Nhà văn Christine Nöstlinger - Ảnh: Andreas Tischle
Christine Nöstlinger sinh năm 1936 tại Vienna và trưởng thành tại một
thị trấn ngoại ô của thủ đô nước Áo. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà
muốn theo nghề hội họa, nhưng rồi lại học đồ họa ứng dụng tại Học viện
Mỹ thuật Công nghiệp Vienna.
Là mẹ của hai con gái hơn kém nhau 2 tuổi, Christine khởi nghiệp viết
khi bà ở nhà trông các con nhỏ. Với chuyên môn về đồ họa và hội họa,
Christine cũng hay minh họa cho các tác phẩm của mình. Cho đến nay, dù
tuổi đã cao và sức khỏe đã yếu, bà vẫn cộng tác với báo chí, đài phát
thanh và truyền hình Áo.
Sở hữu một sự nghiệp đồ sộ gồm các tác phẩm với nhiều thể loại cho thiếu nhi và người lớn, Christine Nöstlinger là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi, trong số đó, quan trọng nhất là Huy chương Hans Christian Andersen - giải thưởng danh giá nhất của văn học thiếu nhi quốc tế - cho toàn bộ văn nghiệp, mà bà được nhận năm 1984.
Trong số các tác phẩm trong thời gian gần đây của Christine Nöstlinger, nổi bật là cuốn “Ein und Alles” (2002) mà bà hợp tác với họa sĩ nổi tiếng Jutta Bauer, người đã có gần 30 năm trong nghề minh họa cho các ấn phẩm thiếu nhi. Năm 2010, bà cũng đã được trao giải thưởng Andersen trong hạng mục các tác phẩm minh họa.
Một số mẩu ngắn trong sách - được Cheri Phạm chuyển ngữ sau đây - cho thấy: Christine Nöstlinger đã quan sát và thấu hiểu tâm lý trẻ em, nắm bắt được những suy nghĩ của thiếu nhi và khắc họa chúng rất thành công trong sách. Thế giới nội tâm của thiếu nhi, qua ngòi bút của bà, có lúc tưởng chừng đơn giản hơn của người lớn nhưng cũng nhiều khi khiến các bậc cha mẹ phải giật mình nhìn lại.
NCTG chân thành cám ơn Cheri Phạm đã chia sẻ các bản dịch của chị! (NCTG)
Bìa cuốn sách “Ein und Alles”
*
XUNG ĐỘT
Nhu cầu của bố mẹ là: mong con cái cần mình.
Nhu cầu của bọn trẻ là: không cần bố mẹ.
Như thế là xảy ra xung đột. Từ xung đột, phát sinh ra những khó khăn và bọn trẻ thì phải gánh chịu điều đó. Bố mẹ tốt là bố mẹ giúp đỡ con cái trong việc gánh chịu khó khăn. Điều này nghĩa là: bố mẹ mua cho con cặp sách để con đến trường và gánh nặng sẽ được san đều ra hai bên vai của bọn trẻ.
*
AI LÀ NGƯỜI NÓI CÂU ẤY ĐẦU TIÊN?
“
Ngày xưa bố làm sao được sướng như con bây giờ” - ông bố nói với cậu con trai. “
Con không thể tưởng tượng được là ngày xưa bố thiếu thốn như thế nào đâu?”.
Ba mươi năm trước, ông nội – lúc đó lần đầu tiên được làm bố - cũng nói: “
Ngày xưa bố làm sao được sướng như con bây giờ. Con không tưởng tượng được là ngày xưa bố thiếu thốn như thế nào đâu?”.
Ông nội, ngày bé cũng thường xuyên được nghe câu tương tự từ bố của ông – tức là cố nội bây giờ.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bọn trẻ con luôn phải lắng nghe câu nói này. Nhưng không ai biết, ai là người nói câu này đầu tiên?
Câu này chắc chắn không thể là của Adam vì Adam chưa từng là trẻ con. Lúc Adam được tạo ra, Adam đã là người trưởng thành.
*
CHUYỆN TÌNH CỦA TOMAS
Tomas năm nay mười tuổi. Cậu chơi với cô hàng xóm Bille đã được gần năm năm.
Gần đây có hàng xóm mới dọn tới. Cậu chàng mới tới tên là Konrad và cũng bằng tuổi Tomas. Bille đã phải lòng cậu ta ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bille nói với Tomas: “
Tớ rất tiếc nhưng mà chúng ta phải chia tay nhau thôi”.
Tomas buồn vô hạn. Nỗi buồn của Tomas chẳng hề vơi đi mà càng ngày càng nhiều lên. Tomas không muốn có bạn gái mới mặc dù với cậu ta chuyện có bạn gái mới chả khó khăn gì.
Bố mẹ Tomas rất lo lắng cho cậu: “
Nói cho bố mẹ biết xem bố mẹ có thể giúp gì được con nào?”. Chị gái lớn và cậu em nhỏ cũng lo lắng cho Tomas và cũng hỏi câu tương tự: “
Làm thế nào để giúp Tomas hết buồn bây giờ?”.
Nhưng ngay cả Tomas đáng thương cũng không biết câu trả lời.
Nhiều tuần trôi qua, đột nhiên Bille gọi điện cho Tomas và nói: “
Tớ đã chia tay Konrad rồi. cậu có muốn lại làm bạn trai của tớ không?”.
“
Có chứ, tớ tới nhà cậu ngay đây” - Tomas trả lời và đặt ống nghe xuống.
“
Em sẽ không thèm nói chuyện với con bò ngớ ngẩn đó” - cậu em trai nói.
“
Mày có phải thằng hề của nó đâu em?!” – còn chị gái thì hét lên.
Mẹ thì bảo: “
Trời ạ, nó đã làm con thất tình cơ mà?”.
Bố ngán ngẩm: “
Mày chẳng có tí tự trọng nào cả!”.
Tomas không để ý tới những gì mọi người nói, cậu vẫn tiếp tục mặc áo khoác và xỏ giày.
“
Thằng này đúng là không ra sao, không thể giúp gì được nó thật rồi” - cả nhà đồng thanh.
“
Bây giờ con chả cần ai giúp” - Tomas trả lời và chạy ra khỏi nhà. Vừa đi cậu vừa nghĩ: “
Mọi người buồn cười thật. Chả lẽ họ muốn mình cứ thất tình mãi sao?”.