Bến tàu điện ngầm Park Kultury
Ở góc khuất gần cửa ra vào, có một ông già bán báo, nhưng không bày thành sạp, mà chỉ treo báo lên những thanh nhôm ngang. Những thanh nhôm ấy dính liền với hai cái túi báo nho nhỏ bằng vải bạt. Tôi chú ý đến ông vì ông không có vẻ lam lũ như các ông bà khác đang bán hàng ở đó. Ông rất đẹp lão. Cao ráo, tóc chưa bạc hết, bộ râu quai nón cũng lốm đốm bạc, gương mặt bình thản, đôi khi mỉm cười một mình. Thần thái đàng hoàng, đĩnh đạc, rất dễ mến. Hôm ấy tôi đến gần, hỏi mua của ông một tờ báo. Thì thấy ông hơi bối rối. Lôi một xấp báo ra khỏi túi bạt, ông đưa ra phía trước, hỏi tôi: "Làm ơn nói hộ cho, đây là báo gì?" Quá ngạc nhiên, tôi ớ ra một lúc rồi mới hiểu, ông bị mù. Lúc đó mới thấy cặp kính của ông có màu hơi xám xanh. Chắc ông bị khiếm thị.
Lần đầu tôi quen với ông như thế. Sau này, lần nào đi qua bến đó, tôi cũng ghé lại thăm ông, giúp ông xếp báo hoặc phân biệt tiền. Ông có cái áo nhiều túi lắm, mỗi túi để một loại tiền khác nhau. Còn báo, ai mua, ông lấy ra rất nhanh từ trên những thanh nhôm, gần như không hề nhầm lẫn. Hóa ra, cái lần ông hỏi tôi "Báo gì" là lần ông bị đổ báo ra khỏi túi, lẫn lộn cả. Chứ còn ở nhà, ông đã xếp theo đúng thứ tự, chỉ việc thuộc lòng vị trí mà thôi. Mà những người bị khuyết tật, họ lại luôn trội hơn những người may mắn như chúng ta ở điểm nào đó. Ông nhớ rất tài. Ông nhớ cả âm thanh cũng tài nữa. Lần thứ hai tôi gặp ông, chỉ mới cất giọng chào, ông đã nói ngay: "Anhia đấy à?" (Ở Nga, người ta hay gọi tôi bằng cái tên Nga như thế!) Mà cũng buồn cười. Hồi đó tôi còn nhỏ tuổi nên hay ngại ngần, thậm chí cũng chẳng hỏi han ông tên là gì, gia cảnh thế nào, ở nhà có ai giúp ông xếp báo hay không.
Năm năm trời đi học là năm năm tôi quen biết, có thể nói là thân thiết với ông già bán báo. Nhưng câu chuyện giữa hai ông cháu luôn chỉ bắt đầu bằng câu chào, hỏi thăm sức khỏe, bàn về thời tiết... rồi tôi lại vội vã nhảy tàu đi đến trường. Cho đến khi tôi vào ở hẳn trong ký túc xá, tôi vẫn chưa biết tên ông.
Rồi tôi quên bẵng người bán báo già ấy đi. Lấy chồng, sinh con... Và bây giờ, khi chỉ còn vài tuần nữa là rời xa nước Nga, đất nước gắn bó với tôi suốt một thời thanh xuân, tôi lại sực nhớ đến ông. Tôi bỗng nôn nóng mong đến tuần tới, có dịp lên Moscow, đến lại bến tàu điện ngầm thân quen thuở nào. Mong sao được nhìn thấy ông, người bán báo với đôi tròng kính màu xám xanh, nụ cười hiền hậu và tác phong thư thái, đĩnh đạc. Không hiểu sao tôi có một niềm tin kỳ quặc rằng, nếu ông còn ở đó, ông chắc chắn sẽ nhận ra tôi ngay khi tôi cất tiếng chào. Những người khuyết tật như vậy, họ không chóng quên như những người may mắn khác. Như tôi!
Thụy Anh, từ Liên bang Nga
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn