SỰ TÍCH CÁC ƯỚC MƠ BỊ ĐÁNH THUẾ

Thứ ba - 02/06/2009 16:32

Ngày nảy ngày xưa, một vương quốc nọ, trên hành tinh kia vẫn còn theo chế độ phong kiến. Mọi thứ ở đó có trật tự, trên bảo dưới nghe, thế nên cả đàn ông, đàn bà, đàn gay, đàn lesbian, đàn bi-sexual và đàn asexual đều sung sướng, mãn nguyện và hạnh phúc lắm.

Cũng vì thế, ở xứ đó, làm vua thì sướng lắm. Có tất cả mọi thứ mà chẳng phải lo toan gì. Cứ nói gì là bên dưới quần thần và nhân dân phải nghe răm rắp. Mà nhà vua thích nói gì thì nói, những gì không muốn nói, không muốn quần thần và dân chúng biết thì gói vào cất đi, đóng dấu "mật". Vương quốc đó ổn định lắm.

Cũng vì thế, ở xứ đó, ước mơ làm vua thấm đẫm lên từng hơi thở của người dân, từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị, từ ngành vệ sinh môi trường cho đến ngành giáo dục.

Trong trường học, các truyện đọc về mộng ước làm vua tràn ngập và con đường để được làm vua thì vô cùng phong phú. Có thể cưới công chúa xinh đẹp (hoặc không cần xinh đẹp, miễn là công chúa), có thể đánh giặc ngoại xâm, có thể học giỏi đỗ Trạng, có thể uống phải thuốc thần mà biến hóa, có thể cứu vớt, làm phúc cho một con cá, một cành cây, ngọn cỏ rồi được trả ơn. Tất cả đều có thể giúp người ta đạt được ước mơ làm vua của mình.

Khi giảng dạy, ước mơ này cũng được các giáo viên nghiên cứu và áp dụng hiệu quả vào làm động lực để thúc đẩy học trò học tập. Các cháu được xếp thứ tự từ 1 đến hết trong lớp. Từ lớp mẫu giáo bé cho đến lớp... Giáo sư. Những ai được một lần xếp thứ nhất thì được vinh danh, ít nhất thì cũng cả tổng biết, nhiều hơn thì cả nước biết. Vui lắm, mừng lắm, hạnh phúc lắm. Đứng trên bao nhiêu người như thế đáng tự hào lắm chứ. Báo chí ca ngợi, cổ vũ, làm cho những ai có con chưa được xếp thứ nhất thì lo ngay ngáy, ngày đêm bắt con “cày”. Ngoại trừ lúc ăn, ngủ và tắm rửa, toàn bộ thời gian các con chỉ có học. Mục đích là vượt cho được cái thằng kia. Hết đi học rồi, người ta vẫn liên tục bằng các cách khác phấn đấu suốt đời để đứng thứ nhất, để làm vua. Nếu không ít nhất nếu mình đứng thứ 30 thì cũng được quyền khinh thằng đứng thứ 31.

Một ngày kia, không hiểu vì sao một vị không đứng thứ nhất lần nào lại được chọn làm vua. “Được chọn làm vua có nghĩa là đứng thứ nhất lần này rồi còn gì nữa,” nhà vua nói. Mọi thứ lẽ ra phải để nguyên trật tự như vậy. Và vị vua mới thi hành quyền lực của mình để trị quốc an dân như những vị vua khác bằng cách chỉ nói và nói những gì mình thích nói, không nghe. Phải như thế mới có trên có dưới chứ.

Các vị khác cùng trang lứa bỗng dưng lại tỏ vẻ bất bình. “Ơ, ngày xưa hồi lớp 1 mình còn đứng trên nó 5 bậc. Nó bây giờ làm vua thì lẽ ra mình phải làm Ngọc hoàng, làm cụ 5 đời nhà nó,” một bác nói. Bác khác tiếp lời, “hồi học lớp 2.....” cho đến tận bác nói, “... hồi học TS”. Các bác thầy/cô giáo của nhà vua cũng hậm hực không kém, còn các học trò của ngài thì ngầm nuôi dưỡng những ước mơ.

Các bác bực mình vì ước mơ của mình bị đánh cắp. Các bác chửi xã hội thối nát, bất công. Các bác lặng lẽ gom chồng/vợ con, cháu chắt, hàng xóm và những ai có thể nghe mình nói lại, lập thành một vương quốc riêng để cũng được làm vua, chứ ai lại đi nghe cái thằng ngày xưa học dốt hơn mình/là học trò mình. Tuy là vương quốc, và tuy cũng có vua, nhưng so với các vương quốc xung quanh thì vương quốc của các bác không to lắm. Thế nên người ta tạm gọi nó là “nước nhược tiểu.” Thôi thế cũng được, miễn là được làm vua, thỏa chí ước mong từ thuở bé đến thời hiện tại.

Đến một ngày kia, một vương quốc khác, ở một hành tinh khác, khi dùng hết tài nguyên đã sang vương quốc nọ tìm kiếm. Người tìm kiếm thấy một đất nước cực kỳ thú vị, toàn người tài cả, toàn người đứng thứ nhất cả, nhưng nghe chừng để “nuốt chửng” cái nước toàn những người tài này thì quá dễ....

Ngày hôm sau, một vương quốc mới được thành lập trên nền vương quốc cũ, và người ta bắt đầu... đánh thuế các ước mơ.

Hoàng Trang, từ Úc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn