NHỮNG TRANG VIẾT VỀ MẸ (3)

Chủ nhật - 08/07/2007 10:54

6. Góp nhặt từ mọi người...

Dòng Hương Giang - Ảnh: NetCoDo

Ông nội tôi là một người đi nhiều hiểu rộng, thời trẻ, ít người theo kịp ông về sức khỏe, độ dẻo dai (ông từng đạp xe đạp từ Hà Tĩnh vào Huế!) Nhờ đi nhiều, giao du rộng, tâm hồn Ông tôi phóng khoáng hơn nhiều người cùng tuổi đương thời.

Nhờ vậy, sau cú sốc của đêm 29 Tết mà Ba Mẹ tôi gây ra, Ông tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và xử lý thật tuyệt vời: chấp nhận sự đã rồi, chấp nhận Mẹ tôi mà không một lời chất vấn! Dù vậy, tôi vẫn nghĩ: có lẽ đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn thì Ông tôi đang "tinh quái" quan sát ngầm "nàng dâu từ trên trời rơi xuống" để chọn quyết sách của mình! Nếu không, sau này làm gì có chuyện Ông tôi lặn lội vào Quảng Ngãi mang theo đôi trẻ đang nơm nớp sợ bị trừng phạt để xin được chính thức "thiết lập" quan hệ giữa hai nhà?

Bà nội tôi thì khác, bà là một phụ nữ của nếp nhà "tam tòng tứ đức", suốt đời lấy "sự nghiệp" phụng dưỡng cha mẹ chồng, nâng khăn sửa túi cho “đức lang quân” và nuôi nấng con cái làm nghiệp chính. Thêm nữa, từ trước cho tới ngày Ba tôi dẫn Mẹ tôi về, chưa bao giờ Bà tôi lại tưởng tượng có ngày con trai lại rước về nhà một cô vợ xứ Quảng, lại chẳng hề có nghi thức cưới xin! Với Bà tôi, đây là chuyện động trời, khó có thể chấp nhận được! Trước nay, trong gia đình không hề có chuyện ngược đời này! Tuy nhiên, vì thương con trai, vì sợ chuyện vỡ lỡ rùm beng, thiên hạ dị nghị, Bà tôi đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", tạm thời chấp nhận, để từ từ "chấn chỉnh " sau!

Xem ra thì chắc chắn hành trình làm dâu xứ Huế của Mẹ thân yêu của tôi sẽ vất vả hung rồi!

7. Làm dâu đất Huế...

Theo các bác, các thim dâu tôi, cuộc chiến "Dâu - Gia" ở nhà Nội tôi hồi ấy không đến nỗi ầm ĩ, căng thẳng vì suy cho cùng, Bà Nội tôi cũng là người nhân hậu, cảnh làm dâu của bà ngày trước đã khiến Bà tôi dễ thông cảm với thân phận dâu con; tuy vậy, theo Bác tôi kể lại, Mẹ tôi cũng đã không ít lần khóc trộm sau hè nhà...

Chỉ mỗi chuyện Bà tôi không sao quen được cái giọng Quảng lạ tai và cái cơ sự ngôn ngữ địa phương bất đồng cũng đã khiến Mẹ tôi âu sầu biết mấy!

Hồi đó, nhà Nội đông người, các Bác lập gia đình rồi vẫn còn quây quần dưới mái nhà chung, thêm mấy người làm phụ Bà tôi nấu rượu, nuôi cả trại heo sau vườn nữa là cả... làng người ăn rồi. Mỗi bữa cơm, với cô dâu mới, việc tính toán để nấu sao cho vừa chừng ấy người ăn là cả một vấn đề. Với tính cẩn thận, và để " tranh thủ" mẹ chồng, lúc nào Mẹ cũng hỏi Bà đong chừng nào gạo để nấu. Vậy mà không hiểu sao cơm bữa nào cũng thừa ra chừng nồi ba, nồi bảy! Một vài lần không nói gì, sau chừng không nhịn được nữa, Bà tôi bắt đầu ca thán chuyện con dâu mới không biết tiết kiệm là gì!

Oan ức, nhưng nào dám mở lời phân bua, Mẹ chỉ còn biết âm thầm gạt nước mắt, không hiểu mình đã làm sai chỗ nào; tủi thân, Mẹ nghĩ chắc mẹ chồng ghét mình là con gái Quảng, về nhà chồng mà không có nghi thức cưới xin! Nỗi đau đó sẽ còn kéo dài không biết đến lúc nào, nếu như tình cờ Bác dâu tôi không phát hiện được cái sự nhầm lẫn giữa "lon" của người Quảng với cái "sét lon" của người Huế vốn có sự cách biệt. "Lon" của người Quảng là một lon vun có ngọn, còn cái lon gạo của người Huế lại chính là "sét lon" của xứ Quảng đó thôi! Hiểu ra sự tình, Mẹ tôi nhanh chóng lấy lại niềm tự tin, quyết tâm phải "học" để làm một người con dâu Huế thực thụ.

Theo lời Bác dâu tôi, Bác đã giúp Mẹ tôi rất nhiều trong nỗ lực nầy của Mẹ để đến một ngày, mọi người đến nhà Ông tôi chơi, đêu phải ngạc nhiên: "Nghe nói nhà bác có người con dâu xứ Quảng, răng tui chẳng nghe ai nói giọng Quảng rứa hè?" Nghe kể lại nhận xét nầy, Mẹ tôi vui lắm, mặt mày rạng rỡ hẳn lên! "Chiến công" vang dội đó của Mẹ tôi được nhiều người quen biết gật gù, tấm tắt, họ khen Mẹ tôi đúng là một cô con dâu hiền thảo. Còn điều này nữa: ngay cả tôi, từ lúc bắt đầu biết nhận thức về thế giới chung quanh, cũng chưa khi nào nghĩ Mẹ tôi không phải là người Huế! Dấu tích còn sót lại, theo mọi người kể, nhiều lắm cũng chỉ là trong những lúc hò ru con.

Những lúc đó, cái giọng Huế pha Quảng của Mẹ tôi, cùng câu hò ru con xứ Quảng, ai nghe cũng thấy mủi lòng!

Các phần trước:

Phần 1

Phần 2

Nguyệt Thu - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn