KỶ NIỆM THƠ

Thứ bảy - 08/05/2004 15:40

(NCTG) Thế hệ chúng tôi đã bước vào giai đoạn hễ gặp nhau là lại nói chuyện "ngày xưa..." Ngày xưa, chúng tôi được thực sự làm quen với thơ từ chương trình phổ thông cấp 4:

Minh họa: istenesversek.hu

Minh họa: istenesversek.hu

Ngày xưa, lớp Bốn tập làm thơ
Bằng, bằng, trắc, trắc, ngẩn ngơ cả ngày.
Ngày xưa trên mảnh giấy này
Bắt con châu chấu kéo cày tí hon.

Có một điều lạ: nhiều bài thơ đọc từ thời thơ ấu, đến bây giờ vẫn thuộc. Và ngược lại, ở tuổi trưởng thành, đọc nhiều bài thơ thấy hay nhưng chẳng đọng lại câu nào cả (trừ thơ Bút Tre)! Tôi đã hỏi một nhà tâm lý về hiện tượng này và được ông giải thích như sau: "Đối với trẻ em, thơ đi từ mặt lên não, ra miệng, vào tai, lên não, vì thế nhớ lâu. Còn người lớn đọc thơ ngấu nghiến, bao nhiêu thơ nuốt hết vào... dạ dày, vì thế thơ đọng không quá một ngày!" Tôi chưa tin vào lời giải thích này lắm, nhưng đành tạm chấp nhận vậy.

*

Trở lại với kỷ niệm thơ, tôi nhớ có người nói:

Thơ hay phải có người bình
Thơ đọc một mình, thơ ngẩn thơ ngơ.

Có lẽ vì thế mà vào những năm 70 của thế kỷ trước, phong trào Bình Thơ và Nghe Bình Thơ phát triển khá rầm rộ ở nước ta.

Vào khoảng mùa Xuân năm 1978, tại Budapest, chúng tôi tình cờ vớ được một tờ báo "Văn nghệ" (phải mở ngoặc nói thêm rằng hồi đó báo Việt Nam hiếm lắm, chứ không bày la liệt như ở quầy anh Thành Nông bây giờ!) Trong số đó, có một bài "bình thơ" khá dài do một nhà thơ nổi tiếng của nước ta viết. Tôi còn nhớ đoạn ông viết về một câu trong bài thơ "Người mẹ" của nhà thơ Hung József Attila:

... Mẹ là quần áo mòn đầu

Ông viết: "Các bạn có biết không, bà mẹ nghèo lắm, phải đi là quần áo thuê bằng bàn là than. Để thử độ nóng của bàn là, bà phải đưa nó sát vào thái dương và sức nóng của bàn là đã làm mòn đầu bà mẹ...". Đọc đến đây, cảm thấy nghi ngờ, một anh bạn tôi đã lật nguyên bản tiếng Hung ra đọc, té ra, theo anh, đoạn thơ ấy József Attila nói là mòn cái đầu của bàn là chứ không phải mòn đầu mẹ! (*)

József Attila và Eltus cùng thân mẫu (Budapest 1919) - Không hề có chuyện bà mẹ của thi hào "để thử độ nóng của bàn là, bà phải đưa nó sát vào thái dương và sức nóng của bàn là đã làm mòn đầu bà mẹ...", như ông nhà thơ Việt Nam ba hoa!

Mặc dù bị "phỉnh lừa" nhưng chúng tôi vẫn mong được gặp nhà "bình thơ" có trí tưởng tượng tuyệt vời ấy. Cầu được, ước thấy. Mùa Đông năm 1978, nhà "bình thơ" sang Budapest. Chương trình của ông: buổi đầu tiên sẽ bình thơ cho tất cả người Việt ở Hungary nghe, sau đó ông xuống các đơn vị. Đơn vị tôi nhanh chân đã đăng ký được buổi thứ hai.

Buổi đầu tiên, đứng trước hàng nghìn người háo hức và im phăng phắc, ông đã bắt đầu bài bình như sau: "Người Việt Nam ta có câu: Đi ỉa thì ra cứt, lên giường thì ra con...".

Cả hội trường ồ lên vì thất vọng. Có cái gì đó tan vỡ trong tôi. Đã chán lắm rồi nhưng vì trót mời, ngay hôm sau chúng tôi lên ĐSQ đón ông nhà thơ về đơn vị. Sau bữa cơm rượu, đúng 7 giờ tối, ông đề nghị đơn vị đem máy ghi âm ra ghi buổi bình thơ của ông để sau này nghe lại.

Có lẽ nhờ cơm dẻo, rượu ngon, ông đã thưởng cho chúng tôi đoạn mở đầu không đến nỗi nào. Trí tưởng tượng của ông bay bổng trong hai câu thơ của Tố Hữu:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

Tiếp sau đó, ông bình một đoạn thơ của Tú Xương tả người nông dân đứng lom khom trước viên quan. Ông cao giọng: "Các cô, các cậu có biết không? Người nông dân đứng lom khom không có nghĩa là ông ta sợ hãi. hai từ "lom khom" đều chứa vần "om", gợi cho ta nghĩ đến từ "BOM". Vì vậy, hình ảnh người nông dân đứng lom khom trước viên quan, chính là hình ảnh của một khối BOM sẽ nổ tung chế độ phong kiến!".

Lại thất vọng. Chúng tôi bí mật tắt máy ghi âm (hồi ấy sinh viên còn nghèo lắm, không có nhiều băng để ghi... lung tung!)

Mấy tháng sau, chuyện "cứt, đái" lại xảy ra. Một nhà thơ khác, có tên tuổi, được Hội Nhà văn Hungary mời qua dự hội nghị ở Balaton. Đơn vị tôi cử một anh bạn học Văn đi dịch cho nhà thơ. Trước khi lên đường về nước, nhà thơ ghé thăm và nói chuyện với chúng tôi một tối. Buổi nói chuyện về một chặng thơ và một chặng đời của tác giả rất thân tình và ấm cúng. Dể kết thúc, anh bạn học Văn trân trọng giới thiệu và đọc hai bài thơ vừa được nhà thơ sáng tác trong một đêm ở Balaton. Qua giọng đọc miền Trung ấm áp của anh bạn, chúng tôi đã rung động cùng nỗi lòng của tác giả, như cảm nhận tiếng sóng vỗ bờ, tiếng gà gáy xa xa.

Buổi chia tay nhà thơ thật lưu luyến. Sau khi đưa tiễn nhà thơ vào tắc-xi, anh bạn học Văn quay trở lại, ngồi phịch xuống ghế và nói: "Thơ là máu, là mồ hôi, chứ có phải là... cứt đâu mà một đêm làm hai bãi!".

Chúng tôi lại thêm một lần sửng sốt và không thể hiểu nổi tình huống ấy. Mãi sau này, khi được nghe chuyện tiếu lâm "vì sao khu tập thể của văn nghệ sĩ không có WC?" thì tôi mới khôn hơn một tí! (**)

Chuyện xưa có thật mà khó tin.

Tôi xin kết thúc bài "Kỷ niệm thơ" bằng hai câu thơ mà tôi rất tâm đắc:

Thơ hay tự nó ngát hương
Bình đi, bình lại thành tương chấm cà!

Ghi chú (của NCTG):

(*) Hình ảnh người mẹ, nghèo khổ, tần tảo làm việc và tận tụy nuôi con, vì con, là một mô-típ rất điển hình trong thi nghiệp của nhà thơ József Attila. Tuy nhiên, trong bài thơ đã dẫn (mà NCTG cho là bài "Mẹ tôi" - Anyám -, sáng tác ngày 6-1-1931), có lẽ cả nhà phê bình lẫn "anh bạn" của tác giả T.B.Đ. đã "bé cái nhầm" rất nghiêm trọng!

Nguyên văn đoạn thơ "có vấn đề" ấy như sau:

Anyám volt, apró, korán meghalt,
mert a mosónõk korán halnak,
a cipeléstõl reszket lábuk
és fejük fáj a vasalástól.

Dịch nghĩa:

Mẹ tôi, vóc dáng thấp nhỏ, đã qua đời sớm
vì những người phụ nữ giặt là [như bà] đều chết non
chân họ run rẩy vì phải vác [nặng]
và đầu thì đau nhức vì phải là [nhiều quần áo].

Nguyễn Thụ dịch trong tập "Gió trắng":

Người đàn bà ấy mẹ tôi
Mảnh mai đã sớm lìa đời đi xa,
Vì rằng phụ nữ giặt là
Chết non là chuyện xẩy ra thường ngày,
Mang vác lắm run chân tay,
Là nhiều nên họ rất hay nhức đầu.

Một bản dịch khác của Huê Sơn:

Mẹ tôi đó, mảnh mai mất sớm
Giống bao người thợ giặt tuổi cùn
Kiếp nghèo vác nặng chân run
Là nhiều quần áo, khói hun đau đầu.

Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng không hề có chuyện thân mẫu József Attila "đưa bàn là sát vào thái dương và sức nóng của bàn là đã làm mòn đầu bà mẹ", hay nhà thơ "nói mòn cái đầu của bàn là chứ không phải mòn đầu mẹ!".

(**) Xin xem thêm loạt tranh luận (khen và chê) về bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có thể "minh chứng" cho nhận định này.

T.B.Đ., từ Budapest - Tháng 5-2004


 
 Từ khóa: József Attila
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn