Nhân Ngày lễ của Cha: “NGƯỜI CHA THÔ BẠO”

Chủ nhật - 17/06/2007 20:57

(NCTG) Ngày bé, tôi thích vở kịch “Người cha thô bạo”, một vở kịch Liên Xô do Nhà hát kịch Trung ương Việt Nam dàn dựng. Không hiểu sao, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết của vở kịch ấy. Do kịch bản hay? Hay bởi dàn dựng tốt? Hoặc diễn viên đóng đạt? Có lẽ cả ba! (Đấy, nghệ thuật thời kỳ “bao cấp” đâu phải không để lại dấu ấn gì!)

Không rõ có ai còn nhớ như tôi không… về một người cha thương con nhưng nghiêm khắc, nghiêm khắc đến mức thô bạo? Về một nhân vật cầm chiếc đàn ghi-ta hát một bài ca vui nhộn: “Có một chú quạ già… Một lần đi la cà. Nhặt được mẩu pho-mát… Nên khệnh khạng vênh váo...”? Về một gia đình đông đúc ồn ào, nơi các con rất sợ bố và không hiểu bố, cho rằng ông khó chịu và quá khe khắt? Về bài hát truyền thống của gia đình ấy: “Các con ơi, ăn mau đi, bố sắp đến kia kìa!”? Về câu nói của ông bố, được nói ra với âm điệu ngân nga dí dỏm: “Lên hai… tôi đã biết mặc lấy quần, tự làm lấy đồ chơi” (đó là lúc người cha muốn dạy con mình tự lập trong khi bà mẹ, ngược lại, cứ muốn làm hộ con đủ thứ việc). Xem ra, tình cha, tình mẹ, tuy cũng là tình cảm bao bọc yêu thương của các bậc sinh thành đối với con cái, nhưng lại mang những sắc độ hết sức khác nhau!

Nghe nói sắp đến Ngày Lễ của Cha, một ngày lễ xuất xứ từ Mỹ, tôi chạnh nhớ lại vở kịch nói trên. Và nghĩ lan man về những người cha trên đời này. Công sinh thành không bằng công dưỡng dục, vậy mới có câu: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”! Cha cho ta máu huyết của mình để ta thành người, nhưng công nuôi dạy còn lớn hơn gấp bội. Thường thì việc chăm bẵm bú mớm ai cũng nghĩ là thiên chức của người mẹ, vì thế ông bà ta mới thiên vị công “mẹ dưỡng”. Nhưng đâu phải thế: người cha, cho dù không tận tay tắm rửa, săn sóc, cho ăn, cho uống, ru hời, nâng giấc cho đứa con, vẫn là cái bóng ấm êm che chở cho con suốt một đời.

Ngày của cha trong gia đình tôi là 22-12, vì bố tôi là một quân nhân. Người rất nghiêm. Người có đôi mắt sáng, thẳng thắn và cái cằm bạnh ra cương nghị. Lúc cười thì rất đẹp, nhưng khi không thì nghiêm nghị đến khắc khổ. Tôi nhớ ánh mắt của bố nhìn tôi những khi tôi mắc lỗi: ánh mắt làm tôi run sợ, sợ hơn tất thảy những lời kêu ca mắng mỏ của mẹ! Một lần, tôi – năm ấy tròn 6 tuổi – lấy tờ tiền của mẹ để trên bàn đi mua miếng quế đãi bạn. Nguyên do là trong lớp Vỡ lòng của tôi, mấy đứa bạn có tiền thường mua những mẩu quế cay cay, thơm thơm chia cho chúng tôi. Áy náy vì không có gì đáp lại (bé tí mà đã biết áy náy khi ăn “của chùa” rồi!), bố mẹ lại chẳng bao giờ cho tiền nên tôi vớ đại một tờ trong tập tiền mẹ mới lĩnh lương để trên bàn. Khốn thay, tờ tiền có mệnh giá to, tôi lại chưa biết tiêu tiền, đưa cho bà bán hàng, dõng dạc nói: “Cho cháu một đồng quế”, và nhận được một ôm quế to khủng khiếp và một mớ tiền giả lại. Sung sướng quá, tôi đem về để hết lên bàn cho mẹ, chắc mẩm mẹ phải cảm ơn mình vì mang đi một mà nhận được bao nhiêu! Rồi bố về, bữa cơm tối, bố không nói gì, chỉ nhìn tôi chăm chú. Không thể nào quên được cái nhìn ấy! Chẳng ai khảo mà tôi xưng hết! Rồi thấy ân hận vô cùng, mặc dù lòng thắc mắc, tại sao bố mẹ lại biết tôi lấy tiền khi số tiền rõ ràng là nhiều lên cơ mà! (Nhưng nhân đây cũng nói thêm rằng, trẻ con non nớt lắm, tội lỗi thì tày trời thế, mà động cơ lại đơn giản. Nếu bố mẹ không hiểu được, chắc sẽ khép tôi vào tội dối trá, ăn cắp vặt!)

Nhớ bố tôi, tôi nhớ cả cái giọng rõ ràng, rành mạch Người gọi tôi mỗi sáng, cái giọng dứt khoát khiến tôi phải gồng mình thắng cơn ngái ngủ, nhảy phắt từ trên giường xuống đất (y như một quân nhân!) Mà bố cũng từng “huấn luyện” chúng tôi như những người lính: người bấm đồng hồ để chị em tôi thi nhau gấp chăn màn, rồi cho mỗi đứa một chậu quần áo thi giặt. Những trò này chúng tôi hào hứng lắm.

Nhớ bố, tôi còn nhớ những buổi hai bố con thức đến khuya cùng nhau “nghiên cứu” một vấn đề gì đó, trong khi mẹ tôi cứ chốc lại kêu ca: “Muộn rồi, cho con nó ngủ đi bố!” Bố vui vẻ đáp: “Nó đang thích, cứ để nó đọc!” Thực lòng mà nói, nhiều khi tôi cũng muốn ngủ, nhưng thấy bố hào hứng đem hết cuốn sách này đến quyển cẩm nang nọ ra cho mình, tôi lại không nỡ nói lên nguyện vọng “tầm thường” ấy.

Bố nghiêm nghị, tình cảm nén vào trong lòng, ít khi thể hiện tự nhiên như mẹ. Trừ hồi còn bé, sau này, khi tôi đã lớn, chưa bao giờ bố ôm ấp tôi hay nói những lời âu yếm. Tôi vẫn thường thầm ghen tị với bạn tôi khi thấy cảnh bố nó thơm má nó. Mặc dù tôi cũng không thể tưởng tượng bố tôi có thể làm việc đó như thế nào! Nhưng mà quả là có những lúc, tôi thèm được bố xoa đầu, thèm được nhận một cử chỉ vỗ về thân mật, thèm được bố ôm vào lòng… Sau này, đêm trước khi bố tôi mất, tôi đã nói với bố tôi điều đó. Người cầm tay tôi, nước mắt long lanh. Phải nói thêm là đêm ấy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bố khóc, khi tôi nhắc đến người anh trai của bố, Người đã khóc nức lên. Lúc ấy hẳn bố tôi đã mệt mỏi lắm rồi, không còn sức để kiềm chế như người đã từng như vậy suốt bao năm trong đời.

Tôi nhớ mang máng khi còn bé, rất hay bị “cho roi cho vọt”. Khi tôi lên lớp 4, bố tôi thông báo với hai chị em rằng sẽ không bao giờ dùng roi với chúng tôi nữa, nhưng lại cho phép tôi dùng roi để trị thằng cu em. Tôi từng chứng kiến cảnh bố nổi giận mà vẫn kiềm chế, không cho em trai tôi ăn đòn như thế nào. Lúc đó thấy sợ mà thương bố quá! Rồi một lần, năm tôi đã học lớp 7, tôi bị bố cho một “con lươn” – một cái thôi – vì tội không quan tâm đến học hành của em, để em đi học mà chưa làm bài tập. Lần ấy tôi ấm ức lắm, không phục, bị đánh nhưng không khóc, bướng bỉnh ngẩng cao đầu đi vào… nhà tắm. Và khóc ở đó. Khóc. Rồi lau nước mắt. Rồi ngồi đợi cho đến khi không còn vết tích gì của trận khóc ấy nữa mới ra. Làm cả nhà khốn khổ vì không sử dụng được nhà tắm! Nhưng tôi không giận dỗi, khóc xong là xong, vì bố tôi ghét cái trò dỗi hờn lắm. Nhớ lần khác, một lần duy nhất tôi dỗi là khi bố mẹ chê nước chấm tôi pha để ăn ốc luộc không ngon (mà sao hôm đó bố mẹ lại thẳng thắn quá như thế nhỉ?) Vừa ngồi vào bàn, nghe thế, tôi dỗi, đứng dậy bảo: “Con không muốn ăn…” rồi vào nhà tắm (lại nhà tắm!) ngồi. Ngồi lâu cho đến khi không còn cảm thấy ấm ức nữa hoặc là hình ảnh con ốc béo mẫm vẫy gọi ghê quá... tôi lò dò đi ra… Hỡi ôi, rổ ốc hết veo, không còn con nào! Tôi tin chắc mẹ đã để phần (mẹ tôi thường hay thương hại thế mà!), vào lục chạn – cũng không có. Tối, mẹ nói: “Mẹ định để phần. Nhưng bố bảo cả nhà phải chén hết món ốc để cho con một bài học: không bao giờ được dỗi nữa!” Lạ thật, lúc ấy tôi chẳng thấy giận dữ, chỉ tự rút ra kinh nghiệm: không bao giờ dỗi cơm, như thế chỉ thiệt vào thân mà thôi!

Người cha “thô bạo” của tôi luôn cho tôi những bài học thấm thía như thế. Bố rất ít khi mắng mỏ. Khi muốn phê bình chuyện gì, Người thường viết vào mẩu giấy, để trên bàn học của tôi. Có lẽ bố hiểu tôi sâu sắc, biết tôi hay tự ái, đã chọn cách đó để góp ý với con gái bướng bỉnh. Còn cu em tôi “bị” bố dán đầy bàn những “khẩu hiệu”: “Học xong bài mới đi chơi”, “Trước khi đứng dậy khỏi bàn, phải thu dọn sách vở gọn gàng”… Khi tôi tập tọe làm thơ, bố tôi đọc và luôn luôn nhận xét. Người luôn khuyến khích những ý tứ mộc mạc, thật thà, và cười cười khi đọc những câu sáo rỗng: “Gió thì tất nhiên phải bay bay, nắng thì tất nhiên phải rực rỡ…”!

Thế đấy, nhưng chính bố là người đã thuê đóng hai chiếc bàn học thật xinh xắn, tạo cho hai đứa tôi hai góc riêng độc lập. Riêng tôi, bố còn cho một chiếc khóa nhỏ xinh xinh để khóa tủ bàn học, Người nói: “Con gái cần có những bí mật nhỏ của mình”. Chính bố là người thường xuyên đưa tôi đi xem kịch vào cái thời mà đi xem kịch vẫn còn là điều xa xỉ. Chính người đã dạy chúng tôi biết cách học thuộc lòng nhanh, học từ mới chỉ một lần là thuộc... Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyên mục tôi tham gia ở một tờ báo nọ, tôi đã lấy tên ông làm bút danh. Những bài học nho nhỏ của bố trao cho tôi ngày nào, tôi đang gắng ghi chép lại cho các bạn nhỏ của tôi.

Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, sao đầy ắp hình ảnh Người!

… Nhưng từ lâu tôi đã chẳng xếp thêm
Những kỷ niệm vào kho kỷ niệm
Cha đã qua đời. Và tôi biết
Quá khứ chúng tôi đầy ắp bóng cha mình…
(trích “Kỷ niệm mùa đông”)

Tôi mơ ước một ngày nào đó viết được đầy đủ về bố tôi, con người bề ngoài nghiêm nghị và khắc khổ nhưng lại mang một tâm hồn rất lãng mạn, tràn đầy tình cảm. Những trang nhật ký của Người để lại làm tôi nhiều đêm ướt má. Tôi đã hiểu tình cảm của bố tôi, một trong những “người cha thô bạo” trên đời này, người khiến tôi rất kính sợ đồng thời lại rất yêu quý, ngưỡng mộ.

Tình cờ đọc nhật ký của bố tôi
Kể về những ngày tôi nằm trong bụng mẹ
Những ngày mẹ tôi là cô gái trẻ
Rất yêu bố tôi và rất yêu đời

Tôi đọc câu chuyện xưa về những con người
Sống bằng những điều tâm huyết
Coi danh dự lớn hơn cái chết
Cũng vật lộn với đời thường bao khó nhọc lo toan

Giữa những điều bố viết lan man
Tôi thấy tôi ra đời, thấy cả nhà vui mừng, thấy mình là niềm hạnh phúc
Bố ở đơn vị về, mấy ngày phép là mấy ngày thâu đêm thức
Bố đi rồi mẹ vất vả nhiều hơn

Tôi thấy mình cứ lớn dần lên
Lần này biếng ăn, lần kia phải đi cấp cứu
Buổi đầu biết đọc thơ, ngày tôi đi mẫu giáo
Và vô vàn những khoảnh khắc đáng yêu!

Nhật ký bố tôi còn ghi lại bao điều
Những biến động của gia đình, đất nước
Những ngày nóng bỏng năm 79
Những ngày mua gạo dầu bằng tem phiếu, những tháng ăn độn mì, khoai...
Những ước mơ của bố mẹ tôi về một ngày mai
Tôi sẽ lớn thành người, sẽ ngoan và học giỏi
Biết yêu gia đình, sống với đời hồ hởi
Như bố mẹ tôi sôi nổi một thời...

Cuốn nhật ký xưa đã ố vàng rồi
Tôi vẫn cảm thấy bàn tay rắn rỏi của bố tôi và hơi ấm của người còn đâu đó
Tôi thấy mình là đứa con gái nhỏ
Sống trên đời mãi mãi được yêu thương...

Ngày bố mất, tôi không khóc được. Tôi hiểu rằng bố đã gần gũi với tôi biết bao. Và vì thế, bố không thể ra đi, không thể để ba mẹ con tôi bơ vơ nơi đất khách quê người! Tôi vẫn muốn nghĩ bố đang ngồi làm việc dưới nhà, chỉ lát nữa là lên, vào bếp, bật TV nghe chương trình thời sự lúc 9 giờ. Áo len xanh của bố ở đây. Cái kính không biết đâu rồi, chắc bố đang đeo. Mới 51 tuổi mà bố đã già lắm rồi, tóc bạc nhiều và mắt không còn tinh tường, mặc dù từ đôi mắt đó vẫn ánh lên những tia sáng đặc biệt, dường như phát ra từ một nơi sâu thẳm của tâm hồn, trong, sáng suốt và ấm áp. Tôi sợ tôi khóc lên là bố sẽ đi mãi, vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Tôi từng mơ bố hiện về với ba mẹ con tôi, ăn một bữa cơm tôi biết bày biện nhiều món. Chưa bao giờ tôi nấu được cho bố tôi được một bữa cơm ngon! Sau này, mỗi ngày giỗ bố, có cố gắng nghĩ ra món nọ món kia thì cũng nghẹn ngào nước mắt: bố có được ăn đâu!

Những giấc mơ của tôi trong suốt hai năm đầu vắng bố triền miên hình ảnh người cha của tôi – rất đỗi dịu dàng chứ không hề “thô bạo” như hồi bé đôi khi tôi vẫn nghĩ. Hai bố con tôi vẫn chuyện trò thủ thỉ với nhau trong những giấc mơ dài ấy, điều này khiến lòng tôi nhẹ nhõm vô cùng. Ranh giới cái chết và sự sống dường như không còn tồn tại.

Ngày giỗ đầu Người, tôi đã ao ước:

Bố hãy hiện về một hôm
Cho dù là xương là thịt
Hay là khói mờ sương quất
Con vẫn vòng tay con ôm

Vâng, khi ấy tôi nghĩ, bố hiện về và tôi chắc chắn sẽ ôm chầm lấy bố, không còn nỗi e ngại trẻ con của thời thơ ấu nữa!

Nguyễn Thụy Anh, từ Liên bang Nga – 16-6-2007


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn