NÓI VỚI TRẺ EM VỀ CÁI CHẾT?

Chủ nhật - 29/06/2008 22:54

(NCTG) Hàng xóm cũ của tôi, có một người mẹ mất đi, để lại đứa con gái bé 5 tuổi.

Cái chết là một phần của cuộc sống...

Gia đình bảo với bé là mẹ đi công tác xa. Không cho bé đi dự lễ tang.

Bé nhớ mẹ. Nỗi nhớ khi phải chia tay với người mẹ lúc mẹ đi công tác xa so với nỗi nhớ khi mẹ đã ra đi mãi mãi ở thời điểm này hoàn toàn không khác gì nhau. Thậm chí, bé còn thấy đau khổ hơn vì bé không thể hiểu nổi vì sao mẹ không liên lạc với bé bằng điện thoại, bằng những lá thư, những tấm thiệp. Vì thế, việc nói dối trẻ, né tránh nói đến cái chết là một điều sai lầm.

Cái chết cũng là một hiện tượng tất yếu trong đời một con người. Trẻ cần được biết về nó, nhưng không phải để sợ hãi, mà chỉ để trẻ có được khái niệm "sống - chết" một cách bình tĩnh và có cái nhìn "logic" đối với hiện tượng này cũng như với bất kỳ các hiện tượng thiên nhiên và xã hội nào khác.

Tôi vừa đọc được tin về một cuộc triển lãm rất đặc biệt ở Berlin, hiện đang diễn ra cho đến hết ngày 29-8-2008, có tên là "Hãy kể cho em về cái chết". Triển lãm dành cho đối tượng là trẻ em. Ở đây, người ta đặt những chiếc quan tài gỗ sồi, cho gióng những tiếng chuông nhà thờ báo hiệu cái chết của một con người, trên tường treo những tấm chân dung của những người đã qua đời nhưng tên tuổi trở thành bất tử... Trẻ em đến đây cùng cha mẹ, tiếp cận với “cái chết" một cách rất cụ thể, có thể cũng đáng sợ, nhưng sau buổi tham quan, hẳn nỗi sợ ấy không còn lại mấy nữa. Người ta còn chiếu bộ phim “Cuộc sống đi đâu?” - trong đó các em bé tự do nói lên "quan điểm" của mình về cuộc sống sau khi chết. Thế giới của những linh hồn qua suy nghĩ của các em thật là sinh động và... thậm chí, còn rất đáng yêu! Một em bé nói: "Sau khi chết, chúng ta sẽ trở lại cuộc sống, biến thành nhện và cá!" Một em thì tưởng tượng bên cạnh quan tài sẽ hiện ra một cái thang máy để đưa người chết lên Thiên Đàng.

Nghe những ý tưởng ngộ nghĩnh ấy, có còn ai sợ nói đến “cái chết” nữa không?

Tôi thì không. Vì tôi cũng thích nghĩ đến một thế giới tốt đẹp dịu hiền sau khi chết, để những người thân của tôi đã qua đời có thể tồn tại, và từ đó nhìn về phía tôi, hàng ngày gần gũi tôi. Cha tôi mất đã 16 năm rồi, mà tôi vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu tiên xa ông. Một sự liên hệ kỳ diệu giữa hai thế giới là có thực. Tôi cảm nhận được điều ấy. Sự trở về của cha trong những giấc mơ khiến tôi không còn cảm giác xa xôi nữa. Và tại sao không thể tưởng tượng, giống như bọn trẻ con ấy, về cuộc sống sau khi chết, để cả người đã khuất lẫn người đang sống đều được an ủi và ấm lòng hơn, để ta có thể buồn nhớ mà không sầu não?

Tối nay tôi ngồi viết một mẩu chuyện... vui nhộn về “cái chết” để đọc cho con trai nghe. Trong đó, nó nhìn thấy ông nội, ông ngoại. Một ông thì có đôi cánh để bay. Một ông lại lái một chiếc máy bay trực thăng, có cánh quạt nhiều màu. Cả hai ông đều yêu quý nó. Nó thích câu chuyện lắm, và sau khi nhìn ảnh hai ông thì khẳng định là đã gặp các ông rồi, và rất nhớ ông.

Nó gọi điện về cho bà và hỏi: "Bà ơi, ông thành thiên thần rồi, bà có nhớ ông không?"

Thụy Anh, từ Liên bang Nga


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn