Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: CÀ PHÊ MỘT MÌNH

Thứ sáu - 24/02/2006 08:41

(NCTG) Trời vẫn lại mưa. Vẫn mưa rả rích cả hơn tuần, cả gần chục ngày nay và có vẻ hãy còn chưa muốn tạnh. Ngồi từ trong nhìn ra ngoài thấy trời đất đều ẩm ướt, sũng nước, đen xám, nhầy nhụa, bờn bợt, vữa ra như một thứ hỗn hợp đáng lẽ phải thành hình từ lâu rồi nhưng mãi vẫn chưa hình thành được.

Trong gian cửa hàng bé nhỏ, tôi và Hiên ngồi mỗi đứa một ghế, yên lặng, cả nửa giờ rồi mà vẫn chẳng đứa nào nói với đứa nào một câu. Không nói, nhưng chẳng phải là giữa hai đứa có vấn đề gì. Cũng chẳng phải là không có điều gì đáng nói. Thậm chí, còn có rất nhiều điều muốn nói nữa kia, nhưng những điều ấy không phải là để nói lúc nào cũng được. Cũng chẳng phải hai đứa ít lời. Vào những lúc khác, có khi cả hai đều liến thoắng, đến không để mồm kịp lên da non.

Chiều nào tôi cũng phải xuống cửa hàng khoảng vài ba tiếng. Nói là để đỡ đần cho Hiên một tay, nhưng thực sự thì từ lâu nay vẫn chưa đỡ đần được gì. Vì cửa hàng của Hiên thuộc loại nhỏ, hàng hóa ít và cái chính là chẳng có mấy người ra người vào, có vào thì cũng chỉ ngó nghiêng chỗ này một tí, chỗ kia một tí, hỏi han loanh quanh một vài câu, (mà có khi cũng chẳng hỏi han gì) rồi lại ra, nên cũng chẳng bán đưọc mấy. Nhưng chẳng lẽ lại không xuống. Mặc dù biết trước là có không xuống thì Hiên cũng vẫn chẳng phật lòng, chẳng trách móc gì nhưng rồi lại vẫn cứ xuống. Cứ đúng khi chuông nhà thờ thong thả điểm bốn tiếng là tôi xuống đến nơi, đều đặn, chính xác như một cái đồng hồ. Còn tại sao lại nói „xuống“ thì là vì căn hộ của chúng tôi ở tầng trên tầng bốn, cửa hàng ở dưới tầng trệt, của cùng một ngôi nhà, lên xuống rất thuận tiện.

Biết trước là sẽ chẳng có việc gì mà làm nên mỗi lần xuống với Hiên tôi đều mang theo khi thì quyển sách, khi thì tờ báo, khi thì mấy cuốn tạp chí để đọc. Tôi thích giết thời gian bằng cách ngồi giải mấy ô chữ ở một tờ tạp chí nọ. Kiến thức ở các ô chữ này nói chung cũng chẳng đến nỗi phức tạp lắm, nhưng cũng không thể nói là quá đơn giản, vì mặc dù hết sức nỗ lực song chưa lần nào tôi giải được một ô cho hoàn hảo. Thì cũng là một câu hỏi gợi ý nhưng chỉ cần ở một hàng, một cột có hơi nhiều đáp án một tí, mà ý tưởng của mình lại không cùng với ý tưởng của người ra đề là vứt đi rồi, đấy là chưa nói đến chuyện nhiều hàng nhiều cột mình hoàn toàn mù tịt.

Vậy là mặc dù biết chắc chắn là sẽ chẳng đi đến kết quả nào nhưng rồi hôm nào tôi cũng ngồi hý hoáy giải ô chữ hoặc giải toán. Hôm nay cũng vậy, tôi vừa ngồi đọc, nghiền ngẫm các câu hỏi vừa thỉnh thoảng ngước nhìn Hiên. Từ nẫy giờ Hiên vẫn ngồi yên một chỗ và nhìn ra ngoài trời mưa. Tôi biết là Hiên rất thích trời mưa. Thỉnh thoảng, có dịp Hiên vẫn kể với tôi rằng quê Hiên ở miền trung du. Mà mưa trung du thường rất to. Hiên thích nghe tiếng mưa rơi, từ lúc còn lác đác, lộp bộp trên những tầu lá chuối, lá cọ, đến khi xối xả như thác trên mái nhà, thích nhìn nước mưa dồn về sân thành hồ thành ao trước khi ồ ạt chảy thành dòng cuồn cuộn như suối dưới hiên nhà, cũng thích tắm mưa, dầm mưa nữa và có lần vì ngâm nước mưa nhiều mà bị cảm lạnh, nằm sốt li bì mấy ngày mấy đêm liền.

Dường như Hiên cũng biết là có tôi đang nhìn mình nên hơi cười. Tôi rất thích nhìn nụ cười nửa miệng ấy. Nhiều lần tôi lý giải, có lẽ là vì Hiên có một cái răng khểnh, cười rất duyên chăng. Nhưng có nhiều lần khác, tôi lại tự bảo có lẽ chẳng phải vậy. Giả sử chẳng có cái răng khểnh ấy thì tôi vẫn cứ thích nhìn Hiên cười. Cũng như đôi mắt, cái mũi, cái miệng... của Hiên vậy, giả sử có không được đẹp, được „chuẩn“ như bây giờ thì với tôi cũng chẳng có vấn đề gì.

Tôi đoán thế nào Hiên cũng phải lên tiếng trước, và quả nhiên sau khi cười đến lần thứ ba hay thứ tư gì đó, Hiên quay hẳn sang tôi và hỏi: „Nhìn gì?“ Câu hỏi ấy phá tan sự im lặng giữa hai chúng tôi, mặc dù thực chất giữa hai đứa chẳng có gì đáng phải phá, thực chất là bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể hỏi, có thể nói với nhau về rất nhiều điều gì và nói nhiều bao nhiêu cũng được.

„Cười gì?“. Sau khi trả lời Hiên bằng một câu hỏi lại như thế, tự nhiên tôi nảy ra một ý. Và, vẫn cầm quyển tạp chí và cây bút chì trong tay, vừa nhìn ra ngoài trời mưa, tôi vừa giả bộ bâng quơ: „Mát giời thế này, tí nữa có khi phải ghé qua cửa hàng làm chai rượu với cái gì về nhậu thì có lý lắm“. Phải nói câu ấy vì tôi chắc chắn rằng thế nào cũng được thấy một cái lừ mắt rất nghiêm trang của Hiên. Và quả nhiên là Hiên nhìn tôi bằng cái nhìn như thế thật, bây giờ mới thấy ông nhạc sĩ nào đó đặt tên bài hát là ánh mắt mang hình viên đạn thật là đúng. Mà nhìn ngay lập tức, mới kinh chứ. Và cũng như bao nhiêu lần khác, lần này tôi lại phải nhíu trán để rồi đến cuối cùng vẫn không sao phân tích nổi xem cái nhìn kia là thực hay là đùa.

Như bao nhiêu đứa trẻ khác thuộc thế hệ mình, tôi biết rượu chè từ rất sớm. Nếu trí nhớ của tôi không quá tồi tệ thì hình như tôi biết mùi rượu từ khi mới tám hoặc chín tuổi.

Đó là những ngày còn chiến tranh. Cùng với mấy đứa em, tôi sơ tán về nhà ông bà ngoại ở một làng ven biển. Dưới con mắt của những nhà quân sự thì việc chọn địa điểm sơ tán cho mấy anh em tôi của người lớn (tức là ông bà và bố mẹ tôi) là không được chiến lược, chiến thuật tí nào. „Tránh vỏ dưa thì lại gặp vỏ dừa“. Họ bảo vậy. Và phân tích: Thay vì phải chịu bom chẳng kém gì ở thành phố thì về vùng quê này chúng tôi sẽ còn phải chịu thêm cả đại bác đêm đêm từ hạm đội bảy câu vào. Sở dĩ tôi nói „chịu bom chẳng kém...“ là có cơ sở của nó. Vì quê ngoại của tôi nằm ngay trên (hay là ngay dưới nhỉ) đường bay của máy bay Mỹ từ hạm đội bảy vào thành phố. Nếu xuất phát từ hạm đội bảy để vào đánh Nam Định, Phủ Lý, Hà Nội... và nói chung là mấy thị xã, thành phố phía trên ấy thì kiểu gì máy bay của Mỹ cũng phải bay qua làng của ông bà tôi. Vào thời kỳ cao điểm, ngày nào cũng phải có tới cả chục đợt qua bay lại như thế. Và trong số đó thế nào cũng có những đợt, với những chiếc máy bay mà phi công, vì một lý do nào đó chưa kịp ném hết bom, để trên đường về ngang qua làng tôi, khi gần như chắc chắn là không còn chiếc Mig nào đuổi theo, không còn khẩu cao xạ nào bắn lên, các vị mới yên tâm bấm nút thả hết xuống cho nhẹ cánh về căn cứ an toàn.

Nếu còn sống thì năm nay ông ngoại tôi cũng đã gần trăm tuổi. Vào những năm tháng chiến tranh ấy, ông cũng đã già lắm. Tôi còn nhớ, những ngày đó, để tránh bom và pháo kích, ở quê ngoại tôi, người ta phải đào những cái hầm thật sâu với cái nóc thật chắc chắn. Tất nhiên là phải tùy số người trong mỗi gia đình mà quyết định kích thước của cái hầm như thế nào. Như gia đình chúng tôi gồm hai ông bà, nhà ông bác bảy người, cộng thêm ba anh em tôi là vừa một tá thì cái hầm cũng phải to cỡ gần một gian nhà, ngoài số nước uống và lương thực thực phẩm dự trữ còn kê được hẳn hai cái phản, để có thể ăn uống ngủ nghê luôn dưới đó. Sau khi đào sâu xuống đất khoảng hai mét, các bác tôi ngả mấy cây xoan và cả một bụi tre to đùng để làm xà, làm đà ngang và đổ lên một lớp đất dầy hơn một mét nữa để làm mái...

Một cái hầm kiên cố, chắc chắn, tưởng đến vĩnh cửu như vậy nhưng hình như ông ngoại tôi không xuống một lần nào. Máy bay, đại bác ùng oàng suốt đêm ngày như thế, mà tôi thấy lúc nào ông cũng bình thản, đường hoàng, vẫn một tay chống gậy, một tay chắp sau lưng, đi khắp xóm thăm nhà nọ nhà kia, giúp người này người khác. Mấy luống hoa trong vườn được ông chăm sóc, tưới tắm, lúc nào cũng có hoa đẹp, và trong làng, mỗi khi có ai làm nhà mới thì bao giờ ông cũng được mời đến một cách long trọng để đặt cây tre nóc.

Có một điều lạ là ở một nơi đáng lẽ rất nguy hiểm như thế mà chẳng hiểu sao trong suốt mấy năm vẫn không có một quả bom, một viên đại bác nào rơi vào làng tôi. Trong khi đó thì những làng ở xung quanh và mở rộng ra là cả huyện, cả tỉnh..., không nhiều thì ít, làng nào cũng phải dính chút đỉnh bom đạn. Thế mới hay đạn bom không có mắt, nó muốn tránh, muốn không tránh chỗ nào mình cũng chẳng biết, còn mình có mắt, mình muốn tránh, muốn không tránh nó thế nào cũng chẳng được. Tuy nghĩ rằng trong chiến tranh, sự sống sót của con người chỉ là may mắn thôi chứ chẳng ai tài giỏi gì, xong tôi vẫn đồ rằng ông tôi có một linh tính nào đó chăng. Tôi nhớ, có lần ông bảo: „Ngày đánh nhau với Pháp cũng vậy. Nó đi càn xung quanh, càn khắp nơi, nhưng chẳng hiểu sao cứ đến bìa làng này thì nó lại quay ra...“

Ngày đó, trong nhà tôi, mỗi bữa cơm kiểu gì cũng phải có chút rượu cho ông ngoại. Trong số tám anh chị em (ba anh em tôi và năm anh chị nhà ông bác), chẳng hiểu vì sao mà tôi lại hay vinh dự ngồi hầu rượu ông nhất. Mỗi bữa ông chỉ uống có nửa cút rượu, nếu quy ra đơn vị bây giờ thì chắc là khoảng một chén nhỏ. Số rượu ấy được đựng trong một cái nậm bằng sứ với hình vẽ dựa theo tích Quan Vân Trường, Châu Sương và con ngựa Xích Thố trong truyện Tam Quốc làm trang trí rất đẹp.

Một điều đặc biệt là những cái nậm ấy bao giờ cũng có cái cổ vừa cao vừa nhỏ để ai có muốn rót nhiều cũng không thể rót được. Ông ngoại tôi uống rượu bằng một cái chén hạt mít với đồ nhắm hết sức đơn giản, nhúm lạc rang, quả trứng tráng hay có khi chỉ là mấy quả cà sống. Tôi rất thích được rót rượu cho ông, thích được thấy thứ nước trong vắt, thơm nồng, chảy thành dòng rất nhỏ, rất mảnh, nhỏ và mảnh đến thỉnh thoảng lại bị đứt ra từ miệng nậm xuống cái chén nhỏ xíu... và lại càng thích hơn khi thỉnh thoảng lại ông cho nếm một hớp nhỏ với câu nói rất chi „nối giáo cho giặc“ là: „ uống đi, thanh niên...“, mặc dù còn lâu tồi mới đến tuổi thanh niên.

Tất nhiên, sau này tôi còn có nhiều cơ hội để biết đến rượu chè. Nam vô tửu như cờ vô phong mà. Nhưng những lần được ngồi uống rượu với ông ngoại vẫn làm tôi nhớ nhất. Và có lẽ nhờ ảnh hưởng ở cách uống khoan thai, thanh thản... như tiên của ông mà tôi tránh được những trận say đáng ra phải rất là say tại những cuộc nhậu nhẹt thường xuyên trong đơn vị (khi tôi còn trong lính) hay ở công trường (khi đã đi làm) đáng ra không nên thường xuyên đến thế. Trong các cuộc nhậu như thế, nhiều lần bạn bè đã bí tỷ tưởng đến phải bò ra, thì thật may tôi vẫn còn giữ được tỉnh táo để giải quyết mọi việc có thể xảy ra, được vậy là nhờ có... ông.

Mặc dù tôi mới chỉ uống ở mức „cho có khái niệm“ như vậy nhưng Hiên vẫn không thích. „Một giọt cũng không... Không rượu chè gì cả. Xem xung quanh bao nhiêu người đang sắp chết vì rượu kia mà anh không biết sợ hay sao?“ Hiên vẫn bảo với tôi như thế với một giọng rất đe nẹt. Có thể những lời „cảnh cáo“ ấy đối với một người rất „chừng mực“ như tôi là hơi thừa, hơi quá. Nhưng xét ra thì sự cẩn trọng của Hiên cũng không phải hoàn toàn là không có lý. Mấy năm gần đây, trong cái khu phố nhỏ bé này của chúng tôi đã có đến mấy trường hợp ra đi vì rượu rồi. Một ông bị ung thư gan, một ông bị chảy máu dạ dầy, một ông ung thư ruột già và mấy ông nữa hoặc đang nằm trong bệnh viện hoặc đang ở trung tâm cai nghiện với thể trạng rất đáng lo ngại. Thôi thì mình cứ cẩn thận trước, phòng bệnh hơn chữa bệnh, chứ để sự gì xảy ra rồi mời cuống cà kê thì đã muộn.

Cơ sở lý lẽ của Hiên như thế. Tôi cũng đồng ý. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại vẫn cứ thích trêu Hiên bằng cách nói một cái gì đó có dính dáng đến rượu như trên kia. Bao giờ Hiên cũng lừ mắt. Cái nhìn ấy thật hay là đùa, hiểu như thế nào là do tôi hoàn toàn quyết định. Nó sẽ là chỉ là đùa thôi, nếu ngay sau đấy tôi cười cười, lảng đảng: „đùa tí mà, rượu chè gì giờ này“. Còn nếu như tôi có ý định mang rượu về thật thì cái nhìn ấy lại là báo hiệu của một cơn giông tố khủng khiếp.

Tất nhiên là tôi chẳng muốn giông tố khủng khiếp nổi lên làm gì. Bình thường đã không mà vào một ngày mưa gió, hàng hóa ứ đọng như thế này thì lại càng không nữa. Vì thế mà tôi cười và nói với Hiên: „Gớm! Đùa tí thôi. Mới có thế mà đã...“ „Đã sao?“ Hiên cũng cười và vui vẻ trở lại. Khi người ta thấy sự đe dọa, sự nguy hiểm đã hết thì người ta có thể vui vẻ, điều đó xét ra cũng chẳng có gì là lạ.

Xong vụ rượu, loay hoay, giải mãi vẫn không xong ô chữ, thấy hơi nản, tôi đứng lên đi đến bên Hiên và vừa ôm lấy vai vừa nói: „Có lẽ anh phải đi ra ngoài một tí đây“. „Mưa gió thế này. Đi đâu?“ Hiên hỏi lại, trong lúc đã kịp gỡ tay tôi ra. Thường thường, dẫu có biết chắc chắn là tôi đi đâu rồi thì Hiên vẫn cứ hỏi. Tôi nghĩ có lẽ tất cả phụ nữ trên đời này đều như vậy chăng? Cho là họ quan tâm đến mình một tí cũng được mà bảo họ chất vấn mình từng tí cũng chẳng sao, tùy từng người, từng lúc, từng nơi mà có thể nghĩ thế này thế nọ. „Em không nhớ hôm nay là thứ Tư à? Thứ Tư nào mà anh chẳng phải đi“. Tôi bảo Hiên. Tôi cũng chẳng để ý lắm đến thái độ của Hiên lúc ấy nên cũng chẳng biết là mình được quan tâm hay là bị chất vấn. Thực sự với tôi thế nào cũng được, quan tâm một chút hay chất vấn một chút cũng chẳng sao.

Thành phố của chúng tôi có khoảng gần hai nghìn người Việt. Một con số khá nhiều. Và cũng như ở những nơi có nhiều người Việt khác, ở đây người ta cũng thành lập rất nhiều hội đoàn. Có lần tôi đã ngồi đếm thử, nếu chỉ tính riêng những hội đoàn mà cái tên có gắn với hai chữ „trung tâm…“ thì cũng phải có đến năm hay sáu cái „trung tâm“.

Một trong những „trung tâm“ mà tôi hay đến có cái tên rất chung chung là „Trung Tâm Việt Nam“. Đây là một cơ sở có địa điểm cố định và sinh hoạt đều đặn nhất do mấy anh chị sinh viên cũ thành lập từ rất lâu rồi. Thời gian đầu, lúc chúng tôi mới đến, thấy ở đây cũng có khá nhiều sách báo, băng đĩa cũng như các trò chơi giải trí. Nhưng cũng như ở những nơi khác có nhiều bà con mình, dần dần rồi số sách báo, băng đĩa này cũng hao hụt đi đâu hết cả. Những thứ còn lại thì mất phẩm chất. Sách báo không mất đầu mất đuôi thì cũng bị rút ruột rút lõi, cứ đến chỗ gay cấn, hồi hộp, hấp dẫn nhất là bị xé, xem tức không thể tưởng tượng nổi. Băng đĩa thì rệu rã, mầu không ra mầu, tiếng không ra tiếng, hình ảnh nhảy loạn xạ. Ngay cái bộ cờ tướng rất ít người chơi vậy mà cũng bị thiếu, lúc thiếu con tướng, lúc thiếu con xe, con pháo. Tôi nhớ, cứ liên tục phải thay mấy con bị mất này bằng những cái nút chai nước ngọt, nước khoáng hoặc đơn giản chỉ là que diêm hay mẩu giấy, mẩu bìa xé ra từ đâu đó...

Hiên đồng ý để tôi đến sinh hoat ở „trung tâm Việt Nam“ vì một trong những điều nội quy khá rõ ràng, rành mạch là ở đây là không được uống hoặc mang bất cứ chất gì có men tới. Đến nhẹ như bia cũng không được. Nhưng cả Hiên, và cả chính bản thân tôi nữa cũng chẳng biết là tôi đến trung tâm nhằm mục đích gì. Không phải vì bia rượu, sách vở, báo chí, vì các loại trò chơi rồi. Chắc chắn vậy. Cũng chẳng phải vì trò chuyện, giao lưu với ai. Mặc dù thỉnh thoảng trung tâm cũng tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu với người này người nọ hay nhóm này nhóm nọ. Nhưng rồi cuộc giao lưu nào cũng thấy cứ nhạt nhạt nhẽo nhẽo, gượng ép thế nào ấy và bao giờ cũng kết thúc khi chưa hết thời gian... Thì ra, nhiều khi người ta đến một nơi nào đó không phải vì một cái gì cụ thể mà vì thói quen. Tôi nghĩ thế, và cũng chẳng biết có đúng hay không nữa. Biết thế mà cũng chẳng thay đổi được. Cũng chẳng muốn thay đổi nữa. Mà dẫu có thay đổi thì cũng có đổi thay được cái gì đâu. Cuộc đời là vậy hay vẫn vậy chăng? Buồn cười thật. Mà cũng chẳng chẳng biết là có đúng buồn cười thật hay không?

Ở trung tâm..., tôi hay ngồi đánh cờ tướng và nói chuyện với Nhiệm. Nhiệm cùng tuổi tôi. Sinh cùng năm và có khi cùng tháng nữa cũng nên. Cùng tuổi, nghe đâu lại đồng hương, tức cùng một thị xã nữa, hay ngồi đánh cờ, hay nói chuyện, đáng lẽ phải thân nhau mới phải. Nhưng tôi với Nhiệm thì chỉ vậy vậy thôi, thân chẳng ra thân mà sơ cũng chẳng ra sơ. Gặp nhau thì nói chuyện, thì chơi, tưởng không nói, không chơi thì không được, nhưng không gặp thì thôi, chẳng thấy lưu luyến hay nhớ nhung gì.

Không đơn giản như tôi, Nhiệm thuộc tạng người hay cả nghĩ, và hay đặt những câu hỏi để chẳng những tôi mà ngay đến những bậc vĩ nhân cũng chẳng trả lời đến nơi đến chốn được. Chẳng hạn, Nhiệm hay hỏi tôi: „Ý nghĩa của cuộc đời này là gì? Người ta sinh ra trên đời này để làm gì?“ Hoặc: „Thế nào là hạnh phúc, sung sướng? Con người ta phải làm thế nào để sung sướng, hạnh phúc?“

Có ý thức tìm kiếm như vậy, nhưng Nhiệm vẫn rất hay kêu chán. Không nói thì thôi, chứ đã nói là chỉ câu trước đến câu sau đã thấy kêu chán. Hôm thứ tư tuần trước, ngồi đánh cờ với tôi, Nhiệm tâm sự: „Ở đây buồn quá ông ạ. Có lẽ tôi phải về Việt Nam sinh sống thôi“. Nhiệm kể là đã về Việt Nam tìm hiểu rồi và hiện đang rất phân vân không biết sống ở đâu. Hết phân vân là Hà Nội, Sài Gòn thì ầm ĩ, bụi bặm quá, Sa Pa, Đà Lạt thì yên ắng quá, lại đến lưỡng lự là không biết nên sống ở thành phố hẳn hay nông hẳn, hay là một vùng nửa quê nửa tỉnh, ở miền núi, ở trung du hay ở đồng bằng, ở ven biển...“Có lẽ tôi phải về quê thôi ông ạ...“ - Nhiệm nói và kể tiếp cho tôi nghe về dự định của mình. Quê Nhiệm ở ngay bên bờ sông Hồng. Lần nghỉ phép gần đây Nhiệm đã về đấy và thấy một mảnh đất rất đẹp ở ngay bến đò. Có lẽ Nhiệm sẽ mua mảnh đất ấy, sẽ dựng một cái quán bán nước chè, bánh trái, hoa quả, hay làm một cái lều để cất vó, đánh cá, sống cuộc đời thanh thản.

„Thế nhưng cũng khó mà sống một cuộc đời thanh thản lắm ông ạ...“ Cũng hôm thứ Tư tuần trước, Nhiệm lại nói thêm với tôi: „Dân cái vùng quê ấy, tôi biết, nếu mình cũng sống nhếch nhác, luộm thuộm, tùy tiện như chúng nó thì có khi chúng nó còn để yên. Còn nếu để hở cho chúng nó biết là có mình có ít tiền, cách sinh hoạt của mình khác thì khó lắm...“

Thú thật là khi nghe Nhiệm say sưa kể về những dự tính tôi cũng thấy mê. Nhất là dự tính với căn nhà nhỏ ven sông ấy thì lại càng hấp dẫn đối với tôi lắm. Tôi đã có ý định là khi gặp nhau thế nào cũng phải nói lên ý kiến của mình. Rằng chỉ riêng một chuyện ngày ngày được đứng nhìn dòng nước cuồn cuộn phù sa ấy trôi đi đối với tôi đã là cực kỳ thích thú, rằng nếu được đắm mình trong dòng nước ngọt mát ấy thì niềm hạnh phúc, sung sướng không biết có thể lấy cái gì để so sánh...

Mọi khi đến trung tâm, tôi chỉ khẽ đảo mắt cái là tìm thấy Nhiệm ngay. Cũng như tôi, thứ tư nào Nhiệm cũng đến và đến rất đúng giờ. Nhưng hôm nay thì lại khác. Tôi đã để ý tìm mãi mà vẫn chẳng thấy anh chàng này đâu. Tầng trên không thấy, tầng dưới không thấy, ngoài nhà, trong nhà đều không thấy, chẳng hiểu sao, đến cả trong mấy cái toilet, cả trong nhà bếp nữa cũng không thấy đâu.

Gần một giờ tìm kiếm và chờ đợi mãi vẫn không thấy Nhiệm đến tôi đã hơi buồn buồn. Mà tính ra, cũng phải lâu lắm rồi tôi mới thấy hơi buồn buồn vì sự thiếu vắng của một người. Rồi từ buồn chuyển thành lo. Một cách lo lắng, tôi chạy hỏi hết đám này đám kia rằng Nhiệm đâu, có ai biết Nhiệm ở đâu không, nhưng chẳng nhóm nào, chẳng ai biết Nhiệm ở đâu cả. Chỉ có mấy người hỏi lại: „Mọi khi vẫn thấy ông ấy chơi cờ với ông cơ mà, ông ấy ở đâu thì chính ông phải biết trước chúng tôi chứ?“ Vặn vẹo nhau đến nước ấy thì tôi xin chịu.

Tìm mãi rồi cũng thấy một trong những ông trong ban chủ nhiệm của trung tâm. Tôi chạy như bổ lại phía anh ta: „Anh Hải! Anh có biết thằng thằng Nhiệm đâu không?“ Anh Hải này hình như cũng là họ hàng hay đồng hương đồng khói gì đó với Nhiệm. Vốn cận thị nặng, nhìn mãi anh mới nhận ra tôi. Rồi với một động tác rất vụng về, anh lật đật kéo tôi vào phòng riêng, thì thào: „Tôi cũng vừa ở chỗ nó về đây... Tình hình nó nguy quá“ .

Theo anh Hải thì cứ như lời Loan, vợ Nhiệm kể lại thì từ mấy hôm nay Nhiệm có những hành vi hết sức khó hiểu, suốt ngày cứ lầm lầm lỳ lỳ, chúi mặt chúi mũi vào cái máy tính, ai gọi cũng không thưa, hỏi gì cũng không thèm nói, đến bữa, cơm canh vợ con đã dọn hết ra bàn rồi mà vẫn không chịu ra mà ăn. Tới hôm qua, tức là thứ ba, Nhiệm nằm đắp chăn cả ngày trong phòng. Ai cũng nghĩ chắc là Nhiệm chỉ ngủ thôi, thức ba bốn ngày liền, không ăn, không uống, không ngủ nghê gì, chắc phải ngủ bù thôi... Nhưng ngủ gì mà ngủ kinh thế, đến tận sáng, tận trưa nay vẫn không thấy dậy. Cũng không thấy ra đi toilet lần nào. Cuối cùng, nóng ruột quá, mọi người mới mở cửa vào xem ra sao thì thấy nằm bất tỉnh trên giường rồi, xung quanh là mấy hộp thuốc ngủ, hộp nào cũng sạch sành sanh. May mà sờ người hãy còn nóng và còn thoi thóp...

Anh Hải cũng cho tôi biết là mọi người đã gọi xe cấp cứu đưa Nhiệm vào bệnh viện, đưọc nhận vào phòng đặc biệt rồi và lúc anh ở đấy về thì Nhiệm mới hơi tỉnh. „Cái thằng đến là ngu. Ngu không thể nào chịu được..“ Anh nói, rồi thêm: „May phúc, có sống được rồi cũng thành tật. Thành lẩn thẩn mất thôi. Lại khổ vợ, khổ con, khổ mọi người“. Anh hết than thở rồi lại thở than. „Mà nó có đến nỗi nào đâu, công ăn việc làm, vợ con, nhà cửa đàng hoàng, khối người mơ được như nó...“

Tôi xin anh Hải cái địa chỉ bệnh viện mà Nhiệm đang nằm. Khi được biết nó ở cách trung tâm... cũng không xa lắm, tôi bèn nhảy tầu điện đi đến ngay. Nhưng ở đó người ta không cho tôi vào, với lý do là Nhiệm vẫn còn mệt lắm, cần phải nằm nghỉ ngơi một cách yên tĩnh. „Cậu cứ về, chiều mai đến... có thể...“, bà bác sĩ phụ trách mấy phòng này bảo tôi vậy.

Tôi thất thểu đi về, trong lòng thê thảm, buồn không thể tưởng tượng được. Ngang qua một quán cà phê, tôi bèn ghé vào. Nếu là người khác, vào lúc này chắc tôi đã gọi một cốc rượu mạnh, nhưng nhớ đến ánh mắt của Hiên, tôi đành dẹp ngay cái ý nghĩ ấy lại. Tôi chỉ gọi một cốc cà phê, bảo pha thật đặc. Mọi khi, mỗi khi đi uống cà phê tôi vẫn đi với Hiên hoặc một ai đó. Lâu lắm rồi tôi mới lại ngồi uống cà phê một mình như thế này. Ngoài kia vẫn mưa. Đất và trời đều ướt sũng, nhão nhoét.

Nguyễn Hoài Phương, tháng 2-2006 - từ Đức Quốc


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn