Phan Bích Thiện
Mới đây, sau khi tác giả "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" nổi tiếng qua đời, Phan Bích Thiện mới có dịp chia sẻ và giãi bày một điều bất ngờ liên quan đến bài thơ nói trên, đồng thời, cũng là một kỷ niệm đáng nhớ đối với chị, đã "chắp cánh cho những vần thơ" sau này của chị. NCTG xin giới thiệu bài viết của Phan Bích Thiện (một phần bài viết đã được đăng tải trên "Tiền Phong", số ra ngày 8-12-2007).
Vẫn biết là anh sẽ ra đi, vẫn biết là định mệnh sẽ cướp anh khỏi chúng ta trong những ngày rất gần, vậy mà sao khi nghe tin tôi vẫn thấy bàng hoàng, vẫn không muốn tin là sẽ chẳng còn bao giờ được ngồi uống trà cùng anh trên tầng bảy 51 Trần Hưng Đạo nữa...
Tôi gặp anh Phạm Tiến Duật lần đầu tiên năm 1987 hồi còn là sinh viên ở Liên Xô (cũ). Đợt đó anh sang trong đoàn Hội Nhà văn cùng các anh Đỗ Chu, Diệp Minh Tuyền... Tôi đến lấy quà của gia đình nhờ anh Đỗ Chu cầm sang. Đang ngồi nói chuyện với anh Đỗ Chu thì có người cao cao với nụ cười rất dễ mến bước vào. “Đây là anh Duật” - anh Đỗ Chu giới thiệu. Tôi sững một chút vì bất ngờ, không nghĩ mình lại được gặp tác giả của “Gửi em cô thanh niên xung phong” hay đặc biệt là “Lính mà em” mà sinh viên chúng tôi đứa nào cũng thuộc lòng. Phạm Tiến Duật là người rất dễ gần, chỉ sau một hồi trò chuyện tôi có cảm tưởng đã quen anh lâu rồi. Tôi đánh bạo mời các anh về trường tôi nói chuyện, các anh vui vẻ nhận lời ngay.
Hôm tôi đến đón các anh về trường tuyết rơi trắng trời. Cái lạnh tháng Mười hai của nước Nga xuyên thấu vào xương thịt. Sinh viên không có tiền nên tôi đưa các anh đi metro rồi xe buýt. Ngắm thành phố anh Duật nói: "Lạnh nhưng đẹp quá, tất cả đều trắng xóa”. Buổi tối đó rất vui, anh Duật đọc thơ, anh Tuyền nói về tình yêu rồi cầm đàn hát nữa. Câu chuyện thơ ca kéo dài tiếp trong bữa cháo gà chúng tôi đãi các anh sau đó. Lúc tiễn các anh về tôi đưa quyển sổ thơ của mình và nhờ các anh chép cho tôi vài bài. Anh Duật có hỏi tôi: “Em đọc nhiều, biết nhiều về thơ, thế em có làm thơ không?” Tôi nói là không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm thơ được.
Hôm sau đến chia tay các anh tôi nhận lại quyển sổ thơ. Anh Duật bảo “Em đọc đi” . Tôi mở ra thấy bài thơ
ÁO ĐỎ EM ĐI TRONG CHIỀU TUYẾT TRẮNG
Tất cả đã trở về màu xám
Chỉ còn em và tuyết đối nhau thôi.
Tuyết thì trắng chưa bao giờ trắng thế,
Còn áo em đỏ rực giữa trời
Bởi như thế em trở thành ngọn lửa
Ấm một vùng tuyết lạnh xứ xa xôi
(12-1987)
Đúng là hôm đi đón các anh tôi mặc áo khoác đỏ. Đến tận bây giờ màu đỏ vẫn là màu tôi yêu thích.
“Cám ơn anh, hay quá anh ạ. Anh cho phép em đăng lên tập san sinh viên nhé” - tôi đề nghị với anh.
“Bài này anh viết cho em, bài này là của em. Em sử dụng thế nào là quyền em. Mà em muốn đăng cũng được, em lấy tên em đi, đừng bao giờ ghi tên anh” - anh Duật nói.
“Sao - tôi tròn mắt - lấy tên em á? Em làm sao làm được thơ hay thế?!”
“Không sao - anh Duật cười -, cứ lấy tên em đi. Rồi em cứ thử viết đi, viết những gì em cảm thấy, những gì em suy nghĩ. Em thấy em sẽ viết được mà.”
Một thời gian lâu tôi không muốn đăng bài thơ ấy. Tôi bắt đầu viết và thích thú là nhiều khi viết được những bài mình rất thích. Tôi đưa bạn bè đọc cũng nhận được rất nhiều lời đồng cảm. Nhưng cứ mỗi lần tuyết rơi tôi lại nhớ đến bài thơ ấy. Tôi muốn viết về cảnh tuyết rơi thì những vần thơ ấy lại ngân lên. Tôi quyết định sẽ chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức. Đã có một cam kết với anh Duật, tôi lấy tên tôi khi gửi. Khi mọi người khen tôi chỉ biết cười và nói: “Bài này rất đặc biệt”.
Mùa hè 2004, tôi về Việt Nam và đến thăm anh Duật sau 17 năm từ mùa đông Nga năm ấy. Tôi không nghĩ là anh còn nhớ tôi.
“Em là Thiện gặp anh hồi ở Nga. Anh còn nhớ em không?”
“Sao không nhớ, để anh gọi anh Đỗ Chu sang đây.”
Tôi ngạc nhiên và cảm thấy sung sướng vì quả thật là cả anh Duật lẫn anh Chu vẫn còn nhớ những ngày đông ấy.
“Sau đó em có viết không?” - anh Duật hỏi tôi.
“Có, em thường xuyên viết.”
“Cho anh xem nhé.”
Tôi mang tới cho anh những bài thơ tôi viết. Tôi vẫn nhớ những lời anh nói khi tôi đến gặp anh: “Anh rất xúc động khi đọc thơ em. Anh có thể nói với em rằng thậm chí anh còn hiểu em hơn những người bạn gái thân của em. Họ nói chuyện với em hỏi em làm ăn thế nào, có giàu không, con cái ra sao. Còn tâm tư của em thì có khi họ không hiểu. Mà thơ em in thành sách được đấy.”
Lại một lần nữa anh làm tôi tròn mắt, tôi chưa bao giờ nghĩ thơ mình sẽ có thể in thành sách. Và thế là tập thơ đầu tiên của tôi “Tình yêu không đáy” đã ra đời cũng nhờ sự khuyến khích của anh.
Lần cuối tôi về thăm anh thì anh không nói được nữa. Tôi chỉ biết đứng ngắm nhìn anh mà lòng đau thắt. Số phận không chỉ sắp cướp đi một nhà thơ lớn mà còn mang đi vĩnh viễn người đã đưa tôi vào thế giới thơ ca.
Giờ đây tôi không thể mang cho anh đọc những dòng tôi mới viết. Giờ anh Duật không còn nữa, tôi xin phép anh thất hứa lời cam kết đúng 20 năm trước. Tôi xin ghi lại tên đích thực của tác giả bài thơ “Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng” - Phạm Tiến Duật.
Bài thơ đã chắp cánh cho những vần thơ của tôi!
Phan Bích Thiện, Budapest tháng 12-2007
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn