MẸ MẤT VÌ NHIỄM COVID-19 SAU KHI ĐÃ TIÊM “VACCINE TẦU”, CON KIỆN CHÍNH PHỦ VÀ THỦ TƯỚNG!

Thứ bảy - 29/01/2022 14:46

(NCTG) Gần như đúng vào dịp “tròn năm”, khi vaccine Sinopharm của Trung Quốc được phê chuẩn sử dụng tại Hungary (mà nhiều diễn biến cho thấy là bởi sức ép chính trị), báo chí nước này loan tin một người đàn ông Hung đã đâm đơn kiện Chính phủ Hung và Thủ tướng Orbán Viktor sau khi mẹ ông qua đời vì Covid-19 mặc dù đã tiêm “đồ Tầu”.

Vaccine Verocell (thường gọi là Sinopharm) của Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh gây nhiều tranh cãi - Ảnh: CNBC

Vaccine Verocell (thường gọi là Sinopharm) của Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh gây nhiều tranh cãi - Ảnh: CNBC

Trả lời mạng hvg360.hu, ông Ferincz Jenő nói: mẹ ông - một phụ nữ cao niên - qua đời vào đầu tháng 11/2021 mặc dù bà đã tiêm 2 mũi Sinopharm. Ông nhắc lại, Thủ tướng Orbán Viktor đã nói chính phủ chịu trách nhiệm cho mọi quyết định liên quan tới phòng chống dịch bệnh.

Mẹ ông tiêm Sinopharm vào mùa xuân năm 2021 và khi đó do mới chỉ có loại thuốc này, nên không thể chọn loại khác. Sau đó ít lâu, có những tin đầu tiên cho thấy Sinopharm ít có hiệu quả bảo vệ người cao tuổi. Tuy nhiên, gia đình ông tin rằng dầu vậy, vaccine Tầu vẫn có thể bảo vệ mẹ ông khỏi những biến chứng nặng, và mẹ ông tin vào tiêm chủng, cho rằng không cần đi làm xét nghiệm kháng thể.

Ông Ferincz Jenő: kể từ đó, có thêm nhiều số liệu mới cho thấy vaccine Tầu đã được thông qua trong những bối cảnh như thế nào (ý nói, do sức ép chính trị của chính quyền), và hóa ra, Sinopharm chưa hề được khảo sát về hiệu quả đối với các đối tượng từ 60 tuổi trở lên. Chính phủ Hungary cũng “ỉm đi” một thực tế, là ngay cơ sở sản xuất cũng không khuyến cáo sử dụng Sinopharm với người cao niên.

Mẹ ông Ferincz Jenő qua đời 1 tuần trước sinh nhật lần thứ 85. Khả năng là bà đã nhiễm Covid-19 từ người con gái trước đó khoảng 10 ngày, và con gái bà về sau cũng mất vì bệnh dịch, không lâu sau đó ở tuổi 49. “Em gái tôi mất sau mẹ 5 ngày. Tôi suy sụp về tinh thần, phải xử lý tang lễ, khi đó tôi đâu nghĩ đến chuyện kiện tụng”, ông Ferincz Jenő thổ lộ với mạng hvg360.hu, và nói thêm về lý do kiện cáo.
 
Người cao tuổi ở Hungary được ưu tiên tiêm trước, và khi đó chủ yếu mới chỉ có vaccine Tầu, “nếu ai không tiêm thì xuống xếp cuối hàng” (lời Thủ tướng Orbán Viktor, đầu tháng 2/2021) - Ảnh: Rosta Tibor (MTI)
Thủ tướng Orbán Viktor tiêm “quảng cáo” cho Sinopharm - Ảnh: Facebook của nhân vật​

Nhưng rồi, từ các hồ sơ mà “Minh bạch Quốc tế” (Transparency International) phải kiện tụng mới có được, tôi được biết, ngay các chuyên gia Hung cũng có những lo ngại nghiêm túc liên quan tới việc sử dụng các “vaccine Phương Đông. Được biết, ngày 5/1/2022, ông Ferincz Jenő đã đệ tố giác tại Viện Công tố Điều tra Trung ương, từ đó, các hồ sơ được chuyển tới Viện Công tố Điều tra vùng Buda.

Tuy nhiên, từ đó tới giờ, chưa thấy sự việc có tiến triển gì. Ông Ferincz Jenő cho hay, mẹ ông đã ra đi và không gì có thể khiến bà trở lại, nhưng ông cảm thấy, để tưởng nhớ mẹ, ít nhất ông cũng cần xem có ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của bà? “Trong số 40 ngàn người tử vong vì dịch bệnh cho tới giờ, đã có những người có thể cứu được nếu được tiêm bằng loại vaccine thực sự hiệu quả”, ông nói.

Tôi chờ đợi một công bố, theo đó, nhà sản xuất khuyến cáo rằng lẽ ra không được dùng Sinopharm với người trên 60 tuổi, vậy mà họ vẫn làm điều đó với nửa triệu người” - ông Ferincz Jenő kết thúc bài phỏng vấn dành cho hvg360.hu. Như đã biết, Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng, nhưng nhiều kết quả nghiên cứu cũng đặt dấu hỏi về hiệu quả của vaccine với người cao niên.

Chưa lâu, các nhà khoa học Hung cũng chỉ ra rằng, 25% số người trên 60 tuổi tiêm vaccine Sinopharm hoàn toàn không có đủ lượng kháng thể cần thiết, và tỷ lệ này ở độ tuổi trên 80 là 50%. Công trình này của PGS. TS. Ferenczi Tamás và các đồng nghiệp, mới đây vừa được đăng tải chính thức trên tạp chí “BMC Infectious Diseases”, lại khiến công luận Hung quan tâm trở lại tới vấn đề vaccine Sinopharm.
 
Người cao tuổi ở Hungary được ưu tiên tiêm trước, và khi đó chủ yếu mới chỉ có vaccine Tầu, “nếu ai không tiêm thì xuống xếp cuối hàng” (lời Thủ tướng Orbán Viktor, đầu tháng 2/2021) - Ảnh: Rosta Tibor (MTI)
Người cao tuổi ở Hungary được ưu tiên tiêm trước, và khi đó chủ yếu mới chỉ có vaccine Tầu, “nếu ai không tiêm thì xuống xếp cuối hàng” (lời Thủ tướng Orbán Viktor, đầu tháng 2/2021) - Ảnh: Rosta Tibor (MTI)

Như đã biết, vaccine Tầu được cấp phép ở Hungary theo thẩm quyền cá nhân của chính phủ nước này từ ngày 29/1/2021, không thông qua Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), và trước khi WHO đưa ra phê duyệt vào ngày 7/5/2021. “Phi vụ” vaccine của Trung Quốc thật ra đã được chính quyền Hung “dọn đường” với một nghị định, để có thể “qua mặt” cơ quan quản lý dược phẩm nước này nếu cần.

Nghị định kể trên nói rằng, tất cả các loại vaccine đã được tiêm cho hơn 1 triệu người trên thế giới đều có thể nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp tại Hungary mà không cần thông qua xét nghiệm riêng rẽ của Viện Dược phẩm Quốc gia Hungary (OGYÉI), miễn là nó thỏa mãn vài điều kiện dễ dàng. Áp lực đè nặng lên OGYÉI khi ông Orbán Viktor nói, ông tin rằng quyết định sẽ được đưa ra trong... vài ngày!

Rốt cục, vào ngày 29/1/2021, khi OGYÉI phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc thì sự cấp phép này chỉ mang tính hình thức. Ngay lúc đó, đánh giá về vaccine của Trung Quốc, nhà dịch tễ học Duda Ernő cho rằng, vấn đề lớn nhất là có rất ít thông tin đáng tin cậy về nó và các dữ liệu của quá trình thử nghiệm - nhất là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - vẫn chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn