá, trên tường có treo một tấm áp-phích cổ động cho cuộc gặp gỡ của các nhà thơ Á Đông đâu tận Yerevan mà anh có tham dự. Tôi thật bất ngờ, không thể nghĩ cơ ngơi một nhà thơ nổi tiếng như anh, con chim đầu đàn của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ lại tuyềnh toàng đến thế. Ôi, các thi sĩ xứ An Nam mình cứ sao khổ mãi thế, thật đúng là „Cơm áo không đùa với khách thơ”!

Tôi đèo anh trên chiếc xe đạp cà khổ về đến khu ký túc xá (KTX) thì trời đã tối. Đã được thông báo trước, mấy trăm sinh viên Giao thông và cả sinh viên của các trường bạn quanh vùng đã tập trung chờ sẵn trên sân KTX. Thật đen cho chúng tôi, khi tôi vừa giới thiệu anh với đám sinh viên và anh mới bất đầu nói được vài câu thì điện phụt tắt - cái thời ấy nó thế , mất điện như cơm bữa. Không có ánh sáng, không có mic-rô loa đài, người nói và người nghe không thấy mặt nhau. Tôi đang nhăn nhó chưa biết xử lý thế nào thì anh Duật xin đọc bài thơ "Cái tai". Cho đến tận hôm nay, đã sau hai chục năm, tôi vẫn không biết anh đã moi bài thơ ấy ở đâu ra, thơ anh hay thơ của ai, hay là anh ứng tác. Đại ý bài thơ rất hóm hỉnh ấy nói rằng mất điện, không loa thì phải có cái tai thính, và phải trật tự lắng nghe, có điện hay không nào có can hệ gì. Cả mấy trăm thính giả „nhất quỉ, nhì ma” nghe xong bài thơ thì rộ lên cười rồi im lặng suốt buổi lắng nghe. Trong hoàn cảnh ấy, xử lý như thế thật mau lẹ và thông minh. Tôi thầm cám ơn anh đã cứu tôi, người tổ chức buổi nói chuyện thơ tối hôm ấy, một bàn thua trông thấy.

Trên đường đưa anh về, tôi mời anh rẽ vào quán phở. Cái thời ấy, lương giáo viên, mời nhau ăn phở đã là sang lắm. Cả buổi nói chuyện mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng chỉ thù lao cho anh được khoản tiền còm cõi đủ mua vài bát phở, nhưng anh rất vui. Thấy anh vui, tôi hỏi: „Theo anh sao hồi này ít thấy thơ hay, thơ thì nhiều mà có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng nổi mươi bài đọc được?” Trầm ngâm một lát, anh bảo: „Cái nàng thơ nó lạ lắm ông ạ, hồi bọn mình ở Trường Sơn, bom đạn ác liệt thế, nhiều lúc đói vàng cả mắt, thế mà vẫn ra thơ. Nay hòa bình rồi, ngồi giữa thủ đô, có đèn điện, có phở ăn, có cà-phê uống, thế mà không viết được, nàng thơ đã bỏ đi đâu mất”. Tôi lại hỏi: „Sao hồi nhỏ Khoa làm thơ hay thế mà bây giờ ít thấy thơ Khoa, có thấy cũng chỉ ở mức tầm tầm?” Anh đáp dí dỏm: „Vì Khoa đã qua cái tuổi yêu giun, yêu dế nhưng còn chưa đến tuổi yêu phụ nữ, phải chờ thôi”.

Ngày ấy, nhiều lúc thấy anh đi làm bao nhiêu việc linh tinh khác, rồi chuyển sang viết ký, tiểu luận, phê bình, phóng sự... tôi lấy làm tiếc, cứ tự hỏi sao anh không hoặc ít làm thơ. Sau này tôi mới hiểu, anh đã tự ý thức được bản thân mình, cái duyên với thơ đã vợi, có cố thì cũng chỉ đẻ ra những bài thơ trung bình. Ít làm để giữ lấy cái tinh, còn hơn hạ cấp thơ, ứng xử như thế phải là người có bản lĩnh, biết mình biết người lắm, dù đến hôm nay trên giường bệnh, đối mặt với tử thần, tôi biết anh vẫn đau đáu một niềm thơ.

Phạm Tiến Duật bên giường bệnh - Ảnh: Blog Trần Nhương

Hai cái u ác bên lá phổi phải, rễ tua ra như rễ hành, có thể ngày một ngày hai sẽ cướp đi thi sĩ hàng đầu của lớp nhà thơ thời kỳ chống Mỹ. Anh đã sống đúng như câu thơ anh đã viết : „Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.

Những gì anh đã làm, những bài thơ dọc Trường Sơn anh để lại, đủ để anh mãi mãi là một ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca Việt.

Giáp Văn Chung - Đêm, 18-11-2007

CHÙM THƠ CỦA PHẠM TIẾN DUẬT

TRƯỜNG SƠN ĐÔNG, TRƯỜNG SƠN TÂY

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Em thương anh bên tây mùa đông
Bướm khe cạn nước bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.

Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵng sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngòai trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Thủ bút của Phạm Tiến Duật ở trang bìa 3 tập nhạc "Tự tình khúc" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

VỚI KHÁNH LY…

Tiếng hát em còn trong băng nhạc ấy
Em ơi em, sao em không về
Cả Sài Gòn đông vui nhộp nhịp
Tôi gọi em mà em có nghe?

Đời em đi qua những khúc hát sầu bi
Hạnh phúc lội tìm lặn tìm chẳng thấy
Trả nợ đời em, chỉ có đồng tiền giấy
Mỏng như là hơi thở cắt vuông ra

Đặt đồng tiền xuống, thấy nước mắt sa
Soi đồng tiền lên chỉ thấy hình vợ Thiệu
Như mụ xì ke nhìn đời bêu riếu
Và bóng triệu người vất vưởng khuất sau lưng

Tiếng hát gieo sương chót lá rưng rưng
Thoắt cái giọng hiền thành lời phẫn nộ
Giọng em bỗng già như giọng bà quả phụ
Khóc chồng đi theo Mỹ lìa nhà

Để gió cuốn đi rồi tình nhớ với tình xa
Tất cả cạn dần chỉ còn mơ ước
Ngày đoàn tụ ôi vẹn tròn đất nước
Cầu mong, cầu mong, em hát khúc cầu mong

Thì đầu phố nhà em cây điệp lại lên hồng
Môi của mùa hè hát trời xanh giải phóng
Người về. Giặc tan. Đất lành yên tiếng súng
Bè bạn quây quần mà thiếu bóng em

Tôi thương em dù chưa một lần quen
Dù giữa hai ta có khác nhau đến mấy
Thì sẽ gần lại với nhau nếu em ở lại
Khánh tận chi mà ly biệt vội vàng?

Lặng rồi giọng hát mịn màng
Kìa bao cánh nhạc rộn ràng lại bay
Đời vui rạng rỡ ánh ngày
Chút riêng lựa một khúc này tiếc thương.

(Sài Gòn, đêm 215-1975)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn