NHIỄM CORONAVIRUS, VẪN BỊ “TỐNG” KHỎI VIỆN

Thứ sáu - 17/04/2020 03:01

(NCTG) Một gia đình phải nhận thân nhân về nhà đúng dịp Phục sinh vì chỉ thị “giải phóng” 60% giường của “cấp trên”, nhưng không hề biết bệnh nhân trong thời gian điều trị ở viện còn “được” nhận thêm căn bệnh Covid-19: cơ quan dịch tễ chỉ báo cho gia đình một ngày sau khi người bệnh bị xuất viện.

Bệnh viện đa khoa Szent János - Ảnh: Túry Gergely (hvg.hu)

Bệnh viện đa khoa Szent János - Ảnh: Túry Gergely (hvg.hu)

Theo lời thuật lại của gia đình trên trang mạng hvg.hu (“Kinh tế Thế giới”), bê bối kinh khủng này tệ hại ở chỗ, hiện tại các thành viên của gia đình phải sống cùng một mái nhà với bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong tình cảnh chính bản thân họ cũng thuộc nhóm rủi ro và dễ thương tổn đối với Coronavirus.

Nhắc lại, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực buộc trong thời gian rất ngắn, các bệnh viện phải “giải tỏa” tối thiểu 60% giường để chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất” đã khiến nhiều bệnh nhân đang nằm viện tự nhiên bị chuyển về nhà, nhiều khi chỉ qua một cú điện thoại cụt lủn gọi cho thân nhân.

Một trường hợp rất tệ đã được hvg.hu ghi lại theo lời kể của độc giả báo: đúng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, một bạn đọc tên là T. nhận được cuộc gọi từ viện thông báo cha của mình, một bệnh nhân 83 tuổi, đang được điều trị sau khi bị đột quỵ và không thể tự làm bất cứ việc gì, giờ phải về nhà “tự điều trị”.

Một “ca” khác “khủng” hơn: một độc giả 70 tuổi, sức khỏe yếu và phải được chăm sóc, cũng bị viện gọi điện thoại và cho hay, thân mẫu 90 tuổi của bà, một bệnh nhân yếu và cần được chăm sóc, cũng “bất thần” bị xuất viện. Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra với độc giả Erzsébet được coi là còn “siêu thực” hơn.

Số là, ngay trong Thứ Sáu Tuần Thánh, bà phải đón mẹ chồng - là một bệnh nhân 76 tuổi, sức khỏe còn yếu sau ca phẫu thuật - về nhà từ Bệnh viện Szent János, mà không hề được thông báo là người bệnh giữa chừng có thể bị nhiễm Coronavirus, khả năng là trong thời gian nằm viện (từ đầu tháng Ba tới giờ).

Một ngày sau, đúng vào Thứ Bảy Tuần Thánh, không phải bệnh viện, mà cơ quan dịch tễ gọi điện cho gia đình, và gạn hỏi bệnh nhân có những “tiếp xúc gần” là ai. Khi đó, gia đình mới “tá hỏa”: bà Erzsébet gọi điện cho bệnh viện, hỏi mẹ chồng mình có phải bị nhiễm thực sự, hay chỉ là nhầm lẫn gì thôi?

Tuy nhiên, y tá trong viện không thể cung cấp thông tin, và bác sĩ thì hơn một ngày không thể gọi được (khả năng là vì lễ lạt). Cuối cùng, chiều Chủ nhật Phục sinh, bác sĩ trực ban mới cho gia đình biết, bệnh nhân quả thực đã lây nhiễm, và thay mặt khoa, cũng như bệnh viện có lời xin lỗi vì “sự phiền hà này”.

Về sau, gia đình mới được biết, mẹ chồng của bà Erzsébet trong thời gian nằm viện đã ho và sốt, nên được thử test, nhưng điều này không được thông báo cho gia đình. Ngoài ra, từ đầu tháng 3-2020, khi lệnh cấm thăm thân trong bệnh viện được giới chức y tế đưa ra, gia đình cũng không hề được vào thăm.

Chỉ sau cú điện thoại của Trung tâm Dịch tễ vào thứ Bảy, gia đình mới xem kỹ hồ sơ xuất viện rất dài, thì mới hay là bệnh nhân đã được xét nghiệm Coronavirus, và đang chờ kết quả. Nhưng làm sao chưa có kết quả, mà bệnh nhân lại bị “tống” khỏi bệnh viện và không hề có chút thông báo gì cho gia đình?

Đó là câu hỏi mà bà Erzsébet đặt ra một cách bực bội cho mạng hvg.hu, và bà có lý do để “phát rồ”. Vì chính bà cũng vừa bị phẫu thuật và do đó, cơ thể dễ bị lây nhiễm hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Chính vì thế, từ nhiều tuần nay bà không ra đường để tránh rủi ro, nhưng rồi rốt cục lại phải sống chung với Covid-19.

Chưa kể, chồng bà (59 tuổi) bị chứng bệnh cao huyết áp mãn tính và vì vậy cũng thuộc nhóm “nhạy cảm” với dịch bệnh. Mới đây, gia đình đã nhận tấm bảng màu đỏ xác nhận “trong nhà có người mắc dịch” - việc một bệnh nhân bị “đuổi” về nhà khi đang lây nhiễm khiến chính cơ quan dịch tễ cũng bàng hoàng.

Thoạt tiên, bà Erzsébet không muốn làm to chuyện, hơn thế các y, bác sĩ trong viện rất tốt nên bà cũng không muốn họ bị rắc rối. Tuy nhiên, bà phải lên tiếng để cảnh báo các gia đình có thân nhân được xuất viện trong những ngày tới, bằng mọi giá hãy đòi hỏi được xét nghiệm xem có nhiễm Covid-19 không.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn