JÓZSEF ATTILA, “NGƯỜI CON CỦA ĐƯỜNG PHỐ VÀ RUỘNG ĐỒNG HUNGARY”

Thứ sáu - 23/03/2007 11:57

(NCTG) Là một quốc gia nhỏ ở vùng Đông Âu, nhưng đất nước Hungary xa xôi đã sản sinh nhiều nhà thơ xuất chúng, để lại dấu ấn trong nền văn học thế giới, mà tên tuổi của họ ít nhiều cũng đã được độc giả Việt Nam ghi nhận: Petőfi Sándor, Arany János, József Attila, Ady Endre…

Thi hào József Attila (1905-1937)

Thi hào József Attila (1905-1937)

Trong số những thi hào đó, József Attila chiếm một vị trí đặc biệt. Mặc dù chỉ sống được 32 năm, nhưng nhà thơ tài hoa mệnh yểu này đã được đánh giá như tên tuổi vĩ đại nhất của thi đàn Hung thế kỷ trước, và cũng là đại diện tầm cỡ thế giới của nền thơ ca Hung. Suốt đời, József Attila đã chịu thiếu thốn, xua đuổi, thi ca và con người ông không phải lúc nào ông cũng được cảm thông, nhưng “người con của đường phố và ruộng đồng” (az utca és a föld fia) đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền thi ca Hung hậu bán thế kỷ trước.

Sinh năm 1905, cuộc đời của József Attila là một chuỗi những bất hạnh triền miên. Năm lên ba, thân phụ ông rời bỏ gia đình và ông phải sống trong cảnh nghèo đói cơ hàn; một dạo, József Attila còn phải rời Budapest về nông thôn ở tạm với cha mẹ nuôi là những nông dân mộc mạc. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu làm thơ khi người mẹ thân yêu qua đời vì bệnh tật. Năm 17 tuổi dưới sự khích lệ của người thày, người bạn thơ, thi sĩ Juhász Gyula, József Attila cho ra mắt tập thơ đầu tay “Người hành khất của cái đẹp” (Szépség koldusa). Juhász Gyula đã phát hiện ra một tài năng trẻ, người được ông coi là “nhà thơ do Chúa sinh ra” và chính ông là tên tuổi có uy tín đầu tiên trên thi đàn Hungary đã dành những lời mang tính tiên tri cho học trò của mình: “Hỡi các bạn, những người Hung, đây là nhà thơ đang trên con đường của anh, lên cao và xuống sâu. József Attila! Hãy yêu quý và cổ vũ cho anh!“.

Tượng József Attila cạnh Đại học Szeged

Đang theo học Đại học Szeged, năm 20 tuổi, József Attila bị một vị giáo sư dọa nạt và buộc phải thôi học vì một bài thơ mang tính “vô chính phủ” và “nổi loạn” mang tựa đề “Trái tim trong trắng” (Tiszta szívvel, 1925):

Đời tôi không mẹ cũng không cha
Tổ quốc cũng không, chẳng Chúa thờ,
Không nôi, không mảnh khăn che mặt
Thiếu cả ái tình, thiếu thiết tha

 Ba ngày ròng rã tôi không ăn
Không ít, không nhiều, dạ trối trăn
Hai mươi năm trọn đời tôi đó,
Tôi bán cho đời hai mươi năm
 
Nếu chẳng cần cho chỉ một ai
Thì quỷ sẽ mua tháng năm này,
Với trái tim trong tôi trỗi dậy
Nếu cần, chẳng sợ chuyện giết người.
 
Họ sẽ bắt tôi và treo cổ
Rồi chôn xuống đất mẹ thương thân
Cỏ mang Thần chết về xanh mộ
Trên trái tim tôi đẹp tuyệt trần.

Sau đó, trong hai bận bôn ba qua Vienna và Paris tìm phương hướng cho cuộc đời, thi sĩ có dịp làm quen với các học thuyết cánh tả. Hồi hương, trên cương vị một nhà thơ đã có tiếng tăm, József Attila gia nhập Đảng Công nhân Xã hội Hung và sau đó, năm 1930, ông tham gia công tác bí mật của Đảng Cộng sản Hung. Tuy nhiên, là một trí thức độc lập, József Attila sớm nhận ra bản chất độc đoán và chuyên quyền của những phe nhóm trong đảng.

Trong sáng tạo nghệ thuật, József Attila cũng bất đồng quan điểm với nhóm các nhà văn “cánh tả” theo hình mẫu giáo điều, độc tài và ông thường xuyên có những cuộc tranh luận gay gắt với họ. Các tác phẩm của thi sĩ bị tịch thu, ông bị đưa ra tòa, bị mất việc và gặp vô vàn khó khăn trong đời tư. Từ năm 1936, József Attila chìm đắm trong cảnh bệnh hoạn và cô độc; căn bệnh thần kinh kinh niên của ông đã khiến thi sĩ có lúc tưởng chừng hóa điên.

Thất vọng, chán chường trước cuộc đời vô vọng, không chịu nổi ý nghĩ có thể trở thành một kẻ điên rồ vô dụng, năm 1937, József Attila đã quyên sinh bằng cách lao vào một đoàn tàu hỏa đi ngang qua vùng hồ Balaton (*).

*

Cái chết bi thảm của thi hào ở tuổi rất trẻ đã làm chấn động các bạn hữu cũng như giới độc giả, khiến họ cảm thấy áy náy lương tâm và hối hận vì những gì không phải với József Attila. Về căn bản, chỉ đến lúc ấy, ít nhiều, người ta mới thấy hết giá trị tinh thần của di sản thi ca do ông để lại. Trong những năm hậu bán thế kỷ trước, József Attila được tôn vinh ở vị trí rất cao trên thi đàn Hung, nhưng ít nhiều, người ta hay bó hẹp ông trong khuôn khổ “nhà thơ của giai cấp vô sản”, không ngoài mục đích đưa thơ József Attila phục vụ những mục đích chính trị thiển cận và nhất thời.

Sự thật, nhà thơ đã tổng hợp tuyệt vời những nguồn thơ của Hung và thế giới và phát triển chúng ở mức độ rất cao. Với toàn bộ thi nghiệp của mình, József Attila đã đề cập - một cách thiên tài - đến toàn bộ những chủ đề chính của thơ ca và con người: cuộc sống, tình yêu, cái chết, tình mẫu tử, thân phận con người, Tổ quốc, thế giới… và bao trùm lên tất cả, là vẻ đẹp trong trăn trở của Kiếp người, “cây sậy biết suy tư”.

Đáng nói là ngoài những đề tài “vĩnh cửu”, thi sĩ còn quan tâm đến nhiều đề tài mới, cấp thời (về phong trào lao động, giới công nhân, nhà máy, công xưởng…) và khi thể hiện chúng, ông đã tránh được những mô-típ sáo mòn, thiên về tuyên truyền, cổ động mà thế hệ các nhà thơ “vô sản” cùng thời với ông thường phạm phải.

Bà József Áronné (Pőcze Borbála) với ba con thơ (Attila, Jolán và Etus)

Với độc giả Việt Nam, József Attila thật gần gũi với chùm thơ về người mẹ yêu thương (trong đó có bài đã được dịch ra Việt ngữ từ những năm tháng chiến tranh). Như thi phẩm “Mẹ” (Mama, 1934):

Đã một tuần, tôi thầm nhớ mẹ
Chỉ nhớ Người, tôi cứ nhớ hoài
Hình ảnh bà âm thầm, đi nhẹ
Lên gác trên giặt giũ cho ai.

Tôi thuở ấy vẫn còn thơ dại
Cứ thét gào, hờn dỗi mẹ thôi
Quần với áo, mẹ ơi, bỏ lại!
Mang con lên gác với, con chơi!
 
Bà cứ đi, lặng im chăng áo
Chẳng mắng tôi, cũng chẳng nhìn tôi.
Quần áo sạch thơm đang khô ráo
Bay lên cao rồi đậu lại dây phơi.
 
Biết thế chẳng hờn nhưng giờ đã muộn,
Giờ mới hiểu Người vĩ đại chừng nào -
Mái tóc mẹ xưa trên trời bay lượn
Pha màu xanh cho trời thẳm xanh màu.

Hình ảnh một phụ nữ nghèo, lầm lũi với nghề giặt là, quét dọn để nuôi ba đứa con thơ dại, đã ám ảnh József Attila suốt thi nghiệp và cuộc đời ông:

Người đàn bà ấy, mẹ tôi
Mảnh mai đã sớm lìa đời đi xa […]

Tôi nhìn thấy mẹ, mẹ dừng
Trong tay như vẫn nặng mang bàn là
Thân hình mảnh dẻ của bà
Cuộc mưu sinh đã làm cho điêu tàn.
Càng ngày lại càng mảnh hơn
Càng thêm héo hắt, gày mòn đi thôi.
 
Hãy suy nghĩ, các bạn ơi!
Những người nghèo khó suốt đời lao công!

(”Anyám”, 1931)

Những vần thơ ấy, cùng mảng thơ về đời sống cần lao, cực khổ của dân Hung đương thời, đã khiến József Attila - trái với nhiều đồng nghiệp trong văn đàn - trở nên gần gũi lạ thường với lớp người lao động.

Liên tục và triền miên trăn trở về kiếp con người, về Tổ quốc, về sự sinh tồn và cái chết, József Attila thường chìm đắm trong ưu tư, trong nỗi bi quan trước thời cuộc. Tuy nhiên, mang trong mình tinh thần dân tộc và thế giới, ông đã có những vần thơ mang tính tiên tri, chẳng hạn như về một Châu Âu, tự hào là cái nôi của văn minh mà vẫn không ngừng cảnh chinh chiến:

Ồ, Châu Âu bao nhiêu biên giới,
Biên giới nào cũng chứa bọn giết người,
Hãy đừng để cho tôi phải khóc
Người con gái sinh con - đôi năm nữa - cho đời!

Và hãy đừng để tôi buồn tủi,
Bởi tôi là người của Châu Âu,
Tôi là bạn của loài gấu dại
Mà đời tôi có tự do đâu! […]

(”Ó, Európa”, 1927)

Trong thi phẩm “Bài ca của người Hung buồn” (Bus magyar éneke, 1922), nhà thơ đã nói hộ phần nào tâm thức của người Hung, một dân tộc kiêu hãnh, nhưng bị quá nhiều khổ đau, thua thiệt trong quá khứ (nhất là trong thảm cảnh phải cắt hai phần ba diện tích đất nước cho nước ngoài sau Đệ nhất Thế chiến:)

Thân thể, tim, hồn, tròng mắt gã đều đau
Rồi sẽ hồi sinh hay vĩnh viễn cúi đầu!

Chẳng nhìn nắng hồng, nắng đã rời biên giới,
Và tránh đi giấc mộng tranh, đòi,
Trên nghĩa địa của hồn xưa gã hát
Bài “đừng quên” và cầu khẩn liên hồi:
Hỡi Chúa, đừng quên  hoàn toàn Tổ quốc của tôi!
 
Thân thể, tim, hồn, gã đau quá đi thôi
Nếu giúp được quê hương, gã muốn sống muôn đời.

Dường như tiên đoán được cái chết của mình, ngay từ khi mới 17 tuổi, József Attila đã viết “Một người say nằm trên đường sắt” (Részeg a síneken, 1922), với những lời kết bi thảm:

Anh ngủ như trong lòng mẹ năm xưa.
Quần áo tả tơi, anh chưa vợ, chưa già.

Mặt trời cũng không lên, không gian  trùm  màu xám
Một người say trên đường sắt đang nằm
Và từ xa đất chậm chạp đang gầm.

Nhưng, thơ József Attila, bên cạnh những dằn vặt ấy, không chỉ toàn những mảng màu xám. Ngay trong bài thơ “Gửi Juhász Gyula” (Juhász Gyulához, 1922) gửi người thày của mình, nhà thơ đã lạc quan:

Bởi nếu nhà thơ không còn tin cuộc sống
Thì còn ai tin ở Tổ quốc mới này!

Niềm tin vào cuộc sống ấy, cũng thể hiện trong “Thành thợ làm vườn” (Kertész leszek, 1925), một thi phẩm đẹp, hồn hậu và trong sáng của nhà thơ, đã được phổ nhạc sau này bởi nhạc sĩ tài ba Bródy János:

Thành thợ làm vườn tôi chăm cây
Dậy với bình minh mỗi sớm ngày
Không gì rầy bận tim tôi nổi
Ngoài nhành hoa ghép của tôi đây.

Mỗi nhành hoa ghép quý của tôi
Tôi mến tôi thương như cuộc đời
Lá han dù mọc từ nhành ấy
Vẫn là hoa thực của riêng tôi.
 
Tôi uống sữa ngon và hút thuốc
Tin lành tôi giữ thật trắng trong
Không gì rầy bậy tim tôi nổi
Thân tôi, tôi cũng sẽ đem trồng.
 
Cần lắm ai ơi chút việc này
Mặt trời mọc lặn ở đông tây
Cho dù trái đất tan đi nữa
Hãy có trên mồ hoa cỏ cây.

Và có lẽ, trong nỗi day dứt về thực tại cuộc sống và đau đớn vì “những gì trông thấy”, niềm tin và sự hy vọng của József Attila vẫn đọng lại trong lành nhất, rõ ràng nhất qua những vần thơ tình - với nhiều cung bậc, cấp độ - mà ông viết cho 5 cuộc tình trong 32 năm của cuộc đời. Kể từ những dòng thơ ngây dại cho những mối tình chưa tồn tại thuở đầu đời, như trong “Bài thơ đơn giản” (Egyszerű vers, 1922):

Khi tất cả đã tối đen, đứt đoạn
Chung quanh mình trời cũng xám rồi,
Anh muốn nhìn đôi mắt em, em ơi!
Khi gặp em anh chỉ nhìn đôi mắt
Và muốn hôn mạnh dạn tay em
Anh muốn hôn, nhưng khi ở bên em
Anh biết rằng sẽ không hôn tay em, em ạ.

cho đến khi đã qua những trải nghiệm đầu tiên với một mối tình thực sự, nhưng không thành vì lý do “không môn đăng hộ đối”, ở bài “Hãy đặt tay em…” (Tedd a kezed…, 1928)

Đặt tay em nhè nhẹ
Lên vừng trán của anh
Em ơi em, âu yếm
Như anh đặt tay mình!

Thân anh, em gìn giữ
Như kẻ sắp lìa đời!
Giữ đời anh như thể
Chính đời em, em ơi!
 
Hãy yêu em, em hỡi
Như chuyện đẹp nhất đời
Và tim anh như thể
Chính tim mình, em ơi!

Và, ở độ tuổi chín muồi cả về thi ca lẫn đường đời, cũng lại một người phụ nữ - một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật - đã tạo cảm hứng để nhà thơ có được “Tụng ca” (Óda, 1933), một “tiểu trường ca” 6 đoạn, mãnh liệt, si mê, có lúc hàm chứa cả những cuồng dại xen lẫn dịu dàng như dòng nước chảy của một trái tim đàn ông đa cảm:

Ôi anh yêu em nhiều lắm
Người làm nỗi cô đơn
Đang thủ đoạn
Trong những mạch ngầm sâu nhất của con tim
Cũng phải cất lời,
Và phải cất lời mọi thứ, em ơi!
Như dòng thác tự lìa tiếng gầm riêng của nó
Em lìa anh rồi nhẹ chạy xa anh
Để thân anh giữa những đỉnh đời mình
Kêu thương , gào khóc
Vật vã trên trời và trên mặt đất
Rằng anh say em
Ôi, hỡi em dịu ngọt, phũ phàng! […]

*

Chiếc bàn làm việc của nhà thơ

Qua đời ở tuổi 32, József Attila đã để lại một thi nghiệp đồ sộ về số lượng và bao la về phạm vi đề tài được ông đề cập, gồm trên dưới 600 tác phẩm. Cạnh vai trò thi sĩ, ông còn là một dịch giả đã chuyển ngữ thành công thơ của Mayakovsky, Esenin, Blok (Nga), Rimbaud, François Villon (Pháp)… sang tiếng Hung. Đúng như lời đánh giá trân trọng của các nhà phê bình Hungary: “Tất cả những gì đã tồn tại trong nền thi ca của chúng ta đến lúc bấy giờ, đều thu nhập vào József Attila; tất cả những gì có từ hồi ấy, đều bắt đầu từ ông. Ông là tác gia kinh điển của “tinh thần và tình yêu”, của chủ nghĩa nhân văn, của người Hung ở châu Âu. Ông đã trở thành một tác gia kinh điển, của dân tộc và của văn đàn thế giới“. (**)

Tượng József Attila bên Nhà Quốc hội Hungary, nhìn ra sông Danube (Duna)

József Attila thật xứng đáng với ngôi vị thi bá trên văn đàn Hung thế kỷ XX: sinh nhật ông - 11-4 - được chọn làm “Ngày thi ca Hungary”. Nhân 100 năm ngày sinh của nhà thơ, UNESCO đã chính thức coi năm 2005 là “Năm kỷ niệm József Attila” để xiển dương sự nghiệp của ông, bên cạnh những tên tuổi lớn trong nền văn học thế giới như Andersen (Đan Mạch), Verne (Pháp), Sholokhov (Nga) và Enescu (Romania). Bức tượng đồng của ông đặt cạnh tòa Nhà Quốc hội Hung, nhìn ra sông Duna (Danube), không mấy khi thiếu vắng những bó hoa của dân Hung và du khách vãng lai (***).

Ghi chú:

(*) Có một số ý kiến cho rằng cái chết của József Attila chỉ là một tai nạn đáng tiếc.

(**) László Zoltán (mạng Văn học của Hungary, Literatura.hu)

(***) Một phần của bài viết này đã được sử dụng trong “Lời nói đầu” tập thơ & thơ dịch “Gió trắng” của Nguyễn Thụ, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 2003 (các bản dịch thơ trong bài viết đều của Nguyễn Thụ).

Nguyễn Hoàng Linh - Nguồn ảnh: wikipédia - www.szalok.hu


 
 Từ khóa: József Attila
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn