Hungary: LEO DÂY GIỮA HAI NGƯỜI KHỔNG LỒ EU VÀ NGA TRONG VẤN ĐỀ NĂNG LƯỢNG

Thứ tư - 21/03/2007 12:06

(NCTG) Tại sao thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc lại “năng” gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin đến vậy? Phải chăng họ có ý đồ “đi đêm” về năng lượng? Trong khi đảng FIDESZ và một bộ phận trong báo giới phương Tây cho rằng Hungary đã từ bỏ EU để cùng Nga xây dựng hệ thống dẫn dầu khí “xuyên lục địa”, thì nội các Hung vẫn khẳng định họ chưa ra quyết định cuối cùng.

Nabucco (màu xanh da trời) và Hải lưu Xanh (màu xanh lá cây)

Nabucco hay Hải lưu Xanh?

Mới đây, trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 8-3 và 9-3-2007 của các nguyên thủ quốc gia EU, chương trình Nabucco (từ 10 năm nay vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ) được coi là một trong bốn nhiệm vụ năng lượng quan trọng và có tầm chiến lược nhất của Liên hiệp Châu Âu. Theo chương trình này, một hệ thống dẫn khí đốt sẽ được xây dựng để chuyển gas trực tiếp từ vùng Cận Đông, Trung Á (các nước Azerbajan, Turkmenistan và Iran) đến Eruzun (phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ), tránh nước Nga, và từ đó qua vùng Balkans đến Châu Âu. Nabucco được coi là thuận lợi đối với EU vì nó giảm được sự phụ thuộc về khí đốt của Châu Âu vào Nga, ngoài ra, không bị đe dọa trong trường hợp Byelorussia hay Ukraina, vì một lý do nào đó, khóa đường ống dẫn gas. Một vấn đề được đặt ra ở đây là EU chưa hề có thỏa thuận về khí đốt với các quốc gia vùng Trung Á và Cận Đông kể trên, nên có thể việc mua gas từ đó sẽ đắt và phức tạp hơn từ Nga, nước mà EU đang có thỏa thuận có hiệu lực và những hợp đồng mới cũng đang được thống nhất.

Ngược lại, Hải lưu Xanh (Blue Stream) - do tập đoàn dầu khí Gazprom, Nga, làm chủ sở hữu - là một hệ thống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, và phần kéo dài của nó sẽ xuyên qua Bulgaria và Romania đến Hung, sau đó tỏa ra các nước Tây Âu. Hải lưu Xanh giúp nước Nga tránh được hai nước cộng hòa cũ là Byelorussia và Ukraina, và khiến Nga nắm chắc trong tay đường ống chính qua Thổ Nhĩ Kỳ, để sau này Gazprom vẫn có doanh thu rất đáng kể ngay cả khi các nước khác cũng chuyển khí đốt tới Châu Âu qua hệ thống này.

Trên nguyên tắc, nếu được xây dựng xong, Gazprom cũng có thể chuyển khí đốt qua hệ Nabucco, nhưng khi đó “người cầm trịch” sẽ không phải là tập đoàn này nữa; vì vậy, Nabucco có thể ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích của nước Nga. Tổng thổng Nga Vladimir Putin, cho dù phủ nhận việc Nga dùng trữ lượng năng lượng khổng lồ của mình làm vũ khí, nhưng một thực tế là nền kinh tế Nga được xây dựng trên cơ sở nguồn năng lượng và nó củng cố được vị trí trên trường quốc tế cũng thông qua năng lượng.

Vị trí của nước Hung

Cho dù ngả về phía Hải lưu Xanh, nhưng các chính khách Hung đều thận trọng tuyên bố rằng Hungary cần cả hai đường ống dẫn khí. Ông Podolák György (MSZP), chủ tịch Tiểu ban Năng lượng của Quốc hội Hung, đồng thời là một tỉ phú trong ngạch năng lượng, khi trả lời báo chí đã khẳng định: “Khó tin được rằng Hung có thể bỏ qua nước Nga. Nhưng cũng là điên rồ nếu chỉ để tâm, đến một đường ống”. Ông Podolák cho biết: kế hoạch năng lượng mới của Hung đã được hoàn tất 98%, trong đó ưu tiên hàng đầu là Hung phải luôn được đảm bảo về mặt cung cấp năng lượng.

Còn bộ trưởng Kinh tế và Giao thông Kóka János (SZDSZ) thì khẳng định: ông rất mê Nabucco và sẵn sàng sống chết vì nó, có điều, hãy cho ông được thấy nó! Bộ trưởng Kóka nhấn mạnh: ông ủng hộ Nabucco, nhưng nếu Hải lưu Xanh được xây dựng thì nước Hung nhất định phải có mặt tại đó.

Cho dù chưa có quyết định chính thức là Hung sẽ gia nhập chương trình nào, vào mùa hè năm ngoái, cùng Áo, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Hung đã ký một tuyên bố là họ sẽ cùng tham gia xây Nabucco. Tuy nhiên, việc tiến hành dự án Nabucco đã chậm trễ rất nhiều năm nay vì EU phải hứng chịu chi phí khổng lồ của quá trình xây dựng (có tin cho rằng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu đứng ra chịu 70%) và đến giờ vẫn chưa hề có gì cụ thể. Trong khi đó, việc kéo dài hệ thống Hải lưu Xanh cũng chưa thể bắt đầu ngay trong năm 2008 như dự tính, song phía Hung cho rằng nước Nga sẽ có quyết định và hành động nhanh chóng hơn nhiều so với EU (Liên hiệp Châu Âu phải thảo luận và thông qua mọi thứ về Nabucco với tất cả các quốc gia và các hãng tham gia).

Một quan điểm thực tiễn, bỏ qua ý thức hệ

FIDESZ, đảng đối lập lớn nhất ở Hung, đã lên tiếng phê phán chính phủ Hung là ngả về phía Nga, bỏ qua những bổn phận với EU: FIDESZ cho rằng thủ tướng Hung Gyurcasány Ferenc đã “đi đêm”, “ký tắt” với tổng thống Nga Vladimir Putin trong vấn đề này. Theo FIDESZ, điều này được chứng tỏ bởi chuyến công du Moscow của thủ tướng Hung vào ngày thứ Năm tới, mà đến thứ Ba mới được công bố: như vậy, trong vòng 1 năm, thủ tướng Hung và tổng thống Nga đã gặp nhau tới ba lần!

“Đi đêm” giữa hai nguyên thủ Hung và Nga?

Hai ngày trước khi lên đường sang Moscow, thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc đã có một cuộc trả lời phỏng vấn rất quan trọng với nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), trong đó ông lý giải kỹ càng quan điểm của chính phủ Hungary trong vấn đề năng lượng.

Thủ tướng Hung thừa nhận rằng Châu Âu ngày càng phụ thuộc Nga về năng lượng và đây là điều đáng lo ngại. Mặt khác, nước Nga, dù muốn tìm các thị trường khác đến đâu đi nữa, hiện tại vẫn chỉ có Châu Âu là khách hàng “chủ lực”. Vì vậy, Nga và Châu Âu cần nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế, trên nguyên tắc để đôi bên cùng có lợi. Ông Gurcsány cũng nhận định rằng vai trò thượng phong trong vấn đề năng lượng thực ra không phải thuộc về Châu Âu: nếu Nga không vận chuyển khí đốt sang Châu Âu thì lập tức Châu Âu gặp phải những khó khăn rất lớn, còn ngược lại, nươớc Nga có trữ luợng ngoại tệ khổng lồ [đủ để vượt qua những khó khăn nếu bị Châu Âu tẩy chay về dầu khí]. Vì thế, theo thủ tướng Hung, cần có một thỏa thuận dài hạn, toàn diện và thỏa mãn nhu cầu của cả đôi bên, giữa Liên hiệp Châu Âu và Liên bang Nga.

Lý giải việc Hung đặc biệt quan tâm đên Hải lưu Xanh, thủ tướng Hung nhận định: không chắc là Nabucco sẽ được thực hiện, vì kế hoạch này đã nằm trên giấy từ 10 năm nay và Liên hiệp Châu Âu chưa làm gì cụ thể ngoài việc chi 2 triệu EURO để làm một bản nghiên cứu về nó. Như vậy, chừng nào Hungary chưa biết cụ thể về Nabucco hay Hải lưu Xanh thì nước này chưa thể “cột” mình vào một kế hoạch nào, mà thực chất Hung phải tính đến cả hai kế hoạch.

Ở đây, những lợi ích của EU và những lợi ích của Hung đều phải được để tâm và tôn trọng: ngay cả các cường quốc châu Âu như Đức, Ý, Pháp… đều ký thỏa thuận riêng và dài hạn với Nga, thì không có lý gì Hung lại bỏ qua Nga tron vấn đề năng lượng. Ấy là còn chưa nói đến việc thực chất không phải là các chính phủ, mà các hãng mới có vai trò quyết định trong vụ này. Ông Gurcsány nhấn mạnh: nếu lựa chọn Hải lưu Xanh ở thời điểm hiện tại thì cũng không hề có nghĩa là Hung “đánh lừa” Châu Âu - vì Hung không bao giờ có ý đó. Có điều, Hung rất cần sự đảm bảo về năng lượng và không thể bó tay thúc thủ, chờ đợi một kế hoạch chỉ tồn tại trên giấy và bỏ qua những khả năng khác.

Trả lời câu hỏi của báo giới, thủ tướng Hung cũng khẳng định: Hung không bao giờ cho phép Nga, hay một cường quốc phương Tây nào khác, lợi dụng đất nước này như một con bài trong một ván cờ lớn, bởi lẽ, Hung cũng không ở tình thế khiến ai đó có thể làm điều này. Ông Gyurcsány cho biết thêm: hàng năm, ít nhất ông gặp nguyên thủ quốc gia các nước thành viên EU bốn lần, nên việc ông “chạm trán” Putin ba lần trong một năm không có gì đặc biệt. Chuyến đi này của ông chỉ là thủ tục ngoại giao, “đáp lễ” chuyến công du Budapest của tổng thống Putin và thủ tướng Nga Fradkov: Hungary và Nga cố nhiên sẽ bàn cả về chuyện năng lượng, nhưng sẽ không có một chương trình nghị sự riêng về khí đốt. “Tôi không đi buôn bán gas!” - ông Gyurcsány Ferenc khẳng định.

Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI, nhật báo “Tự do Nhân dân” và [origo]


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn