KHI PHỤ HUYNH LÀ ĐẠI GIA

Thứ năm - 06/09/2012 13:10

(NCTG) “… dù họ có nhiều tiền gửi con vào trường tốt đến bao nhiêu thì chính bản thân họ và cách giáo dục con của họ mới là điều quan trọng quyết định đứa trẻ lớn lên là người thế nào”.


Một buổi sinh hoạt chung giữa phụ huynh và các cháu nhỏ tại nhà trẻ ở Hungary - Ảnh: Trần Lê


Thi thoảng có dịp ngồi tán chuyện với mấy cô bạn từng là giáo viên của một trường quốc tế, ôn lại nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Xưa nay có khi chúng ta chỉ quen nghe chuyện phụ huynh phải quỵ lụy giáo viên, đút lót, nịnh nọt để giáo viên để ý con mình, không trù dập, chứ ít khi nghe giáo viên khổ sở vì gặp phải các ông bố bà mẹ lắm tiền, thuộc diện đại gia, trọc phú. Con của họ khác con người bình dân, phải được sự chăm sóc lưu ý đặc biệt đến tận chân tơ kẽ tóc với tiêu chuẩn cao tuyệt đối mà họ đặt ra.

“Cô quạt cho cháu khi cháu đi ị nhé!”.

Có phụ huynh đã đề nghị cô giáo như vậy mỗi khi cháu ngoại của bà đi toilet. Bà bảo cháu hay bị táo bón, nên rất ngồi lâu và toát mồ hôi. Dù cho trường học đã ở một địa điểm cao cấp, điều hòa 24/24, nhưng bà vẫn thoải mái đề nghị các cô cắt cử ra một người cầm quạt nan hay cái gì tương tự tạo ra gió để quạt cho cháu bà mát trong quá trình thực hiện cái nhiệm vụ cao cả kia.

Chưa kể, bà còn yêu cầu các cô theo dõi xem hôm nay phân cháu nát hay có khuôn, có màu gì (!). Dầu sao, các cô cũng mạnh dạn từ chối khéo vì không thể để riêng một cô làm nhiệm vụ ấy, khiến hai chục đứa trẻ khác bị thiếu đi một cô chăm sóc.

Đề nghị cô viết chi tiết ngày giờ ăn ngủ, lượng sữa cháu uống mỗi lần…

Vì cháu bà lười ăn hơn trẻ khác, nên bà muốn biết cụ thể mỗi bữa cháu uống bao nhiêu ml sữa. Các cô trình bày là các cháu uống bằng cốc thường, không có chỉ số ml, nên bà thông cảm. Bà lại đề nghị các cô viết rõ ra là cháu uống nửa cốc, 1/3 cốc hay ¼ cốc hộ bà nhé.

Chưa kể, ngoài lịch ở trường đã có sẵn, thời gian biểu các hoạt động ngày nào cũng như nhau, nhưng bà yêu cầu các cô kẻ ô riêng vào một quyển sổ, ghi rõ cháu ngủ bao nhiêu phút, dậy sớm hơn các bạn thế nào để gia đình theo dõi.

Các cô lại phải từ chối khéo vì không thể đáp ứng yêu cầu của bà ghi chép hàng ngày như vậy, thời gian của các cô còn phải chăm cháu và chuẩn bị bài vở, khi phụ huynh đón cháu thì cô sẽ trao đổi nhanh gọn như hôm nay cháu ngủ ít, ăn hơi ít, về gia đình cho cháu ăn thêm.

Các cô sẽ viết sổ liên lạc khi có thông tin rất cần thiết phải thông báo cho gia đình, hay ít nhất 1 tuần đã có thư của nhà trường. Trừ những việc khẩn cấp như cháu gặp tai nạn, ốm sốt bất chợt thì sẽ gọi điện ngay cho gia đình.

Vị phụ huynh đặc biệt là bà ngoại của cháu bé này còn có yêu cầu khắt khe nữa là khoảng 30 phút trước giờ cháu tan lớp thì đề nghị các cô tắt điều hòa để thân nhiệt của cháu trở lại bình thường, tránh ra ngoài cháu bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, dù cho cháu có ra ngoài khoảng 2 phút là bước lên xe ô tô ngay.

Cô đã giải thích rằng điều hòa trung tâm của cả tòa nhà nên các cô không thể tắt bật tùy ý, do vậy bà có vẻ không vui chút nào và lầm bầm đi về.

“Chị ơi, chị để ý đừng để đứa nào động vào con em, nó có làm sao thì em chết mất!”.

Một bà mẹ trẻ, có cô con lai rất xinh xắn đi học buổi đầu tiên đã nói với cô giáo như vậy. Dù cho cô bé khá mạnh dạn, táo bạo là khác, nhưng mẹ cháu sợ cháu bị bạn đánh hay bắt nạt. Mẹ đứng ngoài, mắt lo lắng như sắp khóc và dặn cô không để cho ai đụng vào cháu. Các cô đành phải an ủi là mẹ hãy yên tâm, nhưng cũng cười méo mặt bởi cái đề nghị của mẹ cháu. Trẻ con đi học, có xô xát tranh cãi một chút thì đâu có sao.

Vẽ sơ đồ vết xước trên mặt.

Một cặp vợ chồng người Singapore rất phiền khi con đi học về với một vết xước nhỏ ở trên mũi. Đến hỏi cô thì cô lại bảo là cháu không đánh nhau với ai cả, rất ngoan. Nhưng ngày hôm sau về lại có vết xước nữa ở má, bố mẹ cô bé lại bức xúc lắm, vì cô giáo vẫn nói là không có hiện tượng cháu đánh nhau với ai hay bị ai bắt nạt cả.

Đến lần thứ ba nghe phàn nàn thì ông hiệu trưởng bực quá, đề nghị cô giáo khi cháu đến lớp thì việc đầu tiên là vẽ sơ đồ mặt cháu, đánh dấu xem có bao nhiêu vết xước, ở chỗ nào và bố mẹ phải ký vào đó. Tiếp theo cả ngày hôm đó có một cô chuyên trách, cháu đi một bước, cô đi một bước, kể cả ăn ngủ cũng có cô ngồi cạnh.

Hóa ra là cháu bé hay có thói quen gãi mũi khi đang ngủ, da cháu thì mỏng, vậy là tạo ra vết xước hàng ngày. Sau vụ đó thì bố mẹ cháu mới yên tâm và thôi không vặn vẹo vì sao da cháu xước nữa.

“Đừng bắt con tôi cầm túi nôn!”.

Cậu bé Ấn Độ bị say xe rất nặng nhưng bố mẹ vẫn cho đi học bằng xe buýt của trường. Mười ngày thì cậu bị nôn cả mười, bẩn hết quần áo và xe, chưa kể mùi lan ra khắp xe ảnh hưởng các bạn khác ngồi hàng tiếng đồng hồ.

Sau nhiều lần phải thay quần áo từ đầu đến chân và bác lái xe phải đi rửa xe, các cô đưa cho cậu túi nôn ngay khi cậu lên xe đề phòng bất trắc. Bố mẹ cháu không hài lòng, họ cho rằng như thế là hành hạ cháu, cứ lên xe là phải cầm túi nôn. Họ không hiểu rằng việc đó để bảo vệ cho con họ sạch sẽ và cũng không ảnh hưởng đến các bạn khác nữa.

Những câu chuyện trên tuy ngộ nghĩnh nhưng cũng chưa thật bức xúc lắm đối với các cô dạy trẻ. Trong thực tế, có nhiều phụ huynh không mấy khi có được lời cảm ơn cô, hay họ nghĩ họ bỏ tiền ra nhiều thế nên đương nhiên các cô phải chăm sóc con họ?

Có người đi làm bận bịu, giao hết cho người giúp việc, cả năm không đến đón con một lần, không gặp gỡ trao đổi với cô giáo một lần. Thậm chí họ còn không biết con học ở phòng nào, cô tên là gì. Họ không có cái niềm vui đưa con đến lớp, nhìn các sản phẩm, bài vở do con làm ra. Không đứng núp được một lần nhìn con qua cửa kính xem con hát múa ra sao, học thế nào?

Thấy buồn thay cho những đứa trẻ nhà giàu như vậy!

Nói cho công bằng, không phải phụ huynh nào là đại gia, có nhiều tiền cũng cư xử giống nhau. Rất nhiều người giàu có là người có tài, hiểu biết, hiểu đời nên cư xử đúng mực. Họ hiểu rằng vì họ có tiền, nên con họ được vào học các trường có môi trường tốt, chế độ chăm sóc tốt, chương trình giáo dục tốt.

Tất nhiên họ có thừa quyền phàn nàn, được yêu cầu cao hơn, và thực sự dù trường có tốt bao nhiêu cũng chả bao giờ hoàn hảo, cả cô giáo cũng vậy. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ có quyền muốn gì được nấy, đòi hỏi những việc không thể, thái quá, đi ngược lại với nguyên tắc giáo dục.

Họ cũng ý thức được rằng không nên chỉ biết đến con mình mà không nghĩ đến việc đứa trẻ phải lớn lên như bình thường, phải giao tiếp hòa đồng với các bạn để thích nghi với cuộc sống sau này. Họ hiểu rằng, dù họ có nhiều tiền gửi con vào trường tốt đến bao nhiêu thì chính bản thân họ và cách giáo dục con của họ mới là điều quan trọng quyết định đứa trẻ lớn lên là người thế nào.

Ghi chép của một cựu giáo viên, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn