SO SÁNH TƯƠNG QUAN HIỆU QUẢ CÁC VACCINE Ở HUNGARY

Chủ nhật - 05/12/2021 19:01

(NCTG) Với tổng cộng số người được theo dõi lên tới hơn 3,7 triệu (16 tuổi trở lên), Hungary lần đầu tiên công bố kết quả so sánh 5 loại vaccine (Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm) trên một tạp chí quốc tế có chất lượng (trong nhóm các tạp chí tốt nhất thuộc lĩnh vực bệnh truyền nhiễm theo xếp hạng Scimago). Đây đồng thời cũng là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất từ trước tới giờ về chủ đề này.

Tóm gọn kết quả của nghiên cứu trên một biểu đồ

Tóm gọn kết quả của nghiên cứu trên một biểu đồ

Mang tên Dự án HUN-VE (viết tắt cho “Hiệu quả tiêm chủng ở Hungary”), đây là nghiên cứu dữ liệu so sánh hiệu quả của 5 loại vaccine đang được sử dụng tại Hung trong thời gian từ ngày 22/1 tới 10/6/2021, thông qua Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia (NNK). Kết quả được công bố cũng phản ánh hiệu quả của 5 loại vaccine trong làn sóng Covid-19 lần thứ ba (3-4/2021), nhưng lại là khi Delta chưa xâm nhập mà chủ yếu là biến thể Alpha đang lan tràn ở quốc gia này.

Trong số các vaccine được sử dụng ở Hungary (đủ từ “Tây” sang “Đông”) thì Pfizer được tiêm sớm nhất và là vaccine được tiêm nhiều nhất (1.497.011 người), sau đó là Sinopharm (895,465), Sputnik V (820,560), AstraZeneca (304,138), Moderna (222,892). Điểm đặc biệt là nhóm tuổi cao từ 65 trở lên chủ yếu tiêm Pfizer, Moderna và Sinopham. Sinopharm là vaccine được triển khai muộn nhất trong nhóm này.

Vào thời điểm nghiên cứu do có quá ít người tiêm Janssen (Johnson & Johnson) nên loại vaccine đó không được thống kê trong nghiên cứu này.

Hiệu quả giảm tử vong

Nghiên cứu tập trung vào hiệu quả vaccine giúp giảm lây nhiễm và hiệu quả bảo vệ giảm khả năng tử vong. Kết quả cho thấy Sputnik V là vaccine đứng đầu bảng ở khả năng bảo vệ giảm tử vong (98%), sau đó tới Moderna (94%), Pfizer (91%), AstraZeneca (88%) và Sinopharm (88%).

Đây là kết quả có phần hơi bất ngờ vì tương quan giữa 2 loại vaccine mRNA và AstraZeneca đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu khác (cũng thống nhất với nghiên cứu này), nhưng Sputnik có thể đạt hiệu quả ngừa tử vong gần như tuyệt đối (và thực tế là tuyệt đối với nhóm tuổi 16-40), cao hơn 3 loại vaccine kể trên là kết quả chưa từng được thể hiện trong các nghiên cứu khác. Bên cạnh đó, Sinopharm cũng có hiệu quả ngừa tử vong rất tốt, ngang ngửa AstraZeneca (88%).
 
covid3

Hiệu quả giảm lây nhiễm

Còn đối với khả năng giảm lây nhiễm, các vaccine đạt con số hiệu quả thấp hơn nhưng cũng đều ở mức tốt. Cao nhất là Moderna (89%), sau đó tới Sputnik V (86%), Pfizer (83%), AstraZeneca (72%) và Sinopharm (69%). Có thể thấy là khác biệt giữa 3 vaccine nhóm đầu không đáng kể, nhưng khác biệt ở nhóm sau là AstraZeneca và Sinopharm có phần rõ ràng hơn.

Các kết quả này đều thể hiện tương quan rất giống các kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 3 của 5 loại vaccine này. Điểm đặc biệt là với Sinopharm, mặc dù trước đây có nghi ngại về hiệu quả của vaccine với nhóm cao tuổi (từ 60 trở lên) dựa theo một công bố khác về khả năng sinh kháng thể ở người tiêm loại vaccine này, cũng từ Hungary, nhưng kết quả thực tế cho thấy nhóm 85 tuổi trở lên mới có sự sụt giảm đáng kể về hiệu quả giảm nhiễm và tử vong.

Ở nhóm 65-84 tuổi, Sinopharm đạt hiệu quả giảm nhiễm 66,4-71,1%, giảm tử vong 86,7-91,1%, nhưng ở nhóm từ 85 tuổi trở lên, Sinopharm chỉ đạt hiệu quả giảm nhiễm 43,1% và giảm tử vong 67,3%. Người viết bài này từng nhận định có thể tiêm Sinopharm cho người cao tuổi (tất nhiên dùng Pfizer thì hiệu quả vẫn cao hơn), chỉ phải hạn chế dùng với người trên 85 theo kết quả thực tế ở Peru và Argentina. Khả năng sinh kháng thể chỉ là một phần dẫn tới hiệu quả bảo vệ, đó không phải yếu tố duy nhất.

Một số nhận định

1. So với nhiều nghiên cứu tương tự, nghiên cứu này so sánh hiệu quả vaccine có sự cân nhắc tới thời gian một người được an toàn (không nhiễm bệnh) bao lâu. Tỷ lệ người mắc bệnh trong quần thể không chỉ đơn thuần tính bằng số người mắc bệnh trên tổng số người theo dõi mà thể hiện bằng số trường hợp mắc bệnh trên tổng số ngày cá nhân (person day) theo dõi.

Đơn vị ngày cá nhân này là số ngày mà một người không bị nhiễm bệnh trong suốt thời gian theo dõi. Ví dụ nghiên cứu trên 3 người trong 100 ngày, nếu cả 3 đều không mắc bệnh thì tổng thời gian cá nhân tích lũy là 3*100=300 ngày, nhưng nếu người thứ nhất mắc bệnh ở ngày thứ 50 thì tổng thời gian cá nhân tích lũy là 50 + 2*100 = 250 ngày.

Điểm hay của phương pháp này là khi so giữa 2 vaccine thì hiệu quả vaccine còn thể hiện qua thời gian trung bình 1 người sau khi tiêm sẽ bị nhiễm. Giả dụ 2 vaccine cùng có tỷ lệ người mắc đột phá trong thời gian theo dõi là 5 trên 100 người nhưng vaccine thứ nhất có 5 người mắc bệnh ở ngày thứ 30 sau khi tiêm, còn vaccine thứ hai có 5 người mắc bệnh ở ngày thứ 70 sau khi tiêm (cùng khoảng thời gian theo dõi) thì vaccine thứ hai phải được đánh giá có hiệu quả giảm nhiễm cao hơn vaccine thứ nhất. Tỷ lệ ca mắc trong thời gian theo dõi chia cho tổng thời gian cá nhân tích lũy sẽ được nhân lên với 100.000 ngày cá nhân để ra con số so sánh dùng trong nghiên cứu này. Con số này càng nhỏ thì vaccine thể hiện hiệu quả càng cao.

2. Thông thường rất khó có thể so sánh hiệu quả của các vaccine từ các nghiên cứu độc lập do được thực hiện ở các quần thể khác nhau, vào thời điểm khác nhau, các đặc điểm dịch tễ khác nhau… nhưng ở các nước có sử dụng đồng thời nhiều loại vaccine ở cùng thời điểm thì có thể sử dụng dữ liệu để phần nào đó so sánh tương quan (nói là “phần nào đó” vì không có nghiên cứu nào có thể cân nhắc tất cả các yếu tố dẫn tới nguy cơ nhiễm bệnh hay tử vong của những người tham gia nghiên cứu).

Ví dụ như trong nghiên cứu này, nhóm người cao tuổi vốn có nguy cơ tử vong cao hơn nhóm tuổi khác lại chủ yếu tiêm Pfizer và Sinopharm, nên tỷ lệ tử vong thực tế có phần sẽ nặng hơn với 2 vaccine này. Tương tự, những người có bệnh lý nền như đái tháo đường typ 2, bệnh tim mạch lại chủ yếu tiêm Pfizer và Moderna. Những yếu tố nhiễu khác sẽ được nói tới ở dưới.
 
covid2

3. Việc tính ngày theo dõi (person day) cũng có điểm không hợp lý là những người tiêm vaccine mũi đầu tiên cho tới 6 ngày sau khi tiêm mũi 2 thì chuyển từ nhóm không tiêm vaccine sang nhóm tiêm vaccine, nhưng chỉ những người bị mắc Covid-19 từ ngày thứ 7 sau mũi thứ hai mới được tính vào ca bệnh. Điều này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm không tiêm vaccine (do tử số tăng) và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm tiêm vaccine (do mẫu số tăng).

4. Mặt khác, khi tính hiệu quả vaccine, việc chọn nhóm chứng (không tiêm vaccine) cực kỳ quan trọng vì đây phải là nhóm có đặc điểm về số lượng, độ tuổi, ngành nghề, bệnh lý… giống với nhóm tiêm vaccine. Trong cả nghiên cứu này có 5 nhóm đối chứng được chọn ra, nhưng hoàn toàn chỉ dựa trên độ tuổi và giới tính, thậm chí không tính tới tỷ lệ bệnh nền (nguy cơ tử vong cao) trong các nhóm. Đây là yếu tố gây nhiễu mà chúng ta hoàn toàn không có dữ liệu trong nghiên cứu này.

Mặt khác, nghiên cứu cũng dựa trên các ca bệnh có biểu hiện mới đi xét nghiệm, mà không phải ai nhiễm virus cũng biểu hiện và không phải ai có biểu hiện cũng nghĩ là mình mang virus SARS-CoV-2 để đi xét nghiệm. Các bác sĩ ở Hungary cũng có xu hướng ít xét nghiệm người đã tiêm đầy đủ 2 mũi hơn vì khả năng họ mang virus SARS-CoV-2 khi có triệu chứng cũng thấp hơn người chưa tiêm.

Có rất nhiều yếu tố gây nhiễu, nên bù lại với việc nghiên cứu được thực hiện trên quy mô lớn thì các yếu tố này càng khó kiểm soát và tính tới trong nghiên cứu. Thế nên, chúng ta có thể đánh giá là cả 5 vaccine này đều làm tốt nhiệm vụ giảm nhiễm và giảm tử vong, nhưng vẫn không thể so sánh định lượng được chính xác loại nào hơn loại nào.

5. Dựa theo tương quan giữa hiệu quả giảm nhiễm và tử vong (là các sự kiện có liên quan tới nhau), có thể thấy một điểm thú vị là Sinopharm mặc dù là vaccine sau khi tiêm có khả năng sẽ bị nhiễm đột phá cao hơn 4 loại còn lại, nhưng tỷ lệ tử vong tính theo số ngày cá nhân tích lũy lại chỉ sau mỗi Pfizer (người tiêm Sinopharm có tỷ lệ tử vong 1,79/100.000 ngày cá nhân, người tiêm Pfizer có tỷ lệ tử vong 1.56/100.000, còn 3 vaccine còn lại có tỷ lệ 1,80-1,89/100.000).

Với đặc điểm là vaccine triển khai muộn nhất trong số 5 loại, người tiêm Sinopharm thường ở giai đoạn sớm hơn sau khi tiêm vaccine khi vaccine chưa bị giảm mạnh, nên có thể đây là lợi thế lớn.

6. Mặc dù về phương pháp, logic của công bố có thể tin cậy được, nhưng về số liệu gốc thì cũng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng can thiệp của yếu tố chính trị. Theo thông tin từ Hungary, người đứng cuối trong nhóm nghiên cứu là Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực, GS. Kásler Miklós, là người thường có vai trò giám sát, định hướng nghiên cứu. Những công bố của Chính phủ Hungary trước đó về hiệu quả vaccine cũng có xu hướng “thiên vị” vaccine Sputnik V do mối liên hệ chính trị tốt với Nga.

Theo phân tích ở trên, có nhiều yếu tố nhiễu không thể cân nhắc được hết trong nghiên cứu và đây cũng là các yếu tố chỉ có nhóm nghiên cứu mới có khả năng nắm được và chỉ cần một chút thay đổi cũng có thể làm thay đổi cục diện tương quan giữa các vaccine. Đây là một phần có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy của nghiên cứu.
 
GS. Kásler Miklós, Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực, người đặt hàng dự án này - Ảnh: Portfolio.hu
GS. Kásler Miklós, Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực, người đặt hàng dự án này - Ảnh: Portfolio.hu

7. Những tài liệu khác đánh giá về hiệu quả vaccine Sputnik V ở một số quốc gia đều có nhận định tốt về vaccine này nên người viết bài này cũng không có nghi ngờ gì về hiệu quả của nó. Ngay cả với 1 mũi đầu tiên, Sputnik V cũng có thể đạt hiệu quả bảo vệ cao >80%, nên đây là cơ sở cho Viện Gamaleya phát triển Sputnik Light đơn liều.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác thì Sputnik V không phải là lựa chọn phù hợp để làm mũi tăng cường tiêm nhắc lại hàng năm vì Sputnik V sử dụng công nghệ adenovirus với liều thứ hai dùng virus Ad5 là virus có độ phổ biến cao ở khu vực Đông Nam Á (Có thể đọc bài viết trước đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này).

Tương tự, AstraZeneca cũng không phải lựa chọn tốt, mặc dù mình cũng khá ngạc nhiên khi có một số nghiên cứu về liều thứ ba vẫn có tác dụng. Về vấn đề này mình sẽ khai thác sâu hơn trong các bài viết khác.

8. Như đã nói ở trên, nghiên cứu này là trong giai đoạn Alpha lưu hành ở Hungary, và sau khi đưa được số ca nhiễm về khá thấp, Hungary đang trải qua làn sóng thứ tư của Delta. Tương quan về hiệu quả giữa các vaccine rất có thể sẽ thay đổi nếu đánh giá ở làn sóng thứ tư này. (*)

(*) Tác giả là TS. Sinh học, hiện giữ cương vị Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh).

Bùi Lê Minh, từ TP. Hồ Chí Minh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn