CA SĨ MONDRUS LARISA VÀ ĐIỀU ÍT ĐƯỢC BIẾT TỚI VỀ BÀI HÁT

Thứ sáu - 26/10/2007 09:45

(NCTG) Ca khúc “Triệu bông hồng” với giai điệu ngọt ngào quen thuộc và câu chuyện về mối tình đơn phương của chàng họa sĩ Niko từ đầu thế kỷ trước, từ lâu, đã được người yêu nhạc Việt Nam biết đến.

CA SĨ MONDRUS LARISA VÀ ĐIỀU ÍT ĐƯỢC BIẾT TỚI VỀ BÀI HÁT

Alla Pugacheva trình diễn "Triệu bông hồng" (1983) - Ảnh tư liệu

Bài hát dường như gắn liền với tên tuổi Alla Pugacheva, “người đàn bà hát” của nước Nga - Xô -viết ngày nào. Trong chiếc áo thụng đỏ, từ hơn hai chục năm nay, nữ ca sĩ đã trình bày bài hát này trên nhiều sân khấu trong nước và nước ngoài, đạt thành công vang dội.

Thế nhưng, mấy ai biết rằng, cũng với giai điệu trữ tình ấy của nhạc sĩ nổi tiếng người Latvia Raymond Pauls (1936-), thoạt tiên đây lại là là bài hát về số phận một cô bé, thời thơ ấu thường được mẹ hát cho nghe một bài ca buồn. Sau này, khi trưởng thành, cô lại hát cho con gái mình nghe. Ca khúc mang tựa đề là “Marita” và những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước, giai điệu buồn của nó đã rất được ưa chuộng ở Latvia và nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Nhật Bản…

Người đầu tiên đã khiến ca khúc buồn ấy trở thành nỗi nhớ sâu đậm trong lòng khán thính giả Latvia, người gắn bó với bài ca rất lâu trước khi Alla một lần nữa mang nó đến với công chúng dưới một nội dung khác, là nữ ca sĩ người Latvia Larisa Mondrus.

Sinh cuối năm 1943 tại Latvia, tốt nghiệp trường Trung cấp Âm nhạc Riga, năm 1962, Larisa thi đỗ vào Nhà hát nhạc nhẹ Riga và ngay lập tức trở thành một ca sĩ sáng giá của quê hương cô. Năm 1964, Larisa về Moscow; tại đây, sự nghiệp ca hát của cô ngày càng phát triển. Nhiều nhạc sĩ gạo cội đã tin tưởng trao những đứa con tinh thần của mình cho Larisa thể hiện trên sân khấu. Raymond Pauls cũng không phải là ngoại lệ: ca khúc đầu tiên mang lại tiếng tăm cho nhạc sĩ tài hoa này là “Cây lanh xanh biếc” và công lớn cũng thuộc về nữ ca sĩ Larisa Mondrus.

Khi rời đất nước ra đi vào thập kỷ 70, tên tuổi của Mondrus đang nổi như cồn trong khi Alla Pugacheva lúc ấy mới bắt đầu sự nghiệp của mình.

Bị dồn ép vì một thế lực vô hình chi phối đời sống văn hóa văn nghệ tại Liên Xô thời bấy giờ, với mơ ước được sống ở một nơi không bị ràng buộc về chính trị và tôn giáo, hai vợ chồng ca sĩ Mondrus đã rời Liên bang Xô-viết lên đường sang Đức, trong túi chỉ có vẻn vẹn 100 USD. Đến Munchen, họ đánh liều ghé vào trạm điện thoại công cộng, dò tìm trong cuốn niên giám số điện thoại của một vài BBT đài phát thanh địa phương, tự giới thiệu mình và…. thật kỳ diệu, cái mác “người từ USSR” đã gây được ấn tượng với những người làm nghệ thuật ở thành phố. Tiếp đó, công ty thu đĩa Polidor ở Hamburg, sau khi nghe Larisa thể hiện tại chỗ những bài hát của mình bằng tiếng Đức, đã ngay lập tức ký với cô hợp đồng thu thanh trong vòng 5 năm - một kết quả quá bất ngờ đối với Larisa. Và cũng nhờ đó, cô có dịp xuất hiện liên tục trên các kênh truyền hình và làn sóng phát thanh tại Đức.

Một số album của Mondrus Larisa

Mondrus bắt đầu sự nghiệp ở Tây Âu gần như từ một con số không tròn trĩnh và đã thành công trong sự nghiệp, nhanh chóng gây được tiếng vang trong giới nhạc nhẹ quốc tế - điều mà nằm mơ chắc cô cũng không thể có được một phần nhỏ nếu ở lại Liên Xô. Hát bằng năm thứ tiếng, đĩa hát đầu tiên của Larisa được báo chí Phương Tây bình luận: “Một giọng ca kỳ diệu đến từ Phương Đông! Mái tóc đen, đôi mắt màu hạt dẻ và một thân hình đẹp tuyệt vời. Đó là Larisa, cô gái từ xứ sở tuyết giá, một hình tượng rất đặc trưng cho nước Nga kể từ Tolstoy cho đến Yevtushenko, hiện thân của tâm hồn Nga và cũng là biểu tượng cho Liên bang Xô-viết ngày nay…

Sau một thời gian ngắn ở nước ngoài, Mondrus đã có chuyến công diễn vòng quanh thế giới. Năm 1977, tên tuổi cô đã được đưa vào cuốn sách tra cứu “Star szene 1977" của Đức, bên cạnh Ella Fitzgerald, Demis Roussos, Frank Sinatra, Barbara Streisand, Karel Gott và nhiều ngôi sao sáng giá đương thời.

Mùa hè năm 2001, lần đầu tiên sau 28 năm trời “một đi không trở lại”, Larisa về thăm Moscow và cô được tiếp đón rất long trọng (khác hẳn với thời điểm ra đi ba chục năm trước, khi hai vợ chồng nghệ sĩ bị dồn đến bước đường phải rời xa Tổ quốc). Đầu năm 2003, cuốn sách “Hai cuộc đời của Larisa Mondrus” do nhà văn Boris Savchenko chấp bút đã ra đời, được bạn đọc - những fan hâm mộ Larisa trong suốt mấy thập niên - đón nhận nồng nhiệt. Cuốn sách kể rất thật về những cay đắng và ngọt ngào mà người ca sĩ đã trải qua trong cuộc sống, cũng như những nỗ lực của cô để được hoạt động nghệ thuật đích thực.

Bài hát “Marita” năm nào đã góp phần làm nên tên tuổi Larisa Mondrus ở quê nhà giờ đây đã bị rơi vào quên lãng. Nhưng nó lại hồi sinh dưới một cái tên khác, một câu chuyện khác, với một giọng ca khác… Điều ấy, thiết nghĩ, cũng thật là kỳ diệu. Nói về chuyện này, Raymond Pauls đã kể: “Đầu tiên tôi viết bài này hoàn toàn bằng tiếng Latvia. Sau đó, Andrei Voznesensky (nhà thơ nổi tiếng của Nga) nghe bài hát và quyết định viết thêm lời bằng tiếng Nga về huyền thoại chàng họa sĩ Niko… Ban đầu Alla còn từ chối không muốn hát... Cô ấy vẫn thường làm vậy với những bài hát của tôi. Luôn kêu ca là toàn những bài không dành cho cô ấy, nhưng sau đó thì lại hát những bài đó thường xuyên hơn cả… Tương tự, sự việc này lại lặp lại với ca khúc “Nghệ nhân”. Ở bản đầu tiên, ca sĩ Midrza Zivera đã trình bày bài hát ấy theo kiểu một bài hát nhảy thông thường. Sau này, khi Alla nghe bản thu băng, cô đã đề nghị Ilia Reznhik viết lời mới hoàn toàn. Tôi còn nhớ rõ, hai người họ hát cho tôi nghe qua điện thoại từ một thành phố xa lắc nào đó ở Siberia. Vậy đó, còn rất nhiều bài khác nữa của tôi đã đến với khán giả ở Nga thông qua Alla… Tôi không viết gì dành riêng cho cô ấy cả, mà cô thường tự chọn bài mình thích rồi đề nghị viết lại lời… và vậy là cô đã tự “làm” ra một bài hát”…

Thật thú vị và đây cũng là nội dung một câu chuyện khác mà chúng tôi sẽ chuyển tới độc giả trong một dịp gần nhất.

Thụy Anh, từ Liên bang Nga


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn