LÁ THƯ CỦA NGƯỜI MẸ “ĐI TÌM SỰ CÔNG BẰNG CHO CON”

Thứ ba - 22/03/2011 16:49

(NCTG) “Con chưa biết bao biện, mình mẹ đi tìm sự công bằng cho con...” là những dòng mà chị Quỳnh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) viết trên trang Facebook cá nhân, thuật lại câu chuyện của cháu trai của chị, bé Anh Phi, 2 tuổi, học trường Mầm non Little Angel (Dương Quảng Hàm) từ tháng 12-2010.


Chị Quỳnh Phương và cháu Voi (tên thân mật của Anh Phi) trong sinh nhật lần thứ hai của cháu - Ảnh do nhân vật cung cấp


Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Anh Phi đã thường xuyên bị cô giáo dùng khăn quàng trói vào chiếc ghế đặt ở góc lớp, cách ly hẳn với bạn bè, trước khi các cháu khác được ăn uống hay vui chơi.

Lý do của “biện pháp cưỡng chế” được nêu ra, là do cháu quá quậy phá, “rất nghịch, hay cấu, cắn các bạn, các cô, gạt đồ ăn trên bàn trong giờ ăn…”, và cô phụ trách “đã thử rất nhiều cách như dỗ dành, ôm ấp… mỗi khi cháu quậy phá nhưng không hiệu quả, thậm chí khiến cháu càng “hung” hơn nên mới phải khống chế bằng cách buộc vào ghế”.

Trả lời báo chí, hiệu trưởng nhà trường, bà Trần Bích Lan, cũng xác nhận là bà biết cháu Phi bị buộc vào ghế để giữ cháu ngồi yên từ khá lâu, tuy nhiên, dù biết đây không phải là cách hay để giáo dục trẻ nhưng bà cũng đồng ý “vì tin tưởng giáo viên, đồng thời yên tâm khi cô giáo cho biết đã trao đổi và được phụ huynh ủng hộ”.

Được đưa lên nhiều mặt báo và các diễn đàn trên mạng Internet, câu chuyện của cháu Anh Phi đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề phải xử lý ra sao, phải áp dụng hình thức giáo dục - thậm chí hình phạt - như thế nào với trẻ em bị coi là quậy phá quá mức, hoặc khi các cháu phạm lỗi.

Ý kiến của TS. Giáo dục học Thiếu nhi Thụy Anh cho rằng dùng khăn buộc trẻ là một phương pháp tiêu cực, mà cần phải dùng những biện pháp thích hợp hơn - kèm sự gia tăng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình vì lợi ích trẻ thơ - là một cái nhìn khoa học và nhân đạo, nhưng cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía không ít bạn đọc.

Trở lại trường hợp của cháu Anh Phi, trong trao đổi với NCTG, chị Quỳnh Phương cho biết: những thông tin mà chị viết trong lá thư gửi tòa soạn nhiều tờ báo ở Việt Nam đã được sử dụng một cách không đầy đủ, khiến độc giả có thể nhìn nhận không đúng vấn đề.

Đặc biệt, chị rất bất bình khi nhà trường biện giải cho việc trói cháu vào ghế, là bởi cháu có những biểu hiện tăng động, hung hãn - theo lời chị, trong thời gian hơn 2 tháng, mỗi khi đón con về, ít nhất trong 30 dịp, chị luôn hỏi cô cháu có ngoan, có nghịch phá các bạn không, thì cô đều bảo cháu ngoan và yêu các bạn.

Trên trang FB cá nhân, chia sẻ với bạn bè, chị cũng có những thổ lộ đầy đau buồn: “Điều mẹ cảm thấy cay đắng, đau đớn nhất là mỗi sáng gửi Voi đi học, con thường oằn mình chống chế kháng cự và khóc lóc khi giao con vào tay cô, nhưng bố mẹ đã không tin con, thường mắng Voi hư, nhưng nào ngờ ngay sau đó 1 phút, con đã bị trói dính vào ghế rồi... Đây là điều mà mẹ ân hận nhất con yêu ạ.

Đúng là nếu chỉ đọc một bài báo, mọi người có thể nghĩ đủ chiều, và có những người còn nghĩ bố mẹ thiếu quan tâm đến con, ỷ lại vào nhà trường hay người giữ trẻ. Tình yêu mẹ dành cho Voi, chưa bao giờ cần chứng minh thêm con ạ.

Có một chuyện rất buồn mà đến giờ chắc chẳng ai biết: con vốn thiếu hụt hơn các bạn khác vì con có một trái tim ko khỏe mạnh. Mẹ đã hoàn toàn ở nhà chăm sóc con một thời gian dài và sau đó bị lao lực, phải gửi con đi học còn mẹ ở nhà một thời gian đấu tranh với thuốc.

Khi giao con cho nhà trường, mẹ đã dặn cô hiệu trưởng về tình trạng sức khỏe của con, mong cô ưu tiên cho con hơn, và nếu đóng học phí cao hơn mẹ cũng đồng ý. Vì con mẹ bị tim bẩm sinh nên rất hay ra mồ hôi trộm, con bị trói suốt thế nên mồ hôi ra nhiều, ngày nào đi học cũng uống thuốc vì viêm phế quản và hô hấp liên tục.

Mẹ vẫn nghĩ vì con yếu hơn các bạn. Có ngờ đâu, mỗi ngày giao con đi học con cứ khóc suốt vật vã trên tay cô giáo, và sau đó 1 phút con đã bị cột chặt vào ghế...”.

Để rộng đường dư luận, NCTG xin đăng lại toàn văn lá thư của chị Quỳnh Phương, phản ánh từ góc độ cái nhìn các nhân của cha mẹ có con tới trường, về một trường hợp chắc sẽ còn được các bậc phụ huynh, các chuyên gia giáo dục cùng nhà trường chung tay bàn bạc để tìm ra giải pháp tối ưu. (NCTG)


Hai mẹ con chị Quỳnh Phương - Ảnh do nhân vật cung cấp


Tôi là một bà mẹ có con nhỏ và như bao bậc phụ huynh khác, vấn đề ưu tiên hàng đầu là chăm sóc giáo dục con cái. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm và cố gắng lựa chọn cho con một môi trường thích hợp để có thể yên tâm công tác, chúng tôi đã gửi gắm con tại trường Mầm non Little Angel (hay còn gọi là “Mầm non Thiên Thần Nhỏ” - địa chỉ: số 38 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội).

Mầm non Little Angel có khuôn viên nhỏ, không có vườn để trẻ có thể vui đùa, nhưng bù lại nội thất trong trường đẹp, đầy đủ tiện nghi, khiến những ông bố bà mẹ một lần đặt chân đến đây đều có cảm giác an tâm và chấp nhận những hạn chế khác về không gian hạn hẹp của trường vì vốn dĩ trường nằm trên một con đường nhỏ cùng dân cư đông đúc.

Tôi hoàn toàn yên tâm mặc dù mức học phí của trường khá cao so với mặt bằng chung và thuộc hệ thống trường Mầm non cao cấp. (Theo đó, học phí trung bình của con mỗi tháng khoảng 2,5 triệu). Tâm lý làm cha mẹ, ai cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, dẫu biết không gì dành cho con tuyệt vời như từ chính tay cha mẹ mang lại, nhưng tìm được nơi có thể yên tâm gửi gắm con trong những lúc cha mẹ bộn bề công việc cũng khiến chúng tôi được an ủi phần nào.

Tôi đã rất hy vọng con được tiếp xúc với một môi trường tình bạn trong sáng, những góc học tập sáng tạo và khoa học mà chỉ có thể đến từ một đội ngũ được giáo dục bài bản, chính quy và trường lớp.

Ngày 23-1-2011, cô giáo phê trong sổ liên lạc nhà trường: “Vì con hay nghịch một mình, hay trèo lên kệ, bàn nên có một số giờ cô buộc phải lấy buộc ghế để cho con ngồi yên. Bố mẹ xem camera thấy vậy đừng lo ạ. Khi con ngồi vậy thì con đã chịu học cùng các bạn, hát ê a cùng cô. Còn dần quen với nếp ngồi ngoan.”

Tôi hơi chạnh lòng vì có cảm giác con được xác định là “học sinh cá biệt” và gây khó khăn trong công tác chăm sóc của các cô. Nhưng bỏ qua những cảm nhận ưu ái cố hữu vốn đến từ máu thịt, tôi chấp nhận việc làm đó để mong con có thể hoà nhập trọn vẹn giờ học tập cùng lớp. (Mặc dù khi đó cháu chưa đầy 2 tuổi.)

Lúc này, tôi đang dần ưu ái hoá nhà trường, mỗi lần đón con đi học về, cô hiệu trưởng còn liên tục nhắc vợ chồng chúng tôi (vì vốn trẻ nên hay bị quy đổi với sự thiếu kinh nghiệm) về phương pháp giáo dục con tại nhà. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các cô cùng sự yên tâm tối đa về phương pháp giáo dục con trẻ ở nhà trường.

Thông thường mỗi khi đón con đi học về, tôi rất ít khi lên tận lớp đón cháu, vì cô hiệu trưởng thường nhắc tôi đứng dưới sẽ có cô giáo chủ nhiệm lớp đưa con xuống. Mặc dù rất muốn gây tâm lý vui bất ngờ cho con, nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận mọi yêu cầu từ cô hiệu trưởng, phần lớn xuất phát từ sự tôn trọng người giáo dục con mình.

Nhưng không giống như tôi, một ngày tôi đưa người giúp việc đi đón con cùng, và chị này vốn không hiểu “thói quen nghề nghiệp” của cô hiệu trưởng, nên “tung tăng” lên lớp đón con. Lên đến lớp, đúng trong giờ uống sữa chiều, có một bạn nhỏ (tầm tuổi con tôi), do uống sữa bị văng ra ngoài, cô bắt phải phạt úp mặt vào lớp, khi con vừa quay ngoảnh mặt ra nhìn các bạn, cô liền lấy tay đẩy đầu quay mặt vào tường và kèm theo quát. Sau câu chuyện này, tôi dần chú ý hơn đến cách thức giao trả trẻ của nhà trường.

Chiều 15-3-2011 là lần thứ ba tôi lên tận lớp đón con. Điều đập vào mắt tôi là một sự bẽ bàng: con ngồi góc lớp im thít nhìn các bạn chơi giữa phòng cùng cô giáo. Tôi gọi, con tôi nhìn thấy tôi mặt vui sướng như bắt được cứu cánh, nhưng chân lại chới với không lao ra được với mẹ. Tôi thấy lạ kỳ, sao con có thể ngồi yên khi mẹ đến đón? Ngay lúc ấy, cô giáo chạy ra tháo dây khăn trói con quanh bụng, rồi líu ríu giải thích vì con phá lớp quá nên cô phải để con ngồi một chỗ như thế.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên về phương pháp giáo dục lạ kỳ này, nó rất giống hình thức tẩy chay vô cùng khắc nghiệt về tinh thần và rất ảnh hưởng đến tâm sinh lý mới lớn ở trẻ, đồng thời gây sự ức chế ngầm bột phát khi con chưa biết nói và không thể giải tỏa thành lời, vậy mọi hành động đi kèm sau này sẽ là di chứng cho những sự trừng phạt lạ lùng đó. Tôi im lặng đưa con về, trong lòng vô cùng cay đắng.

Sáng hôm sau, tôi vẫn đưa con đi học, cháu vẫn khóc rất dữ như từng ngày mỗi khi giao cháu cho cô giáo đón. Đến giờ trưa ăn cháo, tôi qua trường thăm con (đây là lần đầu tiên tôi đến trường giữa giờ hành chính). Tôi định sẽ nói chuyện với cô giáo hiệu trưởng về hành động kỳ lạ của các cô giáo chủ nhiệm lớp cháu, đề nghị xem xét và xác nhận lại hành động này để tôi có thể quyết định con tôi có thể tiếp tục học ở trường nữa không.

Khi tôi đến, cô hiệu trưởng không ở phòng đón tiếp, nhưng qua camera, tôi có thể thấy: con tôi đang ngồi một mình trong góc lớp một lần nữa, ngay giữa giờ ăn của cả lớp. Vào lớp cháu, tôi thấy cô hiệu trưởng cũng có mặt ngay trong phòng, và bẽ bàng khi thấy tôi: lẳng lặng đi vào, tháo dây trói cho con trai mình, lau nước mũi nước mắt cho cháu.

Rồi tôi lẳng lặng bế con về, chỉ thì thầm một câu: “Đi về con ạ, không học ở đây nữa”. Lòng tôi cay đắng, mắt tôi cay xè, mặt nóng ran nhưng không một giọt nước mắt rớt xuống. Tôi đã bế con đi trong giờ ăn của cả lớp, để các bé cùng lớp tiếp tục giờ ăn trong im lặng, vì các cháu quá bé, hồn nhiên và vô tư như chính con tôi vậy. Tôi nghe tiếng cô hiệu trưởng văng vẳng: “Để chị thanh toán tiền cho em”.

Đưa con về, tôi tới gặp cô hiệu trưởng lần nữa, xác định việc làm này thống nhất từ cô hiệu trưởng đến cô giáo chủ nhiệm lớp. Thật xấu hổ quá, khi tôi đã tự bao biện rằng cô hiệu trưởng sẽ đứng về phía tôi và mọi hành động kia sẽ dừng lại ở đó, thay vì từ con tôi sẽ chuyển sang một em bé khác. Nhưng những lời lẽ cô hiệu trưởng “hùng biện” quả là khiếp sợ.

Cô nói vì con tôi quá nghịch nên trói vào thế và sau đó cho con ăn sau. Tôi thoáng nghĩ giá có ngày cô ấy bị trói lại và nhìn mọi người ăn, mọi người chơi xung quanh mình, không hiểu còn có hình thức tẩy chay nào khắc nghiệt hơn không? Cô lại nói: “Chị không định nhận con em đâu, nhưng chị chưa tiện nói với em, để chị thanh toán tiền cho em”.

Tôi cầm đồng tiền học phí tháng cuối cùng của con từ tay cô giáo, những đồng tiền mà đôi vợ chồng trẻ như chúng tôi không phải dễ dàng kiếm được, với khuôn mặt lạnh lùng lãnh đạm từ cô hiệu trưởng, lòng đau xót, tôi buông một câu hỏi: “Tiền nào bù được tinh thần cho con tôi đây?”.

Mầm non Thiên Thần Nhỏ ư? Hay hơn cả chốn địa ngục cho những em nhỏ, tôi ra về và không bao giờ muốn bất cứ người thân yêu nào còn đặt chân đến đó nữa. Tạm biệt!

Một số điều tôi cần nói rõ:

- Trong thời gian cháu học ở trường, cô giáo chưa bao giờ có bất cứ một ý kiến nào nói rằng cháu có biểu hiện của bệnh lý. Thậm chí khi mẹ cháu có đề cập hỏi thăm tình hình của cháu ở trên lớp, cô giáo phụ trách lớp nói với phụ huynh rằng: con đã ngoan hơn, con rất yêu bạn, yêu cô.

Nhưng từ khi cháu rời khỏi nhà trường, cô hiệu trưởng thường xuyên bào chữa cho hành động trói cháu là do cháu mắc chứng tăng động (?). Bản thân mẹ cháu cũng đã nghiên cứu về các phương pháp nuôi con và các chứng bệnh trẻ thường mắc phải, và có tiếp xúc với khái niệm bệnh lý này, nhưng so với các biểu hiện của cháu thì thấy rằng cháu có hiếu động, nhưng không tăng động.

Vì cháu có khả năng lắng nghe và biết nghe lời, cháu ngủ dễ và ngủ nhiều (trong khi ở trẻ tăng động thường ngủ ít hơn các bạn cùng lứa), cháu biết nhận thức, ví dụ khi bố mẹ nhờ cháu lấy một thứ gì đó, cháu sẽ cố gắng tìm và đưa đúng thứ bố mẹ muốn.

Giả thiết, nếu cháu có bị tăng động đi nữa, thì việc nhà trường cần làm là thông tin lại cho gia đình biết. Đối với một trẻ có biểu hiện tăng động, việc trói cháu càng gây phản cảm ức chế tâm lý, dẫn đến tổn thương tinh thần và làm cho bệnh lý càng xấu đi nghiêm trọng.


Lời phê của cô giáo trông bé Phi trong sổ liên lạc

- Về vấn đề đối thoại với cô hiệu trưởng: cô có nói “chị không bao giờ làm việc này” (có lưu lại trong file âm thanh), nhưng khi trả lời phóng viên, cô lại nói “từ lâu rồi mà đến giờ mẹ Voi mới phản ứng vì trước giờ vẫn có thể theo dõi qua camera được”, điều này là hoàn toàn mâu thuẫn.

Tôi xin nhắc lại hoàn cảnh khi tôi đến vào trưa ngày 16-3-2011: Vì chiều hôm trước đã thấy con bị cô giáo lớp trói nên tôi đã tìm cách liên lạc với cô hiệu trưởng để phản đối hành vi này và cần một sự trả lời từ phía nhà trường, để có biện pháp xử phạt với cô giáo lớp hoặc cho tôi một câu trả lời đích đáng.

Nhưng khi không thấy cô hiệu trưởng ở phòng tiếp đón, tôi nhìn qua tivi có camera nhà trường (màn ảnh rộng) thấy con lại ngồi góc lớp như hôm trước, tôi đã vào lớp cháu và thấy con bị trói trong giờ ăn của cả lớp. Trong khi các bạn ăn thì con ngồi một góc ko ai chăm sóc, mồ hôi, nước mũi dầm dề và mặt thì nghệt ra rất tội nghiệp.

Khi tôi bước vào cởi trói cho con, cô hiệu trưởng cũng đang ngồi trong phòng đó nhưng chỉ ngồi với các cháu đang được cho ăn và hoàn toàn tách biệt với con trai tôi, cô đã hoàn toàn không đứng dậy để cởi trói cho Voi mà tiếp tục ngồi tại chỗ và nói xoa dịu “mẹ Voi cứ bình tình nghe cô giải thích đã…”.

Khi thấy tôi lẳng lặng đưa con về và nói với con: “Về thôi con ạ, không học ở trường này nữa”, và khi tôi đã bế con ra khỏi phòng, cô mới đứng lên nói với: “Em đợi chị thanh toán tiền cho em”. Điều này đồng nghĩa việc cô hoàn toàn đồng tình với việc làm này (trói con tôi cách ly với các bạn) và cũng không tha thiết yêu thương học sinh của mình.

Nhưng sau khi sự việc xảy ra và mọi việc bị làm lớn, cô lại gọi cho tôi và nói (theo như ghi trong file ghi âm) là: để cháu quay trở lại học và cô sẽ giúp đỡ cháu theo học trường cho trẻ em đặc biệt vì… “tương lai” của cháu.

- Về vấn đề tính cách của Voi: Voi là đứa trẻ háu ăn, rất thích xin “măm măm”, thậm chí khi mẹ nấu ăn thì luôn phải cho Voi một cái gì đó như bim bim hoặc ít cơm để con tự xúc. Con thấy việc ăn như một thú vui, và cách dỗ con nín nhanh nhất khi con đang khóc là cho con cái gì đấy để ăn.

Vì vậy khi trói con, bỏ con đói, để con nhìn các bạn ăn là một hành vi ngược đãi ko thể chấp nhận, đặc biệt với tính cách của con. Nó sẽ khiến con rất khổ sở và đáng thương. Chưa kể trói con trong giờ chơi, và con ko được tiếp xúc với đồ chơi bằng tay mà chỉ bằng mắt, gây sự ức chế thèm muốn ở trẻ quá khả năng chịu đựng của con.

- Về vấn đề nhân đạo: hành vi trói buộc trẻ con cách ly các bạn là vô nhân đạo. Cô hiệu trưởng sau khi sự việc vỡ lở, luôn miệng bào chữa rằng vì quá tin cấp dưới, và nghĩ rằng giáo viên chủ nhiệm lớp đã thống nhất với bố mẹ cháu như thế rồi (?).

Một người làm cha làm mẹ, không bao giờ cho phép bất kỳ ai làm tổn hại đến con mình, về cả thể xác lẫn tinh thần, đó là nguyên tắc cơ bản. Giả sử có những ông bố bà mẹ như thế đi chăng nữa, và giả sử thông tin của cô giáo lớp có sai lệch đi chăng nữa, bản thân 1 người làm công tác quản lý trường phải có sự tỉnh táo và sự nhân đạo cần thiết để thấy rằng KHÔNG THỂ làm như thế được.

Tôi xác nhận lại tôi có nhận thông tin từ phía cô giáo phụ trách lớp theo đúng những gì ghi trong sổ liên lạc cháu, điều này nhằm giúp cháu hòa nhập với lớp tốt hơn trong giờ học và giúp cháu tiến bộ hơn, vì một không khí chung (mặc dù, đó cũng là sự nhún nhường của gia đình vì công tác quản lý chăm sóc các cháu từ các cô).

Nhưng nó không thể hiểu là trừng phạt cháu, cách ly cháu, gây tổn thương cháu như hành động diễn ra hàng ngày của các cô. Nếu thế, đây có thể coi là một sự lừa bịp phụ huynh: từ hành động được hiểu là nhằm giúp con mình hòa nhập thì trái lại, các cô lại làm những hành động để cách ly cô lập cháu hoàn toàn.

Bản thân cô hiệu trưởng, nếu là một người có nhân tính, cô sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ một đứa trẻ con nào trong hoàn cảnh như thế, và nếu chỉ còn một chút nhân tính thôi, cô cũng nên dành thời gian chơi với cháu, hoặc cho cháu một đồ vật để chơi trong lúc chờ các bạn ăn, mặc dù điều này đã quá đủ tàn nhẫn với một đứa bé 2 tuổi rồi.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Phương


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn