QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG (11)

Chủ nhật - 17/08/2008 21:56

(NCTG) "... đây là một trong những tấm gương tuyệt vời nhất của thái độ “không bao giờ chịu khuất phục” để có thể vượt qua được những khó khăn khủng khiếp về sức khỏe và đạt được một mục tiêu vô cùng khó khăn".

LÒNG QUYẾT TÂM

Năm 1883, một kỹ sư tài năng tên là John Roebling đã nảy ra ý tưởng xây dựng một cây cầu ngoạn mục nối liền New York với Long Island. Tuy nhiên, các chuyên gia xây cầu trên khắp thế giới cho rằng đó là một kỳ công không thể thực hiện nổi và bảo Roebling hãy quên ý tưởng đó đi. Cây cầu đó không thể xây dựng được. Nó không thực tế. Vì trước kia chưa ai làm được điều đó cả.

Roebling không thể quên được một viễn cảnh mà ông có trong óc về cây cầu này. Lúc nào ông cũng nghĩ đến nó. Và ông luôn luôn thật sự tin tưởng là nó sẽ được xây dựng. Ông cần phải chia sẻ với một ai đó. Sau nhiều cuộc thảo luận và thuyết phục, cuối cùng ông đã thuyết phục được con trai của ông là Washington, một kỹ sư có triển vọng, rằng thực tế thì có thể xây được chiếc cầu như thế.

Lần đầu tiên cùng làm việc với nhau, hai bố con đã cùng phát triển những ý niệm chung về việc làm sao có thể hoàn thành được và làm sao có thể vượt qua được những khó khăn. Với sự thích thú và niềm cảm hứng - cùng sự say mê với những thách thức lớn phía trước - họ đã thuê thợ và bắt đầu công việc xây dựng cây cầu mơ ước.

Kế hoạch bắt đầu rất tốt, nhưng sau khi mới tiến hành được vài tháng thì một tai nạn bất ngờ đã cướp đi tính mạng của John Roebling. Washington bị thương và sống sót, nhưng bị ảnh hưởng não rất nặng, khiến anh không thể đi, không thể nói chuyện, và thậm chí không thể di chuyển được.

“Chúng tôi đã bảo họ rồi mà”

“Những kẻ điên rồ với những giấc mơ điên rồ”

“Thật ngu ngốc khi cứ theo đuổi một giấc mơ hão huyền”

Mọi người đều đưa ra rất nhiều nhận xét tiêu cực, và họ cho rằng kế hoạch sẽ bị sụp đổ bởi chỉ có cha con nhà Roeblings biết cách xây cây cầu đó ra sao. Cho dù bị thương nặng và bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng chưa bao giờ Washington cảm thấy nản lòng, anh vẫn còn một giấc mơ cháy bỏng là hoàn thành cây cầu. Tinh thần của anh vẫn sáng suốt hơn bao giờ hết.

Anh cố gắng nghĩ cách truyền lại nguồn nhiệt huyết của mình cho một vài người bạn, nhưng họ đã nản lòng với công việc này rồi. Và trong một lần, khi đang nằm trên giường trong phòng bệnh, ánh nắng tràn qua các cửa sổ, một cơn gió nhẹ thoảng nhẹ thổi những tấm rèm trắng mỏng manh bay lên, khiến anh có thể trong thấy bầu trời và những ngọn cây trong chốc lát.

Đó dường như là một dấu hiệu cho thấy anh không được dừng bước. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. Tất cả những điều anh có thể làm là động đậy một ngón tay và anh cố tận dụng điều đó. Bằng cách di chuyển ngón tay, anh chậm chạp tạo những dấu hiệu giao tiếp với họ. Anh đã dùng cánh tay ấy chạm vào cánh tay vợ, cho chị biết là anh muốn nhờ chị gọi các kỹ sư đến một lần nữa. Sau đó, anh đã dùng cách này để nói với các kỹ sư những điều cần làm. Thật là ngoài sức tưởng tượng, nhưng dự án lại được tiếp tục.

Trong 13 năm, Washington đã dùng ngón tay ấy đánh tín hiệu vào cánh tay vợ mình để đưa ra những hướng dẫn, cho đến khi cây cầu hoàn thành. Ngày nay, cây cầu Brooklyn hùng vĩ vẫn đứng với tất cả sự huy hoàng của mình để tỏ lòng tôn kính với chiến thắng của tinh thần không chịu khuất phục của một con người và lòng quyết tâm không thể đánh bại trong mọi khó khăn, đến các kỹ sư và công việc của họ, và với niềm tin mà họ dành cho một con người bị một nửa thế giới này coi là điên khùng. Cây cầu cũng đứng đó như một tượng đài có thật cho tình yêu và sự cống hiến của vợ ông trong suốt 13 năm kiên nhẫn giải mã những thông điệp của chồng và nói với các kỹ sư những điều cần làm.

Có thể đây là một trong những tấm gương tuyệt vời nhất của thái độ “không bao giờ chịu khuất phục” để có thể vượt qua được những khó khăn khủng khiếp về sức khỏe và đạt được một mục tiêu vô cùng khó khăn.

Bạch Trà st. và dịch - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn