Nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của vaccine ở Hungary: SPUTNIK V VÀ MODERNA “ĐẦU BẢNG”!

Thứ hai - 29/11/2021 16:28

(NCTG) 27.830 ca nhiễm mới được phát hiện và 460 ca tử vong vì Covid-19 là số liệu mới được công bố sáng 29/11/2021 cho 3 ngày cuối tuần qua, cho thấy dịch bệnh chưa hề thuyên giảm tại Hungary, nơi mà theo các chuyên gia, chỉ là vấn đề thời gian để chủng mới Omicron xuất hiện.

Virus SARS-CoV-2 biến chủng, gây náo loạn - Ảnh: Rosta Tibor (MTI)

Virus SARS-CoV-2 biến chủng, gây náo loạn - Ảnh: Rosta Tibor (MTI)

Như đã biết, Omicron xuất phát từ Nam Phi, đã được nhận dạng ở một số nước Châu Âu như Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Áo... và mặc dù chưa rõ độc tính ra sao, sự lây nhiễm như thế nào và các vaccine hiện tại có tác dụng phòng chống hay không, nhưng chủng mới này đã khiến cả thế giới hoảng loạn, các chuyến bay từ Nam Phi đều chịu sự hạn chế và kiểm tra nghiêm ngặt, kể cả ở Hungary.

Câu hỏi về hiệu lực của các vaccine trước chủng mới này có thể được giải đáp trong 2 tuần tới. Hãng Pfizer, cũng như GS. Karikó Katalin - một trong những “cha đẻ” của công nghệ mRNA đặt nền tảng cho các loại vaccine “thế hệ mới” - thông báo rằng nhanh nhất là trong 31 ngày, thuốc chích ngừa sẽ được chỉnh lại cho phù hợp với chủng mới, và công ty Moderna cũng đưa ra con số tương tự như vậy.

Dự đoán về dịch bệnh, Giám đốc Y tế Quốc gia Müller Cecília cho rằng dịch sẽ lên tới đỉnh điểm sau 1-2 tuần nữa, nghĩa là vào thời điểm Giáng sinh, dịch trong giai đoạn đi xuống. Hiệu trưởng Đại học Y khoa Semmelweis (Budapest), GS. Merkely Béla thì phát biểu, một Giáng sinh an lành phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người tiêm chủng, và tác dụng của mũi tăng cường thứ 3 sẽ thể hiện sau 2 tuần.

Để cổ động cho việc tiêm chủng, tuần lễ chích ngừa mà không cần đăng ký trước được triển hạn tới ngày 5/12, và hiện tại, đã tỏ ra rất hiệu quả, nhiều người au một thời gian dài chần chừ, đã quyết định đi tiêm. Ngoài ra, theo dự tính, việc tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi 5-11 sẽ được tiến hành sau mốc thời gian 20/12, sau khi Hungary nhận được vaccine Pfizer trong chương trình chung của Liên Âu.

Cũng về hiệu quả của các loại vaccine, cuối cùng, Hungary cũng đưa ra được một nghiên cứu được đánh giá là nghiêm túc, chi tiết, đáp ứng được những yêu cầu khoa học và được đăng tải trên một tạp chí có uy tín là “Clinical Microbiology and Infection”. Điều hạn chế là công trình này dừng lại ở giai đoạn thứ 3 của dịch bệnh, và do đó, không trả lời được những câu hỏi lớn của làn sóng mới hiện tại.

Được thực hiện bằng cách phân tích dữ liệu của 3,7 triệu ca tiêm chủng trong vòng 5 tháng đầu năm nay, nghiên cứu đưa ra kết luận rằng cả 5 loại vaccine (Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sinopharm và Sputnik V) đều có hiệu quả 69-89% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, và 88-98% trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi tử vong. Và như thế, ước tính, chừng 9.500 ca tử vong đã được ngăn chặn trong thời gian trên.
 
Theo GS. Kásler Miklós, 40% trong tổng số 9.500 ca tử vong mà tiêm chủng đã ngăn chặn được, là nhờ vaccine “Phương Đông”, Sinopharm và Sputnik V - Ảnh: Mónus Márton (MTI)
Theo GS. Kásler Miklós, 40% trong tổng số 9.500 ca tử vong mà tiêm chủng đã ngăn chặn được, là nhờ vaccine “Phương Đông”, Sinopharm và Sputnik V - Ảnh: Mónus Márton (MTI)

Mang tên HUN-VE (Hungarian Vaccine Effectiveness - Hiệu quả tiêm chủng Hungary), nghiên cứu này được tiến hành theo đặt hàng của Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực, GS. Kásler Miklós, và vị chính khách này cũng đứng tên trong số các tác giả trên cương vị “người đứng cuối” (last author), thường là người tuy không tham gia trực tiếp, nhưng có sự giám sát, tư vấn, và/ hoặc chịu trách nhiệm về kết quả.

Công trình cho thấy, xét về ngăn chặn tử vong, Sputnik V là “nhất” với hiệu quả bảo vệ 97,5%, sau đó tới Moderna (93,6%), Pfizer (90,6%), AstraZeneca (88,3%) và Sinopharm (87,8%). Còn hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm, thì “đầu bảng” là Moderna (88,7%), tiếp theo là Sputnik V (85,7%), Pfizer (83,3%), AstraZeneca (71,5%) và Sinopharm (68,7%), theo nghiên cứu được xem là rất “hoành tráng” này.

Đáng chú ý là Sinopharm mặc dù đứng cuối ở cả 2 “hạng mục”, nhưng cũng đạt hiệu quả cao, ít nhất là cao hơn nhiều so với những gì có thể dự đoán căn cứ trên cơ sở đo kháng thể trung hòa. Tất nhiên, khi đánh giá những kết quả này, cần lưu ý là các ca được xem xét có bệnh nền mãn tính khác nhau và điều này chưa được nghiên cứu trong công trình, nên về căn bản, khó nói được “vaccine nào là nhất”.

Được thực hiện với các trường hợp từ ngày 22/1 đến 10/6/2021 (1.497.011 ca tiêm Pfizer, 222.892 ca tiêm Moderna, 820.560 tiêm Sputnik V, 304.138 tiêm AstraZeneca và 895.465 ca tiêm Sinopharm), đương nhiên công trình chưa trả lời được câu hỏi hiệu quả các vaccine giảm như thế nào với thời gian, và cũng chưa có được kết quả của chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ 3, khởi đầu vào tháng 8/2021.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn