ĐƯỜNG NÀO RA BIỂN?

Chủ nhật - 28/10/2007 12:49

(NCTG) “Và khi tro bụi rơi về/Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương” là câu thơ của nhà thơ siêu hình Henry Vaughan (1622-1695), được chuyển ngữ theo thể lục bát Việt Nam, mở đầu cho tác phẩm "Và khi tro bụi" (Nhà xuất bản Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng.

Và đó, đồng thời, cũng là cảm hứng của một tiểu thuyết (tạm xác định "thể loại" của sách là như vậy) vừa thấm đẫm cội nguồn Việt, vừa hàm chứa tính phổ quát, thế giới với những chủ đề lớn như sự va chạm, xung đột văn hóa, tâm thức và thân phận con người trong cảnh tha hương, nỗi ám ảnh, hụt hẫng của người xa xứ, v... "Và khi tro bụi" đã chứa chở những ý tưởng ấy "rất tự nhiên, sâu sắc mà không lên gân", với văn phong trong sáng, cổ điển "sang trọng, chậm rãi, tả cảnh, tả tình, tả lòng... tất cả lồng quyện vào nhau", như nhận xét của một độc giả.

Gần đây nhất, "Và khi tro bụi" đã đoạt giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) năm 2007 (và đây cũng là tác phẩm sáng tác duy nhất đoạt giải, vì năm nay không có giải cho thơ và lý luận phê bình). Nhân dịp này, NCTG xin gửi lời chúc mừng đến chị Đoàn Minh Phượng, một tác giả đã được bạn đọc của báo biết đến với những bài viết dung dị và chứa chở nhiều suy ngẫm thấm thía như "Đêm nghe tiếng em hát", "Vì ở Cần Thơ trời có mưa", "Ai lạc lõng, ai kiêu hãnh?"...

Đồng thời, xin gửi đến độc giả những dòng mới nhất của chị, về giải thưởng văn học ở Việt Nam.

*

Hình như "Tuổi Trẻ" (TT) là tờ đưa tin về giải thưởng năm nay của HNV đầu tiên. Hình như lúc đầu tựa báo là “Không có giải thơ và phê bình văn học”. Dùng một câu phủ định (negative phrase) để làm tựa hoặc câu đầu bài, là điều một người mới tập viết báo cũng phải tránh. Is the glass half empty or half full? Thông thường, một giải thưởng, đáng lẽ phải là một tin vui cái đã. Báo TT năm nay dường như không thấy vui.

Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không đóng góp làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm.

Nhưng giờ phút này, ở đây, tôi thấy rất cần có các giải văn học. Lúc này là lúc người viết dễ bỏ cuộc nhất, họ ở nowhere land. Phần lớn người đọc trí thức chê văn học của người Việt viết, còn người đọc không trí thức thì không màng tới văn học. Vậy còn lại ai, ở đâu? Người viết không những không tìm được gạo tiền, mà cũng không có đất để ngồi, nước để uống. Nowhere.

Vào các diễn đàn trên mạng, tôi thường thấy người ta chê các người viết trẻ rã rời, và luôn luôn có một người nào đó nhảy vào kết luận: “Tớ thì tớ không bao giờ đọc truyện Việt Nam, phí thì giờ vô ích”. Thất vọng đem lại định kiến, định kiến tàn phá môi trường văn học, rồi môi trường buồn thảm đem lại sự thất vọng. Một cái vòng trong rất nhiều cái vòng của thời chúng ta.

Số người viết ở nước ta không nhiều. Trong môi trường này, điều đó dễ hiểu. Chắc chắn là có nhiều người tài năng đáng lẽ đã viết, nếu có một môi trường, một không khí tốt hơn. Vài thế kỷ có thể có một thiên tài từ trời rơi xuống bất kể môi trường ra sao, nhưng chuyện đó hiếm. Thông thường thì phải có rất nhiều người bắt đầu đi, để có vài người đến nơi. Các bạn có xem phim các con rùa biển đi đẻ trứng trên động cát không? Các bạn có nhớ sau khi trứng nở có bao nhiêu con rùa con không ra được đến biển không? Vì yếu sức hoặc bị chim ăn, vô số chết trên đường. Số ra đến biển rất ít, ít một cách vô vọng. Nhưng con số dù ít ỏi, tất cả loài rùa vẫn phải sống cho ngày đẻ trứng. Đến mùa, các con rùa lớn lặn lội hàng chục ngàn cây số, quay về những bãi mà chúng biết, vất vả đi lên động cát, đẻ một ổ trứng, hoàn toàn không biết có con rùa con nào từ những cái trứng mình đẻ sẽ đến được biển không. Qui luật của thiên nhiên bắt rất nhiều con phải chết trên đường để chỉ vài con sót lại như vậy, thì qui luật của văn học không có lý do gì mà ít hà khắc hơn.

Nhưng hiện giờ, chúng ta có rất ít trứng trên cát. Những còn rùa lớn không màng đi đẻ trứng, cũng không ai khuyến khích cả. Chỉ có một sự lạnh lùng khủng khiếp.

Tôi chỉ là một con rùa nhỏ chưa ra được đến biển. Trên đường bò ra, đã lắm lúc muốn lăn quay chỏng bốn chân lên trời chết cho rồi, như thế khỏe hơn. Một con rùa lười biếng như thế thì làm sao biết hiến kế gì để cứu loài rùa biển.

Tôi chỉ có 2 xu này (tôi rất kém trong suy nghĩ chính trị, nhưng cũng cứ nói ra suy nghĩ của mình): các giải văn học cần được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị nào đó. Để còn có gì gây kích thích cho người viết, chứ cứ bắt dòng văn học phải “chảy âm thầm”, lâu ngày không ra nắng, có lúc sẽ tắt mất.

Còn làm sao để giữ uy tín cho một giải văn học tên tuổi lâu đời trong một thời như thế này, thì tôi không biết. Tôi không biết tác phẩm dịch của Hữu Việt (*) và "Và khi tro bụi" có phần nào làm nổi việc đó hay không. Nếu không làm nổi, ít nhất tôi cũng sẽ không làm gì gây hại thêm nữa, như việc từ chối giải thưởng chẳng hạn.

(*) Bản dịch tập thơ "Khúc hát trái tim" (tác giả Mattie Stepanek) của Hữu Việt, giải thưởng Văn học dịch của HNV năm 2007.

Đoàn Minh Phượng


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn