NHỮNG TRANG VIẾT VỀ MẸ (1)

Thứ năm - 21/06/2007 15:37

1. Mẹ thân yêu! Cứ mỗi lần có dịp ngang qua cầu Châu Ổ, nơi ngày xưa Mẹ dứt khoát lựa chọn một dòng trôi theo ba về đất Huế, bao nỗi xúc động lại trào dâng trong lòng con. Viết những trang này là một ước vọng mà con đã dự định bao lần, nhưng mãi con vẫn chưa đủ siêng năng để hoàn thành tâm nguyện. Những dòng này là một cơ duyên cho con làm được điều mình vẫn hằng muốn, để Mẹ có thể vui lòng, rằng con không hề quên người mẹ vô vàn kính yêu!

Núi Ấn sông Trà, hình ảnh gần gũi với quê ngoại của Mẹ... - Nguồn ảnh: website của tỉnh Quảng Ngãi

Con chưa biết nên bắt đầu từ đâu, bởi câu chuyện về Mẹ, với con, không dễ kể. Đó không phải là một câu chuyện mà con biết được từ đầu, mà là sự góp nhặt từ tuổi ấu thơ đến lớn, ngay cả khi Mẹ không còn trên cõi đời này. Góp nhặt từ ký ức trẻ thơ của con, từ những mẫu chuyện tình cờ trong lời dạy bảo của ông bà nội, từ tâm tình bất chợt trong những phút ngẫu nhiên nào đó của các bác, các thím dâu..., từ tâm sự của Ba khi con đã đủ lớn khôn để hiểu... - nhưng nhiều nhất vẫn là những mẩu chuyện kể của bà ngoại từ những lần trở lại sau nhiều năm cách biệt, trong những chiều hè ngồi trước hiên nhà đón gió lên từ biển hoặc những đêm xuân bên bếp lửa hồng bập bùng, tưởng nhớ một người thân yêu đã vời xa... Cũng đôi khi là góp nhặt từ lời kể của Cậu, đầy vẻ xót xa, sau phút trầm ngâm suy tưởng, từ trong những câu chuyện huyên thuyên đầy vẻ thần bí của Mợ nữa, Mẹ à!

Không ai biết con đã miệt mài góp nhặt để rồi dần hoàn chỉnh câu chuyện có thật về người mẹ của mình. Một câu chuyện làm con bao lần rơi nước mắt theo những vui buồn, đau đớn, hạnh phúc của một người con gái Quảng năm nao!

2. Có lẽ nên bắt đầu bằng câu chuyện về một tấm bia mộ.

Đó là một ngày khi tôi đang học tiểu học, hôm đó Ba về nhà, có chở theo một tấm bia mộ. Tò mò, tôi theo chân Ba ra vườn, lúc Ba đặt tấm bia xuống hiên sau nhà, tôi đọc được những dòng chữ khắc trên bia. Một dòng họ tên lạ hoắc của người qua đời, bên dưới, chỗ đề tên người dựng bia lại là tên hai chị em tôi! Tròn mắt, tôi hỏi Ba: “Bia của ai vậy Ba?” Ba cười, xoa đầu tôi rồi bảo: “Bia của Mẹ con đó chứ ai!” Có lẽ thấy mắt tôi vẫn chất chứa đầy sự nghi hoặc, Ba giải thích thêm: “Họ tên thật của mẹ con đó mà!”

Và thế là câu chuyện về mẹ tôi lần đầu tiên tôi được biết! Nước mắt tôi rơi lã chã trong khi Ba tôi rầu rầu kể lại: họ tên thật của mẹ không phải là T.T.C. như tôi vẫn biết, mà là P.T.Th như trên tấm bia. Mẹ yêu Ba, không được gia đình đằng ngoại chấp thuận nên bỏ nhà theo Ba về Huế, phải đổi cả họ tên để tránh bị tìm ra. Bây giờ đã đến lúc phải trả lại họ tên thật cho Mẹ rồi!

Tôi nhớ hôm đó tôi đã khóc suốt cả ngày vì một sự thật về Mẹ tôi chỉ được biết lần đầu 5, 6 năm sau khi mẹ qua đời! Tôi khóc không vì giận mọi người đã giấu tôi chuyện này, mà chỉ thấy buồn tủi cho mình, cho Mẹ. Có ai như tôi không, đằng đẳng bao nhiêu năm trời kể từ khi chào đời mới biết họ tên thật của người mẹ thân yêu? Cái tên lâu nay trên giấy khai sinh của tôi là tên của người chị ruột của Mẹ, còn cái họ kia lại chỉ do mẹ tình cờ chọn của một dòng họ tương đối có thế lực ở quê mình! Hóa ra, còn bao nhiêu điều mà tôi chưa biết về Mẹ, lâu nay, tôi nhớ thương mẹ chỉ gói gọn trong cái nghĩa thông thường của một người con mất mẹ. Còn sự thật về mẹ tôi, về miền quê ngoại lâu nay chỉ đơn giản là một địa danh - không hơn không kém - trong lòng tôi, lại ẩn chứa bao điều chưa khám phá hết!

Tuổi thơ không cho phép tôi hiểu nhiều, nghĩ nhiều, nhưng từ hôm đó trở đi, tôi nung nấu một ý định: phải tìm hiểu về Mẹ, về những điều chưa được biết, qua những người thân đã từng sống, từng chứng kiến ngày mẹ về làm dâu đất Huế cho đến phút lâm chung.

Trong một chừng mực nào đó, điều này cũng đồng nghĩa với hành trình tìm lại cội nguồn của tôi!

3. Chuyện kể rằng...

Quê mẹ ở Mỹ Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ngày đó, theo lời kể lại, Mẹ là một cô thôn nữ xinh xắn, được gia đình cho học hành tử tế. Là con gái út của một gia đình ít con, Mẹ được cả nhà yêu thương, chăm chút. Cô Năm Th. được nhiều chàng trai làng để mắt, nhưng còn mải học nên cô chẳng chịu thích ai. Mọi người vẫn kể, Mẹ ghét bà chị họ ham vui, cứ cặp kè nay chàng này mai chàng khác, nên mỗi lần làm bài kiểm tra Mẹ chẳng bao giờ chịu cho chị ấy xem bài! Nhưng rồi việc gì phải đến đã đến, chẳng kịp cho Mẹ có thời gian để lựa chọn: Bà Ngoại tôi đã chọn được một chàng rể vừa ý mình! Mặc cho Mẹ phản đối, Bà Ngoại, rồi Cậu tôi cứ cho đằng trai làm lễ dạm hỏi, đâu vào đó cả, chỉ đợi qua Tết là làm lễ cưới!

Trước sự áp đặt của gia đình, Mẹ không còn cách nào khác là phải chấp nhận người chồng mà Mẹ không hề yêu thương, không chút khâm phục (sau này, Ba tôi kể lại là Mẹ chê người đàn ông đó học hành chẳng giỏi giang gì!) Cách phản đối duy nhất mà Mẹ lựa chọn lúc đó là làm sao để người đàn ông đó chán ghét mình, may ra, ông ấy sẽ từ hôn!

Vậy là bắt đầu một "chiến dịch" phản ứng ngầm mà Ngoại tôi, Cậu tôi có thể không biết, hoặc giả có biết (vì tôi biết điều này chính do Ngoại tôi kể lại) thì cũng giả vờ chẳng thấy, chẳng biết gì. Cứ xem như đó là một cách để Mẹ tôi trút bỏ nổi bất bình vì bị ép gả, còn sau đó, thể nào Mẹ chẳng quy hàng!

Theo lời Ngoại kể lại, mỗi lần người đàn ông đó đến nhà " làm rể", phụ giúp công việc đồng áng của gia đình, được Ngoại sai đi chợ về làm cơm đãi " rể", Mẹ tôi chỉ chăm chăm chọn mua các loại cá xương toàn xương. Cơm nấu thì mười bữa đã khê hết chín! Ngoại lắc đầu, Cậu cũng ngán ngẩm, nhưng không dám trách mắng, chỉ sợ Mẹ tôi nổi hung, vỡ hết cả mọi chuyện. Chưa hết, nhiều lần Mẹ còn "tai quái" hơn, lúc chàng rể đang ngồi trò chuyện ngoài sân cùng Mẹ vợ tương lai, núp sau cánh cửa nhà, Mẹ giả vờ không hay biết, tạt nguyên cả bát nước chè ra sân khiến anh chàng kia lãnh đủ, biết Mẹ cố tình, nhưng vẫn phải im re! Hết cách rồi, Mẹ nhắn gửi khắp với bạn bè là Mẹ chê người ta, vậy mà "họ" cứ mỗi lần giỗ, Tết đều mang lễ vật đến nhà làm tròn chuyện sui gia hai họ. Mỗi lần như thế, bà tôi lại khổ vì mâm lễ vật sau khi nhà trai về lại biến đi đâu mất, tìm mãi thì thấy vạ vật tận sau góc hè, hoặc bên gốc mít trong vườn nhà! Có bị la mắng, Mẹ chỉ làm thinh, nước mắt khoanh tròn, nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy!

Sắp tới Tết rồi, lẽ ra cả nhà đều vui, vậy mà theo lời Ngoại kể, không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, cứ như nhà có đám! Còn Mẹ tôi, ngày càng ít nói. Cô thôn nữ ngày nào tươi tắn thế, nay âm thầm như lúc nào cũng mải nghĩ suy gì. Ngoại tôi lo lắm, thỉnh thoảng gặn hỏi, Mẹ trả lời thẳng: "Mẹ, Anh mà cứ ép, một là con bỏ nhà đi, hai là con tự sát, chứ nhất định không chịu lấy Ba H.!"
 
Cứ tưởng buồn bực thì chỉ nói thế thôi, ai ngờ Mẹ tôi làm thực...

Nguyệt Thu - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn